Văn học kháng chiến chống Mỹ đã xây dựng rất thành công hình tượng những cô thanh niện xung phong, những anh bộ đội dũng cảm trên con đường Trường Sơn khói lửa.Tác giả Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn làm được điều đó. Bà vốn là một nhà văn trưởng thành trong cuộc chiến đấu khốc liệt, nhiều hi sinh mất mát, từng gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, nên bà am hiểu cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm đầu tay của bà, được viết vào năm 1971, khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt. Nhân vật Phương Định, một cô gái thanh niên xung phong xinh đẹp và anh hùng đã được nhà văn khắc họa để tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật này chính là nhận thấy được vẻ đẹp lịch sử oanh liệt của bao lớp cha anh băng mình ra trận bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Phương Định là nhân vật được tác giả đặt trong một tập thể gồm ba cô gái thanh niên xung phong đã gắn bó thành một khối thống nhất. Họ là Nho, Thao và Phương Định. Những nét chung của Phương Định với các đồng đội của mình là cuộc sống chiến đấu của các chị. Phương Định cùng đồng đội sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, nơi bom đạn trút xuống hàng ngày, và các cô gái trẻ phải đối mặt với thần chết từng giây phút. Công việc mà Phương Định cũng đồng đội đảm trách là trinh sát mặt đường, đo khối lượng đất để lấp hố bom, thông đường cho xe ta mặt trận. Nguy hiểm hơn cả, Phương Định còn cùng hai đồng đội đếm bom nổ chậm, phá bom nếu cần. Với một người con gái tuổi mười tám, đôi mươi như Phương Định thì đây quả là một cuộc sống thật nhiều khó khăn, thiếu thốn và hết sức hiểm nguy.
Đối lập với cuộc sống khó khăn đáng sợ đó, tác giả miêu tả cô gái thanh niên xung phong đó thật đẹp và thật hiền hòa. Phương Định vốn là một cô gái Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã xung phong ra trận, đó là vẻ đẹp lý tưởng ở những con người trẻ tuổi thuộc thế hệ đánh Mỹ. Ngoại hình của Phương Định khá xinh đẹp, tác giả đánh giá là:"Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng."... Cách tả người của Lê Minh Khuê rất tự nhiên, bà đã làm sống lại chân dung của một cô thanh niên xung phong xinh đẹp trong những năm đánh Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn. Vẻ đẹp của Phương Định mới trong trẻo làm sao, đó là nét đẹp của tuổi trẻ giàu sức sống, tỏa ra sự cuốn hút tự nhiên, không cần trau chuốt và tô điêm. Phương Định ý thức được vẻ đẹp của mình và trân trọng nó, nhưng cũng không quá kiêu kỳ, xa cách.Có thể nói, có rất nhiều những cô gái như Phương Định, đang cống hiến tuổi xuân đẹp nhất của mình cho sự nghiệp chiến đấu chống giặc ngoại xâm trong những tháng năm chống Mỹ cứu nước.
Tính cách của Phương Định có nhiều nét còn trẻ con. Cô thích say sưa ca hát: "Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có".Lời ca tiếng hát thể hiện niềm yêu đời của Phương Định và những đồng đội của chị.Cái yêu đời đó bộc lộ trong những giờ phút hiểm nguy trong bom đạn. Nhà văn viết về họ: "bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng trắng loá trên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là "những con quỷ mắt đen".Giọng văn thật tinh nghịch.Phải chăng cái hồn nhiên của họ cũng là một sức mạnh để họ chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng cả cái chết để bảo vệ tuyến đường ra trận cho bộ đội ta. Trong nét trẻ con của Phương Định, nhà văn giúp người đọc cảm nhận được chất kiên cường vừa bình thường mà lại rất phi thường. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của Phương Định hẳn khiến nhiều anh bộ đội thầm thương trộm nhớ, nhưng Phương Định cũng không kiêu căng. Đối với cô, "những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ". Tâm hồn trẻ trung của Phương Định thật đẹp, một vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng, chan chứa tình yêu thương và nghị lực lạc quan, dù hoàn cảnh sống và chiến đấu của chị rất nhiều gian khổ và hiểm nguy.
Tuy nhiên, vẻ đẹp tâm hồn của Phương Đinh không phải chỉ có vậy, nét nổi bật lên ở nhân vật này phải nói là phẩm chất dũng cảm, vốn là vẻ đẹp của những người thanh niên xung phong trên tuyến lửa đường Trường Sơn. Phương Định được miêu tả khi thực hiện nhiệm vụ trên cao điểm: "Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ...".Cái hơi thở nóng bỏng của chiến tranh lướt qua những trang văn của Lê Minh Khuê đủ để người đọc hình dung được sự khốc liệt và bóng dáng của thần Chết in hình trong những quả bom nổ chậm đáng sợ. Nhưng đó là nhiệm vụ mà các cô gái cần hoàn thành để đảm bảo an toàn cho những chuyến xe. Phá bom đã trở thành công việc thường xuyên, những phút giây cận kề nguy hiểm không phải là ít. Tác giả đã tả những cử chỉ của Phương Định khi phá bom rất chuẩn xác: chị cẩn thận bỏ gói thuốc nổ cạnh quả bom, khỏa đất, chạy lại chỗ núp, nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ... Những động tác ấy diễn ra trong một sự căng thẳng tột độ, bởi Phương Định và đồng đội hiểu rõ mình đối mặt với cái gì.Nhưng lúc đó, lạ thay Phương Định lại không sợ hãi cái chết, chị chỉ nghĩ làm sao có thể hoàn thành được nhiệm vụ, nhiệm vụ là trên hết. Cái anh hùng trở nên bình thường, và càng cao cả hơn bởi nó là điều bình thường của các cô gái trong những trận chiến đấu ác liệt này. Sự điềm tĩnh của họ là nét tính cách có được qua rèn luyện, cũng là bởi vì họ hiểu ý nghĩa những việc mình làm, và họ sẵn sàng hi sinh nếu Tổ quốc cần. Những cô thanh niên xung phong như Phương Định đã đi vào thơ ca của thời đại chống Mỹ với vẻ đẹp anh dũng đó, khiến trái tim bao người yêu mến và khâm phục:
"Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy..."
(Gửi em, cô thanh niên xung phong - Phạm Tiến Duật)
Anh dũng và quật cường đến thế, nhưng Phương Định là cô gái rất giàu tình cảm, chị còn mang trong trái tim mình những tình cảm sâu nặng với đồng đội.Gắn bó với chị Thao và Nho trong cuộc chiến đấu sinh tử, Phương Định đã coi họ như những người ruột thịt, như chính bản thân mình. Chị hiểu rõ tính cách của từng người trong tiểu đội: chị Thao rất quyết đoán và bình tĩnh trong chiến đấu, là một người chỉ huy dứt khoát, "nhưng thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu".Còn về Nho, người bạn gái chung tiểu đội, Phương Định thấy bạn là cô gái có nét đẹp "nhẹ, mát như một que kem trắng". Khi chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm, Phương Định lo âu, đứng ngồi không yên, vì "không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất". Cuộc chiến đấu khốc liệt thường xuyên đối mặt với cái chết không làm Phương Định nao núng. Nhưng khi Nho bị bom vùi, chị cuống cuồng lao tới để cứu bạn, rồi chăm sóc Nho với tất cả sự ân cần và tình thương tận tụy nhất, mặc dù Phương Định và các bạn chẳng bao giờ rơi nước mắt, vì "trên cao điểm này, chúng tôi không ưa nước mắt. Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần phải cứng cỏi là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ".
Vẻ đẹp của lý tưởng sống thời đại chống Mỹ tỏa ngời trong tâm hồn Phương Định. Nhưng bên cạnh đó, nhà văn còn thể hiện tình yêu thành phố quê hương và nỗi nhớ me luôn da diết trong lòng chị. Cách viết đấy xúc cảm khi tác giả gợi ra những hình ảnh: "mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể là những cái đó... hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy cái xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh, con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa phùn hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên.những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng với cải mủng đội trên đầu...".Những nét cảnh vật và con người được liệt kê ra tưởng chừng rời rạc,nhưng lại hợp thành một bức tranh êm đềm, nên thơ về quê hương của Phương Định.Nỗi nhớ của Phương Định thật chi tiết, rõ ràng, nên thật da diết. Phương Định là một cô gái trẻ, một cô con gái của bà mẹ Hà Nội, với nét ngây thơ trong tính cách, và với một nội tâm phong phú cảm xúc, làm cho người đọc không thể không yêu mến chị. Và chúng ta cũng khó mà quên được hình ảnh Phương Định thích thú như thế nào trước cơn mưa đá, có thể nói chị "vui thích cuống cuồng", cứ chạy vào chạy ra để ngắm nhìn, rồi khi mưa tạnh, chị lại tiếc thẫn thờ... Cách miêu tả quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau của Lê Minh Khuê đã đem đến cho nhân vật Phương Định một chiều sâu và vẻ đẹp tính cách, khiến cho nhân vật trở nên sống động và lôi cuốn người đọc.
Tóm lại, cũng như cái tên "Những ngôi sao xa xôi " của truyện ngắn, Phương Định là một ngôi sao đẹp trên bầu trời Trường Sơn những năm chống Mỹ. Chị có vẻ đẹp tiêu biểu của cả một thế trẻ thời đại chống Mỹ: rất hiền hòa mà vô cùng anh dũng, giàu yêu thương nhưng rất kiên định đấu tranh. Nét riêng của Phương Định là vẻ đẹp tâm hồn trong sáng tuyệt vời của chị, đã làm cho nhân vật của Lê Minh Khuê có một sức sống lâu bền trong văn học Việt Nam.
Cách viết của nhà văn Lê Minh Khuê trong Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có nét tài hoa riêng của bà.Bà sử dụng ngôi kể là ngôi thứ nhất nên lời kể rất tự nhiên, sinh động.Cách miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế cùng với ngôn ngữ chọn lọc đặc sắc. Có thể nói Lê Minh Khuê đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh của một cô gái xinh đẹp anh hùng trong cuộc chiến đấu ác liệt. Từ đó, nhà văn giúp chúng ta hình dung thêm về sự khốc liệt của chiến tranh và những cống hiến, hi sinh lớn lao của thế hệ đi trước, thế hệ chống Mỹ cứu nước, để đem lại cuộc sống thanh bình như hôm nay.