Sách là một trong những phát minh vĩ đại và tài sản quý giá nhất của loài người trong quá trình nhận thức về giới tự nhiên và các quy luật xã hội. Sách lưu giữ và truyền bá tri thức; là người thầy và cũng là bạn, vừa bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc nên bản lĩnh đồng thời cũng mách bảo, sẻ chia vui buồn, nâng đỡ những ước mơ, khát vọng và đam mê. Sách như tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội, chỉ báo tin cậy về trí tuệ và phẩm cách của một con người, một thời kỳ, một quốc gia, dân tộc. Có người ví sách như một bảo tàng bằng ngôn ngữ. Nhưng sách đâu chỉ lưu giữ những gì đã qua, mà còn dẫn dắt người đọc vượt lên trước thời gian để đắm mình trong xã hội tương lai. Ngày nay, khi kinh tế tri thức đang ngày càng chứng minh sức mạnh và hiệu quả của nó thì sách trở thành công cụ trí tuệ không thể thiếu được. Để có được một nghề: cần có sách. Để giữ được chỗ làm hoặc có chỗ làm việc với thu nhập cao hơn cũng cần đọc, hiểu và biến những con chữ bất động trong những trang sách thành khả năng và kỹ năng được thể hiện sinh động trong cuộc sống.
Đọc sách để nấu được một món ăn mới lạ. Đọc sách để có thể trồng nấm, nuôi gà, nuôi tôm. Đọc sách để chuẩn bị cho bổn phận làm mẹ, nuôi con tốt hơn. Tra cứu tên một loại biệt dược để phòng tác dụng phụ khi dùng thuốc… Giản dị hơn, đọc sách bên một sạp vải ở chợ khi chưa có khách ghé mua. Sách cho ta biết những chữ cái đầu tiên của tiếng mẹ đẻ khi cắp sách tới trường những ngày thơ ấu. Và một đôi dòng trong cuốn gia phả của dòng họ để lưu giữ một cái tên, một sự nghiệp, một cuộc đời của ai đó đã đi xa.
Sách thanh cao mà thân thiết. Hữu hạn mà vô tận, vô cùng. Điều khác nhau là mỗi cuốn sách nói gì, để lại gì cho trí tuệ và tâm hồn người đọc. Thời gian sẽ gạn lọc những tinh túy để chở tới tương lai vô cùng và bỏ lại những gì là sản phẩm của một khoảnh khắc, của một thời… Bàn luận về sách bao nhiêu cũng chưa đủ, như nói về tình yêu vậy. Tình yêu với sách đã trải dài hơn 6000 năm, từ sách bằng đất sét, da thú, tre trúc… đến nay là sách điện tử. Chưa biết sách sẽ có cấu trúc vật chất như thế nào trong tương lai; song tin chắc rằng tình yêu với sách sẽ không phai nhạt. Chừng nào con người còn cần hiểu biết, cần sẻ chia, thì sách còn là người thầy, người bạn thủy chung. Vậy, lẽ nào lại không yêu sách! Tình yêu ấy cần khơi gợi và nuôi dưỡng thường xuyên với mọi lứa tuổi. Chúng ta cần một hành động thiết thực, cụ thể hơn. Cảm ơn SachHay.com đã tổ chức Hội thảo và đề xuất một lần nữa về sự cần thiết có một ngày tôn vinh sách. Đã có ý kiến cho rằng nên gọi là Ngày Tết sách hay Ngày Toàn dân đọc sách. Mỗi cách gọi đều có ý nghĩa, có sức kêu gọi và lay động riêng. Cá nhân tôi xin đề nghị nên gọi là Ngày sách Việt Nam. Trong tâm thức người Việt Nam, Tết trước hết là Tết nguyên đán (1 tháng giêng theo Âm lịch); Tết Độc lập (mùng 2 tháng 9) hoặc Tết trung thu cho các cháu nhi đồng. Còn lại thường được gọi là hội hoặc lễ.
Nếu gọi là ngày Toàn dân đọc sách e cũng khiên cưỡng, như một khẩu hiệu kêu gọi theo cách phát động một số phong trào hiện nay. Mặc khác, đọc sách tuy là hoạt động quan trọng nhằm khai thác, thưởng thức, sử dụng những giá trị của sách nhưng mới giới hạn ở sự hưởng thụ sách của người đọc. Vì vậy, cần chọn một tên gọi để có thể vừa tôn vinh những giá trị của sách vừa tôn vinh tác giả, những người tham gia vào quá trình đưa sách đến tay bạn đọc, lại vừa góp phần xây dựng thói quen đọc sách và quảng bá sách hay, sách tốt. Mục tiêu cuối cùng của Ngày sách Việt Nam không phải chỉ là phát hành được nhiều bản sách, cho dù đó là những cuốn sách có giá trị cao, mà quan trọng hơn như mưa dầm thấm lâu, sách đặt nền tảng cho ứng xử của người đọc, của xã hội ngày càng hợp quy luật hơn, tạo ra sức mạnh tâm thế của dân tộc, góp phần bảo vệ và xây dựng một đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh và hạnh phúc.
Đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh, người dân hạnh phúc là tâm nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nên chọn ngày công bố một tác phẩm của Người là Ngày sách Việt Nam. Xin đề nghị lấy ngày phát hành cuốn sách “Đường Kách Mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong khóa đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tại Quảng Châu, Trung Quốc vào mùa Xuân năm 1927. “Đường Kách Mệnh” thực sự là cuốn cẩm nang về lý luận cách mạng cho nhiều thế hệ cán bộ của Đảng ta. Cuốn sách là một mốc son lịch sử chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng về đường lối trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước.
Và như vậy, Ngày sách Việt Nam bắt đầu từ một mốc son lịch sử sẽ có ý nghĩa và sức lôi cuốn nhiều người.