Tuy có thể nói là ít khi xảy ra, nhưng trong quá trình thực hiện phẫu thuật cắt túi mật, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số rủi ro gây ra các biến chứng, hội chứng sau cắt túi mật, bao gồm:
– Tổn thương ống mật: các ống dẫn mật có thể bị tổn thương ngay trong quá trình loại bỏ túi mật. Khi đó người bệnh có thể cần phải tiến hành phẫu thuật một lần nữa để giải quyết các tổn thương này.
– Tổn thương ruột, mạch máu: dụng cụ phẫu thuật có thể làm tổn thương ruột, các mạch máu. Điều này sẽ được giảm thiểu đến mức tối đa nếu bác sỹ là người có chuyên môn và kinh nghiệm cao.
– Rủi ro gây mê: để thực hiện ca phẫu thuât, tất cả người bệnh đều phải gây mê. Tuy nhiên, một số người có cơ địa quá mẫn cảm có thể bị dị ứng, phản ứng với thuốc. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong ngay sau đó.
– Rò rỉ mật: khi túi mật được lấy ra, bác sỹ sẽ sử dụng những kẹp đặc biệt để đóng lại đầu nối túi mật với ống mật chủ, nhưng đôi khi dịch mật có thể bị rò rỉ ra ngoài bụng gây nhiễm khuẩn phúc mạc.
– Nhiễm trùng: vết mổ có thể bị nhiễm trùng gây ra các triệu chứng như đau nhiều, sưng hoặc tấy đỏ, có mủ rò rỉ… Để hạn chế tình trạng này, người bệnh sẽ được sử dụng kháng sinh trước, trong và sau khi phẫu thuật .
– Xuất huyết: một số ít người bệnh có thể bị xuất huyết ngay sau khi vừa phẫu thuật, trong những trường hợp này người bệnh cần phải được can thiệp nội khoa ngay lập tức.
– Huyết khối tĩnh mạch sâu: một số người bệnh có nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối) trong quá trình phẫu thuật, gọi là chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, thường xảy ra trong tĩnh mạch ở chân. Cục máu đông có thể bị bóc tách ra khỏi thành mạch, di chuyển theo mạch máu, gây tắc mạch phổi và dẫn tới tử vong.