A.Gợi ý tìm hiểu bài
I. Trả lời câu hỏi:1. Liên hệ hiện tại với tương lai
– Việc liên tưởng đến tương lai để khẳng định sự gắn bó mãi mãi của cây tre mặc dù hoàn cảnh sống có thay đổi thì tre vẫn còn ở đó với cuộc sống của người Việt Nam. Tre đã từng giúp ích rất nhiều cho người dân trong lao động sản xuất và chiến đấu từ xưa chống lại giặc ngoại xâm cũng như thời bình. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, vẻ đẹp của tre mang đậm ý nghĩa biểu trưng cho nét đẹp tinh thần kiên cường, thủy chung của người Việt Nam.
-Tác giả đã bày tỏ tình cảm ngợi ca của mình đối với cây tre qua cả những từ ngữ trực tiếp và gián tiếp:
+Khi bày tỏ một cách gián tiếp thì thông qua việc phân tích những nét đẹp, công dụng riêng của nó như có thể làm cổng chào, làm diều….
+ Còn thể hiện một cách trực tiếp thì sử dụng những từ ngữ đầy nâng niu trân trọng bằng những lời cảm thán, lời văn thiết tha, hình ảnh cây tre điệp lại nhiều lần… như:Thủy chung, nhũn nhặn, ngay thẳng, cao quý…
2. Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ hiện tại
Trong đoạn văn này, tác giả thể hiện sự say mê với trò chơi gà đất trong niềm hoài nhớ da diết, lắng sâu. Trong dòng hồi nhớ ấy, những hình ảnh của trò chơi tuổi thơ hiện lên với một vẻ đẹp kì diệu, mang màu sắc lung linh của tâm tưởng nhớ nhung, nhuốm màu sắc triết lí sâu xa của một tâm hồn đã từng trải,… Sự chuyển mạch cảm xúc từ hồi nhớ quá khứ đến suy nghĩ hiện tại cũng chính là sự xoay chuyển tâm lí trong tâm hồn tác giả: “Bây giờ tôi hiểu ra,…”. Nhưng vẫn là sự tiếc nuối của một trò chơi giờ đã không còn hay chính là tuổi thơ đã trôi qua của tác giả.
3. Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước
-Lời nói của cô giáo là tình huống bắt đầu cho người viết bày tỏ tình cảm yêu mến của mình với cô giáo. Tình cảm sâu sắc ấy được bộc lộ qua những kỉ niệm mà tác giả gợi lại và những cảm nhận, cũng như sự biết ơn của tác giả đối với cô giáo của mình: “Không bao giờ, phải, không bao giờ em lại quên cô được…”
-Bằng sự liên tưởng từ Lũng Cú, cực Bắc của Tổ quốc tới Cà Mau qua việc kể về những đặc sắc từng vùng miền, tác giả đã thể hiện tình yêu đất nước, ước mong về tương lai, nhắn nhủ ân tình Nam – Bắc sâu nặng, bền chặt.
4. Quan sát, suy ngẫm
Bài văn thể hiện tình mẫu tử chân thật, cao đẹp và giản dị đời thường của người mẹ với nhân vật “tôi”. Bằng tài quan sát tinh tế hình ảnh “u tôi” tác giả đã được khắc họa và đan lồng những lời nhận xét sắc xảo, thấm đẫm tình thương yêu, người đọc thấy được tình cảm sâu đậm của người con với mẹ. Hình ảnh “u tôi” hiện ra phác họa những nếp nhăn, mái tóc lốm đốm trắng càng rõ nét bao nhiêu, nhận xét càng chân thực, sắc sảo bao nhiêu thì tình thương yêu càng sâu sắc bấy nhiêu.