Bài thơ thật sự trở thành phương châm sống của nhiều người. Có thể một ai đó cho rằng triết lý sống ở đây thật giản đơn, như dân gian thường nói: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Cũng có thể! Chỉ có điều triết lý ấy sở dĩ có sức sống, sức lan truyền mạnh mẽ là bởi Người đã tự rút ra từ cuộc đời sôi nổi, cao đẹp và thật giàu ý nghĩa của chính mình. Đặc biệt trong phương pháp dùng người của Bác, chúng ta còn phải học tập rất nhiều. Bác đã dặn rèn đạo đức phải như “giã gạo”, nhưng dùng người, dùng cán bộ Bác khuyên chúng ta chớ có dùng theo lối “giã gạo”. Ý của Bác chính là phải giáo dục bồi dưỡng rèn luyện, phải có chương trình khoa học cụ thể, đồng thời phải kiểm soát công việc của cán bộ tránh cho cán bộ mắc phải sai lầm. Nếu làm không tốt sẽ để cán bộ trôi nổi trong phong trào, thấy tốt thì nhấc lên đề bạt bổ nhiệm, không có kiểm tra giám sát, không có chính sách tạo động lực cho cán bộ phát triển, để họ mắc phải sai lầm thì lại kỷ luật vùi dập. Bác đưa ra hình ảnh so sách, Bác nói cứ nhấc lên đập xuống như vậy thì hỏng cả một đời cán bộ. chính vì vậy dùng người không được dùng như lối giã gạo. Đối với thế hệ trẻ chúng ta hiện nay đặc biệt là những đảng viên, đoàn viên thanh niên, 4 câu thơ như ngọn hải đăng dẫn đường chỉ lối, là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo trên suốt chặng đường dài. Dù đứng ở góc độ nào, chúng ta đều có thể thấy được ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn song vẫn đầy lạc quan cánh mạng, lòng yêu nước và tinh thần nhân đạo sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.