Con người là một sinh vật - xã hội, do đó để tồn tại và phát triển con người không những phải thực hiện những nhu cầu vật chất mà cả những nhu cầu tinh thần. Lợi ích là những phương thức hướng vào sự thỏa mãn các nhu cầu của con người trong đời sống xã hội. Vì thế, tương ứng với những nhu cầu là những lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Và, chúng cũng gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ trong quá trình hình thành và phát triển của con người.
Hai mặt sinh học và xã hội là thống nhất trong bản thân con người, vì thế chúng ta không thể khẳng định một cách chung chung rằng lợi ích vặt chất hay lợi ích tinh thần, cái nào quan trọng hơn cái nào, cũng như lợi ích nào có ý nghĩa động lực mạnh mẽ hơn lợi ích nào. Để khẳng định được những điều đó, cần phải xem xét tương quan giữa chúng trong sự tồn tại hiện thực ở những hoàn cảnh cụ thể. Lợi ích nào đang hướng vào sự thỏa mãn những nhu cầu cấp bách nhất của chủ thể hoạt động thì nó trở thành quan trọng nhất và cũng đang đóng vai trò động lực mạnh mẽ hơn cả.
Về mặt lịch sử ta thấy, mục đích giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã lôi cuốn cả dân tộc ta hành động. Mục đích ấy là sự phản ánh những nhu cầu và lợi ích cấp bách của cả dân tộc suốt thời gian lịch sử ấy. Về mặt xã hội, những nhu cầu và lợi ích này rõ ràng được biểu hiện là một lý tưởng chung, mang tính chất trừu tượng - lợi ích tinh thần. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, nó đã trở thành một động lực vô cùng mạnh mẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp bách chiến bách thắng của dân tộc. Khi đó mạng sống của từng cá nhân không còn ý nghĩa gì trước lý tưởng giải phóng dân tộc, đó là lẽ sống tự nguyện của mọi người - thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Sau năm 1975, những nhu cầu và lợi ích cấp bách ấy đã được thỏa mãn. Lịch sử đã thay đổi, và những lợi ích của con người trước đây ở vị trí thứ yếu bị lu mờ thì nay nổi lên là cấp bách và ở vị trí số một. Và, những chuẩn mực giá trị của xã hội cũng thay đổi theo. Nếu trước đây những giá trị đạo đức - tinh thần, những giá trị tập thể và phẩm chất tập thể được tôn trọng và đề cao thì dần dần trong cơ chế mới, nhất là từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, những giá trị vật chất, những phẩm chất cá nhân lại chi phối mọi người.
Cuộc sống như một dòng chảy diễn ra chứng theo ý chí của một cá nhân riêng lẻ nào, nhưng hầu như lại phù hợp với đa số. Cứ thế mà các quan hệ tất yếu quy định đời sống con người, dẫu nó chính là sản phẩm của sự hoạt động của mọi người. Trong quá trình sinh sống của xã hội loài người, sự chuyển đổi vị trí các lợi ích của con người có lẽ là một sự biến thiên không ngừng.
Dĩ nhiên, trong tính tổng thể của sự tồn tại của con người và xã hội loài người, lợi ích vật chất bao giờ cũng quan trọng hơn lợi ích tinh thần. Bởi lẽ nó trực tiếp hướng vào thực hiện các nhu cầu mang tính quyết định sự tồn tại cái thể xác - cái cơ chất mà trên cơ sở đó cái tinh thần nảy nở và phát triển. Tục ngữ có câu: "dân dĩ thực vi thiên", "có thực mời vực được đạo". Cảm nhận dân gian ấy cũng rất phù hợp với ý kiến của C.Mác: "Con người trước hết cần phải ăn, uống, ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo...". Như thế, lợi ích vật chất là tiền đề quyết định lợi ích tinh thần và cũng là cơ sở để thực hiện các lợi ích tinh thần.
Về mặt xã hội, những tiến bộ về cơ sở vật chất - kỹ thuật hạ tầng sẽ quyết định thượng tầng kiến trúc. Thế nhưng, sự phát triển của thượng tầng kiến trúc như thế nào lại có tác động trở lại (có ý nghĩa thúc đẩy hay kìm hãm) sự vận động của hạ tầng cơ sở. Chẳng hạn, ta thấy trong giai đoạn chúng ta thực hiện tập thể hóa, nhất là các năm từ 1975-1985, do cơ chế quản lý chỉ huy quan liêu bao cấp do quan hệ sản xuất không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đã kìm hãm sức sản xuất của xã hội ta. Thời kỳ đó, do sản xuất đình đốn mà đời sống của nhân dân ta đã bị rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.
Lợi ích vật chất do hướng vào sự thỏa mãn các nhu cầu tồn tại thiết yếu của con người, nên đối với những xã hội mới phát triển (đang phát triển) bao giờ nó cũng có ý nghĩa động lực mạnh mẽ nhất. Nhưng một khi xã hội đã phát triển, thoát ra khỏi tình trạng nghèo khổ đời sống vật chất của các gia đình và xã hội nhìn chung đã ở mức cao thì lợi ích tinh thần sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Bởi lẽ, nó hướng vào xây dựng một xã hội văn hóa cao và phát triển những phẩm chất nhân tính đặc trưng của con người và xã hội loài người. Về điều này ta thấy khá rõ trong sự quan tâm của các gia đình ở xã hội ta trong giai đoạn hiện nay. Đối với một gia đình cụ thể, khi đời sống kinh tế đã ổn định, đủ ăn và có một chút dư thừa thì ngoài phần đầu tư cho sản xuất, họ thường đầu tư cho con cái học hành cũng như mua sắm các phương tiện nghe nhìn (tivi, radio, casstte...) nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần của các thành viên gia đình.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, ta có thể thấy quá trình thực hiện các lợi ích vặt chất là từng bước tạo cơ sở và điều kiện để thực hiện các lợi ích tinh thần. Nhưng như đã chỉ rõ, các lợi ích tinh thần có một ý nghĩa vô cùng căn bản trong sự phát triển xã hội của con người. Chính nó tạo nên môi trường sinh sống lành mạnh, con người được bình yên lao động và hưởng thụ nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hẳn là không ai có thể sống vinh hoa phú quý và hạnh phúc trong một môi trường bất ổn và tính mạng luôn luôn bị đe dọa.
Ở một khía cạnh khác ta thấy, thỏa mãn lợi ích tinh thần ở những trình độ nhất định sẽ có tác động đến chủ thể trong việc hạn chế hay tăng cường những ham muốn vật chất theo những chuẩn mực giá trị tiến bộ của xã hội. Nghĩa là, thực hiện các lợi ích tinh thần, nâng cao đời sống văn hóa sẽ tác động một cách tích cực đến quá trình này sinh và thực hiện các lợi ích vật chất theo xu hướng tiến bộ và phát triển xã hội văn minh. Như vậy, trong sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cả xã hội, lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ. Có thể nói, lợi ích vật chất hướng vào thỏa mãn các nhu cầu về cuộc sống đầy đủ và ấm no của con người, còn các lợi ích tinh thần lại hướng vào xây dựng một cuộc sống phong phú, lành mạnh và hạnh phúc của họ.
Dĩ nhiên, nếu xét đến cùng thì các lợi ích vật chất đóng vai trò quyết định và là tiền đề, là cơ sở để thực hiện các lợi ích tinh thần. Và, thực hiện các lợi ích tinh thần sẽ tạo ra những khả năng mới trong sự nảy sinh cũng như làm xuất hiện những phương thức mới để thực hiện các lợi ích vật chất mới.
Công cuộc đổi mới ở nước ta trong thời gian qua đã làm tăng mức sống của hầu hết các gia đình, nhưng với thực trạng số hộ giầu ở nông thôn ước chừng 12-20% và số hộ nghèo ước chừng 10-25%, số còn lại mới chỉ đủ ăn, thì rõ ràng là đa số nông dân của ta thuộc diện nghèo đói và đủ ăn (hơn 80% dân số cả nước sống ở nông thôn). Đủ ăn nghĩa là đời sống kinh tế của các gia đình này cũng còn hết sức bấp bênh, chưa có tích lũy, chỉ cần một sự rủi ro nhỏ các gia đình đủ ăn này có thể sẽ rơi ngay xuống nghèo đói. Vì thế các lợi ích vật chất đang đóng vai trò quan trọng nhất, bởi lẽ các nhu cầu tồn tại tối thiểu đang là những nhu cầu cấp bách nhất của các cá nhân, của mỗi gia đình cũng như của cả xã hội.
Do đó, lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế của các cá nhân, của các gia đình cũng như của cả xã hội đang trở thành động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc mọi người hoạt động. Sự hoạt động của mỗi cá nhân, mỗi gia đình vì một mục đích hết sức cụ thể là làm sao nhanh chóng thoát khỏi được sự nghèo khổ của bản thân mình, song nó cũng tạo nên những xu hướng vận động của xã hội. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, mục đích của mỗi cá nhân, mồi gia đình cũng phù hợp với mục đích chung của đất nước. Nghĩa là các hoạt động đều tập trung nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu hiện tại để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Thực tế cuộc sống cho thấy, các lợi ích kinh tế, các lợi ích vật chất đang chi phối hết sức mạnh mẽ cả nhận thức và hành động của các cá nhân và cộng đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoạt động căn bản của xã hội ta trong giai đoạn hiện nay là lao động sản xuất và kinh doanh. Sự thay đổi nhu cầu và lợi ích đã dẫn đến sự thay đổi hoạt động, và ngược lại.
Mục đích của chúng ta không phải chỉ là dân giầu, nước mạnh, mà là mong muốn xây dựng một chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực. Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh và gia đình hạnh phúc. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù tính tất yếu kinh tế đang chi phối mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cá nhân cũng như toàn xã hội, nhưng Đảng và Chính phủ ta chủ trương không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải tập trung đầu tư phát triển văn hóa-xã hội. Điều này cũng rất phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc ta, bởi khác với con người của các xã hội phương Tây, nơi chủ nghĩa cá nhân được đề cao, nơi lợi ích vật chất của các cá nhân luôn luôn là tối thượng, cơn người Việt Nam cùng với khao khát cuộc sống vật chất đầy đủ là khát khao về quan hệ gia đình đầm ấm, anh em và cộng đồng hòa thuận, thân ái. Nhân tố tình cảm cộng đồng, tinh thần cộng đồng chi phối hết sức mạnh mẽ các ham muốn cũng như các hành vi ứng xử của con người Việt Nam.
Hơn thế, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, con đường mà các nước tư bản phát triển đã đi qua, mặc dù hiện tại về mặt kinh tế, về đời sống vật chất họ đã đạt tới đỉnh cao, nhưng các vấn đề hôn nhân và gia đình, vấn đề người già, mại dâm, tội phạm, các vấn đề môi trường... nhìn chung là các vấn đề văn hóa - xã hội ở nhiều nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng gay gắt. Trong giai đoạn hiện nay, cơ chế kinh tế thi trường và mở cửa đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Về mặt kinh tế, sự tác động ấy đang từng ngày từng giờ làm thay đổi mức sống và đời sống kinh tế của đất nước và tạo ra một sự tăng trưởng kinh tế rất đáng phấn khởi (mức độ tăng trưởng kinh tế các năm: 1991: 6%, 1992: 8,6%, 1993: 8,1% và 994: 8,8%).
Về mặt văn hóa - tinh thần cũng đang diễn ra một sự chuyển đổi không chỉ phương thức sinh hoạt mà cả nội dung sinh hoạt văn hóa tinh thần theo cơ chế mới, mang tính chất tự phát. Đó trước hết là sự thay đổi phương thức sinh hoạt văn hóa tinh thần theo mô hình hành chính tập thể sang phương thức sinh hoạt mang tính hộ gia đình, tầng lớp xã hội (giàu-nghèo) và mang tính cộng đồng. Sở dĩ có sự thay đồi này là do mô hình sinh hoạt văn hóa tinh thần theo cơ chế hành chính bao cấp trước đây đã tan rã và sự phục hồi các sinh hoạt theo mô hình cộng đồng làng xã truyền thống cũng như sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện nghe nhìn điện tử. Một thực tế đáng lo ngại là cơ chế thị trường và mở cửa đã tạo ra trong lòng xã hội ta một sự chuyển đổi hết sức mạnh mẽ các chuẩn mực giá trị xã hội, và có thể nói, đã diễn ra một sự khủng hoảng giá trị nào đó, nhất là đối với lớp trẻ. Tình hình này đã làm này sinh nhiều hiện tượng thuộc về tệ nạn xã hội mà nhiều chục năm qua ta đã khắc phục được như: trẻ em lang thang, mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, tội phạm, buôn lậu... những hiện tượng này đang ngày càng nảy nở như nạn dịch làm vẩn đục và ô nhiễm đời sống của xã hội ta.
Với thực tế nêu trên, cuộc sống đang đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cùng với các chính sách kinh tế mới cần sớm có một chiến lược phát triển văn hóa - xã hội phù hợp với cơ chế mới. Cần có một chiến lược phát triển văn hóa - xã hội mang tính chất định hướng, điều chỉnh và hạn chế những lệch lạc và tiêu cực mà cơ chế thị trường mới làm nảy sinh.
Có như thế chúng ta mới đạt được, cùng với sự tăng trường mạnh mẽ của kinh tế là sự phát triển tiến bộ, lành mạnh và đúng hướng của đời sống văn hóa tinh thần đất nước. Đó là một xã hội phát triển hài hòa, cân đối và toàn diện, dồi dào về vật chất, phong phú đa dạng và lành mạnh về tinh thần. Đó mới thực sự là sự phát triển bền vững. Nghĩa là từng bước chúng ta xây dựng được một xã hội mà Đảng và nhân dân ta mong muốn - một xã hội theo lý tưởng của chủ nghĩa xã hội.