Núi Cốc là tên gọi một vùng đất, vùng hồ thấm đẫm chất huyền thoại về câu chuyện tình thuỷ chung giữa nàng Công, chàng Cốc. Họ yêu nhau nhưng không thành, một người nước mắt chảy thành sông, người kia chờ đợi mỏi mòn hoá thành núi. Và chính trên con sông Công huyền thoại người ta đã cho xây dựng Hồ Núi Cốc, một hồ nước nhân tạo mang vẻ đẹp tự nhiên, gắn với câu chuyện tình đã đi vào ca khúc “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “…Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành đôi/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/ Một người chờ, chờ hoá núi...”
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động. Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Chàng bèn về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến, còn nàng Công thương nhớ chàng Cốc, khóc ròng rã đến khi nước mắt chảy dài thành sông. Khu du lịch Hồ Núi Cốc được xây dựng trên một khuôn viên rộng có những cảnh quan thiên nhiên đẹp. Không khí ở đây rất trong lành mát mẻ. Xung quanh hồ là những dãy núi, rừng cây bao phủ và đồi chè xanh mướt nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc. Hồ Núi Cốc giống như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu tất cả mọi vật tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh, lúc ẩn lúc hiện.
Đến Hồ Núi Cốc, thú vị nhất là được du thuyền trên hồ, khám phá những đảo đất xinh đẹp nhưng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Trên hải trình, du khách không khỏi tò mò trước một cổng tam quan bề thế trên đảo Núi Cái. Thuyền cập bến ở đây, bước lên 108 bậc thang, du khách sẽ tới nhà cổ đã hơn 200 năm tuổi. Bên trong ngôi nhà có hơn 1000 hiện vật được trưng bày, đây là những sản phẩm thủ công truyền thống được quy tụ từ hơn 90 làng nghề trên mọi miền đất nước. Hay ghé thăm đền bà chúa Thượng Ngàn linh thiêng.
Tại đây còn có Quần thể chùa Thác Vàng nằm trong lòng Phật, nổi bật với nghệ thuật điêu khắc được tạo tác công phu, mỗi bức có diện tích khoảng 25 - 30m2, thể hiện triết lý nhà Phật trong thuyết Nhân Quả. Bên trên công trình là đài sen tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni đồ sộ, cao đến 45m, hướng ánh nhìn ra Hồ Núi Cốc. Đặc biệt là sân khấu biểu diễn nhạc nước, những âm điệu nhảy múa theo các tác phẩm như Huyền thoại Hồ Núi Cốc, chuyện tình nàng Công chàng Cốc, Thái Nguyên thủ đô gió ngàn…
Đối với những du khách thích khám phá sẽ có thể lựa chọn cho mình tuyến tham quan động huyền thoại cung, động ba cây thông, động thế giới cổ tích. Ở đó du khách sẽ ấn tượng bởi những mê cung huyền ảo, được chiêm ngưỡng những kiệt tác của thiên nhiên với đủ các hình dáng khác nhau hoặc đọc các câu chuyện thần tiên, câu chuyện cổ tích khắc trên vách hang. Tất cả sẽ đưa du khách vào thế giới kỳ diệu để quên đi hết những mệt nhọc những ưu phiền của cuộc sống hàng ngày và sẽ thấy lòng tĩnh tại
Không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi, Hồ Núi Cốc còn là nơi để du khách đắm mình vào huyền thoại, cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống và thậm chí là có cơ hội để nhìn lại mình. Hồ Núi Cốc vào thu, phong cảnh như càng tĩnh lặng hơn, giúp chúng ta quên hết những ưu phiền, mệt mỏi, những náo nhiệt của cuộc sống thị thành để đắm chìm trong không gian xanh mát, yên bình.