Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Quảng Ngãi: Hãy làm rõ truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi? Em có nhận xét gì về những phẩm chất và truyền thống quý báu của con người Quảng Ngãi?

10 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
4.902
5
1
Trần Lan
06/11/2016 14:55:27
Người dân Quảng Ngãi:
- Yêu quê hương, tự hào với truyền thống quê hương, người quảng ngãi luôn đặt tình yêu nước lên trên mọi quyền lời của bản thân đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ. Cả đến chuyện tình cảm riêng tư cũng lấy tình yêu nước làm nền tảng.
- Cần cù, sáng tạo và hiếu học
- Trọng tình, hiếu nghĩa, thủy chung
- Thật thà, chất phác và ngay thẳng
- Nhân hậu, bao dung và lạc quan, yêu đời
=> Từ đó ta thấy người dân Quảng Ngãi có những phẩm chất nổi trội và đáng quý, đáng trân trọng mà chúng ta nên học tập

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
0
NoName.3040
07/11/2016 09:17:11
I. QUẢNG NGÃI TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)
1. TẬP TRUNG XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI VÀ TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (8.1945 - 12.1946)
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng nước ta ở vào một tình thế vô cùng khó khăn và phức tạp. Chế độ thực dân - phong kiến đã để lại trên đất nước Việt Nam những hậu quả nặng nề: tài chính kiệt quệ, nạn đói nghiêm trọng, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, hơn 95% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội, hủ tục,... còn khá phổ biến. Song khó khăn lớn nhất là nạn ngoại xâm. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng và 2 vạn quân Anh lần lượt kéo vào nước ta, tìm mọi cách xoá bỏ thành quả Cách mạng tháng Tám. Ngày 23.9.1945, được sự giúp đỡ của quân Anh và quân Nhật, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Nhân cơ hội này, các thế lực phản động trong nước ra sức hoạt động, lăm le lật đổ chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều biện pháp mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên quyết về nguyên tắc để xây dựng chính quyền, bảo vệ chế độ mới, ổn định đời sống nhân dân, sẵn sàng đối phó với âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và phản động, nhằm bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám.

Ngày 25.11.1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc", xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là: "củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân".

Trong bối cảnh chung của cả nước, Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tàn dư của chế độ cũ để lại rất nặng nề: trình độ dân trí thấp kém, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, nạn đói luôn đe dọa đời sống của nhân dân. Hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở còn non trẻ, trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng. Lực lượng lãnh đạo của Đảng còn mỏng.

Nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi lúc này là phải củng cố, bảo vệ chính quyền nhân dân, trước tiên là ổn định tình hình chính trị, kiện toàn khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, chống giặc dốt, giặc đói, cải thiện đời sống người dân, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, chi viện cho các chiến trường đang bị thực dân Pháp xâm lược.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhân dân Quảng Ngãi vẫn giữ vững ý chí vì độc lập, tự do, một lòng đoàn kết xung quanh Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh, ra sức củng cố, xây dựng chế độ mới, bảo vệ đất nước, vững tin vào thắng lợi.

Cùng với việc củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chăm lo phát triển thực lực cách mạng, ổn định và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân lao động, giải quyết những tàn dư của chế độ cũ. Khối đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Mặt trận Việt Minh được xây dựng đều khắp từ tỉnh xuống xã, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tháng 10.1945, nhiều hội cứu quốc mới thuộc Mặt trận Việt Minh tỉnh ra đời, như Công nhân Cứu quốc, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc, Công giáo Cứu quốc, Phật giáo Cứu quốc... Số lượng quần chúng tham gia Việt Minh trước ngày giành chính quyền là 120 nghìn người, đến đầu năm 1946 đã lên đến 250.000 người.

Thực hiện nhiệm vụ tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước, ngày 6.1.1946 cử tri Quảng Ngãi đã cùng với cử tri cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. 271.187 cử tri trong tỉnh phấn khởi tham gia bỏ phiếu, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử, thể hiện niềm tin vững chắc của nhân dân Quảng Ngãi đối với chế độ mới.

Tiếp theo cuộc bầu cử Quốc hội, nhân dân Quảng Ngãi đã bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh (17.2.1946) và Hội đồng nhân dân xã (14.4.1946). Đến ngày 14.4.1946, Ủy ban Hành chính tỉnh chính thức được thành lập. Tháng 5.1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Thắng lợi của các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và việc bầu ra Ủy ban Hành chính các cấp cũng như việc củng cố Mặt trận Việt Minh, thành lập Liên Việt đã phản ánh sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, làm nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi cùng với cả nước tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền, xây dựng chế độ mới, từng bước chuẩn bị thế và lực, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Trong điều kiện đất nước bị thù trong và giặc ngoài uy hiếp, không khí tòng quân và luyện tập quân sự của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là thanh niên, hết sức sôi nổi. Lực lượng vũ trang của tỉnh ngày càng phát triển. Các đội du kích và tự vệ được xây dựng rộng khắp. Mỗi huyện có một đơn vị vũ trang tập trung và từ một đến hai đại đội du kích tập trung. Phong trào tự mua sắm, chế tạo vũ khí diễn ra mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.

Theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên Quảng Ngãi tình nguyện gia nhập Vệ quốc Đoàn đi chiến đấu bảo vệ đất nước. Ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (tháng 9.1945) đến năm 1946, nhiều đơn vị của Đội Du kích Ba Tơ đã lên đường chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Nhiều cán bộ, thanh niên được điều đi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở các mặt trận, góp phần củng cố, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thù trong, giặc ngoài. Tháng 9.1945, Ủy ban Quân chính Nam phần Trung Bộ được thành lập, có nhiệm vụ chỉ đạo kháng chiến, ngăn chặn địch ở mặt trận phía Nam (Khánh Hòa, cực Nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên). Đồng chí Phạm Kiệt được cử làm Trưởng ban, đồng chí Trương Quang Giao làm Chính trị Ủy viên, đồng chí Nguyễn Đôn giữ nhiệm vụ Phó Trưởng ban. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trải qua rèn luyện chiến đấu đã trở thành những cán bộ chỉ huy cốt cán của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Trần Lương, Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ, vv.

Tại Quảng Ngãi, tháng 5.1946, Bộ Quốc phòng khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn; tháng 6 năm đó, Liên khu V và Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ mở trường lục quân; từ ngôi trường này, nhiều học viên đã trưởng thành, trở thành những cán bộ chủ chốt trong quân đội.

Theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, nhân dân hăng hái đóng góp tiền bạc, lương thực, thực phẩm để đảm bảo hậu cần, tiếp tế phục vụ cho các đoàn quân Nam tiến đi qua Quảng Ngãi. "Hội giúp đỡ binh sĩ bị nạn" được thành lập vào tháng 9.1945; mỗi tháng nhân dân đóng góp cho Hội 15.000 đồng.

Cùng với việc xây dựng lực lượng, ủng hộ và tham gia phong trào Nam tiến, Đảng bộ và chính quyền cách mạng kiên quyết đấu tranh diệt trừ bọn phản động lăm le ngóc đầu dậy, tìm cách chui vào hàng ngũ của ta để chống phá cách mạng; đồng thời thực hiện chính sách khoan hồng, giáo dục đối với những người lầm đường, lạc lối, tiêu biểu là vụ phá tan âm mưu của tổ chức "Thế giới cách mạng đảng", giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ cứu đói, nhân dân Quảng Ngãi đóng góp hàng trăm tấn gạo, muối, triệt để tiết kiệm lương thực để cứu giúp đồng bào bị nạn đói ở một số huyện miền núi, như Ba Tơ, Trà Bồng và vùng ven biển các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ. Nhờ vậy, nạn "thiếu cơm, lạt muối" được khắc phục, đời sống nhân dân từng bước được ổn định. Tinh thần "lá lành đùm lá rách" của nhân dân Quảng Ngãi không chỉ được thực hiện ở địa phương mà còn thể hiện đối với đồng bào miền Bắc. Phong trào tiết kiệm giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị đói do Tỉnh ủy phát động diễn ra sôi nổi ở Quảng Ngãi. Chỉ trong ngày đầu tiên phát động, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp được 126.142 đồng và 70 tấn gạo. Sau một thời gian ngắn, 600 tấn gạo được gửi ra giúp đồng bào miền Bắc.

Mặt khác, để giải quyết triệt để nạn đói, cải thiện đời sống nhân dân, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Quảng Ngãi hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, với khẩu hiệu: "không một tấc đất bỏ hoang, không một mảnh vườn bỏ phí", "tấc đất tấc vàng". Những biện pháp khoa học bước đầu được nhân dân áp dụng. Tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được phát huy. Tháng 10.1945, Hợp tác xã Nhân dân được thành lập. Các làng, xã đều có chi hội hợp tác xã để giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và đời sống, tránh được nạn đầu cơ tích trữ của tư thương. Tổ chức "Hội đồng canh" được thành lập vào đầu năm 1946, nhằm giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống. Các ngành nghề thủ công như rèn, đúc, gốm, đan lát, dệt vải, dệt chiếu được khôi phục.

Trước tình hình tài chính của đất nước bị kiệt quệ, cùng với đồng bào toàn quốc, nhân dân Quảng Ngãi đã tích cực tham gia "Tuần lễ vàng". Mọi người, mọi nhà đều hăng hái thi đua xây dựng "Quỹ độc lập". Tính đến ngày 22.10.1945, nhân dân Quảng Ngãi đã đóng góp cho đất nước 52,930kg vàng, là một trong những tỉnh đóng góp nhiều nhất trong cả nước. Ngày 31.1.1946, Chính phủ ra sắc lệnh phát hành tiền Việt Nam thay thế đồng tiền của chế độ cũ, Quảng Ngãi, Quảng Nam cùng với Bình Định được chọn làm nơi lưu hành thí điểm để đến ngày 23.11.1946 Quốc hội cho lưu hành trong cả nước.

Cùng với phong trào "diệt giặc đói", phong trào "diệt giặc dốt" cũng diễn ra sôi nổi. Truyền thống hiếu học của nhân dân Quảng Ngãi được khơi dậy. Phong trào thi đua xóa nạn mù chữ diễn ra khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Với khẩu hiệu "Đi học là yêu nước", các lớp Bình dân học vụ được mở khắp nơi trong tỉnh, thu hút từ các cháu thiếu niên đến các cụ già, phụ nữ. Đến cuối năm 1946, toàn tỉnh có 191.800 người theo học các lớp Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa. Từ tháng 9.1945 đến tháng 6.1946, toàn tỉnh có 94.839 người thoát nạn mù chữ.

Giáo dục phổ thông phát triển mạnh. Các thôn, xã đều có lớp học, trường học. Năm học 1944 - 1945, toàn tỉnh có 216 lớp Tiểu học với 11.246 học sinh, 252 giáo viên; năm học 1945 - 1946 có 314 lớp Tiểu học với 23.083 học sinh, 572 giáo viên.

Tháng 10.1945, theo chủ trương của Liên khu ủy V, Trường Trung học Lê Khiết được thành lập tại Quảng Ngãi, thu hút và đào tạo hàng ngàn học sinh có trình độ Phổ thông trung học ở Liên khu V trong suốt 9 năm kháng chiến. Từ mái trường này, nhiều học sinh đã trưởng thành, trở thành cán bộ chính trị, quân sự, các nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho đất nước sau này.

Phong trào xây dựng đời sống mới, phòng bệnh, chữa bệnh,... được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp ngày càng giảm nhiều. Đông đảo nhân dân thường xuyên đọc sách báo cách mạng. Các văn nghệ sĩ có nhiều sáng tác động viên nhân dân hăng hái tham gia tòng quân, tích cực tăng gia sản xuất,...

Các đoàn thể cứu quốc đã phối hợp tổ chức các hội, nhóm tương tế giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, đau ốm, tang gia,... Những hoạt động này được quần chúng tán thành và tham gia đông đảo. "Trại nhà nghèo" được thành lập ở thị xã Quảng Ngãi để nuôi dưỡng người tàn tật, cô đơn, trẻ em mồ côi, lang thang.

Ý thức phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản thể hiện mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Từ trong phong trào yêu nước và cách mạng, nhiều quần chúng tích cực được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 12.1946, số lượng đảng viên trong toàn tỉnh lên đến 2.200 người.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền và các đoàn thể cứu quốc, nhân dân Quảng Ngãi đã phát huy các truyền thống tốt đẹp của quê hương và dân tộc, từng bước vượt qua những khó khăn, ổn định được đời sống, phát triển không ngừng các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - giáo dục. Ngoài thực hiện tốt những nhiệm vụ ở địa phương, nhân dân Quảng Ngãi còn thể hiện tinh thần "đồng cam cộng khổ", đóng góp giúp đỡ các địa phương còn khó khăn trong cả nước, sẵn sàng tham gia bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng ở một số địa phương, góp phần đắc lực vào công cuộc "kháng chiến, kiến quốc".

2. RA SỨC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, ĐÓNG GÓP SỨC NGƯỜI SỨC CỦA CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (12.1946 - 12.1952)
Trước ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, trong điều kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn, Chính phủ ta đã nhiều lần kiên trì đàm phán, ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 và Tạm ước 14.9.1946 với Pháp. Điều đó thể hiện nhân dân Việt Nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình và công lý, vì nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước. Nhưng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới và quyết cướp nước ta một lần nữa. Nhân dân ta không còn con đường nào khác, ngoài con đường phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến. Đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" với tinh thần "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" (22.12.1946) của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng (đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ, đóng trụ sở tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đã đề ra kế hoạch cụ thể, với nhiệm vụ chính là tập trung sức xây dựng Quảng Ngãi trở thành hậu phương vững mạnh, phục vụ tích cực cho tiền tuyến, trực tiếp là mặt trận Kon Tum và bắc Quảng Nam.

Dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền cách mạng, nhân dân Quảng Ngãi khẩn trương chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu nhất do kẻ thù gây ra, sẵn sàng thực hiện triệt để "vườn không nhà trống", phá hoại cầu đường để chặn bước tiến của địch. Nhiều nhà cửa kiên cố ở tỉnh lỵ và các thị trấn có thể là điểm đánh chiếm của địch được nhân dân tự nguyện phá dỡ. Hàng chục ngàn người thuộc nhiều tầng lớp nhân dân tham gia đào đắp, cuốc phá đường. Các con đường chính như quốc lộ số 1, tỉnh lộ, huyện lộ,... đều bị chia cắt thành nhiều đoạn. Nhiều cầu, cống, đường sắt được tháo dỡ. Hầm trú ẩn các loại được đào ở khắp các nơi. Ở các xã, thôn, nhân dân dựng chướng ngại vật, đào giao thông hào, địa đạo. Làng xóm được rào kỹ để đề phòng sự xâm nhập của thực dân Pháp và bọn Việt gian. Hầm bí mật đào ở nhiều nơi. Đến tháng 3.1949, nhân dân đã đào được 11.000 hầm các loại. Quảng Ngãi là địa phương có nhiều hầm bí mật nhất Liên khu V. Nhiều tỉnh trong Liên khu V đã cử người về Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm "tiêu thổ kháng chiến".

Tại các vùng đồi trống núi trọc, nhân dân cắm chông tre để ngăn chặn địch nhảy dù. Các trạm gác bí mật, trạm truyền tin được thành lập ở khắp nơi trong tỉnh. Công tác phòng gian, bảo mật, cảnh giác chống bọn gián điệp xâm nhập được thực hiện triệt để. Mọi người thực hiện nghiêm khẩu hiệu "ba không": không biết, không nghe, không thấy.

Nhân dân tích cực gia nhập các lực lượng vũ trang, bán vũ trang. Đến cuối năm 1949, toàn tỉnh có 46.465 du kích xã, 10.060 dân quân tự vệ, 3.360 bạch đầu quân, 2.348 nữ dân quân, 1.865 du kích là người dân tộc thiểu số, 2 đại đội dân quân tự vệ tập trung; mỗi huyện đồng bằng đều có 1 đại đội quân địa phương. Phong trào thi đua luyện quân lập công diễn ra sôi nổi. Nhiều giải thưởng được đặt ra để động viên, cổ vũ phong trào. Thông qua Ủy ban Kháng chiến Hành chính, Tỉnh ủy phát động phong trào lập các quỹ ủng hộ kháng chiến với nhiều hình thức phong phú. Các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, cơ quan, cán bộ chiến sĩ tích cực hưởng ứng, đóng góp xây dựng "Quỹ mùa Đông binh sĩ", "Quỹ mua sắm vũ khí", "Quỹ nuôi du kích tập trung"... Năm 1947, nhân dân đã góp vào các quỹ 6.456.981 đồng tín phiếu, 36.356 ang gạo, đóng góp nuôi bộ đội, dân quân 83.739.800 đồng, 1.505.000 ang lúa, 140 mẫu ruộng. "Quỹ đồng tâm kháng chiến" thu được 700.834 đồng. Riêng ngày 27.7.1947, hưởng ứng Ngày toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ, nhân dân đã ủng hộ 150.000 đồng tiền tín phiếu và hơn 1.000 ang lúa. Trong tuần lễ "Mùa Đông binh sĩ" năm 1948, đồng bào đã góp được 616.516 đồng. "Quỹ nuôi du kích tập trung" đến tháng 3.1949 có được 9.200.000 đồng tín phiếu, 12.220 ang lúa, 121 mẫu ruộng. Từ ngày 6.12 đến ngày 13.12.1949, Quảng Ngãi tổ chức tuần lễ đóng góp ủng hộ nhân dân vùng bị tạm chiếm số tiền 1.542.645 đồng tín phiếu; ngày "Đồng tâm Đà Nẵng" thu được 16 tấn gạo và 500.000 đồng tín phiếu.

Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng "Hội mẹ binh sĩ", "Hội phụ nữ cứu quốc" ở các địa phương đã tổ chức đón nhận nhiều thương binh, bệnh binh về nuôi dưỡng, giúp đỡ công ăn việc làm... Năm 1948, có hơn 300 thương binh từ các chiến trường được đưa về Quảng Ngãi điều trị, an dưỡng. Nhiều người được các mẹ nhận làm con nuôi, giúp đỡ xây dựng gia đình. Phụ nữ các huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh nhận nuôi hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96 (Liên khu V) về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

Thanh niên hăng hái tòng quân nhập ngũ giết giặc ở các chiến trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, 15.000 thanh niên Quảng Ngãi đã tòng quân chiến đấu ở các chiến trường Liên khu V. Nhiều thanh niên dân tộc ít người dù không đủ sức khỏe, nhưng với lòng yêu nước đã tìm mọi cách để được nhập ngũ.

Từ đầu năm 1949, theo sự điều động của Liên khu ủy V, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang tham gia phục vụ ở các chiến trường Bình Thuận, Đồng Nai Thượng, Kon Tum. Ngoài ra, tỉnh còn cử 1 đội trật tự xung phong và 1 đội công an xung phong tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Cùng với cán bộ quân sự, cán bộ chính trị cũng được điều động phục vụ cho vùng bị địch chiếm trong toàn Liên khu V và các chiến trường Đông Bắc Cămpuchia, Nam Lào. Trong 2 năm 1948 - 1949, có hơn 400 cán bộ xã, 60 cán bộ tỉnh và huyện được cử đi phục vụ các vùng.

Theo sắc lệnh số 255 của Chính phủ về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp khóa II, cử tri Quảng Ngãi đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân xã (13.6.1949) và Hội đồng nhân dân tỉnh (30.7.1949). Các đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu ra đã đi sâu, đi sát quần chúng để tổ chức và lãnh đạo, xây dựng bộ máy chính quyền từ xã đến tỉnh ngày càng vững mạnh.

Quán triệt đường lối của Đảng về việc xây dựng nền kinh tế độc lập phục vụ sự nghiệp "kháng chiến, kiến quốc", nhân dân Quảng Ngãi đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thi đua tăng gia sản xuất, triệt để tiết kiệm. Với ý thức xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc ngày càng vững mạnh, 23.417 nông dân trong tỉnh đã tham gia các hợp tác xã. Nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất mang tính độc canh, thực hiện đa canh, luân canh, gối vụ, đẩy mạnh khai hoang, vỡ hóa, trồng các giống rau, lúa mới, phổ biến rộng rãi cách nuôi và phòng bệnh gia súc. Về thủy lợi, nhân dân đã đóng góp công sức đắp đập An Thọ (huyện Đức Phổ), đào kênh Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, kênh Bàu Súng (huyện Mộ Đức). Ngoài ra, còn có 47 con đập khác cũng được đào đắp. Chính nhờ tinh thần lao động cần cù và sáng tạo của nhân dân trong tỉnh, năng suất lúa và hoa màu đều tăng, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tạo ra khả năng tự cấp, tự túc về lương thực, thực phẩm, đồng thời đóng góp cho cuộc kháng chiến.

Trong hoàn cảnh bị địch bao vây, phong tỏa về kinh tế, các ngành nghề thủ công truyền thống của địa phương được nhân dân khôi phục và phát triển. Vải dệt tại Quảng Ngãi được đánh giá có chất lượng tốt, đặc biệt vải SITA, là mặt hàng có tiếng lúc bấy giờ. Các nghề thủ công: làm giấy, gốm, thuộc da, thủy tinh, xà phòng đều phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ kháng chiến.

Nhân dân còn tham gia xây dựng và khôi phục hệ thống đường giao thông gồm đường bộ và đường sắt, đảm bảo các tuyến giao thông trong tỉnh thông suốt và vận chuyển hàng hóa trong vùng tự do Liên khu V.

Sự nghiệp văn hóa - giáo dục tiếp tục phát triển sâu rộng trong quần chúng. Toàn dân từ già đến trẻ đều thi đua đi học. Ngành giáo dục khắc phục nhiều khó khăn trong việc in sách học vần chữ Quốc ngữ, tập đọc, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xóa mù chữ. Nhờ truyền thống hiếu học được khơi dậy mạnh mẽ, nên công tác giáo dục thu được những thành tựu lớn. Năm 1947, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành việc xóa nạn mù chữ và được Liên khu V khen thưởng. Ngày 12.12.1948, Tư Nghĩa là huyện đầu tiên của miền Nam Trung Bộ thanh toán nạn mù chữ. Đến cuối năm 1948, trừ các huyện miền núi, Quảng Ngãi là một trong 10 tỉnh của cả nước thanh toán xong nạn mù chữ.

Chính từ những kết quả này, trong dịp lễ Quốc khánh 2.9.1948, Ty Bình dân Học vụ Quảng Ngãi được Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ tuyên dương công trạng. Ngày 31.12.1948, đồng chí Phạm Văn Đồng, thay mặt Chính phủ dự lễ thanh toán nạn mù chữ, trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chính phủ tặng cho nhân dân Quảng Ngãi về thành tích tăng gia sản xuất và thanh toán nạn mù chữ.

Ngoài các lớp xóa nạn mù chữ, các lớp bổ túc bình dân được mở ở nhiều nơi. Trong 2 năm 1948 - 1949, toàn tỉnh đã mở 54 lớp Tiểu học cho 1.705 cán bộ xã, huyện. Tỉnh còn thành lập Trường Bổ túc Văn hóa cho cán bộ địa phương; đồng thời cử hàng trăm cán bộ đi học tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ và Trường Trung học Bình dân Quân sự Liên khu V đặt tại Quảng Ngãi. Sự nghiệp giáo dục phổ thông phát triển mạnh, số lượng học sinh đi học ngày càng đông, nhiều trường không đủ lớp cho học sinh đến học. Ở các huyện đồng bằng, xã nào cũng có trường Tiểu học, hầu hết có trường cấp II. Đến tháng 9.1949, toàn tỉnh đã có 318 lớp Tiểu học với 29.710 học sinh và 715 giáo viên.

Trật tự trị an ở thôn xóm được giữ vững. Tang ma, hiếu, hỉ đều thực hiện theo đời sống mới. Mọi gia đình đều thi đua ăn ở vệ sinh, sạch đẹp. Không khí sinh hoạt văn hóa lành mạnh, vui tươi tràn ngập khắp thôn, xã.

Tuyên dương những thành tích đã đạt được của địa phương, ngày 30.12.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 149, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi.

Năm 1950, tình hình trong nước và thế giới chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam. Từ ngày 21.1 đến ngày 3.2.1950, Hội nghị Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn kháng chiến mới là: "Gấp rút hoàn thành chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công", thực hiện tổng động viên trong cả nước theo khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!".

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, với tinh thần "Tất cả để phụng sự tiền tuyến", nhân dân Quảng Ngãi đã đóng góp 138.045.976 đồng tín phiếu vào quỹ đảm phụ chuyển mạnh sang tổng phản công.

Những năm 1950 - 1952, thiên tai liên tục xảy ra ở Quảng Ngãi, gây nhiều tổn thất về người và của. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cứu đói như cứu hỏa", các cấp ủy Đảng và chính quyền đã nêu cao khẩu hiệu "tự lực cánh sinh, dựa vào sức dân để giải quyết nạn đói", nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ nhau từng lon gạo, bó rau để vượt qua nạn đói. Nhiều xã ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức nhận đỡ đầu cho các xã đói nặng ở ven biển của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Đồng bào các huyện miền núi, nhất là ở Sơn Hà, đã chuyển về trung châu nhiều khoai mì, khoai lang, bắp, đậu để cứu đói.

Tinh thần tương trợ, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng được phát huy. Toàn tỉnh có 316 tổ hợp công, 374 tổ đổi công, 36 hợp tác xã công - nông nghiệp, 6 hợp tác xã nông nghiệp. Phong trào xen canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng được đẩy mạnh ở hầu hết các huyện đồng bằng. Người dân Quảng Ngãi không để một tấc đất bỏ hoang, thực hiện luân canh, xen canh, gối vụ, chú trọng việc gieo trồng các loại cây lương thực chính.

Các nghề thủ công truyền thống cũng phát triển mạnh. Có 111.610 thợ thủ công tham gia vào các hợp tác xã thủ công nghiệp. Công nhân các xí nghiệp quốc phòng thi đua cải tiến kỹ thuật, tăng giờ lao động, tăng năng suất từ 25% đến 35%. Riêng ở xưởng Quân giới 240, có mặt hàng tăng 200% năng suất.

Đông đảo các nhân sĩ, trí thức, những người hoạt động tôn giáo ngày càng hiểu rõ và đúng hơn phong trào cứu tế, tương trợ, ra sức đóng góp nhiều hơn cho kháng chiến. Các huyện đồng bằng đã có 71 xã thành lập quỹ với gần 1.500.000 đồng, 800 ang lúa. Có 11 hội tản cư được thành lập để kịp thời giúp đỡ nhân dân vùng biển sơ tán mỗi khi địch càn quét, bắn phá. Các gia đình thương binh, liệt sĩ được quan tâm, chăm sóc chu đáo; có 4 huyện đồng bằng thực hiện chế độ phụ cấp cho thương binh và gia đình liệt sĩ.

Văn hóa giáo dục đạt nhiều thành tựu đáng kể theo phương châm: "Dân tộc, khoa học, đại chúng" do Đảng đề ra. Cùng với các văn nghệ sĩ của Liên khu V, các hội viên Hội Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia thực hiện nếp sống mới, đóng góp ngày càng nhiều cho kháng chiến. Phong trào rèn luyện thân thể khỏe để phục vụ Tổ quốc phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Việc phát triển đảng viên mới được đẩy mạnh. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cộng với ý thức phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng, nên số lượng đảng viên của Đảng bộ tăng nhanh. Vào thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, toàn tỉnh chỉ có 38 đảng viên, đến tháng 10.1949, số lượng đảng viên đã lên đến 12.000 người. Hầu hết đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, đóng góp nhiều công sức cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Tổ chức Đảng các cấp không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh. Từ tháng 6.1946 đến tháng 4.1952, Đảng bộ đã tiến hành 4 lần đại hội (I, II, III, IV)(1). Đảng bộ luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương đường lối của Trung ương Đảng, Liên khu ủy V, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng và kịp thời tình hình cách mạng ở địa phương, đề ra những chủ trương, đường lối và hành động cụ thể, lãnh đạo quân và dân Quảng Ngãi xây dựng và bảo vệ tỉnh nhà, đóng góp vào cuộc kháng chiến của cả nước.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Đảng viên nghiêm túc thực hiện phê bình và tự phê bình. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng giáo dục, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật được tiến hành thường xuyên. Nhờ những biện pháp trên đây, Đảng bộ Quảng Ngãi trở thành một Đảng bộ mạnh của Liên khu V. Ngày 30.10.1949, Đảng bộ Quảng Ngãi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết khen thưởng.

Từ 1950 đến 1952, địch tăng cường các hoạt động bắn phá, càn quét, đẩy mạnh do thám, tung gián điệp vào vùng tự do Liên khu V nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm, phá hoại hậu phương, căn cứ địa của cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở Quảng Ngãi, địch tiến hành nhiều cuộc đổ bộ, bắn phá vùng biển, càn quét vào đất liền, cướp phá tàu thuyền, tài sản, đốt phá lương thực của nhân dân ven biển. Tháng 9.1951 chúng đánh chiếm đảo Lý Sơn. Chỉ riêng trong năm 1952, địch đã 35 lần đổ bộ vào đất liền, trong đó có những cuộc đổ bộ quy mô lớn vào Đức Lân (huyện Mộ Đức), Phổ An, Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ). Riêng trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 1952, địch đã 26 lần bắn phá, đổ bộ vào đất liền, giết hại 100 người, phá 140 thuyền,...

Nhân dân cùng với lực lượng vũ trang, bán vũ trang kịp thời phát hiện và đánh trả quyết liệt các cuộc đổ bộ, càn quét của địch. Đặc biệt, ngày 21.7.1950, du kích và tự vệ địa phương chiến đấu anh dũng, ngoan cường, đánh bại cuộc càn quét lớn nhất của địch ở Sa Huỳnh, tiêu diệt 52 tên địch và làm bị thương 80 tên khác. Dân quân du kích các xã Bình Đông, Bình Chánh, Bình Châu (huyện Bình Sơn), Tịnh Khê, Tịnh Hòa (huyện Sơn Tịnh), Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) cùng với nhân dân sử dụng các loại vũ khí tự tạo, thô sơ, chiến đấu chống địch đánh phá, lấn chiếm. Các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương, như đại đội 28, 84, phối hợp tác chiến với các lực lượng du kích, đẩy lùi nhiều cuộc đổ bộ càn quét của địch vào đất liền. Ở các huyện miền núi, dân quân du kích, lực lượng vũ trang địa phương sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ địa, chăm sóc, cứu chữa thương binh, tăng gia sản xuất. Đặc biệt, từ tháng 1.1950 đến tháng 12.1951, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực Liên khu V giải quyết dứt điểm "vụ Sơn Hà" do thực dân Pháp và tay sai xúi giục, sắp đặt, đảm bảo trật tự, trị an ở vùng núi miền Tây Quảng Ngãi.

Tiếp đó, từ ngày 13.4.1952 đến ngày 10.5.1952, lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân đã cùng với bộ đội chủ lực Liên khu V đập tan cuộc hành quân Latơrit của thực dân Pháp (từ Kon Tum đánh xuống các huyện miền Tây Quảng Ngãi), diệt hơn 600 tên địch, bắt sống hơn 100 tên. Thắng lợi này đã góp phần phá tan âm mưu của thực dân Pháp và tay sai hòng xâm chiếm vùng tự do Liên khu V. Hậu phương căn cứ địa Quảng Ngãi được củng cố vững mạnh. Miền Tây Quảng Ngãi trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tóm lại, từ tháng 12.1946 đến năm 1952, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã kiên trì, từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển thực lực chính trị, vũ trang cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến của cả nước. Mặt khác, các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Ngãi đã cùng với lực lượng vũ trang Liên khu V đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm, càn quét của kẻ thù, làm cho tiềm lực cách mạng ở địa phương ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện cho Quảng Ngãi trở thành hậu phương vững chắc của Liên khu V và cả nước.

3. TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ GIỮ VỮNG HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC, DỐC SỨC CÙNG CẢ NƯỚC ĐƯA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP ĐẾN THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1953 - 1954)
Sau 8 năm tiến hành chiến tranh, thực dân Pháp ngày càng sa lầy và bế tắc về chiến lược, chiến thuật. Hòng tìm ra lối thoát danh dự trong cuộc chiến tranh Đông Dương, được sự giúp sức của Mỹ, tháng 7.1953, thực dân Pháp bày ra "kế hoạch Nava" với ảo tưởng trong vòng 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ ta ký hiệp định đình chiến theo những điều kiện do chúng đặt ra.

Tại Liên khu V, từ giữa năm 1953, thực dân Pháp mở chiến dịch Atlăng nhằm chiếm đóng vùng tự do Liên khu V.

Để phá tan kế hoạch Nava, tháng 9.1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, trong đó có hướng chiến lược quan trọng là tiến công lên Tây Nguyên nhằm giành lại địa bàn chiến lược và đập tan âm mưu đánh chiếm vùng tự do, bình định miền Nam của địch.

Dựa vào phương hướng chiến lược do Trung ương Đảng đề ra: "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc, thắng chắc", Liên khu ủy V động viên toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân tin tưởng, nỗ lực phấn đấu giành thắng lợi to lớn nhất, cụ thể là tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội chủ lực tiến công địch ở Tây Nguyên, kiên quyết đánh địch, bảo vệ, củng cố vùng tự do; nơi nào địch chưa đến thì vừa sẵn sàng đánh địch, vừa tích cực phục vụ tiền tuyến tiến công địch.

Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề ra nhiệm vụ trọng tâm số một của Đảng bộ và nhân dân lúc này là: tập trung sức để đánh địch; xây dựng, củng cố các lực lượng vũ trang địa phương, tập trung sức người và sức của phục vụ chiến dịch Tây Nguyên; tích cực xây dựng, bảo vệ và giữ vững vùng tự do; mở rộng căn cứ địa; ra sức bồi dưỡng sức dân; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa II) tháng 1.1953 về thực hiện cải cách ruộng đất, tháng 4.1953, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động quần chúng thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất. Chủ trương này đã động viên mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của nhân dân lao động, các tầng lớp nhân dân phấn khởi thi đua đem sức người, sức của đóng góp cho kháng chiến. Tuy nhiên, do trình độ và năng lực của một số cán bộ các cấp, ngành còn thấp, chưa tiếp thu đầy đủ tinh thần của chủ trương cải cách ruộng đất nên thời gian đầu, việc chỉ đạo, lãnh đạo giảm tô ở Quảng Ngãi chưa được chặt chẽ, phạm nhiều thiếu sót, ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết của Đảng. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã kịp thời và nghiêm túc nhìn nhận sai lầm, tổ chức học tập, giáo dục chính sách cho cán bộ, đảng viên, tìm ra những biện pháp tích cực, thích hợp để lãnh đạo tốt phong trào. Nhờ đó chính sách ruộng đất tiếp tục được đẩy mạnh, đem lại nhiều thay đổi ở nông thôn, hàng ngũ nông dân được củng cố, tác động tích cực đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đang trên đà thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục khắc phục khó khăn, vừa phục vụ đắc lực cho tiền tuyến, vừa đẩy mạnh công cuộc xây dựng và giữ vững vùng tự do. Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, năng suất lúa và hoa màu tăng lên rõ rệt. Chiến sĩ thi đua toàn quốc Phan Đường đã áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, tăng năng suất lên 700% và hướng dẫn nhân dân ở địa phương áp dụng theo, biến cả thôn vốn thiếu đói trở thành thôn no đủ. Tinh thần tương trợ trong sản xuất dưới hình thức các hội đồng canh, nghiệp đoàn, các tổ vòng công, tổ sản xuất, được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 1954, các tổ chức của nông hội đã giúp nhau được 33 vạn ngày công, 2.800 ang lúa và 3.700.000 đồng. Đến năm 1953, hầu hết các huyện hoàn thành việc đào đắp hệ thống kênh mương dẫn nước ngọt và đập ngăn mặn. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám 1945, toàn tỉnh chỉ có 6.890 mẫu ruộng được tưới nước, thì đến 1954, con số này là 26.650 mẫu; nhiều vùng trước kia chỉ canh tác một vụ, nay thành hai vụ. Tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp tiếp tục phát triển. Nghề làm giấy (với 5 xưởng) hàng tháng sản xuất được 6 tấn giấy, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Các mặt hàng xuất ra ngoài tỉnh ngày càng tăng, đặc biệt là gạo, có ngày vận chuyển 30 tấn đi Quảng Nam. Giá cả thị trường ổn định.

Nhiều phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật phát triển sôi nổi trong các công binh xưởng, mức năng suất sản xuất tăng từ 15% đến 50%, có công binh xưởng tăng năng suất lên đến 250%. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng ra đời, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phục vụ tiền tuyến trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954.

Đời sống của nhân dân tuy còn gặp nhiều khó khăn, máy bay địch lại thường xuyên bắn phá, song phong trào Bình dân học vụ đã dần được khôi phục lại sau thời gian xảy ra nạn đói. Đến tháng 10.1953, tỉnh đã mở được 580 lớp sơ cấp và dự bị với tổng số 11.760 học viên. Số lượng học sinh phổ thông đi học khá đông, các xã đều mở những lớp học vỡ lòng. Trong toàn tỉnh, số học sinh vỡ lòng có hơn 20.000 em; Tiểu học: 25.502 em; Trung học cơ sở: 2.741 em; Trung học phổ thông: 159 em. Nội dung, phương pháp và chất lượng giáo dục được cải tiến. Phong trào thi đua phòng bệnh phát triển mạnh. Đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng khởi sắc. Các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, phong trào xây dựng nếp sống mới phát triển sâu rộng.

Mặc dù chịu nhiều thiên tai, địch họa, nhân dân Quảng Ngãi đã có những đóng góp đáng kể trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và phục vụ chiến trường. Tính đến ngày 5.6.1954, toàn tỉnh đã đóng góp 5.245 tấn lúa thuế nông nghiệp, 498.500.000 đồng thuế công thương.

Phong trào phòng chống địch và nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ. Nhiều hầm trú ẩn được đào, đắp khắp nơi, các đội tuần tra tổ chức canh gác để phát hiện máy bay, tàu chiến địch, đề phòng địch đổ bộ, tiến công bất ngờ. Các đội du kích ven biển được trang bị thêm vũ khí, tăng cường lực lượng có kinh nghiệm chiến đấu; thôn xóm nào cũng có hầm bí mật, hầm chiến đấu, giao thông hào liên xã. Làng chiến đấu được xây dựng ở nhiều nơi, hầm chông, cạm bẫy được đặt khắp thôn, xóm. Trong toàn tỉnh, nhân dân xây dựng hàng trăm bãi chông, mỗi bãi dài từ 100m - 500m, rộng từ 200m - 300m. Các cơ quan, kho tàng, công xưởng, trường học được sơ tán và bảo vệ nghiêm ngặt.

Thực hiện chỉ thị của Liên khu ủy V về nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, đông đảo nhân dân Quảng Ngãi hăng hái đi dân công phục vụ chiến trường. Trong đợt dân công đầu tiên, có 39.752 người phục vụ các mặt trận trong thời gian 6 tháng; 10.000 lượt người đi làm các kho tàng, mở đường trong thời gian 15 ngày; 6 đội thanh niên xung phong với 852 người đã được thành lập. Tiếp đó, có nhiều đợt dân công đi phục vụ hỏa tuyến trong suốt 6 tháng liền. Những người đi dân công đã thể hiện tinh thần dũng cảm, không ngại hy sinh gian khổ. Nhiều đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc ở chiến trường. Phong trào đi dân công phục vụ chiến trường trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 của nhân dân Quảng Ngãi được Bộ tư lệnh Quân khu V và Ban chỉ huy tiền phương khen thưởng: 112 nữ cứu thương, hộ lý cùng 23 tập thể được tuyên dương; tiêu biểu là các dân công Huỳnh Nết (huyện Sơn Tịnh), Nguyễn Tấn Hứa, Phan Văn Đối (huyện Đức Phổ), đội xung phong công tác huyện Mộ Đức, đội dân công xã Bình Dương (huyện Bình Sơn).

Ngày 26.1.1954, đại bộ phận bộ đội chủ lực của Liên khu V tiến công lên Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược quan trọng. Hàng vạn lượt dân công Quảng Ngãi đã tham gia phục vụ mặt trận, dọc theo đường tiến công của bộ đội lên Kon Tum. Nhân dân các dân tộc ở Ba Tơ đem nước uống, cơm nắm ra tiếp tế cho bộ đội và dân công hành quân. Hàng vạn tấn thực phẩm, lương thực, hàng hóa, đạn dược được dân công gấp rút chuyển ra chiến trường.

Ngày 15.2.1954, toàn tỉnh Kon Tum, rộng hơn 16.000km2 với 200.000 dân, được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi ta giải phóng Kon Tum, Pháp tăng cường máy bay, tàu chiến đánh phá nhiều vùng ở Quảng Ngãi. Từ tháng 2.1954 đến tháng 6.1954, địch dùng máy bay phá sập 6 cầu, triệt phá đường giao thông, ném bom vào các nơi mà chúng nghi có cơ quan và kho tàng của ta. Mặt khác, chúng cho quân đổ bộ vào các xã ven biển đốt phá, bắt bớ nhân dân.

Được sự chỉ đạo chu đáo và kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các vùng bị địch phá hoại chủ động, nhanh chóng khắc phục hậu quả, cất giấu tài sản an toàn.

Những thành tích của nhân dân Quảng Ngãi từ 1953 đến tháng 7.1954 đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Xuân - Hè năm 1954 - chiến thắng lớn nhất của quân và dân Nam Trung Bộ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cùng những chiến thắng giòn giã của quân và dân ta trên khắp chiến trường, trong đó có sự đóng góp công sức của quân và dân Quảng Ngãi, đã góp phần phá tan kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơnevơ (Genève) 1954.

Đánh giá về giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã nhận định:

"...Cách mạng tháng Tám thắng lợi, cùng với cả nước nhân dân Quảng Ngãi thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Mọi người đều vui mừng phấn khởi được làm dân một nước độc lập, tự do, được làm chủ cuộc đời mình.

Song niềm vui ngắn chỉ tày gang, giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi lại tiếp tục cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến vô cùng gian lao nhưng cũng đầy thử thách vẻ vang để giành lấy độc lập cho Tổ quốc, tự do cho giống nòi.

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp gian lao và ác liệt, để bảo vệ, xây dựng quê hương, Đảng bộ Quảng Ngãi đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, cần cù, chịu đựng hy sinh gian khổ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra.

Để có thể tồn tại và phát triển, Đảng bộ Quảng Ngãi đã chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Thông qua Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi từ miền núi đến miền xuôi, từ già đến trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, với truyền thống cách mạng kiên cường đã sẵn sàng hy sinh tất cả, sẵn sàng đóng góp máu xương, tiền của cho cuộc kháng chiến, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, không cho chúng quay lại cướp nước ta một lần nữa.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khối đoàn kết toàn dân trong tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển rộng khắp, đã thu hút được đông đảo các tầng lớp, các thành phần nhân dân tham gia, góp phần làm cho sức mạnh chiến đấu tăng lên gấp nhiều lần. Cuộc sống mới do Đảng đem lại làm cho nhân dân Quảng Ngãi càng thêm tin tưởng, yêu mến và đi theo Đảng đến cùng. Dù phải chiến đấu với kẻ thù dã man, tàn bạo, nhân dân vẫn một lòng đi theo Đảng, bền gan vững chí tin vào ngày mai tươi sáng của dân tộc. Đảng bộ tồn tại và phát triển ngày càng vững mạnh chính là nhờ hầu hết cán bộ, đảng viên anh dũng, kiên cường bền bỉ đấu tranh, bám chặt, đi sát quần chúng để phát động các phong trào cách mạng sâu rộng. Để chuẩn bị và tiến hành tham gia kháng chiến cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ Quảng Ngãi đã nhanh chóng chuyển cao trào tổng khởi nghĩa vào cuộc kháng chiến với tinh thần cách mạng và khí thế hào hùng, sẵn sàng vươn lên đạp mọi hiểm nguy, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng quê hương, chi viện mọi mặt cho tiền tuyến.

Từ một tỉnh nghèo, nhân dân thường xuyên lâm vào cảnh đói khổ, Đảng bộ và chính quyền cách mạng đã phát huy cao độ tinh thần tự lực cánh sinh của nhân dân, từng bước xây dựng Quảng Ngãi thành vùng căn cứ địa vững chắc của Liên khu V. Chính quyền được xây dựng vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo, điều hành công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Chế độ mới ngày càng bền vững, con người mới và nền văn hóa mới, giáo dục mới được hình thành và phát triển hài hòa, lực lượng vũ trang phát triển cân đối và mạnh mẽ. Kinh tế trong tỉnh được phát triển không những đảm bảo nhu cầu của nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang của Liên khu ngày càng lớn mạnh, chi viện cho tiền tuyến.

Những thành công trong việc lãnh đạo nhân dân Quảng Ngãi tham gia kháng chiến, kiến quốc của Đảng bộ Quảng Ngãi đã bắt nguồn từ việc kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của các thế hệ đảng viên, sự đoàn kết chiến đấu, hy sinh bất khuất của nhân dân trong tỉnh, từ chủ trương, đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời, sâu sát của Liên khu ủy V, Đảng bộ Quảng Ngãi đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của cấp trên, kịp thời đề ra được những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến.

Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi, Đảng bộ không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí có lúc, có nơi còn mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng. Sau những sai lầm, Đảng bộ Quảng Ngãi dám nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc và nghiêm khắc tự kiểm điểm. Chính vì vậy mà trong suốt chín năm kháng chiến, nhất là trong những tình huống khó khăn ngặt nghèo nhất, nhân dân Quảng Ngãi vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi thử thách, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Quảng Ngãi xứng đáng là hậu phương, căn cứ địa vững chắc của Liên khu V. Những thành tích mà Đảng bộ, nhân dân Quảng Ngãi đạt được trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã tạo ra những tiền đề quan trọng cơ bản về vật chất, tinh thần, là hành trang vô giá của nhân dân trong toàn tỉnh, củng cố sự bình tĩnh, tự tin của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tư thế của người chiến thắng".
0
0
NoName.3094
08/11/2016 05:52:10
Trong các nhân vật lịch sử của quê hương Quảng Ngãi, em yêu thích nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của em về nhân vật đó?
0
0
NoName.3200
11/11/2016 06:29:46
Em có nhận xét gì về những phẩm chất và truyền thống quý báu của con người Quảng Ngãi?
0
0
chau
16/11/2016 10:36:24
nhan xet: tu do cho chung ta thay nguoi dan QN co nhung pham chat tot dep va dang quy, dang tran trong ma chung ta nen hoc tap
0
1
NoName.3403
17/11/2016 10:28:03
trong các nhân vật lịch sử của quê hương Quảng Ngãi, em yêu thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của em về nhân vật đó
0
0
NoName.3489
20/11/2016 08:19:12
ok
0
0
le nguyen duc tai
26/11/2016 14:59:19
dài quá sao chép
0
0
NoName.3907
27/11/2016 09:13:11
qua dai

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×