Cuốn sách “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên là cuốn sách tiếp nối các công trình Đại Việt thời Lý, vương triều Trần và Đại Việt thời Lê sơ thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Cuốn sách tái hiện lịch sử Việt Nam trong đó có Thăng Long – Hà Nội - thủ đô của Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử toàn diện và đầy đủ. Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng từ thế kỷ XVI - XVIII là thời kỳ gắn với nhiều biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của Việt Nam trong bối cảnh lịch sử chung của khu vực và thế giới. Công trình ngoài phần Dẫn luận, Kết luận (Thay lời kết), Thư mục trích dẫn, Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 4 chương được chủ biên trình bày rất công phu, đánh giá về các nhân vật lịch sử rất tinh tế, cập nhật được thông tin mới, sát hợp với tính khách quan của lịch sử:
Phần Dẫn luận cho thấy những nét khái quát nhất về bối cảnh lịch sử của Việt Nam trong gần 3 thế kỷ với những biến động về chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội. Và cũng là bước mở đầu cho thời kỳ toàn cầu hoá và sự hội ngộ, giao lưu Đông Tây. Thể hiện vị thế của Việt Nam và Thăng Long - Kẻ Chợ trong 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII trong mối quan hệ với các nước xung quanh và trên thế giới cũng như đối với các vùng miền khác trên cả nước.
Chương I. Đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng. Phục dựng lại những nét cơ bản về đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc với việc khủng hoảng chính trị dẫn đến những biến loạn trong cung đình cuối thời Lê sơ đã đưa Mạc Đăng Dung lên ngai vàng và lập ra nhà Mạc. Mặc dù nhà Mạc cho xây dựng Dương Kinh – quê hương của mình như một kinh đô thứ hai nhưng Thăng Long – Đông Kinh vẫn là kinh đô chính thức. Những biến động chính trị sâu sắc trong đó có cuộc chiến giữa họ Trịnh và vua Lê với nhà Mạc để rồi chính quyền lại chuyển từ tay nhà Mạc sang Lê Trung hưng. Thông qua việc khai tác các nguồn tư liệu gốc và thêm vào đó là nguồn tư liệu phong phú của các tác giả phương Tây giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, đặt biệt là mối quan hệ giữa cung vua - phủ chúa ở giai đoạn lịch sử này.
Chương II. Diện mạo kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này thể hiện thế mạnh về sự hiểu biết sâu sắc của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đối với kinh thành Thăng Long trong các thể kỷ XVI – XVIII. Về nghiên cứu nội dung này, tác giả đã thể hiện môt số khía cạnh trong một số công trình nghiên cứu của mình nhưng ở đây được viết kỹ và có thêm nguồn tài liệu mới từ nước ngoài.
Chương III. Kinh tế - xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này được thể hiện trong 3 nội dung: Chính sách kinh tế - xã hội tác động đến kinh tế hàng hoá; Đời sống kinh tế; Đời sống xã hội. Nội dung phân chia phù hợp, được thể hiện khá rõ. Từ việc khai thác các nguồn tư liệu đa dạng phong phú với sự khảo sát đối chiếu và phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành từ các nguồn tư liệu chính sử, các tác phẩm sử học của các cá nhân với các cuốn hồi ký, du ký của các tác giả nước ngoài và nguồn tư liệu dân gian, khảo cổ học, thành Đại Đô với Hoàng thành và Cung thành bên cạnh đó là quần thể phủ chúa Trịnh đã được sống lại qua những miêu tả hấp dẫn.
Chương IV. Đời sống văn hoá Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này được tác giả viết hay có hồn, lôi cuốn người đọc ở những nội dung được dẫn dắt thú vị giúp người đọc có một cái nhìn đa chiều về một thời kỳ đầy biến động về chính trị của đất nước, môi trường kinh tế - xã hội đặc biệt sôi động của Thăng Long - Kẻ Chợ đã thực sự bước vào một giai đoạn lịch sử mới, nông nghiệp có những bước phát triển mới, thủ công nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp đã tạo ra những bước ngoặt trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Sự phát triển về kinh tế đưa đến những thay đổi trong đời sống xã hội và những thành tựu lớn về văn hoá.
Bản thảo được trình bày, phân tích khá đầy đủ, sâu sắc về Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội và đưa ra những nhận xét đánh giá về Thăng Long - Kẻ Chợ cũng như vai trò, vị trí của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng nói riêng trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung. Bố cục cuốn sách với các chương, đề mục và tiểu mục trong các chương hợp lý, hệ thống chặt chẽ và logic. Các vấn đề trong từng chương cũng như sự liên kết, gắn bó hữu cơ giữa các chương thể hiện được tính toàn diện, đa chiều và phong phú của nội dung.
Trong phần Tổng quan nghiên cứu cũng như phần các công trình tuyển chọn, tác giả đã tổng thuật khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến nhà Mạc, Lê Trung hưng và Kinh đô Thăng Long trong ba thế kỷ XVI – XVIII. Tác giả đã tham khảo, trích dẫn 126 đầu tài liệu bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp có liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu.
Các tác giả đã áp dụng và tuân thủ các phương pháp nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp với công trình, vừa mang tính hiện đại vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan trong nghiên cứu. Kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước, đồng thời cập nhật những kiến thức mới để kịp thời bổ sung cho những vấn đề còn chưa thống nhất của các học giả. Ở cuốn sách này, nguồn tư liệu phi quan phương và phi chính thống khá phong phú, giúp người đọc có thể nhìn nhận, tìm hiểu và đánh giá các vấn đề lịch sử một cách khách quan và khoa học để phục dựng lại bức tranh toàn cảnh đa sắc của kinh đô trong những thế kỷ XVI – XVIII một cách tin cậy nhất. Cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc những hiểu biết, những nhận thức mới và toàn diện về Thăng Long - Kẻ Chợ trong 3 thế kỷ thời Mạc – Lê Trung hưng.