Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Tìm tài liệu về Thăng Long - Kẻ chợ

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
769
1
0
Đỗ Phương Lam
14/05/2019 21:33:09
Cái tên Kẻ Chợ của Hà Nội chỉ là một cách gọi không chính thức, nếu đối chiếu với hàng loạt những cái tên hoàn toàn chính danh đã được ghi vào lịch sử 1.000 năm của Thủ đô. Song Kẻ Chợ lại có nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngôn ngữ, tiềm ẩn nhiều nhân tố lịch sử, văn hoá, phong tục.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Tá, Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người phương Tây đến đất này quen gọi từ thế kỷ 16. Có lẽ cố đạo người Bồ Đào Nha Barotxo trong cuốn Nói về châu Á xuất bản năm 1550 là người đầu tiên nhắc đến tên này.
Còn theo chú giải của nhà nghiên cứu Phạm Văn Tình, trong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 (NXB Khoa học Xã hội in lại năm 1991) đã có từ Kẻ Chợ độc đáo này. Mục từ "Kẻ" được A. de Rhodes giải nghĩa: "Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh".
Như vậy, nếu căn cứ vào cái mốc của tài liệu trên thì tên gọi Kẻ Chợ xuất hiện ít nhất là từ thế kỉ 17. Lâu nay, dân gian ta vẫn hay dùng từ này để chỉ "Hà Nội" hoặc "người Hà Nội".
Trong từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 (NXB Từ điển Bách khoa, 2002) đưa ra chú thích "Đây là tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê - Trịnh, phân biệt với khu hoàng thành của vua quan". Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán hàng hoá (với hàng loạt các phố "hàng" khác nhau) ở Hà Nội xưa.
Cũng theo cuốn này thì đầu tiên người ta dùng "kẻ" trong Kẻ Chợ với nghĩa như trong kẻ ở người đi, kẻ Bắc người Nam, kẻ sĩ. Sau này, hơi nghiêng về hàm ý không được coi trọng, vì dân thương gia, buôn bán không hẳn là những người có thứ bậc cao. Sau đó, "kẻ" tiếp tục phát sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người, có nét đặc thù riêng. Vì thế, ta có kẻ chợ, kẻ quê, kẻ Sặt, kẻ Noi, kẻ Mơ, kẻ Láng, kẻ Đông,… Ở các từ này, nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hoà kết tạo nên một nghĩa tổng quát.
Kẻ Chợ (Hà Nội) là một tổ hợp mang đậm cách dùng này. Lúc đầu chỉ để phân biệt hai khu vực trong kinh thành (một nơi của dân buôn bán, xô bồ dân dã; một nơi là hoàng thành của vua chúa, đẹp đẽ nghiêm cẩn).
Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được sử dụng danh từ phố phường. Phố chỉ sự phát triển của thị thành, còn phường chỉ sự phát triển của các ngành nghề. Điều này cho thấy vị thế của các nghề thủ công - thương mại trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất Thăng Long xưa. Nhờ địa thế cho giao thông đường thủy thuận lợi với các khu vực trong vùng, từ thế kỷ 11, Hà Nội đã rất phát triển về thương mại.
Theo cuốn Lịch sử Thủ đô Hà Nội, có ghi lại nhận xét của giáo sĩ Richard ở thế kỷ 18 về cảnh buôn bán sầm uất trên bến sông Hồng ở Thăng Long: "Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Venise với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ".
Thực tế, từ thời Đại La (tên cũ của Hà Nội) đã trở thành một cái chợ lớn của cả lưu vực sông Hồng. Những cư dân đầu tiên đến định cư ở đây cũng để buôn bán. Việc tụ họp theo nhóm nghề buôn bán chính là cơ sở đầu tiên giúp hình thành các phố chuyên nghề ở Hà Nội sau này.
Về một phương diện nào đó, có thể hình dung, 36 phố phường của Thăng Long thực chất là dãy hàng quán, về sau phát triển thành các phố phường sầm uất. Chính truyền thống buôn bán chứ không phải canh tác nông nghiệp đã tạo cho họ sự năng động và nhạy bén. Có lẽ vì thế, khi người Hà Nội đến sinh sống ở các vùng miền thường đạt được những thành công rực rỡ trong kinh doanh.
Bên cạnh những thuận lợi về địa lý, sau này, với sự thịnh trị của triều đình các đời Lý, Lê, Mạc cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành các phố phường ở Hà Nội. Ở kinh đô Thăng Long, thợ chuyên nghiệp vẫn được tổ chức lại theo phường thợ thủ công. Nhờ thế, thợ thuyền được tự do đi lại và tự do hành nghề mà Thăng Long là nơi tụ họp nhân tài các phường thợ dân gian, khiến cho nơi đây dần dần hình thành thêm các phường, phố nghề mới, làm phong phú hơn nét đặc sắc của phố phường.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
SayHaiiamNea ((:
19/05/2019 16:04:57
Cuốn sách “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên là cuốn sách tiếp nối các công trình Đại Việt thời Lý, vương triều Trần và Đại Việt thời Lê sơ thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Cuốn sách tái hiện lịch sử Việt Nam trong đó có Thăng Long – Hà Nội - thủ đô của Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử toàn diện và đầy đủ. Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng từ thế kỷ XVI - XVIII là thời kỳ gắn với nhiều biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của Việt Nam trong bối cảnh lịch sử chung của khu vực và thế giới. Công trình ngoài phần Dẫn luận, Kết luận (Thay lời kết), Thư mục trích dẫn, Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 4 chương được chủ biên trình bày rất công phu, đánh giá về các nhân vật lịch sử rất tinh tế, cập nhật được thông tin mới, sát hợp với tính khách quan của lịch sử:
Phần Dẫn luận cho thấy những nét khái quát nhất về bối cảnh lịch sử của Việt Nam trong gần 3 thế kỷ với những biến động về chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội. Và cũng là bước mở đầu cho thời kỳ toàn cầu hoá và sự hội ngộ, giao lưu Đông Tây. Thể hiện vị thế của Việt Nam và Thăng Long - Kẻ Chợ trong 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII trong mối quan hệ với các nước xung quanh và trên thế giới cũng như đối với các vùng miền khác trên cả nước.
Chương I. Đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng. Phục dựng lại những nét cơ bản về đời sống chính trị Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc với việc khủng hoảng chính trị dẫn đến những biến loạn trong cung đình cuối thời Lê sơ đã đưa Mạc Đăng Dung lên ngai vàng và lập ra nhà Mạc. Mặc dù nhà Mạc cho xây dựng Dương Kinh – quê hương của mình như một kinh đô thứ hai nhưng Thăng Long – Đông Kinh vẫn là kinh đô chính thức. Những biến động chính trị sâu sắc trong đó có cuộc chiến giữa họ Trịnh và vua Lê với nhà Mạc để rồi chính quyền lại chuyển từ tay nhà Mạc sang Lê Trung hưng. Thông qua việc khai tác các nguồn tư liệu gốc và thêm vào đó là nguồn tư liệu phong phú của các tác giả phương Tây giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, đặt biệt là mối quan hệ giữa cung vua - phủ chúa ở giai đoạn lịch sử này.
Chương II. Diện mạo kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này thể hiện thế mạnh về sự hiểu biết sâu sắc của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đối với kinh thành Thăng Long trong các thể kỷ XVI – XVIII. Về nghiên cứu nội dung này, tác giả đã thể hiện môt số khía cạnh trong một số công trình nghiên cứu của mình nhưng ở đây được viết kỹ và có thêm nguồn tài liệu mới từ nước ngoài.
Chương III. Kinh tế - xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này được thể hiện trong 3 nội dung: Chính sách kinh tế - xã hội tác động đến kinh tế hàng hoá; Đời sống kinh tế; Đời sống xã hội. Nội dung phân chia phù hợp, được thể hiện khá rõ. Từ việc khai thác các nguồn tư liệu đa dạng phong phú với sự khảo sát đối chiếu và phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành từ các nguồn tư liệu chính sử, các tác phẩm sử học của các cá nhân với các cuốn hồi ký, du ký của các tác giả nước ngoài và nguồn tư liệu dân gian, khảo cổ học, thành Đại Đô với Hoàng thành và Cung thành bên cạnh đó là quần thể phủ chúa Trịnh đã được sống lại qua những miêu tả hấp dẫn.
Chương IV. Đời sống văn hoá Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng. Chương này được tác giả viết hay có hồn, lôi cuốn người đọc ở những nội dung được dẫn dắt thú vị giúp người đọc có một cái nhìn đa chiều về một thời kỳ đầy biến động về chính trị của đất nước, môi trường kinh tế - xã hội đặc biệt sôi động của Thăng Long - Kẻ Chợ đã thực sự bước vào một giai đoạn lịch sử mới, nông nghiệp có những bước phát triển mới, thủ công nghiệp và đặc biệt là thương nghiệp đã tạo ra những bước ngoặt trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Sự phát triển về kinh tế đưa đến những thay đổi trong đời sống xã hội và những thành tựu lớn về văn hoá.
Bản thảo được trình bày, phân tích khá đầy đủ, sâu sắc về Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội và đưa ra những nhận xét đánh giá về Thăng Long - Kẻ Chợ cũng như vai trò, vị trí của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc – Lê Trung hưng nói riêng trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung. Bố cục cuốn sách với các chương, đề mục và tiểu mục trong các chương hợp lý, hệ thống chặt chẽ và logic. Các vấn đề trong từng chương cũng như sự liên kết, gắn bó hữu cơ giữa các chương thể hiện được tính toàn diện, đa chiều và phong phú của nội dung.
Trong phần Tổng quan nghiên cứu cũng như phần các công trình tuyển chọn, tác giả đã tổng thuật khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến nhà Mạc, Lê Trung hưng và Kinh đô Thăng Long trong ba thế kỷ XVI – XVIII. Tác giả đã tham khảo, trích dẫn 126 đầu tài liệu bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp có liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu.
Các tác giả đã áp dụng và tuân thủ các phương pháp nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp với công trình, vừa mang tính hiện đại vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan trong nghiên cứu. Kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước, đồng thời cập nhật những kiến thức mới để kịp thời bổ sung cho những vấn đề còn chưa thống nhất của các học giả. Ở cuốn sách này, nguồn tư liệu phi quan phương và phi chính thống khá phong phú, giúp người đọc có thể nhìn nhận, tìm hiểu và đánh giá các vấn đề lịch sử một cách khách quan và khoa học để phục dựng lại bức tranh toàn cảnh đa sắc của kinh đô trong những thế kỷ XVI – XVIII một cách tin cậy nhất. Cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc những hiểu biết, những nhận thức mới và toàn diện về Thăng Long - Kẻ Chợ trong 3 thế kỷ thời Mạc – Lê Trung hưng.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×