Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Núi Thiên Ấn cao 106 mét, có dạng hình thang cân, nhìn từ phía hữu ngạn sông Trà, tựa như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông, vì vậy người xưa gọi tên thắng cảnh này là “Thiên Ấn Niêm Hà” (quả ấn của trời đóng niêm xuống dòng sông). Con đường đi lên đỉnh men theo sườn núi từ phía Nam, xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, lòng đường rộng, độ dốc không lớn, có thể lên xuống núi bằng ô-tô, xe máy một cách thuận tiện. Ngoài ra, còn có con đường tắt, kè đá thành những bậc cấp, chỉ riêng cho người đi bộ.
Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Ẩn hiện dưới bóng cây cổ thụ, chiếm một diện tích tương đối lớn, là ngôi chùa cổ Thiên Ấn. Phía Đông Thiên Ấn tự là khu viên mộ gìn giữ pháp thân của tổ khai sơn và các vị sư tổ, sư trụ trì đã viên tịch qua các thời kỳ.
Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sơn ngôi chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau đó dần dần trùng tu, mở rộng, thu hút được nhiều Tăng Ni, Phật tử và trở nên nổi tiếng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu, một người rất sùng mộ đạo Phật, đã ban cho nhà chùa biển ngạch SẮC TỨ THIÊN ẤN TỰ. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được Thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946.
Từ khi khai lập đến nay (2009), chùa đã có 16 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi là Lục tổ. Chùa cũng đã trải qua 5 lần trùng tu, vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. So với các ngôi chùa cổ trong Nam ngoài Bắc, kể cả chùa ông Thu Xà, chùa Thiên Ấn không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng (bộ khung vốn được mua lại của đình làng Phú Nhơn) có phong cách kiến trúc mô phỏng kiểu nhà rường Trung Bộ. Bù lại, chùa toạ lạc ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi. Không những đông đảo Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh tôn xưng ngôi vị tổ đình, mà đối với người dân, ngôi chùa này có một sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại như giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
Khu viên mộ, nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì, nằm tiếp phía Đông Thiên Ấn tự, với những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (5, 7, 9) và tượng hình hoa sen. Bên trong tháp là nơi lưu giữ di hài các thiền sư, phía ngoài là bia ghi công đức, gắn liền với thân tháp. Chính khu viên mộ này là nơi gìn giữ bảo thân của 6 vị thiền sư nổi tiếng, kế tục trụ trì chùa Thiên Ấn, gìn giữ, mở rộng ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỷ xả của Đức Phật đến với đông đảo tín đồ trong tỉnh. Các sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi đề cập đến sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII về sau, đều đánh giá các vị là những bậc chân tu uyên thâm về Phật học và nổi tiếng về đức độ.
Cách ngôi chùa không xa, về phía Tây nam, trên một vùng đất thoáng đãng là mộ chí nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Cụ Huỳnh Thúc Kháng hiệu là Mính Viên, người huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, là một nhà báo nổi tiếng, sáng lập và chủ bút BáoTiếng Dân, tác giả Thi tù tùng thoại và nhiều văn phẩm có giá trị về văn học và lịch sử. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhận lời mời của Hồ Chủ tịch, cụ Huỳnh Đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước VNDCCH. Là người Quảng Nam nhưng cụ có nhiều gắn bó với Quảng Ngãi. Đặc biệt, trong những năm cuối đời, vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5, cụ đã sống, làm việc tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi và tạ thế tại đây vào ngày 21 tháng 4 năm 1947, hưởng thọ 71 tuổi.
Mộ cụ Huỳnh được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1997. Kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có được sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.
Vào những dịp lễ lớn, khách thập phương đến viếng Thiên Ấn lên đến hàng vạn người, trong đó có không ít người từ phương xa trở về. Họ có thể là tín đồ Phật giáo về đây lễ Phật và cầu nguyện, cũng có thể là người không theo đạo nhưng yêu mến cảnh chùa, muốn đến đây để chiêm ngưỡng một thắng cảnh hàng đầu của Quảng Ngãi, dành một khoảng thời gian để lòng mình tĩnh lặng, thanh tẩy tâm hồn, suy ngẫm nhiều điều về cuộc đời và lẽ đạo. Riêng đối với người dân Quảng Ngãi, chưa một lần đến Thiên Ấn cũng có thể xem là chưa hiểu quê hương bởi vì núi Ấn - sông Trà đã từ lâu trở thành biểu tượng của vùng đất và văn hiến Quảng Ngãi.
Năm 1990, núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích quốc gia. Nhưng trước đó, từ lâu lắm, Thiên Ấn đã là dấu chứng quê hương trong lòng người Quảng Ngãi:
Bao giờ Thiên Ấn hết tranh
Sông Trà hết nước, anh đành xa em...
I. Tổng quan về di tích Trường Lũy
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, Trường Lũy phôi thai từ khoảng giữa thế kỷ XVI, khi một vài đồn (bảo) được Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (1496 - 1568) cho xây dựng nhằm bình ổn vùng núi phía tây Quảng Ngãi. Đến năm 1750, Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác. Trong các thế kỷ XVI - XVII - XVIII, dưới thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời Nguyễn, Trường Lũy được xây dựng quy mô và hoàn chỉnh. Năm 1819, dưới sự chỉ huy của Tả quân Lê Văn Duyệt, binh lính và nhân dân đã đào đắp, nối kết hàng trăm đồn (bảo) lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn.
Sau 5 năm khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 127,4 km bờ lũy đi qua 34 xã thuộc 10 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Minh Long, Tư Nghĩa, Đức Phổ (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) và 2 huyện Hoài Nhơn và An Lão (thuộc tỉnh Bình Định) với hơn 70 đồn (bảo). Nổi bật là các di tích gắn với Trường Lũy như: Thiên Xuân, Khánh Giang, Rùm Đồn, đèo Chim Hút (thuộc huyện Nghĩa Hành) và một số đoạn lũy tiêu biểu nằm trên địa bàn các xã: Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Bình (huyện Trà Bồng), xã Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa), xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành), xã Ba Động (huyện Ba Tơ).
Trường Lũy là một công trình kiến trúc hùng vĩ còn khá nguyên vẹn, chạy dài theo chân gần hết dãy Trường Sơn giáp giới với đồng bằng. Tùy theo địa hình mà lũy có lối xây dựng thích ứng. Ở địa hình đồi núi, lũy vắt qua sườn đồi núi. Chỗ bằng phẳng, lũy chủ yếu được đắp bằng đất, chỗ dốc thì được gia cố thêm bằng đá, nhưng hầu hết là lũy, bảo có chất liệu bằng đá. Dọc theo lũy còn dấu vết các con đường, hào, có nhiều cửa đảm bảo cho giao thương và có các chợ phiên nằm lân cận. Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy không chỉ có chức năng bảo vệ, bình ổn xã hội, mà còn có chức năng đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh tế, trao đổi văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược, giữa đồng bào Kinh và đồng bào Thượng.
Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, hội thảo về di tích Trường Lũy Quảng Ngãi, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu ở trong và ngoài nước đến từ Hội đồng Di sản Anh, Viện Nghiên cứu Nhân học Châu Á, Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam… hầu hết ý kiến đều thống nhất nhận định: Trường Lũy, với các yếu tố cấu thành của nó, có giá trị văn hóa đặc biệt, là công trình kiến trúc thành lũy dài nhất Đông Nam Á, là kết quả lao động sáng tạo của nhân dân trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, là một tài nguyên du lịch hấp dẫn.
II. Giá trị của di tích Trường Lũy và tiềm năng phát triển kinh tế du lịch
1. Giá trị của di tích Trường Lũy
Trường Lũy là thành lũy cổ dài nhất Đông Nam Á có lối kiến trúc riêng, độc đáo. Theo các nhà chuyên môn, xét ở phạm vi nước ta, thì loại hình di tích kiến trúc tương tự (thành lũy) có thành Cổ Loa ở Hà Nội, thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa, thành Châu Sa ở Quảng Ngãi, Lũy Thầy ở Quảng Bình và Trường Lũy ở Quảng Ngãi. Mỗi một di tích ấy có một giá trị riêng.
Giá trị của di tích Trường Lũy Quảng Ngãi được đánh giá tổng quát như sau:
- Giá trị lịch sử: Trường Lũy là một di tích sống động về một thời kỳ trong lịch sử Việt Nam, là chứng liệu thực tế đã được ghi chép trong sử sách thời nhà Nguyễn.
- Giá trị văn hóa - khoa học: Trường Lũy thể hiện kiến thức quân sự Việt Nam ở khía cạnh xây đắp thành lũy. Nó là kết quả của lao động sáng tạo của hàng vạn nhân công qua nhiều thế kỷ.
- Giá trị tham quan, du lịch: Bản thân Trường Lũy là một công trình kiến trúc hùng vĩ, trong một không gian có địa hình thiên nhiên đa dạng và tươi đẹp, cư dân ở quanh Trường Lũy gồm các dân tộc Việt, Hre, Cor có những di sản văn hóa rất phong phú và đặc sắc.
2. Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch
Di tích Trường Lũy mở ra một cơ hội mới về phát triển du lịch, không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Ngãi, mà còn cho các tỉnh lân cận trong khu vực.
Điều đó đã được kiểm chứng qua nhận định của các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế. Trường Lũy có nét đặc trưng và hấp dẫn riêng, không bị trùng lặp với các di tích khác trong vùng. Nếu Quảng Nam có di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, Bình Định có các tháp Chăm và di tích lịch sử về nhà Tây Sơn, thì Quảng Ngãi có di tích Trường Lũy. Tất cả đều nằm chung trên con đường di sản văn hóa miền Trung nhưng Trường Lũy Quảng Ngãi có nét đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn riêng mà các di tích khác không thể có được. Sự gắn kết, sự góp mặt của Trường Lũy Quảng Ngãi trong các di sản văn hóa lớn, các công trình kinh tế du lịch trọng điểm, các tuyến, tour du lịch sẽ làm phong phú hóa sản phẩm du lịch, tăng cao tính hấp dẫn của loại hình du lịch tham quan di tích, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành du lịch vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung.
Khả năng khai thác, phát triển du lịch đối với Trường Lũy là rất lớn.
Trường Lũy có tổng chiều dài hơn 127 km, chạy theo hướng bắc - nam, về đại thể nó song song với quốc lộ 1, cự ly trung bình từ quốc lộ 1 đến Trường Lũy khoảng 15 - 20 km. Các tuyến đường ngang từ quốc lộ 1 đi về hướng tây trên địa hạt tỉnh Quảng Ngãi hầu hết đều đã được xây dựng, việc đi đến Trường Lũy để tham quan thuận lợi, dễ dàng. Đường đi tới Trường Lũy và khu vực xung quanh Trường Lũy có quang cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ, tươi đẹp và hữu tình. Theo khuyến nghị của các chuyên gia du lịch, việc khai thác du lịch đối với di tích Trường Lũy cần kết hợp với khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa dân tộc. Chúng tôi xin nói thêm rằng: khai thác di tích Trường Lũy hoàn toàn có thể gắn kết chặt chẽ với việc khai thác các di tích lịch sử, văn hóa nổi bật như: di tích về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi, di tích về khởi nghĩa Ba Tơ cùng với các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của vùng Trà Bồng - Tây Trà và vùng tây nam Quảng Nam là Bắc Trà My - Nam Trà My (trong đó, Trà Bồng đã có dự án du lịch sinh thái núi Cà Đam), vùng thiên nhiên hoang sơ vùng Ba Tơ và Kon Plông (qua quốc lộ 24); với các di sản văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc anh em: Hre, Cor, Ca Dong, Xơ Đăng... Đó là chưa kể đến sự gắn kết Trường Lũy với các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác hiện có trong tỉnh Quảng Ngãi như các di chỉ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm bác sĩ Đặng Thùy Trâm..., các danh thắng ven biển như Dung Quất, Mỹ Khê, đảo Lý Sơn... Những chuỗi kết nối liên hoàn trong các tuyến, tour du lịch như vậy là điều kiện hết sức thuận lợi, là tiền đề cần thiết để khai thác, phát huy nâng cao giá trị văn hóa và hiệu quả kinh tế du lịch của cả vùng.
III. Những kết quả bước đầu và khó khăn, thách thức cần phải vượt qua
Từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều động thái khẩn trương nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và khai thác Trường Lũy gắn với phát triển kinh tế du lịch của tỉnh và vùng duyên hải miền Trung.
Tỉnh đã hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích Trường Lũy Quảng Ngãi trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngày 9.3.2011 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng di tích Trường Lũy Quảng Ngãi là di tích LSVH cấp quốc gia.
Tiếp đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cho di tích Trường Lũy Quảng Ngãi, như:
- Mời đoàn gồm các vị đại sứ, các vị tổng lãnh sự Việt Nam chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ ở các nước trên thế giới đến thăm Quảng Ngãi, nghe giới thiệu và xem các thông tin, hình ảnh về di tích Trường Lũy.
- Mời đoàn đại sứ một số nước châu Âu tại Việt Nam và một số nhà khoa học có uy tín của các nước đến tham quan trực tiếp tại di tích Trường Lũy; tổ chức hội nghị khoa học để lấy ý kiến tư vấn các nhà nghiên cứu, các vị đại sứ EU về việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và góp phần quan trọng quảng bá di tích Trường Lũy ra thế giới.
- Mời các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hóa và du lịch của Vương quốc Anh và Bắc Ireland, như GS. Christopher Young (Hội đồng Di sản Anh), bà Jane Brantom (chuyên gia du lịch), các giáo sư ở Đại học Nữ hoàng Belfast về Quảng Ngãi và đã đi khảo sát cụ thể về di tích, gặp gỡ, trao đổi với các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên môn của địa phương và các chuyên gia đã có những tư vấn cụ thể trong việc bảo tồn, khai thác di tích Trường Lũy gắn với du lịch.
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã về làm việc với tỉnh Quảng Ngãi và đi thị sát Trường Lũy. Các chuyên gia du lịch từ Tổng cục Du lịch đã đến Quảng Ngãi để tư vấn về việc phát triển du lịch đối với di tích Trường Lũy.
- UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan trung ương tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trường Lũy gắn với du lịch; đã cho chủ trương đầu tư xây dựng dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích kiến trúc Trường Lũy Quảng Ngãi và đang nghiên cứu hình thành bộ máy quản lý chuyên cho Trường Lũy, có nhiệm vụ bảo tồn, khai thác, phát huy Trường Lũy theo yêu cầu bảo tồn di tích, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời đang làm các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho lập hồ sơ xếp hạng di tích Trường Lũy là di tích cấp quốc gia đặc biệt và tiến tới lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |