Trong những năm 30 của thế kỉ XX, các nước phát xít Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản đã liên kết với nhau thành liên minh phát xít, còn được gọi lag Trục Béc-lin-Rô-ma-Tô-ki-ô hay phe Trục. Khối này tăng cường các hoạt động quân sự và gây chiến tranh xâm lược ở nhiều khi vực khác nhau trên thế giới.
Sau khi chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc (1931), từ năm 1937 Nhật Bản mở rộng chiến tranh xâm lược trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Phát xít I-ta-li-a tiến hành xâm lược Ê-ti-ô-pi-a (1935), cùng với Đức tham chiến ở Tây Ban Nha nhằm hỗ trợ lực lượng phát xít Phran-cô đánh bại Chính phủ Cộng hòa (1936-1939). Sauk hi xé bỏ Hòa ước Vécxai, nước Đức phát xít hướng tới mục tiêu thành lập một nước “Đại Đức” bao gồm tất cả các lãnh thổ có dân Đức sinh sống ở châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Liên Xô coi chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm nhất nên đã chủ trương liên kết với các nước tư bản Anh, Pháp để chống phát xít và nguy cơ chiến tranh. Liên Xô kiên quyết đứng về phía các nước Ê-ti-ô-pi-a, Cộng hòa Tây Ban Nha và Trung Quốc chống xâm lược.
Chính phủ các nước Anh, Pháp, Mĩ đều có chung một mục đích là giữ nguyên trật tự thế giới có lợi cho mình. Họ lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít, nhưng vẫn thù ghét chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, giới cầm quyền các nước Anh, Pháp đã không liên kết chặt chẽ với Liên Xô để cùng chống phát xít. Trái lại, họ thực hiện chính sách nhượng bộ phát xít, hòng đẩy chiến tranh về phía Liên Xô. Với đạo luật trung lập (8-1935), giới cầm quyền Mĩ thực hiện chính sách không can thiệp vào các sự kiện xảy ra bên ngoài châu Mĩ.
Chính quyền các nước phát xít đã lợi dụng tình hình đó để thực hiện mục tiêu gây chiến tranh xâm lược.