Từ nhiều nghìn năm trước đây, những người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam đã trải qua những chặng đường lao động gian khổ, nâng cao dần cuộc sống và cùng nhau tiến xuống vùng đồng bằng, châu thổ các con sông lớn. Bằng lao động và giúp đỡ lẫn nhau, họ từng bước sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ để từ đó hợp nhất lại thành một quốc gia - nước Văn Lang. Quá trình giao lưu, trao đổi thường xuyên diễn ra trên đất nước đã phát huy những tình cảm yêu thương, gắn bó mang tính địa phương, làng chài trước đây thành một tình cảm rộng lớn hơn, bao quát hơn - lòng yêu nước.
Nhưng, những mối quan hệ sơ khai về kinh tế - chính trị của quốc gia Văn Lang cùng những yếu tố văn hoá chung chỉ mới là hạt nhân, là cơ sở của lòng yêu nước. Thách thức lớn lao được đặt ra khi quân Tần xâm lược và trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, những tình cảm yêu nước của người Lạc Việt và Âu Việt thực sự được thử thách và gắn kết lại. Đánh bại quân xâm lược, nhà nước Âu Lạc ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của lòng yêu nước.
Tiếp theo, cuộc đấu tranh đầy gian lao, quyết liệt của người dân Việt cổ trong hơn 1000 năm Bắc thuộc vừa chống chế độ đô hộ, giành lại quyền tự chủ, vừa bảo vệ những di sản văn hoá của tổ tiên đã nâng cao và phát triển hơn nữa lòng yêu nước. Những huyền thoại Con Rồng cháu Tiên, Quả bầu mẹ, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, v.v... được lan truyền rộng khắp cùng với việc xây dựng miếu thờ các vị anh hùng chống đô hộ đã thực sự gắn kết, khắc sâu lòng yêu nước của người dân Việt để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.