Trước yêu cầu canh tân đất nước, nhà Nguyễn với vai trò chủ thể của việc tiếp nhận và triển khai chương trình cải cách duy tân đã không quay lưng. Tất cả các điều trần đều được vua Tự Đức và các triều thần đọc kỹ, xem xét và bàn luận nên cho thực hiện hay gác qua một bên, thực hiện toàn bộ kiến nghị hay chỉ một phần.
Sau khi xem xong văn bản “Khai hoang từ” gửi lên triều đình vào tháng 2/1866 của Nguyễn Trường Tộ, Tự Đức châu phê: “Nguyễn Trường Tộ là người có thể dùng được. Hay là cho hắn một chức quan để lấy lòng và dùng sau”. Điều này cho thấy Tự Đức muốn dùng Nguyễn Trường Tộ và các đề nghị của ông nhưng không phải trong lúc triều đình đang dồn công sức cho việc lấy lại ba tỉnh miền Đông, mà là về sau. Về sau đây có thể là lúc mối quan hệ với người Pháp đã tạm ổn. Cũng trong năm đó, triều đình gặp rắc rối trong việc giải quyết vụ tàu Luân Đôn, Tự Đức cho vời Nguyễn Trường Tộ về Huế. Rõ ràng, Tự Đức đã có sự tin tưởng nhất định vào khả năng của Nguyễn Trường Tộ nhờ vào các bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ gửi lên. Hay như việc Nguyễn Trường Tộ gửi cho Trần Tiễn Thành ba bức thư. Trần Tiễn Thành viết tờ tấu dâng lên Tự Đức; trong tờ tấu, Tự Đức thể hiện thái độ đánh giá cao Nguyễn Trường Tộ: “Than Ôi! Việc nước ta biết cùng ai mưu tính mà cùng chia sẻ nỗi quan tâm này ư? Trường Tộ việc gì cũng đã nghi ngờ triều đình, mày lại còn theo mà tạo nghi ngờ nữa, thì mọi việc mỗi ngày một hỏng, không trông mong gì thành công được”. Tự Đức còn yêu cầu Trần Tiễn Thành dâng các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ lên để ông xem xét: “Nếu không thì phải dâng nhiều lên xem để cùng lo liệu, bình tâm xử sự, mở lòng thành, bày lẽ công, ta với mọi người không xa cách nhau thì ai dám chống báng, việc gì chẳng thành. Nay hãy đệ nạp các bản, trong đó các khoản nên chăng như thế nào, khoản nào nên làm ngay, khoản nào nên đình lại, nhất nhất phải nói rõ. Lại phải tiến trình các bản chưa đóng hãy đóng chung lại kẻo mất”… Từ những sự kiện diễn ra trên đây, có thể thấy các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có tác động nhất định đến vua Tự Đức. Những nhận xét cho rằng Tự Đức quay lưng với các đề nghị cải cách nói chung và của Nguyễn Trường Tộ nói riêng là không xác đáng.
Thái độ và cách làm này cho thấy nhà Nguyễn cũng rất ý thức cần phải canh tân để tồn tại chứ không phải mù quáng vứt bỏ điều trần như một số công trình trước đây đã viết.