Nơi đây có lẽ là thành phố duy nhất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm chất phương Đông, những ngôi nhà cổ, chùa cầu, lồng đèn, nhang trầm và văn hóa. Tất cả những vẻ đẹp ấy của Hội An đều đem đến cho ta cảm giác được tìm về nguồn cội, để rồi học cách yêu nó hơn, học cách trân trọng văn hóa ngàn đời của cha ông hơn nữa.
Có thể nói, đặt chân đến Hội An chính là đến với những gì cổ kính nhất, mộc mạc nhất của một không gian Việt Nam xưa. Ở nơi ấy, chúng ta có thể đắm mình vào những dãy nhà cổ có niên đại cách ngày nay hàng thế kỷ, thỏa chí tò mò qua những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nối đuôi nhau chạy dài như bất tận, len lỏi giữa các gian hàng để chọn cho mình món quà độc đáo đồng thời tận hưởng cảm giác thanh bình của không gian nơi đồng quê. Đặc biệt hơn nữa là được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp lung linh, huyền ảo, sâu lắng của phố cổ Hội An khi đất trời chìm trong màn đêm.
Cho dù là lần đầu hay đã nhiều lần đặt chân đến đây, mỗi người đều có một cảm xúc cho riêng mình, có thể thay đổi, có thể không giống nhau nhưng những hình ảnh như thế này ở Hội An với nét hiền hòa và cổ kính đã trở nên rất quen thuộc, nó là một phần nét đẹp cũng như văn hóa không thể thay thế được.
Một cái tên thân thương khác mà Hội An thường được gọi mà ai cũng biết đó là: “Phố đèn lồng”. Quả thật một trong những nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp lung linh về đêm, rực rỡ ban ngày của Hội An chính là những chiếc đèn lồng. Ðèn lồng Hội An từ lâu đã trở thành món quà đáng quý mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải mua về một chiếc đèn lồng nhỏ như muốn gói mang về thứ ánh sáng đặc biệt ấy của Hội An, lưu giữ mãi sắc màu cảm xúc lung linh huyền thoại.
Những đêm lễ hội hoặc trăng sáng, Hội An như trút bỏ chiếc áo đô thị để quay về một thời quá khứ. Lúc này nhìn phố cổ như bước ra từ một thế giới thần tiên cổ tích, lung linh huyền ảo bởi những chiếc đèn lồng thô sơ nhưng rất đỗi diệu kỳ. Phong tục thắp lồng đèn trang trí phố cổ ở Hội An bắt đầu cách đây khoảng 3 thế kỷ, phát triển, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, du lịch.
Điều đặc biệt nữa mà người ta yêu thích ở Hội An chính là nghệ thuật kiến trúc, kiến trúc Hội An vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa là sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Địa hình khu phố cổ có dạng nghiêng dần từ bắc xuống nam.
Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Du khách dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ…
Một trải nghiệm độc đáo ở Hội An mà nhiều du khách luôn trải nghiệm và yêu thích là bước chân xuống phố lúc mặt trời chưa ló rạng. Rồi lang thang trên những con đường vắng tanh để cảm nhận một Hội An mộc mạc, yên tĩnh đến lạ thường.