Con người sống với nhau cần nhất đó chính là sự tôn trọng. Sự tôn trọng giữa người với người thể hiện ở cách ứng xử. Bạn càng cư xử khéo léo thì bạn càng được nhiều người tôn trọng. Và một điểm quan trọng để trở thành người khéo léo đó là phải biết nói lời xin lỗi.
Theo bạn, tại sao lời xin lỗi lại có giá trị đến như vậy? Rất nhiều người quan niệm rằng, lời xin lỗi chỉ nên nói ra khi chúng ta mắc phải một lỗi lầm nào đó. Ví dụ đơn giản nhất là khi bạn vô tình xô ngã một người, việc bạn cần làm là nói lời xin lỗi người đó. Quan điểm này là đúng nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Trong tiếng Anh có hai từ đều được dịch ra tiếng Việt là xin lỗi là excuse me và sorry. Nếu sorry được dùng để xin lỗi sau khi bạn làm một việc gì đó thì excuse me dùng để xin người khác lưu ý khi ta sắp làm một việc gì đó. Đó chính là văn hóa của người Anh còn người Việt chúng ta thì sao? Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần bắt đầu bằng một câu xin lỗi khi chúng ta muốn nhờ vả ai đó làm chuyện gì. Chẳng hạn như “Xin lỗi, tôi có thể ngồi vào chiếc ghế này không?”. Hay “Xin lỗi, tôi không nghe thấy những lời anh vừa nói”… Vậy đấy, không phải lúc nào xin lỗi cũng là vì chúng ta mắc lỗi. Đó là sự văn minh trong cách giao tiếp, cách ứng xử giữa con người với con người.
Con người ta sinh ra đều phải học từ những điều nhỏ nhất. Đó là học ăn, học nói, học gói, học mở. Học nói lời xin lỗi cũng chính là cách để con người trưởng thành hơn trong xã hội ngày nay. Dù bạn thuộc địa vị nào trong xã hội, bạn làm ngành nghề gì, bạn vẫn cần phải nói lời xin lỗi. Đó là điều mà những con người sống trong xã hội dân chủ và văn minh cần phải áp dụng để thể hiện được sự tôn trọng lẫn nhau.
Lời xin lỗi tất nhiên cũng phải xuất phát từ cái tâm của người nói. Nghĩa là khi bạn xin lỗi, bạn phải thật sự cảm nhận được cái sai của mình và tự bản thân hiểu rằng sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm ấy nữa. Có như vậy thì lời xin lỗi mới có giá trị. Sẽ chẳng có ai muốn nhận một lời xin lỗi giả tạo, một lời xin lỗi để “nói cho xong”. Như vậy thì không chỉ là thiếu tôn trọng người khác mà còn thiếu tôn trọng chính bản thân mình nữa. Khi bạn thiếu chân thành một lần, người khác có thể bỏ qua. Nhưng khi bạn thiếu chân thành nhiều lần, sẽ không còn ai muốn giao tiếp với bạn nữa.
Theo đó, lời xin lỗi cũng chính là cách để con người chung sống hòa hợp với nhau. Trong cuộc sống này, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo ý chúng ta muốn. Sẽ có những khi ta không vừa lòng với một ai đó. Sẽ có những khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Căng thẳng nhất sẽ là những trận cãi vã thậm chí đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán. Sau đó sẽ là những mối quan hệ bị rạn nứt. Có không người sẽ hối hận vì lúc trước đã không hạ bớt cái tôi của mình xuống để nói lời xin lỗi trước. Tại sao chúng ta cứ luôn tự làm khổ mình như vậy? Một lời xin lỗi chẳng phải sẽ hóa giải hết mọi căng thẳng hay sao? Lời xin lỗi ở đây không có nghĩa là thừa nhận chúng ta đã sai. Chỉ đơn giản là chúng ta tôn trọng mối quan hệ mà mình đang có và chúng ta muốn mối quan hệ ấy được tồn tại vững bền.
Cuộc sống này không có ai là hoàn hảo cả. Chúng ta hạ bớt cái tôi của mình đi một chút để nói lời xin lỗi. Hẳn đối phương cũng sẽ hạ bớt cái tôi của họ xuống và xin lỗi chúng ta. Vậy là dĩ hòa vi quý. Mọi chuyện sẽ được hóa giải chỉ bằng một lời xin lỗi chân thành.
Khi bạn cảm thấy lời xin lỗi thật khó để nói ra, ấy là khi trong lòng bạn vẫn chưa thật sự nhận thấy giá trị của lời xin lỗi. Giá trị của lời xin lỗi nằm ở chỗ bạn biết sai và sẵn sàng sửa sai. Nếu bạn nói dối bố mẹ là đi học để được đi chơi nhưng bị bố mẹ phát hiện. Điều bố mẹ cần chỉ là một lời xin lỗi từ phía bạn. Đó là sự đảm bảo, là lời hứa hẹn về việc bạn sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm ấy một lần nào nữa. Dù bạn đã nhận ra sai lầm nhưng bạn vẫn không xin lỗi, bố mẹ sẽ dần mất lòng tin vào bạn. Trong lòng bạn hẳn cũng sẽ có những bứt rứt không yên. Vậy nên hãy học cách để nói một lời xin lỗi. Bạn sẽ trút bỏ được những gánh nặng trong lòng.
Đó là những suy nghĩ của tôi về giá trị của lời xin lỗi. Dân gian ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy thì hà cớ gì chúng ta phải ngại ngần khi nói ra một lời xin lỗi khi mà lời xin lỗi ấy khiến cả 2 bên cùng thấy hài lòng?