Vì sao thanh niên ngày nay không mặn mà với các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống này. Đó là vì sự thiếu quan tâm đầu tư đúng mức của các ngành chức năng đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Hiện nay, một số tác phẩm được dàn dựng gọi là cổ truyền nhưng phần lớn đều bị biến dạng và thay đổi quá nhiều. Ví dụ như người nghệ sĩ biểu diễn mặc áo dài truyền thống, đầu đóng khăn nhưng chân lại đi giày cao gót; hoặc nghệ sĩ thủ vai nhân vật đói nghèo, đang kêu khóc thảm thiết nhưng lại ăn mặc rất đẹp, cổ đeo vòng vàng. Các dụng cụ trang trí, dựng cảnh cũng bị “hiện đại hoá” không phù hợp với từng loại hình nghệ thuật, từng giai đoạn lịch sử. Một nguyên nhân khác nữa là: đội ngũ cán bộ công tác đoàn TN ở các cơ sở chưa am hiểu nhiều về các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các lễ hội truyền thống. Thanh niên ít khi được tham gia vào các hoạt động nghệ thuật này mà chủ yếu là nghệ thuật hiện đại. Trong khi đó, các loại văn hoá phẩm đồi truỵ từ bên ngoài vẫn tràn vào bằng nhiều con đường khác nhau. Tuy cũng đã có ngăn chặn, song chưa thật triệt để. Do đó, thanh niên ngày nay phần nào có sự lệch lạc trong việc chọn món ăn tinh thần của họ.
Nhu cầu thưởng thức cũng như việc được tham gia các hoạt động văn hoá nghệ thuật của thanh niên luôn phát triển theo tiến trình đổi mới của đất nước và tính đa dạng của văn hoá thế giới. Song, không phải vì vậy mà để cho thanh niên ngày càng có xu hướng xa rời các loại hình nghệ thuật cổ truyền của Dân tộc. Các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan chức năng cần có sự quan tâm, cần có chính sách khuyến khích và khai thác mọi khả năng sáng tạo nghệ thuật, đào tạo bồi dưỡng các tài năng trẻ trong hoạt động nghệ thuật quần chúng để thu hút thanh niên trở về với các loại hình nghệ thuật cổ truyền mang tính lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam.