Bao lâu nay, chúng ta đã bị nhà tù tâm trí trói buộc, những hệ tư tưởng, những định kiến, những khái niệm đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta. Đó chính là những “Gông Cùm” giam hãm ta, khiến ta phải đau khổ vì nó. Chúng ta nhận ra được điều này chăng?
Chỉ vì 2 chữ “Tự Do” mà con người đã tranh đấu đến sức cùng lực kiệt trong suốt hàng ngàn năm qua, và chúng ta đã có được sự tự do chăng? Nó như là một loại hàng xa xỉ phẩm mà chỉ những người “thật giàu” mới có thể có được.
Có bao giờ ta tự vấn rằng “tự do là gì, nó đến từ đâu”? Tự do có cần phải được ban phát? Tại sao con người phải tốn rất nhiều công sức, phải đổ máu chỉ vì 2 chữ “Tự Do”? Vậy thì có phải chăng ta là những người “nghèo” (vì những người “nghèo” sẽ không có được tự do).
Trên thực tế, những điều ta khao khát có được chính là những điều ta đang rất thiếu thốn, ta cố gắng tìm kiếm bên ngoài để có được sự tự do, bình an, hạnh phúc mà tự do là tiêu điểm chính, để rồi ta bị trói buộc, ta bị dính mắc, ta bám chấp, và đó chính là những “Gông Cùm” khiến công cuộc tìm kiếm tự do của ta gặp rất nhiều khó khăn.
Trong cuộc sống, ta phải đóng rất nhiều vai và ta phải mang rất nhiều lớp mặt nạ khác nhau như: vai vợ - chồng, cha - mẹ, con cái, bạn bè, nhân viên - sếp, v.v…và chính ta lại bị những vai diễn này đồng hóa đến mức không thể nào thoát ra được, nó gây xáo trộn trong tâm thức, ảnh hưởng đến đời sống nghiêm trọng.
“Ta chính là đạo diễn và là diễn viên của cuộc đời mình”. Ta rất thích đóng vai nạn nhân, vì vai này không phải chịu trách nhiệm cho số phận của mình, số phận của ta được định đoạt bởi những thứ khác. Ta cần có khán giả để hòa điệu và đồng cảm, và ta cũng bị chi phối mạnh mẽ khiến ta càng lún sâu hơn.
Khi kết thúc vai diễn này thì sẽ đến vai diễn khác, cứ thế xoay vòng và đây cũng chính là ma trận của cuộc sống. Nó xoáy ta cho đến khi ta vào được tâm bão và ta nhận ra sự bình an, sự tự do, nhận ra các vai mà ta đã diễn và ta quyết định không mời khán giả đến xem nữa.
Và cuối cùng, bộ phim cuộc đời của chính ta bao gồm: “đạo diễn, diễn viên và khán giả”. Tại sao ta lại là khán giả của chính mình? Vì chỉ khi là khán giả thì ta mới có góc nhìn tổng thể, khách quan, nhận ra được đâu là bi kịch, hài kịch, chính kịch, nhận ra được diễn viên diễn xuất sắc như thế nào, và đặc biệt nhất chính là người đạo diễn siêu việt.
Thế là ta đạo diễn lại cuộc đời mình, chỉnh sửa vai diễn hoàn hảo hơn, và ta luôn mời khán giả theo dõi sát sao, đó là chính ta. Bộ phim sắp ra mắt này và những bộ phim kế tiếp không hướng ra bên ngoài nữa mà sẽ hướng vào bên trong.
Ta không cần phải tìm kiếm điều gì ở bên ngoài nữa, vì thực sự mọi thứ đã có sẵn bên trong mà ta không nhận ra vì ta đã bị che mờ bởi những đám mây tham cầu, mong muốn, khát khao. Và khi ta quay vào bên trong thì tự do xuất hiện, mà đặc biệt tự do là điều rất quan trọng để ta có được bình an và hạnh phúc đích thực.
Sức mạnh lớn nhất chỉ nằm ở bên trong chúng ta, ta không cần phải khai thác nó, ta chỉ cần buông mọi thứ bên ngoài là ta sẽ có được nó. Vậy thì khi ta càng vào sâu bên trong thì ta lại chính là người giàu có.
“Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”, khi nội tâm vững chắc, ta có được tự do thì ta mới trao sự tự do đó cho người khác và muôn loài. Và cuộc chiến mà ta phải hướng đến sự tự do trong đời sống này chính là sự “buông bỏ”.