*Hịch Tướng Sĩ:
Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300) - người đã được vua Trần giao cho thống lĩnh quân đội, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi vẻ vang. Người nổi tiếng là biết trọng kẻ sĩ thu phục nhân tài. Trần Quốc Tuấn là một người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài, lòng yêu nước của ông được thể hiện rõ qua văn bản "Hịch tướng sĩ", văn bản khích lệ tướng sĩ học tập cuốn "Binh thư yếu lược" do ông biên soạn.
Trước sự lâm nguy của đất nước, lòng yêu nước thiết tha của vị chủ soái Trần Quốc Tuấn được thể hiện ở lòng căm thù sục sôi quân cướp nước. Ta hãy nghe ông kể tội ác của giặc: "Ngó thấy sự giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, vét của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau!". Tác giả gọi giặc là "cú diều, dê chó, hổ đói" không chỉ vạch trần sự tham lam, độc ác mà còn vạch rõ dã tâm xâm lược của giặc; thể hiện sự khinh bỉ, căm ghét tột độ. Không chỉ kể tội ác của giặc mà Trần Quốc Tuấn còn bày tỏ nỗi đau xót trước nỗi nhục của quốc thể, nỗi đau đớn xót xa. Đó là biểu hiện của sự sẵn sàng xả thân để rửa nhục cho nước, để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, khát vọng xả thân cho đất nước: "Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng".
Qua bài hịch, Trần Quốc Tuấn không chỉ thể hiện lòng căm thù sục sôi quân cướp nước mà còn thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết xả thân cho độc lập dân tộc. Ông vạch ra hai con đường chính - tà cũng là một con đường sống chết để thuyết phục tướng sĩ. Trần Quốc Tuấn biểu lộ một thái độ dứt khoát: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. "Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy rồi đây sau khi giặc đã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?", đó là lời động viên tới mức cao nhất ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.
Tình yêu thương chân thành, tha thiết dành cho tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đều được xuất phát từ lòng nhân hậu, từ lòng yêu nước. Với quân sĩ dưới quyền, Trần Quốc Tuấn luôn đối xử như với con mình, với những người quen: "Các ngươi cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười". Đó là mối ân tình giữa chủ và tướng nhằm khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với lẽ vua tôi cũng như tình cốt nhục. Chính tình yêu thương tướng sĩ chân thành tha thiết mà Trần Quốc Tuấn đã phê phán những biểu hiện sai, đồng thời chỉ ra cho tướng sĩ những hành động đúng nên theo, nên làm. Những hành động này đều xuất phát từ ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Đó là sự băn khoăn trước tình trạng tướng sĩ không biết lo lắng cho đất nước: không thấy lo, thấy thẹn khi nhà vua và đất nước bị kẻ thù làm nhục; chỉ biết vui thú tiêu khiển, lo làm giàu, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát,... Nguy cơ thất bại rất lớn khi có giặc Mông Nguyên tràn sang: "cựa gà trống không thể đâm thùng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh; dẫu rằng ruộng lắm, vườn nhiều, tấm thân quí nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu; việc quân cơ trăm sự ích chi; tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khoẻ không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào!". Chính lòng yêu nước mà Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra cho tướng sĩ những hành động nên làm: "Nay ta bảo thật các ngươi: nên nhớ câu "đặt mồi lửa vào giữa đông củi là nguy cơ, nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" "làm run sợ. Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên"...
Bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta nói chung và Trần Quốc Tuấn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nó được thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược và những tình cảm dành cho tướng sĩ dưới trướng.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Bàn luận về phép học:
“Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm” – Đây là một câu được trích từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Bài tấu này được gửi đến vua Quang Trung vào tháng 8 năm 1791. Qua bài bàn luận này, Nguyễn Thiếp đã nêu lên tầm quan trọng của việc học đi đôi với hành cho vua Quang Trung biết. Và dù là thời Quang Trung, hay hiện tại, việc học và hành luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau – “Học phải đi đôi với hành” thì mới là “học thật”.
Vậy, học được định nghĩa như thế nào?. Có thể hiểu, học là một quá trình giúp ta thu nạp thêm kiến thức và biến kiến thức đó trở thành hiểu biết của bản thân mình. Việc học, không chỉ đơn giản là học từ thầy cô giáo, ta có thể học ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người lớn tuổi, hay học hỏi trao đổi với bạn bè, hoặc có thể tự học, tự tìm tòi thông qua sách vở hoặc các trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chữ học, thì việc này chưa thật sự có ý nghĩa. Vì học là để cho bản thân, học phải hữu ích với bản thân, với xã hội. Mọi thứ ta học, ta ghi nhớ trong đầu, phải được áp dụng vào thực tế thì mới chính xác và xứng đáng với những gì ta học. Hay có thể nói, lý thuyết phải được đưa vào cuộc sống, phải thực hiện qua hành động, lao động thực tế thì mới là “lý thuyết sống” còn không, chúng chỉ là lý thuyết suông. Đó chính là lý do mà ta phải có “Hành”.
Vậy hành là gì? Hành chính là những hoạt động, những quy trình, những thao tác vận dụng, những cách giải quyết phù hợp với tình huống thực tế. Hành là “cái động của lý thuyết” khi áp dụng vào thực tế. Lý thuyết chỉ có một, nhưng khi ra ngoài thực tế, mỗi trường hợp, ta sẽ lại có cách áp dụng lý thuyết khác nhau. Có thể nói, hành là hành động, là sự biến hóa dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc. Và hành sẽ giúp ta khẳng định vững chắc và nắm rõ hơn những lý thuyết đã học.
Đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn ‘Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Lời dạy này đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa “học” và “hành”. Học và hành luôn phải đi chung và bổ trợ cho nhau. Hành là nơi áp dụng các lý thuyết đã học, giúp chứng mình, củng cố và làm rõ những gì đã học. Còn học lại là nơi cơ sở, bắt nguồn của mọi việc hành, có học thì hành mới vững chắc và an toàn. Đó là lý do mà các môn học luôn có phần thực hành. Từ các thực nghiệm thí nghiệm lý, hóa, sinh, ta có thể hiểu được các phương trình, phép toán, lý thuyết khó hiểu từ lý thuyết của chúng.
Trong chỉ dừng lại ở đó, với La Sơn Phu Tử, trong bàn luận về phép học” thì “hành” là còn là sự áp dụng đạo lý của thánh hiền vào cuộc sống, biến triết lý thành thực tế để hoàn thiện nhân cách, phẩm giá của con người. Đối với người xưa, học không chỉ làm người, học còn để hiểu Đạo. Đó lẽ lẽ sống, lẽ cư xử đối đãi giữa người với người. Có học, mới hiểu rõ Đạo, mới biết vận dụng đạo lý thành hiền vào cuộc sống. Học không phải là “đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường”. Vì cách học vì danh lợi phù phiếm này chỉ khiến “nước mất nhà tan”, sản sinh ra một thế hệ “chúa tầm thường, thần nịnh hót”. “Đạo học thành thì người tốt nhiều,người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị” – Đây chính là những gì mà La Sơn Phu Tử đã bàn luận trong tấu chương của mình.
Và tất nhiên, học có hành, thì hành cũng phải có học. Nếu không có lý thuyết làm cơ sở, thì việc hành biết bắt đầu như thế nào, và hành như thế nào là đúng đắn. Thực hành phải có lý thuyết định hướng, như vậy sẽ bớt được rất nhiều thời gian, và giảm thiểu những điều xấu, rủi ro không mong muốn. Đạo làm người cũng vậy, cách cư xử, đối nhân xử thế cũng vậy. Cần có người đi trước dẫn lỗi đưa đường, thì đạo mới đi đúng hướng, người mới có thể “thành nhân”.
Qua bài luận, Phu Tử cũng đã đưa cho vua Quang Trung một phương pháp học đúng đắn: “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc.Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm.” Giáo dục đúng cách, vận dụng hợp lý thì “nhân tài mới lập được công. Triều đình nhờ thế cũng được vững yên”.
Như vậy, từ bài tấu “Bàn luận về phép học” Nguyễn Thiếp, ta có thể thấy “học” và “hành” đều có tầm quan trọng như nhau và quan hệ mật thiết, không thể tách rời. “Học” có vai trò dẫn dắt việc “hành” và “hành” có tác dụng củng cố, chứng minh và hoàn thiện việc học. Từ đó, chúng ta cần phải điều chỉnh phương pháp học sao cho phù hợp, học cần vận dụng lý thuyết hợp lý để đạt kết quả tốt.