Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết văn: Cảm nhận của anh chị về bức tranh mùa xuân và tâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau (Vội Vàng - Xuân Diệu)

Viết văn: Cảm nhận của anh chị về bức tranh mùa xuân và tâm trạng nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau (bài Vội Vàng- Xuân Diệu):
"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng . Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. "
Từ đó bình luận ngắn gọn về cách nhìn của Xuân Diệu trong bài thơ Vội Vàng.
2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
22.676
28
13
Trịnh Quang Đức
25/04/2018 14:55:58

Từ “vẻ đẹp” trong câu hỏi mang hàm nghĩa khá rộng. Có thể cảm nhận về rất nhiều vẻ đẹp hàm chứa trong đoận thơ: vẻ đẹp của thiên nhiên, mùa xuân, cuộc đời; vẻ đẹp của tình yêu và tuổi trẻ; vẻ đẹp của cái tôi cá nhân khao khát sống; vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình... Tất cả quyện vào nhau trong một tổ chức ngôn ngữ thi ca hoàn hảo, thể hiện phong cách sáng tạo độc đáo của Xuân Diệu.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

- Đây là đoạn thơ thứ hai của bài thơ Vội vàng, kế tiếp năm câu thơ đầu vốn thể hiện một ước nguyện khác thường: muốn tắt nắng, buộc gió để màu đừng nhạt và hương đừng bay đi... Đoạn thơ từ Của ong bướm này đây tuần tháng mật đến Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân dường như bắt đầu giải đáp những thắc mắc trên: Vì sao tôi muốn thế? - Vì đời quá đẹp mà tuổi trẻ và mùa xuân lại qua mau.

- Vẻ đẹp của cuộc đời ở đây hiện hình qua gương mặt của thiên nhiên, của mùa xuânỄ Trong con mắt của nhà thơ yêu sống, không có gì khác, cuộc đời cũng chính là mùa xuân, nó đang bày ra trước mắt ta một bữa tiệc thịnh soạn. Tất cả đều tươi ngon, thơm tho, kích thích giác quan của ta hân hoan bừng nở. Bức tranh đời - mùa xuân được vẽ bằng gam màu tươi sáng, trên đó nổi bật lên màu “xanh rì” của đồng nội, dáng nét trẻ trung đầy sinh lực của "cành tơ”, sự bận rộn tíu tít của ong bướm...

- Tuy nhiên, cuộc đời chỉ thật sự đẹp khi có tình yêu. Bao nhiêu quyến luyến, mê say được thể hiện qua “khúc tình si” của yến anh, qua ánh chớp hàng mi của đôi mắt đẹp mở to nhìn đời với cảm giác ngạc nhiên, hạnh phúc. Trong đôi mắt đam mê sự sống ấy, thời gian là “tuần tháng mật” ngọt ngào, tháng giêng đầy mời gọi như một cặp môi đang hé mở rất gần và mỗi buổi sớm luôn báo hiệu một ngày vui bất tận. Những câu thơ đắm đuối của Xuân Diệu dường như có thể được dùng để minh hoạ cho quan niệm mà thi hào Vích-to Huy-gô từng phát biểu: “Cuộc sống là hoa và tình yêu là mật trong hoa”.

- Suy cho cùng, bức tranh đời - mùa xuân đầy mĩ lệ và thấm đẫm hương vị tình yêu nói trên chỉ có thể được tưởng tượng, được vẽ ra bởi một cái tôi đầy lạc quan, có cái nhln tích cực về cuộc đời, hiểu rõ giá trị của từng giây phút được sống trên thế gian này với tình yêu và dòng máu thanh xuân của mình. Cái tôi cá nhân, ở phần tươi sáng nhất của nó, quả có một sức hấp dẫn khác thường. Nó có thể đánh thức trong ta khát vọng được thụ hưởng mọi lạc thú mà tự nhiên ban tặng.

- Những vẻ đẹp được nói tới trên kia của cuộc đời - mùa xuân, của tuổi trẻ - tình yêu, của cái tôi cá nhân lạc quan, khát sống chỉ bộc lộ hết cung bậc của nó nhờ vẻ đẹp ngôn ngữ thi ca. Ở đây có vẻ đẹp của nhịp điệu - một nhịp điệu trẻ trung, khẩn trương, được tạo nên bởi việc nhà thơ cho tung ra liên tiếp các hình ảnh gây ấn tượng, bởi việc tác giả đã khai thác tối đa hiệu quả của các hình thức điệp: điệp từ (của), điệp ngữ (này đây), điệp cú pháp (của... này đây, hoặc đảo lại: này đây... của). Bên cạnh đó là vẻ đẹp của việc kết hợp hài hoà vừa mang tính tượng trưng, vừa mang tính cảm giác trực tiếp của hình ảnh. Những ong bướm, yến anh, những hoa, những lá một mặt rất ước lệ, mặt khác, lại rất sống động, cụ thể với màu xanh rì và động thái phơ phất tràn đầy cảm giác. Tháng giêng là một khái niệm thời gian, nhưng một khi được kết hợp với từ ngon, với liên hệ so sánh như một cặp môi gần, bỗng trở thành một đối tượng cụ thể, hiện hữu trước mắt ta đầy vẻ mời mọc. Đọc đoạn thơ, ta cũng không thể không chú ý tới cách diễn đạt khá “Tây” nhưng đạt hiệu quả lạ hoá ngôn từ rất đắt, tạo hình được dáng điệu cuống quýt của nhốn vật trữ tình (Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa)...

- Nhìn tổng thể, vẻ đẹp của đoạn thơ là biểu hiện cụ thể vẻ đẹp của một phong cách thơ độc đáo, mới mẻ với cái nhìn nghệ thuật riêng biệt về đời sống, về con người, với những tìm tòi một hình thức diễn tả đầy hình khối và cảm giác, kết hợp được những điểm mạnh của cảm xúc với tư duy phân tích tiếp nhận được từ thơ Pháp.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
51
11
Quỳnh Anh Đỗ
25/04/2018 16:12:16

Nếu nhắc tới thiên nhiên – một đề tài đã quá quen thuộc trong thơ ca, không thể không đề cập tới phong trào thơ mới của Việt Nam những năm 1930 của thế kỉ XX. Người ta được thưởng thức những cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhưng buồn trong thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,… Trong đó phải kể đến Xuân Diệu. Từ những vẻ đẹp ấn tượng về thiên nhiên trong Thơ duyên hay Đây mùa thu tới… nhà thơ tiếp tục mang đến sự đặc biệt về thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng. Bài thơ tuy không mang tới một thiên nhiên vốn có trong thi ca nhưng vẻ đẹp của nó đã góp phần đắc lực trong việc thể hiện quan niệm sống của nhà thơ Xuân Diệu.

Như đã biết, thiên nhiên là một nguồn cảm hứng dễ gợi cảm trong lòng thi nhân. Người nghệ sĩ vô cùng nhạy cảm trước những vẻ đẹp ấy dù là nhỏ bé, bình thường. Thiên nhiên đôi khi là bầu bạn, là chỗ dựa tinh thần để thi nhân trải lòng và phô diễn tài năng. Xuân Diệu đã bao lần tìm đến thiên nhiên để hòa mình vào đó, để cảm nhận từng khoảnh khắc, từng chuyển biến tinh vi của nó. Đến Vội vàng ông vẫn kịp ghi lại cho mình những khoảnh khắc thiên nhiên đặc biệt: đẹp đẽ, tươi non, mơn mởn nhựa sống nhưng cũng có cả sự mất mát, chia lìa. Sở dĩ có điều trái ngược ấy là vì thiên nhiên đóng vai trò như những “dẫn chứng” trong lời tranh biện của nhà thơ về cuộc đời, thời gian. Tuy nhiên, thiên nhiên trong bài thơ vẫn hiện ra với những nét độc đáo, riêng có ở Xuân Diệu.

Trước hết đó là một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, non xanh, mơn mởn, căng tràn nhựa sống trong khoảng khắc xuân thì. Vốn bắt nguồn từ hai ước muốn rất ngông cuồng, táo bạo là tắt nắng, buộc gió để giữ chặt hương sắc của cuộc đời, bức tranh thiên nhiên hiện lên là minh chứng cho điều khát khao đó.

Của ong bướm ngày đây tuần tháng mật

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Thật dễ dàng nhận ra, bức tranh thiên nhiên ở đoạn thơ này thật lạ và độc đáo. Bởi nó không phải một khung cảnh cố định ở một vùng, một nơi nào đó trên cõi trần gian. Chẳng hạn như dòng sông Hồng mênh mang, rộng lớn trong Tràng giang của Huy Cận, hay xứ Huế mộng mơ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử,… Xuân Diệu vẽ nên một bức tranh có sự pha trộn của nhiều hình ảnh, nhiều trạng thái, nhiều dáng vẻ để có một “bữa tiệc trần gian” ngập tràn hương sắc mùa xuân. Bằng thủ pháp liệt kê, nhà thơ mang tới những hình ảnh: ong bướm, hoa đồng nội, lá cành tơ, yến anh, ánh sáng… chẳng thuộc về một vùng quê nào, nhưng lại thuộc về bất cứ đâu, hiện hữu ngay xung quanh chúng ta. Vấn đề là ở chỗ đó, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu ai cũng bắt gặp, ai cũng thấy quen thuộc như ở cuộc đời trần thế hằng ngày vẫn có vậy. Không xa lạ, không sang trọng mà gần gũi, quen thuộc, ai cũng thấy ở ngoài đời.

Bởi vậy trong cách miêu tả, Xuân Diệu không dùng đến những thủ pháp cầu kì, khoa trương, mà chỉ đơn thuần ông thổi hồn sức sống của vạn vật bằng những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của nó. Ong bướm trong thời khắc tuần tháng mật, hoa đồng nội trong lúc xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh trong khúc tình si. Đó là khoảnh khắc của mùa xuân, của tình yêu thật viên mãn, tròn đầy. Thiên nhiên bởi thế mà lung linh, đẹp đẽ, tươi non ở mức độ căng tràn sức sống nhất. Xuân Diệu đã đưa cặp mắt “xanh non, biếc rờn” của mình để thổi cải cảm xúc “thiết tha, rạo rực” được huy động từ mọi giác quan và lăng kính tình yêu để làm nên sức sống ấy cho cảnh vật. Giọng thơ sôi nổi, phấn trấn như chiếc bút vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ giữa chốn trần gian. Điệp từ của, này đây như bàn tay vẫy chào, mời gọi cùng bước vào chốn thiên đường của mặt đất ngay trước mắt chúng ta. Không ngạc nhiên khi gọi Xuân Diệu là con người của trần thế, bởi ngay cả bức tranh thiên nhiên ở đây cũng vô cùng trần thế mà chẳng phải chốn bồng lai tiên cảnh nào quá xa xôi.

Miêu tả vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên như thế, Xuân Diệu đã gửi gắm những giá trị, ý nghĩa mang tính triết lý nhân sinh. Đừng mải mê tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần mỗi chúng ta hãy sống hết mình, cảm nhận hết mình sẽ thấy được cảnh đẹp ở ngay những gì ta có. Và cũng còn bởi một lý do, con người mới thực sự làm cho thiên nhiên trở nên thêm đẹp. Ông đã khéo léo trong cách so sánh để khẳng định thước đo cho cái đẹp không còn thuộc về tự nhiên, mà chính là con người. Và này đây ánh sáng chớp hàng mi, Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Ánh sáng của buổi bình minh như cái chớp hàng mi của người thiếu nữ, tháng giêng “ngon” như một nụ hôn say đắm của tình nhân. Chưa bao giờ thơ ca lại có góc nhìn thẩm mĩ đặc biệt như thế. Thiên nhiên bấy lâu nay là chuẩn mực cho mọi cái đẹp, mà giờ đây cũng trở nên nhỏ bé trước con người. Bởi vậy, vẻ đẹp thiên nhiên trong Vội vàng mang theo ý nghĩa đề cao con người và khẳng định ý nghĩa mang tính triết lý nhân sinh.

Nhưng vẫn còn một thiên nhiên khác trong Vội vàng. Nếu bức tranh thiên nhiên như chốn thiên đường của mặt đất kia khiến mỗi chúng ta thêm yêu, thêm gắn bó, thêm động lực để tiếp tục sống, thì trước quy luật thời gian thiên nhiên cũng phải lụi tàn. Không còn đẹp đẽ, mơn mởn, xanh non mà thời gian cuốn theo tất cả, một đi không trở lại, nên lòng người ngậm ngùi thì thiên nhiên cũng tan tác, chia lìa. Cảm thức đầy mất mát trong quan niệm về thời gian của Xuân Diệu đã khiến ông nhìn đâu cũng thấy không còn gắn kết nữa. Khi mà xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, xuân non rồi xuân gìa… thì đâu đó thi nhân ngửi thấy mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi, nghe thấy núi sông than thầm tiễn biệt… Thiên nhiên trong sự biệt li vẫn có cái đẹp, nhưng thực chất nó là nỗi niềm run rẩy, lo lắng, sợ hãi trước quy luật tàn nhẫn của thời gian mà tác giả đã lí luận. Nhà thơ không chấp nhận sự thay thế, bởi con người cũng chỉ có một lần để sống, tuổi trẻ lại quá ngắn ngủi mà cũng chẳng hai lần thắm lại. Thiên nhiên cũng thế! Nên nỗi xót xa, tiếc nuối của thi nhân là không tránh khỏi. Để từ đó mà biết trân trọng từng phút giây, biết nâng niu từng khoảnh khắc, không bỏ lỡ sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa gió lượn, cánh bướm tình yêu… để hưởng trọn cái xuân hồng mà phải cắn mới đã đầy, no nê được. Vẻ đẹp của thiên nhiên găn liền với quan niệm sống vội vàng của nhà thơ, cũng là phương tiện để nhà thơ bộc lộ cách sống ấy.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×