LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
Màu vàng nhòe của đèn đường dường như tràn ngập thinh không, chừa ra vài lùm cây núp sau mặt đường loang lổ. Mùa hè nóng nực. Nhưng có lẽ vì thế nên mới yêu những cơn gió ngoài kia. Sau khi không tài nào nghĩ ra ý tưởng cho bài dự thi “Viết về người một kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo” được giao , tôi nằm nhoài ra phản, vòi vĩnh bố kể cho những câu chuyện đông tây kim cổ, những câu chuyện hồi nhỏ của chị em tôi hay đơn giản là những kỉ niệm đáng nhớ của ông. Đó là thói quen mỗi khi tôi bí ý tưởng, và vẫn như mọi khi, bố lại tỏ cái vẻ lưỡng lự rồi bắt đầu chiều theo ý tôi. Và câu chuyện đó của bố đã làm cho tôi nhận ra một bài học sâu sắc cũng như có nhìn thấy được một khía cạnh mà tôi chưa hề được thấy về bố của mình.
******
Đó là vào cuối những năm 80, Hùng-bố của tôi, lúc ấy chừng 15 tuổi. Hùng là một cậu bé có tính cách ngang bướng và nghịch ngợm. Từ nhỏ tới lớn, hình ảnh của cậu trong mắt mọi người luôn là một cậu nhóc cá tính và có cái tôi rất lớn. Vào thời điểm đó, cái thời điểm nhà nhà người người bận khôi phục sản xuất, trên cái đất Đông Triều này không mấy ai nghĩ tới chuyện đi học lại, cái đói, cái nghèo luôn quẩn quanh trong đầu những đứa trẻ khiến chúng luôn có chung một suy nghĩ đó là: đi làm và kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình, thoát khỏi cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng. Cùng chung suy nghĩ như vậy, Hùng luôn cho rằng quyết định để mình tiếp tục học của bố mẹ là không đúng đắn, vậy nên thời gian đầu, cậu tìm mọi cách để chống đối và bài xích việc làm này. Hoàn cảnh gia đình Hùng tuy không khá giả, phải chạy ăn từng bữa nhưng bố mẹ cậu luôn mong muốn con cái mình biết được cái chữ, để mai này có một cuộc sống khá khẩm hơn. Vậy nên họ nhất quyết thuyết phục Hùng đi học trở lại bằng được. Sau một vài biện pháp khuyên răn kèm theo đe dọa, Hùng mới hậm hực đồng tình theo ý của bố mẹ tiếp tục học.
Chớm thu, cây lá ngoài phố chưa kịp thay màu đổi sắc. Khung cửa sổ trên cao hướng Đông, hứng trọn cột nắng sớm dịu dàng xuyên qua, tràn vào trong lớp học. Hùng bắt đầu những buổi học đầu tiên tại ngôi trường mới với tâm trạng không mấy vui vẻ, cậu càng không vui khi biết giáo viên chủ nhiệm của mình là thầy Lam - người đã vận động mọi người, trong đó có bố mẹ cậu cho cậu đi học.Ấn tường đầu tiên về người thầy này là một người đàn ông đứng tuổi với khuôn mặt mảnh khảnh cùng nước da rám nắng. Mái tóc điểm bạc của thầy khiến cho người ngoài cảm giác thầy già hơn tuổi thật. Lúc thầy bước vào lớp, ngoại hình của thầy khiến cho cả lớp chú ý, thầy bị thọt một chân, từng bước chân khập khiễng của thầy thu hút ảnh nhìn của đám học sinh và cả Hùng. Cậu từng gặp nhiều người có tật giống thầy ở xóm trên trong vài lần đi giao gạo hộ mẹ nên không cảm thấy ngạc nhiên. Tiết học đầu tiên trôi qua không mấy ấn tượng, thầy giáo giới thiệu về bản thân, thầy tên là Lam, giáo viên dạy bộ môn Toán, 40 tuổi và sẽ chủ nhiệm lớp trong thời gian đầu khi nhà trường thiếu giáo viên. Hùng không để ý, tâm hồn cậu đang treo lơ lửng cùng những suy nghĩ phải làm sao để có thể vừa đi học vừa có thể đi làm thêm. Tiết học cứ thế trôi qua với thầy giáo mới và những suy nghĩ mông lung của Hùng.
Ngày hôm sau, Hùng quyết định nghỉ một buổi học để đi tìm việc làm. Cậu đạp xe khắp những nẻo đường. Cuối cùng, cậu được nhận vào một công trình xây dựng tu bổ lại một ngôi chùa nằm trên một con dốc. Công việc của cậu là phụ bốc vác gạch và trộn vữa xi măng xây dựng. Đối với một đứa con trai 16 tuổi, công việc này là vừa sức với cậu. Tiền công cậu kiếm được cũng khá khá, đủ cho cậu phụ giúp tiền rau trong nhà. Tìm được một công việc vừa ý, cậu phấn khích, trong đầu chợt nảy lên một suy nghĩ nghỉ học luôn để tập trung vào công việc mới của mình. Thời tiết buổi hôm ấy dường như trong xanh hơn mọi khi.
Trong tiết văn ngày hôm sau, tâm hồn của Hùng hoàn toàn chú tâm vào công việc mới. Thầy giáo trên bảng bắt đầu bài giảng của mình. Cậu cảm thấy tiếng giảng bài của thầy cứ ù ù bên tai, thật phiền phức. Không khí lớp học cũng chẳng khá hơn là mấy, mấy đứa học trò mỗi người một câu, tiếng nói chuyện, cười đùa, tiếng lạch cạch của bút thước làm cho không khí trong lớp như một mớ hỗn độ. Chúng không hề chú tâm tới sự tận tụy của người thầy đang đứng trên bục giảng. Trán thầy đẫm mồ hôi vì cái thời tiết còn vương vấn cái nóng của mùa hạ. Vì đôi chân của mình mà việc đi lại của thầy gặp đôi chút khó khăn, cánh tay viết bảng của thầy dường như cũng run run, tuy nhiên thoáng nhìn qua sẽ không nhận ra được. Thầy Lam nhẹ nhàng nhắc nhở ổn định lớp sau đó tiếp tục tiết giảng của mình. Đôi lúc, thầy dừng lại, quan sát, hỏi xem cả lớp có chỗ nào không hiểu không, rồi thầy lại tiếp tục với bài giảng.
Về phía Hùng, tâm hồn cậu hiện tại không hề để ở trong bài giảng của thầy, những suy nghĩ về những dự định đi làm cùng những công việc mà mình có thể làm để giúp đỡ bố mẹ đã lấp đầy đầu óc của cậu. Đang hoàn toàn chú tâm vào dòng suy nghĩ thì cậu bị một tiếng gọi làm cho thức tỉnh:
-Hùng, em có thể nêu lại cho cả lớp phương pháp làm của dạng toán này?
Có lẽ cái giá mà cậu phải trả cho việc không chú tâm của mình chính là sự ấp úng không thể trả lời câu hỏi của thầy lúc này. Sau một hồi đứng như trời trồng, cậu được thầy cho ngồi xuống cùng lời nhắc nhở : Lần sau phải chú ý vào bài học em nhé !
Một tuần sau đó, tình trạng không những không được cải thiện mà còn trở nên tệ hại hơn. Vì mải bận bịu với công việc, đi làm về lại phải phụ giúp bố mẹ việc ruộng vườn khiến cậu bỏ bê việc học hành. Hùng tận dụng tối đa thời gian vùi đầu vào đi làm. Với một đứa trẻ có cá tính mạnh như cậu, quyết tâm tự kiếm việc làm trở nên sôi sục hơn bao giờ hết. Quyết tâm làm một việc gì đó đôi khi mang lại rất nhiều lợi ích nhưng đôi khi cũng mang lại rất nhiều tác dụng phụ. Bài kiểm tra tất cả các môn của Hùng đều đạt điểm dưới trung bình, riêng bộ môn Toán có lẽ là thảm hại nhất. Nhận được bài kiểm tra 0 điểm từ tay lớp trưởng, cậu có đôi chút bàng hoàng. Chắc có lẽ không hề coi nặng việc học hành nên cậu không hề cảm thấy áy náy, nhưng chỉ sau đấy không lâu, cậu lại cảm thấy hối hận vì điều đó. Không biết bằng cách nào đó, bố mẹ lại phát hiện được những điểm số đó của cậu, kết quả là cậu bị ăn vài roi cùng với hình phạt phải nhịn ăn cơm tối. Vì buổi chiều phải đi làm, lại vừa phải ăn vài roi, bây giờ lại không được ăn cơm tối, tâm trạng của Hùng trở nên rất tệ. Cậu thầm mắng nhiếc người đã nói cho bố mẹ biết chuyện của mình. Bị phạt đứng trong góc bếp, trong đầu cậu chợt nghĩ rằng: “ - Chuyện điểm số chỉ có thể là thầy giáo mới có thể báo với phụ huynh thôi. Chắc có lẽ chiều nay, lúc mình đi làm, thầy giáo đã tới nhà và tâu với mẹ chuyện này”. Người ta thường nói rằng, trong lúc nóng giận, con người ta thường có những suy nghĩ sai lầm, và suy nghĩ sai lầm của Hùng đó chính là thực hiện hành động “trả thủ” trẻ con của mình. Cậu quyết định ngày mai sẽ xịt lốp xe của thầy, để thầy dắt bộ về một phen cho bõ tức. Hả hê với ý tưởng của mình, ngay ngày hôm sau, công cuộc “trả thù” đã được tiến hành. Để giải tỏa nỗi tức giận, cậu còn đem chuyện ngoại hình của thầy ra bàn tán với đám con trai cùng lớp, càng được đà, những lời nói của cậu ngày càng đi xa. Cậu không hề lường trước được hậu quả của những hành động của mình.
******
Sáng Chủ nhật, không phải đi học, nói dối bố mẹ là phải đi lao động và ở lại trường học nhóm, , Hùng quyết định sẽ nhận công việc cho cả ngày. Hôm nay cậu phải đảm nhiệm công việc nặng hơn mọi khi vì có một công nhân trong đội nghỉ. Đang bốc những chồng gạch thì không mau cậu bị vấp phải một hòn gạch dưới chân, mất đà cậu ngã nhào về phía trước, toàn bộ người cậu nằm đè lên đống gạch đá ngổn ngang dưới đất. Toàn thân Hùng đau nhói, cậu cảm thấy dường như dưới cằm mình có một thứ chất lỏng chảy ra- đó là máu. Xung quanh đấy lại không có ai, mọi người đang đi nghỉ ăn trưa nên ai có thể giúp cậu lúc này, đang loay hoay trong đau đớn thì bỗng có một bàn tay mảnh khảnh xốc cậu dậy. Thầy Lam- cậu không khỏi bất ngờ khi nhận ra khuôn mặt đầy nếp nhăn cùng làn da rám nắng của thầy. Bàn tay run run của thầy cởi bỏ lớp áo ngoài của mình, bọc lên chiếc cằm rớm máu của Hùng. Giọng thầy vẫn nhẹ nhàng như mọi khi:
-Em cố gắng lên, thầy đưa em đi băng bó. Sẽ nhanh thôi, em chịu đau một chút nhé.
Không hiểu vì lí do gì mà Hùng cảm thấy rất ngượng ngùng. Cậu cúi mặt vờ chăm chú nhìn đường dưới chân để che giấu hai má đang nóng rực lên của mình. Thầy đưa Hùng về ngôi nhà cũ kĩ của mình rồi tận tình băng bó lại vết thương. Được thầy chăm sóc một cách chu đáo, lại nghĩ về lúc ngồi trên con xe đạp cọc cạch của thầy để về đây, cậu cảm thấy thật hối hận. Với đôi chân không lành lặn, ngày hôm bị cậu xịt lốp xe, có lẽ thầy đã phải vất vả lắm mới có thể về đến nhà. Lúc này, cậu cũng chợt nhận ra rằng nhà thầy nằm cách trường khá xa. Cậu thật sự cảm thấy hành động lúc đó của mình thật đáng xấu hổ. Sau khi được thầy băng bó xong, cậu nhận ra ngôi nhà của thầy cũng rất đặc biệt. Trên khung cửa sổ có lớp bụi mờ bám vào những hoa văn. Trên mái hiên có treo vài chiếc đèn cũ kĩ. Trên bức tường đã tróc sơn có treo những bằng khen về thành tích chiến đấu, những tấm hình đã ngả màu chụp cùng đồng đội khi thầy còn đi chiến đấu. Hùng bỗng hiểu ra tại sao thầy lại bị thọt một chân, cũng như tại sao tay thầy lại run run như vậy. Cậu chợt cảm thấy hâm mộ nghị lực phi thường của thầy giáo mình. Nước mắt cậu chực trào ra, cậu muốn xin lỗi thầy nhưng không thể mở miệng. Với lòng tự tôn của một đứa con trai 16 tuổi, lời xin lỗi chỉ đọng lại trong cổ họng, không tài nào thoát ra. Dường như hiểu nỗi lòng của cậu, thầy Lam chỉ nhẹ nhàng vỗ vai :
-Nếu không sao thì em ngồi nghĩ một lát rồi thầy đưa em về nhé, lần sau nhớ cẩn thận hơn nhé!
******
Thôn xóm hôm nay im ắng hơn mọi khi, những hạt bụi nằm co ro trên mé tường chẳng dám trở mình. Bầu trời rộng mênh mông, cao lên và lộng gió. Sau tai nạn ngày hôm đó, tuy bố mẹ vẫn không biết chuyện nhưng Hùng đã quyết định xin nghỉ làm và chú tâm vào việc học hành. Sau một hồi lăn qua lăn lại trên tấm phản, Hùng bật dậy, thở hắt qua từng tiếng rõ mồn một. Chiều hôm ấy, con heo đất dành dụm 3 tháng đã vỡ. Lượm nhặt những tờ tiền vương vãi trên sàn nhà, Hùng quyết định đi mua một chiếc áo để tặng thầy, để trả ơn việc thầy đã giúp dùng áo lau vết thương cho mình cũng như nhân tiện cảm ơn thầy. Dựng chiếc xe bên bức tường phủ rêu nhà thầy, Hùng lấy hết dũng cảm của một đứa con trai, cậu bước vào trong nhà cất tiếng chào thầy. Bắt gặp cậu là một cặp mắt hiền từ vẫn như mọi khi, thầy Lam khẽ mỉm cười:
-Có việc gì thế Hùng?
-Thưa thầy, em xin lỗi vì đã xịt lốp xe của thầy, xin lỗi thầy vì nói những điều không hay về thầy. Em rất hối hận. Em cũng cảm ơn thầy vì ngày hôm đó đã giúp em sơ cứu vết thương.
Sau một tràng những lời nói từ tận đáy lòng của mình, Hùng cảm thấy thật nhẹ nhõm biết bao. Tưởng chừng sẽ bị thầy rầy la, ai ngờ, thầy từ tốn tiến lại vỗ vai cậu. Ánh mắt thầy ánh lên một niềm vui:
-Thật tốt khi em biết tự nhận lỗi sai. Con người chúng ta, ai cũng có lúc mắc sai lầm, điều quan trọng ở đây là chũng ta phải biết sửa chữa lại nó một cách kịp thời. Thầy rất vui khi em ý thức được điều đó.
Mọi gánh nặng của Hùng như được trút bỏ. Cậu cảm thấy lòng mình thanh thản hơn rất nhiều. Cậu cũng quyết định sẽ tập trung vào công việc học tập hơn. Cũng thật may mắn, những kiến thức bị rỗng trong thời gian đầu đều được thầy Lam tận tình giảng giải, ngày ngày, mỗi buổi chiều, Hùng đều dành thời gian đến nhà thầy để phụ đạo. Được thầy chỉ dẫn, kiến thức của Hùng vững vàng hơn rất nhiều. Qua những buổi chiều, Hùng biết được thầy sống một mình, sau khi đi phục vụ ngoài chiến trường trở về, thầy trở thành một giáo viên trên bục giảng. Như một thói quen, sau mỗi buổi học, thầy đều có những thứ quà rất hay ho khiến Hùng cảm thấy thích thú. Trong đó, thứ quà mà Hùng cảm thấy yêu thích nhất đó chính là những đùm cốm gạo thơm lừng của thầy. Những lúc làm bài tập ngoài hiên, Hùng đều có thể quan sát được thầy Lam khi rang cốm, đôi bàn tay run run của thầy đảo đều, mùi cốm tỏa ra thơm lừng. Thầy thường nói rằng: Cốm chính là tấm gương phản chiếu những tinh túy đẹp nhất của những lá mạ non, những hương lúa đầu bờ. Nó cũng chính là biểu tượng cho sự gắn kết của những sự vật trên đời.
Có thể nói, Hùng trường thành hơn cả về tâm hồn lẫn con người nhờ những buổi chiều học cùng thầy Lam, nhờ thầy, Hùng cảm thấy mở mang đầu óc, qua thầy, Hùng hiểu được thế nào là sự bình tĩnh, nhẫn nại, vị tha. Đó chính là những bài học quý giá theo chân Hùng đến mãi sau này.
******
Kết thúc câu chuyện, ánh mắt của bố tôi cũng đọng lại những cảm xúc khó tả. Tôi không thể nào mường tượng ra được cậu bé Hùng trong câu chuyện đó ra sao. Trước mắt tôi giờ đây là một người bố, một người đàn ông trưởng thành, người đàn ông đã trải qua nhiều sóng gió. Tôi cảm thấy rất tự hào về người bố của mình. Trong lòng tôi cũng rất ngưỡng mộ thầy Lam trong câu chuyện bố kể, một người thầy tận tụy, đầy triết lí sống. Tôi thầm cảm thấy thán phục những người làm nghề giáo viên như thầy và trong lòng dường như tôi cũng đã xác định được mục tiêu phải phấn đấu của mình. Chắc có lẽ tôi cũng đã có một ý tưởng không tồi cho bài viết của mình rồi.