II. Đại thi hào Nguyễn Du là một thiên tài văn học, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của Nguyễn Du gắn liền với "Truyện Kiều", một trong những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Được viết dựa trên cốt truyện của "Kim Vân Kiều truyện", "Truyện Kiều" phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, một xã hội mục nát bất công, nhẫn tâm dồn ép nhân dân vào bước đường cùng. Tuy chỉ là một đoạn trích ngắn từ "Truyện Kiều", song "Nỗi thương mình" vẫn thể hiện đầy đủ chủ đề của tác phẩm. . Sống trong thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, nhân vật chính Thúy Kiều bị ép phải bán mình cho Mã Giám Sinh chuộc cha và em trai, để rồi sau đó lại rơi vào chốn lầu xanh và buộc phải ra tiếp khách. Chính tình cảnh trớ trêu ấy đã làm nổi bật lên những phẩm chất cao quý của Kiều: dù phải sống trong chốn bùn nhơ nhưng nàng vẫn có ý thức sâu sắc về nhân cách, phẩm giá của bản thân:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
…
Những mình nào biết có xuân là gì."
Bị đẩy vào chốn bùn nhơ, phải đem tấm thân của mình để mua vui cho những kẻ lắm tiền háo sắc, Kiều đau đớn, xót thương cho cái phận "sống làm vợ khắp người ta" của mình, nỗi nhục nhã ấy cứ nghĩ đến là đau lòng:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa."
Bắt đầu từ cái “giật mình” đoạn thơ mở ra cả một bức tranh tâm trạng vô cùng ảm đạm. Không gian là lầu xanh vắng lặng khi khách làng chơi đã về hết, thời gian là lúc “tỉnh rượu, tàn canh” một thời điểm dành cho nhưng nghĩ suy sâu xa.Tại sao không phải là một thời điểm khác? Bởi vì triền miên trong những “cơn say, trận cười”, những “bướm lả ong lơi”, những khách làng chơi dập dìu tối ngày, chỉ đến khi tàn canh Kiều mới có thời gian để sống với tâm trạng thực của mình. Cái “giật mình” nói lên tất cả những nỗi niềm của Kiều: thảng thốt, ngạc nhiên, bẽ bàng, xót xa cho thân phận của mình. Nàng cảm thấy chua chát, thương cho phận mình khi gặp phải cảnh ngộ trớ trêu, nhục nhã này, đây là ý thức trỗi dậy của một nhân cách cao đẹp. Cách điệp từ "mình" kết hợp với việc thay đổi nhịp thơ từ 3/ 3 sang 2/ 4/ 2 góp phần thể hiện rõ hơn sự cô đơn, trống trải đầy đau xót của Kiều. Nàng muốn vươn tới điều thánh thiện, nhưng lại phải ngụp lặn trong chốn bùn nhơ này. Việc sử dụng từ láy "xót xa" với âm "a" cuối câu đã tạo nên sự lan tỏa rộng rãi, kéo câu thơ chùng xuống, khi đọc lên, đọc giả cũng cảm nhận được rõ ràng hơn nỗi đau buồn, cô đơn sâu thẳm trong lòng Kiều, càng khiến người ta thêm thương tiếc cho nàng.
Sống trong chốn lầu xanh, hết tiếp kẻ đến lại tiễn người đi, những hồi ức tươi sáng ùa về trong lòng Kiều, sự đối lập với thực tại tăm tối đọa dày càng khiến nàng thấy nhục nhã, đau đớn hơn:
"Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chương bấy thân!"
Hình ảnh đối lập giữa quá khứ hạnh phúc "phong gấm rủ là" với hiện tại phũ phàng "tan tác như hoa giữa đường" hiện lên trước mắt Kiều, giày vò nàng, khiến nàng đau đến quặn lòng, tiếc thương, đau đớn vì cái sự thay thân đổi phận đầy éo le này. Trong lòng nàng vang lên những câu hỏi, đồng thời cũng là câu cảm thán, tất cả như xoáy xâu vào những nỗi đau sâu trong lòng nàng, nàng thật sự không dám tin rằng mình lại rơi vào cái thực tại đau đớn nhục nhã này. Phép so sánh "tan tác như hoa giữa đường" tạo liên tưởng bất ngờ: hiện tại mọi thứ đã đổi thay, Kiều không còn là đóa hoa được nâng niu trân trọng như khi xưa, mà đã trở thành một đóa hoa dại ven đường, mặc người vùi dập, số phận lênh đênh chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Phép so sánh trên kết hợp với việc tách từ, biến các thành ngữ "dày dạn gió sương", "bướm ong chán chường" thành "dày gió dạn sương" và "bướm chán ong chường" góp phần tăng cao nỗi khổ tâm, tuyệt vọng trong lòng Kiều, ngay cả chính mình, nàng cũng cảm thấy ghê sợ.
Sống trong cái hoàn cảnh nhơ nhớp này, càng lúc Kiều càng chán nản, muốn mặc kệ mọi diễn biến quanh mình:
"Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì."
Xuyên suốt đoạn trích, ta có thể thấy được điều mà Nguyễn Du muốn nhấn mạnh không chỉ là sự tố cáo và lột trần trực tiếp cái xã hội thối nát mà quan trọng hơn chính là sự đề cao giá trị con người, đề cao khát khao chính đáng về tình yêu và hạnh phúc. Do vậy, từ "xuân" không có nghĩa là mùa xuân, tuổi trẻ, mà chỉ hạnh phúc lứa đôi, tình yêu. Từ "xuân" kết hợp với việc vận dụng điển tích "mưa Sở mây Tần" và phép đối ấn tượng giữa "mặc người" với "những mình" đã miêu tả rõ hơn thái độ của Kiều: khi phải "sống làm vợ khắp người ta”, Kiều chỉ thấy nhục nhã, trơ lì và vô cảm, nàng thờ ơ, lạnh lùng đối với mọi thứ quanh mình. Từ đó, ta có thể thấy được sự ý thức sâu sắc về phẩm giá của Kiều, nàng là một cô gái khuê các, tài sắc vẹn toàn, sống thanh cao, tự biết giữ gìn nhân cách của mình, chính điểm này khiến Nguyễn Du và cả những đọc giả của "Truyện Kiều" càng thêm yêu thương, trân trọng Kiều.
Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học với ngôn ngư bình dân , Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng đầy xót xa, cay đắng tủi nhục, cùng với sự ý thức cao về nhân cách của Kiều trong cảnh dọa đày chốn lầu xanh. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình.
Thông qua việc thể hiện nỗi đau đớn, cũng như phẩm chất cao quý "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" của Kiều khi phải sống trong chốn lầu xanh nhơ nhuốc, "Nỗi thương mình" mang đến độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, một thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, bị chính đồng tiền dồn ép tới đường cùng, không còn lối thoát. Chính giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc ấy mà đoạn trích, cũng như "Truyện Kiều" đã để lại trong lòng nhiều thế hệ độc giả ấn tượng sâu sắc.