Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(…)Cái hay của bài phú ở chỗ chiến công Bạch Đằng đã không bị huyền thoại hoá. Nó có thể được cắt nghĩa rõ ràng, truy cứu được nguyên nhân. Ở đây xuất hiện ba yếu tố của binh pháp cổ: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. “Quả là trời cho nơi hiểm trở” là địa, cái tài lớn của kẻ làm tướng (như Hưng Đạo) là được lòng dân, là nhân (tổ chức trưng cầu các tướng sĩ và bô lão nên hoà hay nên đánh ở bến Bình Than và Hội nghị Diên Hồng). Còn yếu tố thời cơ thì phải chăng việc Hưng Đạo Đại Vương “coi thế giặc nhàn” đã chuẩn bị sẵn sàng mọi con đường tiến lui đó là thiên. Trong ba yếu tố thiên, địa, nhân ấy, vai trò của chủ thể là quyết định. Cái “đức cao” của người anh hùng là được lòng dân và biết tạo ra thời thế (chứ không trông chờ vào thời thế). Câu kết của bài phú đúng là một chân lí vĩnh hằng :
Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
(Văn bản ngữ văn 10, gợi ý đọc hiểu và lời bình- Vũ Dương Quỹ)
1/ Nêu ý chính của văn bản trên?
2/ Xác định thao tác lập luận chính và phương thức biểu đạt của văn bản ?
3/ Người viết tỏ thái độ, tình cảm như thế nào khi phát hiện ra cái hay của bài phú?
4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) suy nghĩ về nhận định: Cái “đức cao” của người anh hùng là được lòng dân và biết tạo ra thời thế.
Hướng dẫn làm bài
1/ Ý chính của văn bản: Bài viết giúp người đọc hiểu cái hay của bài phú sông Bạch Đằng, làm rõ các yếu tố: thiên thời, đia lợi, nhân hoà, trong đó “đức cao”của con người là quan trọng nhất.
2/ Thao tác lập luận chính: giải thích. Cụ thể: giải thích biểu hiện 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà trong bài phú.
Phương thức biểu đạt của văn bản: nghị luận
3/ Khi phát hiện ra cái hay của bài phú,người viết tỏ thái độ, tình cảm ca ngợi tinh thần nhân văn của tác giả Trương Hán Siêu trong việc coi trọng vai trò của con người.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
- Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
- Nội dung: Nhận định gồm 2 ý khi bàn về nội dung đức cao là được lòng dân và biết tạo ra thời thế. Được lòng dân chính là tinh thần lấy dân làm gốc, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những chủ trương, chính sách đưa ra phải đúng đắn và thực hiện nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Biết tạo ra thời thế là người sáng suốt, chủ động nắm bắt cơ hội, không trông chờ vào vận may. Từ đó, ta thấy được đạo đức có tầm quan trọng trong xã hội, nhất là đức của những người đứng đầu . Bản thân cần rèn đức, luyện tài.