Không bằng lượng thời gian sống để đánh giá một đời người
Trong cuộc sống, ai cũng mong tồn tại được lâu trên trần gian này. Gặp nhau chúc nhau, trong dịp Tết ai cũng không quên câu "chúc sống lâu trăm tuổi". Ngành y tế và các cơ quan có liên quan đến chăm sóc cuộc sống của con người đều có ý thức, có kế hoạch làm sao cho sức khỏe của con người ngày càng tăng tiến, tuổi thọ được nâng cao.
Đó là mong muốn của mọi người và cũng là mục tiêu của chế độ chúng ta, của thời đại chúng ta.
Song đánh giá một đời người thì không bao giờ người ta căn cứ vào tuổi thọ, căn cứ vào lượng thời gian sống mà chủ yếu căn cứ vào thực tế người đó đã sống như thế nào.
Cuộc đời của bất kỳ ai cũng chỉ sống có một lần và nó cũng trôi qua rất nhanh chóng kể cả người thọ nhất. Do đó phải sống như thế nào để thực sự có ích cho đời, cho xã hội. Có những người sống không được lâu nhưng để lại cho đời rất nhiều giá trị quý báu; tên tuổi của họ được lưu mãi đến bao đời sau. Song cũng có không ít người thời gian sống rất dài nhưng những ngày sống cho thật có ý nghĩa thì chẳng bao nhiêu. Rõ ràng cách sống, chất lượng sống mới thực sự là tiêu chí, mới là căn cứ để đánh giá một đời người.
Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối
Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối.
Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất.
Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ.
Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay.
Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.
Phong cách sống có khi không tương ứng với học vấn
Thông thường phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Ít thấy trường hợp người có trình độ văn hóa cao mà lại sống theo một phong cách thấp hèn hoặc ngược lại.
Song trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa cao, thậm chí là giáo sư tiến sĩ nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho nhiều người kinh ngạc. Ở một cơ quan nọ, có một người đường đường là một phó giám đốc, có học hàm học vị cao nhất cơ quan nhưng chẳng có chút uy tín nào chỉ vì trong cuộc sống anh có quá nhiều lệch lạc, nhỏ nhen, tầm thường. Trước đông người, anh hay vỗ ngực ta đây đã từng bảo vệ xuất sắc luận án này luận án nọ, khi tranh cãi với ai, anh thường dùng những từ ngu dốt, văn hóa ngắn, trình độ lùn, cái đầu củ đậu để miệt thị người có ý kiến trái ngược mình, ăn uống thì nhồm nhoàm trông đến bệ rạc. Một con người có địa vị, học hàm, học vị như thế mà khi tiếp khách quan trọng, đồng chí giám đốc không dám mời anh ta tham dự.
Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức tu tỉnh đạo đức, tác phong, thái độ. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu toàn diện. Có học vấn cao mà đạo đức yếu kém, tác phong thái độ lệch lạc thì uy tín cũng không thể cao được.
Mặc đẹp chưa hẳn thành người tử tế
Có những hình thức thể hiện nội dung, nhưng cũng có hình thức độc lập, thậm chí trái ngược hẳn với nội dung. Cuộc sống đa dạng là thế.
Một con người nói năng trôi chảy gọn gàng thường chứa đựng một tư duy chặt chẽ, sâu sắc. Song cũng không phải một hình thức diễn đạt nào cũng đi kèm với một nội dung tương ứng.
Một con người ăn mặc đẹp, sang trọng có khi là con người đứng đắn, tử tế. Nhưng cũng có người bề ngoài thì tuyệt diệu nhưng phẩm chất thì tầm thường thậm chí tồi tệ. Ông bà A có đứa con hư hỏng; đã bước vào tuổi trưởng thành mà nói năng xấc xược, tục tĩu, hay đánh mắng trẻ con, trêu ghẹo phụ nữ, chơi bời trác táng. Ông bà A thật là khổ sở, buồn bã mỗi khi họp tổ dân phố, nghe người ta nhận xét về con mình.
Một dịp, nhân thị trấn tổ chức lễ hội, bà A nảy sáng kiến, mua cho đứa con một bộ comple, một cái cà vạt với hy vọng ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như vậy mọi người sẽ nhìn nhận khác, đứa con sẽ trở nên đứng đắn, nghiêm túc hơn chăng. Nhưng chẳng ngờ, cậu ta vẫn chứng nào tật ấy. Bộ comple sang trọng kia càng làm cho hình ảnh cậu ta thêm kệch cỡm.
Rõ ràng không thể lấy hình thức mà che đậy nội dung, không thể lấy bề ngoài mà đánh lừa được thiên hạ, mà cải tạo được cái bên trong rỗng tuếch, thối nát. Vấn đề là phải tìm đúng nguyên nhân đích thực rồi tìm cách xóa bỏ nó mới mong kiểm soát được kết quả cuối cùng.
Lẽ đời là biết nghe phải, nói phải, làm phải
Trong cuộc sống ngày nay, với một nền dân chủ đang được mở rộng, nền kinh tế thị trường đang được phát triển, với một lượn thông tin ngày càng lớn đang được bùng ra, con người thực sự luôn luôn gặp thử thách. Con người phải có đôi tai biết sàng lọc để tìm ra những điều đúng, hay, bổ ích mà ghi nhận, học tập và làm theo. Con người cũng phải biết nói những điều cần nói, nói đúng lúc, đúng chỗ những điều thích hợp, nói theo lẽ phải, hợp với đạo lý, lương tri con người, hợp với xu thế thời đại. Con người phải biết hành động đúng, giúp cho sự bảo vệ chân lý, phải biết hành động có hiệu quả công việc được phân công, nghề nghiệp mình đang theo đuổi để giúp cho sự phát triển của xã hội.
Câu thành ngữ phương Đông "lẽ đời là biết nghe phải, nói phải, làm phải" đã thực sự giúp ta củng cố lòng tin vào lý tưởng sống của con người mới, giúp ta xây dựng một cách sống thích hợp với yêu cầu thời đại.
Trên thực tế, số người nghe quá nhiều những điều sai, vô bổ, nói lung tung, thiếu trách nhiệm và hành động trái với lương tâm và pháp luật không phải ít. Rõ ràng họ cần phải được giáo dục và tự giáo dục tích cực.
Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen
Khó có thể nói có ai đó là hoàn hảo, mặt nào cũng tốt, khi nào cũng tốt và ai đó là hoàn toàn ngược lại, không có gì đáng giá cả, cuộc đời họ là một màu đen tuyền.
Ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ, theo dõi kỹ, ta vẫn cảm nhận được không ít điều hay lẽ phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có. Còn người tốt thì cũng đừng có nghĩ rằng không có lúc nào họ xấu hoặc có những mặt những tính chất khác người khó chịu, làm nhiều người phiền muộn.
Vấn đề ta thường thấy ở đây là có người tốt nhiều, người tốt ít, người xấu nhiều, người xấu ít hoặc người này bản chất là tốt hay người kia bản chất là xấu.
Nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) có dùng một hình ảnh khá chí lý: "Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen". Câu nói đó có ý nghĩa tích cực là khuyên răn con người hãy luôn làm cho ánh hào quang của vầng trăng thêm rực rỡ và xóa dần màu xám xịt của đám mây đen. Người tốt cũng đừng chủ quan là mình sẽ không biến chất và người xấu cũng không phải không giáo dục được, không tự tu dưỡng điều chỉnh mình được.
Đời người là một sự phấn đấu không ngừng, một sự điều chỉnh bổ sung liên tục.
Biết sửa lỗi là hứa hẹn thành công
Trên đời này không phải ai cũng dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình hoặc có khi thấy mà không dám khẳng định, không dám công khai tự phê bình.
Lại có trường hợp thấy khuyết điểm, nhận khuyết điểm nhưng lại không sửa chữa hoặc không tích cực, quyết tâm sửa chữa.
Sự đời cũng lắm điều oái oăm. Có những khuyết điểm, nếu xóa bỏ được thì chỉ có lợi cho mình một cách chính đáng, tất nhiên cũng có lợi cho đời. Song có khuyết điểm lại gắn chặt với quyền lợi ích kỷ của chủ nhân nó. Ví dụ những khuyết điểm thuộc loại lợi dụng địa vị, uy tín, quyền lực để tạo điều kiện, để bảo vệ, để tranh giành cái gì đó bất chính cho con cháu, cho người thân, hoặc những khuyết điểm thuộc loại vơ vét tham nhũng, thuộc loại nịnh bợ tranh thủ cảm tình cá nhân của cấp trên để duy trì cái ghế của mình, để chuyển dịch lên ghế cao hơn... thì thường rất khó sửa chữa; đa số người chỉ giảm bớt mức độ hoặc tìm hình thức thực hiện khôn khéo hơn, bí mật hơn mà thôi.
Do vậy mà ta có thể khẳng định ai đã thực sự sửa chữa lỗi lầm là đã thắng thực sự kẻ thù của chính mình - một sức mạnh phản diện luôn luôn ẩn dấu trong tim óc của mỗi chúng ta. Thực sự sửa chữa khuyết điểm là xóa bỏ nguyên nhân của thất bại, là xác định được động cơ đúng đắn cho những công việc sắp tới, cho những hành động thường ngày. Điều đó sẽ hứa hẹn cho sự xuất hiện hết thành công này đến thành công khác một cách vững chắc.
Nhiều lúc kẻ thù là chính mình
Xin hiểu kẻ thù ở đây là theo nghĩa rộng, là nguyên nhân của những hiện tượng không tốt.
Ta thường mất nhiều thì giờ, tiền bạc và công sức đi tìm nguyên nhân của những hiện tượng không tốt.
Ta thường mất nhiều thì giờ, tièn bạc và công sức đi tìm nguyên nhân tận đâu đâu, những nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân có ý nghĩa biện minh rằng: mình không tự gây ra khuyết điểm đó, sai lầm đó, tội lỗi đó.
Hướng suy nghĩ đó, phương pháp tư tưởng đó đã đánh lừa mọi người và ru ngủ mình, làm cho mọi lệch lạc, sai phạm cứ thế trượt dài, trượt dài.
Con người ta, ai cũng có một góc tối trong tâm hồn; vấn đề là góc tối đó rộng hay hẹp, chủ nhân nó có nhận ra được hình thù của nó, có biết cách kiềm chế, biết cách xóa bỏ nó không.
Có một đồng chí quản lý giáo dục ở một địa phương nọ lớn tiếng đặt vấn đề toàn cơ quan phải có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân của hiện tượng lộ đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Suốt một tháng trời điều tra rồi tranh cãi nhau về hàng chục nguyên nhân chẳng đâu vào đâu. Đồng chí quản lý tỏ ra rất bực mình về kết quả làm việc này của nhiều người mà không hề tự xem lại mình: liệu có quản lý đề thi cẩn mật không, có tổ chức triển khai chặt chẽ không, liệu bản thân mình có cố tình hay vô ý nói chuyện với con cháu về nội dung đề thi không? Nếu tự trả lời nghiêm túc thật thà thì có thể xác định được ngay nguyên nhân đích thực. Ở đây, người cán bộ quản lý không gương mẫu thành khẩn, tự phê bình nên để mấy tháng sau, vấn đề mới sáng tỏ. Người cán bộ quản lý ấy đã không còn chút uy tín nào nữa.
Sai lầm của người này là bài học của người khác
Trong cuộc sống không có điều gì diễn ra mà không có ý nghĩa đối với con người. Ngay một vở kịch dở, một cuốn sách nhạt nhẽo, nếu biết xem nó, đọc nó, vẫn có thể rút ra những điều bổ ích.
Đặc biệt, một sai lầm, thậm chí một sai lầm nghiêm trọng của ai đó càng có ý nghĩa đối với những người chứng kiến nó, hiểu rõ về nó.
Một sai lầm do chuẩn bị không đầy đủ của ai đó rất bổ ích cho những người tinh thần trách nhiệm còn hạn chế hay tư tưởng chủ quan, tác phong đại khái. Một sai lầm của ai đó do áp dụng trật kỹ thuật, do biện pháp thực thi không thích hợp cũng rất có lợi cho những cán bộ chuyên môn chưa thành thạo nghề nghiệp. Một sai lầm của ai đó do thiếu sự phối hợp tốt giữa các bộ phận do quy trình thực hiện nó lộn xộn lại rất có ích về mặt tổ chức cho những người đóng vai trò tổ chức điều hành. Đó là những bài học kinh nghiệm.
Thành ngữ của phương Đông "Sai lầm của người này là bài học của người khác" là rất chính xác. Tất nhiên, nhấn mạnh điều này không hề có ý nghĩa khuyến khích mắc sai lầm. Bởi một trong những yêu cầu hạnh phúc của con người là ít mắc sai lầm và đạt nhiều thắng lợi.
Nạn thiếu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần
Trong cuộc sống, con người cần phải biết những điều cần thiết để làm người, để làm một công dân trong một đất nước độc lập, để làm một nhân lực trong công cuộc xây dựng xã hội phồn vinh. Song trong cuộc sống cũng có những điều không cần biết, không nên biết ( như những điều riêng tư của người này người khác, những điều bí mật của ngành nọ ngành kia, cấp nọ cấp kia...); ngay cả những điều vô hại mà chẳng có lợi gì cũng chẳng nên biết. Trí nhớ của con người có hạn, khả năng ghi nhận giải mã thông tin của con người... có hạn; hãy dành cho những tích lũy có ích.
Con người là tinh hoa của muôn loài nhưng con người cũng là một thực thể phức tạp. Sự hình thành tính cách và mức độ tài năng phụ thuộc không ít vào hướng và cách trau dồi tiềm năng hiểu biết.
Trong cuộc sống sôi động và muôn hình muôn vẻ hiện nay, ta thấy có khá nhiều người biết rất ít những điều cơ bản của luật pháp, những nguyên tắc xử thế, những mặt đạo lý trong các mối quan hệ, những tri thức chuyên môn nghề nghiệp... nhưng lại biết rất nhiều, rất nhiều những điều riêng tư của bạn bè, của những cán bộ cấp trên, những điều bàn riêng trong lãnh đạo, những điều kín có tính chất nội bộ của chi bộ Đảng, của chi đoàn Thanh niên trong cơ quan. Họ hay tuôn ra làm quà cho nhau những chuyện phiếm trong các cuộc tụ hội ở phòng khách bên bàn nước, ở câu lạc bộ, ở hành lang hội trường... và chính những anh chàng và nàng đó trong các cuộc họp bàn bạc việc công thì lại im thin thít vì trong đầu chẳng có hiểu biết gì đúng đắn đáng giá.
Tôi tạm đặt tên cho cái nạn phổ biến này là nạn "thiếu hiểu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần".