Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo (Vọng Thê, An Giang), sau đó được mở rộng ra phạm vi các tỉnh miền Nam như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,… qua những cuộc khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật phong phú, đa dạng vừa mang tính bản địa, vừa có tính giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư…
Cách đây gần 70 năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của một nền văn minh khá rực rỡ, cùng thời với văn hóa Đông Sơn tại địa danh Óc Eo thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cũng từ đó, các nhà khoa học đã dùng hai từ Óc Eo để chỉ những di tích và di vật Phù Nam tìm thấy ở những địa bàn khác nhau thuộc các tỉnh Nam bộ. Trải qua gần 70 năm phát hiện và nghiên cứu (tính từ cuộc khai quật lần đầu tiên vào năm 1944 do học giả người Pháp là Louis Malleret thực hiện tại Óc Eo), tới nay diện mạo của nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý chứng minh cho sự phát triển và tồn tại một bộ phận đất nước trên con đường hòa nhập vào cơ thể Tổ quốc Việt Nam như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ từng tồn tại trên vùng đất phía Nam.