Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đọc bài thơ “Từ những dấu chân người” của nhà thơ Đinh Nam Khương có lẽ ai cũng thấy - Anh sinh ra và lớn lên trên miền quê nông thôn Việt Nam, quanh năm lam lũ vất vả với ruộng đồng - có những trưa hè nắng gắt, có đêm gió bấc mưa phùn, có xốn xang mùa gặt, có đau thắt lúc lụt về, có não nề khi hạn đốt, có mùi bùn màu đất và cảnh tình rất thật của thôn quê
Đoạn đầu bài thơ có những câu đầy tâm trạng:
Lúa đi để lại tháng mười
Và cơn gió thổi rổng trời ở trên
Giữa đồng tôi đứng lặng yên
Chân tôi chân rạ sát liền bên nhau
Ôi, hồn nhiên và bình dị quá! Có gì lạ với người nông dân đâu? Nhưng chiều sâu trí tuệ ở chỗ nhà thơ đã hóa thân vào hình ảnh người nông dân, với tâm trạng bâng khuâng, hẫng hụt, trống trải, tê tái và rất xót xa nếu chúng ta liên tưởng đến phạm trù còn mất! Người nông dân có khác chi Từ Hải chết đứng giữa đồng làng sau mùa gặt, trong không gian mênh mang, trống vắng, tĩnh lặng, tĩnh lặng đến ghê người. Đúng là:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Thật bất ngờ, trong cái không gian tĩnh lặng và trống trải ấy,ta nghe thấy duy nhất một âm thanh rất gần là tiếng chân nhái đạp bùn non, trong một vũng chân trâu. Đó chính là tiếng cựa của sự sống đang bắt đầu được hồi sinh:
Nghe trong những vũng chân trâu
Tiếng chân con nhái đạp màu đất non
Đinh Nam Khương thật tinh tế và độc đáo, anh luôn có tài phát hiện ra những chi tiết rất nhỏ bè, nhưng lại có tầm khái quát những giá trị lớn lao. Hình ảnh con nhái đang chòi đạp dưới vũng chân trâu là điều sâu thẳm nhất gợi cho người đọc suy nghĩ, liên tưởng đến những điều to tát. Cái âm thanh bé nhỏ ấy, ở đây, được xem là tiếng gọi hồn người nông dân đang như Từ Hải chết đứng kia, trở về với thực tại, nhận ra cái quy luật sinh tồn của càn khôn, vũ trụ:
Biết rằng sự sống mãi còn
Bánh chưng vuông bánh giày tròn là đây
Thế đấy, ở điểm này - Người nông dân khác với Từ Hải, Từ Hải thì cô đơn, không còn sự sống, còn nông dân thì bất diệt, trường tồn bởi tình nghĩa sắt son, tâm hồn trong sáng. Họ keo sơn, gắn bó với ruộng đồng, chống chọi với phong ba, bão tố, thách thức cả mưa dầm, nắng lửa. Thành quả lao động hai sương một nắng của người nông dân không gì có thể vùi dập:
Cho dù bão tốc chân mây
Cũng không tốc nổi đường cày của tôi
Cho dù lửa đốt chân trời
Cũng không đốt được tháng mười tháng năm
Tay tôi còn bón còn chăm
Thì đồng còn cỏ tháng năm tháng mười
Nỗi ấm ức hòa trong mạch cảm xúc của nhà thơ cứ ào ào như thác đổ. Hàng loạt điệp từ, điệp ngữ kết thành gió thổi bùng ngọn lửa quyết tâm của người nông dân, như một tuyên ngôn hùng hồn đanh thép! Từ đây, ta có thể liên tưởng tới con đường thơ gian nan, thầm lặng và kiêu hãnh của anh cũng không gì vùi dập được. Nhà thơ ẩn sĩ đầy khí phách này luôn ngang tàng trên “đường cày” của mình, mỉm cười, nhìn thẳng vào bão tố bất chấp mọi thời tiết!
Hai câu cuối khép lại bài thơ,nhưng lại mở ra một chân trời mới, với cánh đồng mênh mông, vô tận một màu xanh. Màu xanh sự sống lại bắt đầu mọc lên từ mạ.
Ngày mai từ dấu chân trời
Màu xanh lên... với chân trời… mở ra!
Chính cánh cửa màu xanh tương lai ấy, đã phát sáng cả bài thơ và làm cho toàn bộ bài thơ phút chốc trở nên lung linh, ý nghĩa, với tầm tư tưởng lớn và giá trị thẩm mỹ cao.
Sự quan sát tinh tế, tư duy độc đáo và trí tưởng tượng kỳ diệu đã gây bất ngờ cho người đọc, tô đậm tâm tư của người nông dân và mang đến cho chúng ta những khát vọng sống rất mãnh liệt, vượt qua mọi gian nan thử thách để vương lên phía trước.
Phải chăng - thi ca là ngọn bút thần kỳ của những tâm hồn thơ sâu sắc, nhạy cảm và bay bổng?
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |