Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Bốn nghìn năm dựng nước là bốn nghìn năm giữ nước, bốn nghìn năm của những chiến thắng oanh liệt cũng là bốn nghìn năm của máu và nước mắt, là bốn nghìn năm của bao lớp người trước ngã xuống cho lớp sau đứng lên: hiên ngang và vững vàng hơn. Lòng yêu nước chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bốn nghìn năm vẻ vang trang sử vàng ấy, khởi nguồn cho mọi thắng lợi vẻ vang. Truyền thống ấy như dòng sữa ngọt mát nuôi dưỡng từng thế hệ những người con đất Việt trưởng thành và bay cao, bay xa hơn. Michael Ignatieff chẳng từng nói rằng: “Lòng yêu nước là nguồn lực bí mật của một xã hội hạnh phúc”. Và chắc hẳn có lòng yêu nước, có truyền thống quý báu ấy, chúng ta cứ hi vọng rằng vào một ngày không xa, dải đất chữ S sẽ mãi tràn ngập tiếng cười.
2, Thân bài
Đừng bao giờ định nghĩa lòng yêu nước là một điều gì xa xôi hay quá đỗi lớn lao. Là phải cầm súng đứng trước lằn ranh sinh tử ư? Là phải trở thành chủ tịch nước, bộ trưởng để giúp đất nước ư? Hay là doanh nhân thành công mang về cho nguồn ngân sách nhà nước lợi nhuận khổng lồ? Không phải, tất cả chỉ là một phần nhỏ nhoi trong muôn vàn phân mảnh của lòng yêu nước. Lòng yêu nước là tình yêu từ những vật nhỏ bé, giản dị nhất: giọt mồ hôi của cha, tiếng cười của bác nông dân, tiếng trống mỗi buổi tựu trường,… Nói cách khác, lòng yêu nước là lòng yêu tất cả những gì thuộc về tổ quốc, cụ thể là tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương như Nguyễn Đình Thi đã từng tha thiết bộc lộ:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
Nhưng đó tuyệt nhiên không phải tình yêu trên trang giấy trắng, tình yêu nơi đầu môi mà phải cần và nhất thiết cần được thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Lật dở từng trang sử vàng của dân tộc, ta bắt gặp biết bao những hình ảnh đáng tự hào. Ngược dòng thời gian, thuở đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, cố gắng từng chút giành độc lập dân tộc. Ấy là thời phong kiến cầm cây gươm cây giáo cũng quyết đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi; Là thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trường kì khi cả dân tộc nhất loạt đứng lên, không phân biệt địa vị, giới tính, vùng miền như lời bác Hồ căn dặn: “Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng có gan giết giặc.” Lòng yêu nước khi ấy được biểu hiện vô cùng mạnh mẽ, bằng một con đường chung nhất: đấu tranh giải phóng dân tộc. Thầy giáo mù Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, những người mẹ Việt Nam anh hùng nơi hậu phương,… đều là tấm gương sáng cho giai đoạn này. Thời bình lòng yêu nước lại được thể hiện theo một cách khác, đa dạng hơn với mục tiêu đưa đất nước vươn tầm thế giới, khẳng định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ châu lục. Từ một người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu đến anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài biển khơi hay doanh nhân tài ba đưa thương hiệu Việt tới bạn bè năm châu. Cụ thể như doanh nhân Phạm Nhật Vượng, thiếu tá Vi Văn Nhất khi đang đánh án ma túy hay các học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc tế. Tất cả, tất cả đều làm ngời thêm hai tiếng “Việt Nam”.
Lòng yêu nước có sức mạnh to lớn hơn bất kì nguồn lực nào khác, tựa chìa khóa vạn năng đưa đất nước ta vượt mọi gian lao thử thách. Nó thôi thúc, nhắc nhở ta về khổ đau đời trước đi qua để làm lời răn cho đời sau:
“Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?”
(Trần Tuấn Khải)
Dòng sữa ngọt mát ấy đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn những người con đất Việt, làm đỏ thêm giọt máu, tô vàng thêm màu da của giống con Rồng cháu Tiên. Thử hỏi có thành công nào mà không được dựng xây trên nền tảng gia đình, quốc gia, dân tộc? Chính nếp sống, nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt Nam đã bồi đắp cho họ để tạo nên những thành công nhất định. Và lòng yêu nước tự thuở nào cũng đi vào biết bao trang văn trang thơ, nói chí tỏ lòng, diễn đạt bất tận mọi cung bậc tình cảm của truyền thống này. Nó đi vào từng lời ru, câu hát à ơi và dần dần khiến cho con người ta sống thêm có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước.
Vậy đã bao giờ tự hỏi trách nhiệm của bản thân khi đứng trước màu cờ Tổ Quốc? “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi Nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích Nước nhà mà hi sinh phấn đấu đến chừng nào?” (Hồ Chí Minh). Đừng bao giờ định nghĩa “sự hi sinh phấn đấu” đó là phải cầm súng cầm đao đứng nơi biên thùy hay phải lấy tính mạng bản thân ra nơi đầu sóng ngọn gió. Hãy bắt đầu thể hiện lòng yêu nước từ những việc nhỏ nhất: giúp đỡ mọi người, tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc, nỗ lực tiếp thu tri thức nhân loại ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường,… Khi mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành mục tiêu cá nhân cũng là lúc lòng yêu nước từng bước kết thành quả. Mỗi cá nhân phát triển cũng là cả cộng đồng cùng phát triển. Hay đơn giản hơn, hãy học cách yêu thương những điều giản dị, thân quen nhất với mỗi người: yêu cảnh sắc quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu thương giúp đỡ bạn bè,…
3, Kết bài
Lòng yêu nước từ lâu đã trở thành truyền thống, thành niềm tự hào vẻ vang của dòng giống Lạc Hồng. Bề dày của tinh thần yêu nước càng lớn thì trách nhiệm để gìn giữ và phát huy nó càng nặng nề, như lời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng nêu rõ:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
(“Đất nước”)
Trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc là điều cần thiết và nhất định phải có của thế hệ trẻ chúng ta hôm nay.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |