Chúng ta có thể khẳng định rằng ngôn ngữ ra đời hoàn toàn không phải do ý muốn bắt chước âm thanh của tự nhiên hay nhu cầu biểu hiện cảm xúc của người nguyên thuỷ. Ngôn ngữ ra đời cũng không phải do sự cần thiết phát ra những tiếng kêu trong lao động tập thể, do khế ước xã hội hay nhu cầu giao tiếp của các đạo sĩ với các vật tổ.
Bắt chước âm thanh không thể coi là điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ, bởi vì bản thân sự bắt chước âm thanh không nói lên sự bắt chước như vậy là để làm gì. Nhu cầu biểu hiện tình cảm cũng không phải là điều kiện nảy sinh ra ngôn ngữ. Nếu loài người chỉ vì biểu hiện tình cảm mà tạo nên ngôn ngữ thì về căn bản loài người không thể tạo ra ngôn ngữ được bởi vì họ sớm đã có công cụ để biểu hiện tình cảm rồi. Thuyết tiếng kêu trong lao động dường như cũng nói đến nhu cầu phối hợp lẫn nhau trong lao động tập thể nhưng vẫn không nói rõ được điều kiện nảy sinh của ngôn ngữ bởi vì nếu như vậy thì những động vật có thể phát ra tiếng thở và có đời sống tập thể cũng có thể tạo ra ngôn ngữ.
Tóm lại, tất cả những giải thuyết trên đây đều không giải thích được ngôn ngữ đã nảy sinh trong điều kiện nào.