ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO GIÁO ĐỐI VỚI TIỂU THUYẾT CHỮ HÁN VIỆT NAM
TRẦN NGHĨA
Trước khi đi vào vấn đề chính của bài viết, xin nói qua một chút về tình hình Đạo giáo ở Trung Quốc, kể cả ở Việt Nam được hiểu như là ngọn nguồn từng mang lại nhiều cảm hứng cho giới cầm bút nước ta trong quá khứ.
Ở Trung Quốc, theo chỗ được biết, Đạo giáo bắt đầu định hình dưới cái tên gọi đầy thô mộc - đạo "năm đấu gạo" - vào đầu thế kỷ 2, trên cơ sở tín ngưỡng thần tiên (1) và phương thuật (2) dã xuất hiện từ lâu trước đó. Dần về sau, tôn giáo này đã tách thành hai phái: một phái nghiêng về bùa chú (phù lục 符 錄) mà ta có thể gọi là "Đạo giáo phù thủy" do Trương Đạo Lăng(3) khởi xướng, và một phái nghiêng về tu tiên luyện đan (đan đỉnh 丹 鼎) mà ta có thể gọi là "Đạo giáo thần tiên" do Cát Hồng(4) đại diện. Phái "Phù thủy" còn có cái tên là "Chính nhất 正 一", chủ trương dùng phép thuật để trừ tà trị bệnh; phái này phát triển mạnh ở phương Nam (Nam Thiên đạo sư), đặc biệt là trong dân gian, với những Đạo sĩ không cần xuất gia. Phái "thần tiên" còn có tên là "Toàn chân 全 真, chủ trương tu tiên, luyện đan để kéo dài tuổi thọ tới mức "trường sinh bất tử"; phái này phát triển mạnh ở phương Bắc (Bắc Thiên đạo sư), chủ yếu trong giới thượng lưu, với những Đạo sĩ, Đạo cô sẵn sàng rời gia đình để rong du ngoài cõi...
Ở Việt Nam, những hiện tượng liên quan tới Đạo giáo được ghi lại không ít trong Lý hoặc luận(5) của Mâu Tử hoặc An Nam chí lược(6) của Lê Trắc. Nhiều Đạo sĩ tên tuổi còn truyền mãi tận ngày nay: Thông Huyền(7), Hoàn Nguyên(8), Huyền Vân (9)v.v. Đặc biệt sách Kê song xuyết thập 雞 窗 綴 拾 mà hậu thân của nó là Hội chân biên 會 真 編 (10) đã lên một danh mục gồm 27 vị "tiên Việt Nam" qua 25 truyền thuyết Đạo giáo, trong đó có 13 tiên ông và 14 tiên nữ, với các Đạo tổ, Chân nhân, Thánh mẫu, Tiên nương, Tiên tử...(11). Có thể thấy Đạo giáo đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, được người nước ta tiếp thu theo cách thức riêng của mình và dần dần trở thành một bộ phận khăng khít trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Đối với tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Đạo giáo đã có những ảnh hưởng không phải không sâu sắc. Dễ dàng nhận thấy dấu ấn của nó ở các sách như Việt điện u linh với các truyện: Thái úy trung tuệ Vũ Lượng công; Ứng thiên hóa dục nguyên trung hậu thổ địa kỳ nguyên quân; Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương; Tản Viên hựu thánh khuông quốc hiển ứng đại vương; Thiện hộ linh ứng chương vũ quốc công; Lợi tế linh thông huệ tín đại vương...; Nam ông mộng lục với các truyện: Tăng đạo thần thông; Tấu chương minh nghiệm; Áp lãng Chân nhân; Lĩnh Nam chích quái với: Hồng Bàng thị truyện; Ngư Tinh truyện; Hồ Tinh truyện; Mộc Tinh truyện; Tân Lang truyện; Nhất Dạ Trạch truyện; Đổng Thiên Vương truyện; Việt Tỉnh truyện; Truyền kỳ mạn lục với: Trà Đồng giáng đản lục; Long Đình đối tụng; Từ Thức tiên hôn lục; Phạm Tử Hư du Thiên Tào lục; Na Sơn tiều đối lục...; Truyền kỳ tân phả với: Vân Cát thần nữ lục; Bích Câu kỳ ngộ; Thánh Tông di thảo với: Mai Châu yêu nữ truyện; Thiềm thừ miêu duệ ký; Nhị nữ thần truyện; Hoa Quốc kỳ duyên; Ngư gia chí dị; Dương phu truyện; Trần nhân cư Thủy Phủ; Lãng Bạc phùng tiên; Mộng ký; Thử Tinh truyện; Nhất thư thủ thần nữ...; Đào hoa mộng ký, v.v.(12).
Ảnh hưởng của Đạo giáo đối với số tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam kể trên, nhất là loại tiểu thuyết truyền kỳ, chí quái chủ yếu thể hiển trên ba mặt: cấu trúc tác phẩm, xây dựng nhân vật, thiết kế môi trường.
1. Cấu trúc tác phẩm:
Hãy lấy truyện Từ Thức tiên hôn lục trong Truyền kỳ mạn lục làm một thí dụ. Có thể bóc tách truyện này ra thành mấy yếu tố như sau:
- Từ Thức trẩy hội xem hoa mẫu đơn.
- Giúp một thiếu nữ thoát nạn.
- Đến cõi tiên, lấy vợ tiên.
- Nhớ nhà, rời tiên cảnh và không bao giờ còn trở lại được nữa.
Các yếu tố vừa nêu cùng trật tự sắp xếp của chúng tương ứng với một hệ thống ý nghĩa nằm ở tầng sâu tác phẩm:
- Người sống trong nghịch cảnh cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó hoặc về vật chất, hoặc về tình cảm, hoặc về tinh thần.
- Nhờ vào ngoại lực để đạt nguyện vọng.
- Sau một lịch trình gian khổ, nguyện vọng được thỏa mãn tối đa.
- Hạnh phúc bị tuột mất.
Kiểu cấu trúc này rất gần gũi với kiểu cấu trúc của truyền thuyết Đạo giáo Hoàng Sơn Chân nhân trong Kê song xuyết thập, sau được chép lại ở Hội chân biên:
"Hoàng Sơn Chân nhân người Hóa Châu, họ Từ tên Thức, làm Tri huyện Tiên Du vào khoảng năm Quang Thái đời Trần Thuận Tông. Bấy giờ tại một ngôi chùa nổi tiếng thuộc huyện bên đang mở hội xem hoa, ngựa xe chen chúc. Dưới khóm mẫu đơn có một thiếu nữ tinh nghịch, với tay kéo mấy cành hoa, không may làm rụng vài đóa, bị người trông coi bắt giữ. Vừa lúc ấy Từ Thức đến, ông bèn cởi chiếc áo cừu của mình ra để chuộc lỗi cho cô gái. Họ Từ vốn thích cảnh núi sông. Làm quan chưa bao lâu, ông xin từ chức để rong chơi miền Tống Sơn, Nga Sơn... Rồi một hôm không hẹn mà tới động Bích Đào, vách núi sừng sững. Họ Từ làm một bài thơ định đề lên vách động. Bỗng cửa động mở, một tiểu đồng bước ra mời ông vào. Họ Từ hỏi duyên do. Qua lời tiểu đồng, ông mới hay cô gái gặp ở hội hoa dạo trước chính là Giáng Hương, vị tiên nữ ở động này. Lưu lại đây một thời gian, họ Từ đắc đạo (...). Ông rời động tiên đến Hoàng Sơn thuộc huyện Nông Cống, rồi không rõ đi đâu..."
Nếu gọi cấu trúc câu chuyện nằm trên bề nổi của truyền thuyết Đạo giáo là mô típ bản sự (tức bản thân sự việc, câu chuyện nguyên mẫu) và cấu trúc ý nghĩa nằm dưới tầng sâu của truyền thuyết Đạo giáo là mô típ bản ý (tức tư tưởng Đạo giáo, chủ đề nguyên mẫu), thì Từ Thức tiên hôn lục chỉ khác Hoàng Sơn Chân nhân về mô típ bản sự, còn mô típ bản ý thì vẫn giữ nguyên. Hay nói rộng ra, khi một truyền thuyết Đạo giáo được chuyển hóa thành tiểu thuyết, mô típ bản sự thường khả biến, còn mô típ bản ý thì lại tương đối ổn định.
Để làm sáng tỏ điều này, ta thử phân tích thêm một tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán nữa: truyện Bích Câu kỳ ngộ trong Truyền kỳ tân phả.
Khi còn ở dạng truyền thuyết Đạo giáo, câu chuyện được ghi lại như sau:
"An Quốc Chân nhân họ Trần tên Uyên, người thôn Thịnh Quang. Sau khi cha mất, nhà nghèo, ông tìm tới gò đất Kim Quy thuộc phường Bích Câu làm một thư phòng để ở. Sau khi đến chơi chùa Ngọc Hồ, gặp một thiếu nữ áo hồng đi qua rồi bỗng dưng biến mất. Ông biết là thần tiên có ý trêu mình đây, bèn phất tay áo trở về. Từ đó, những khi học hành rỗi rãi, ông thường ao ước được gặp lại người đẹp thuở xưa. Chợt một hôm người thiếu nữ kia giáng xuống trước sân nhà, hình dáng vẫn y như ngày nọ. Ông vồn vã đón chào. Thiếu nữ nói: "Em là Hà Giáng Kiều, tiên ở Nam Nhạc. Vì chàng có duyên với đạo, đáng truyền cho bí quyết luyện đan, nên em vâng lệnh đến đây để giúp chàng". Ông vui mừng theo học, được ba năm thì đắc đạo. Bấy giờ có hai con hạc trắng ngậm thư bay tới đón ông cùng vợ và con trai là Trân cưỡi hạc bay lên trời giữa ban ngày..." (xem Hội chân biên, Q. Càn, An Quốc Chân nhân và Q. Khôn, Giáng Kiều tiên tử. Truyền thuyết Đạo giáo này nguyên được chép ở Bích Câu đạo quán lục).
Sang tiểu thuyết truyền kỳ Bích Câu kỳ ngộ, mô típ bản sự của truyền thuyết Đạo giáo trên đã từ 2 đơn nguyên phát triển thành 3 đơn nguyên:
Đơn nguyên 1:
- Tú Uyên trẩy hội Vô Già.
- Gặp một thiếu nữ xinh đẹp.
- Hai bên trò chuyện rất ý hợp tâm đầu.
- Người đẹp bỗng dưng biến mất.
Đơn nguyên 2:
- Tú Uyên nhớ nhung.
- Thần đền Bạch Mã giúp kế.
- Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều.
- Giáng Kiều bỏ chàng về trời.
Đơn nguyên 3:
- Tú Uyên nhớ vợ, sầu đau.
- Thần Bạch Mã lại giúp kế.
- Giáng Kiều trở lại chốn nhân gian với chồng.
- Hai vợ chồng và con cùng về cõi tiên.
Trong khi đó thì mô típ bản ý, qua 3 lần khát khao, 3 lần thỏa mãn... đều vẫn vậy, không ra ngoài chủ đề tư tưởng Đạo giáo, một phái sinh của Đạo Lão, coi cảnh đời như mây nổi, có đấy rồi không đấy, hết hợp lại tan, hết tan lại hợp, chỉ có cõi tiên mới đạt tới hạnh phúc vĩnh hằng...
Ở không ít tiểu thuyết chữ Hán khác, phần mô típ bản sự ở truyền thuyết Đạo giáo còn được nhào nặn lại, làm cho cấu trúc tác phẩm trở nên rối rắm hơn, nhiều tầng bậc hơn, trật tự các yếu tố Đạo giáo thậm chí còn được dàn dựng lại hoặc xử lý theo kiểu khác, cốt giảm nhẹ màu sắc tôn giáo, tăng thêm ý vị văn học.
2. Xây dựng nhân vật:
Ảnh hưởng của Đạo giáo đối với tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam còn thể hiện trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Sách Đạo giáo chép: "Kìa như người tiên, lấy thuốc để dưỡng sinh, lấy thuật số để kéo dài tuổi thọ, khiến cho bên trong bệnh tật không phát sinh, bên ngoài tai nạn không xâm nhập, tuy sống lâu không chết mà thân hình vẫn trẻ mãi như xưa, nếu biết đạo thuật thì chẳng có gì là khó" (Bão Phác Tử nội thiên. Luận tiên)(13) . Hoặc chép: "Người tiên có kẻ thót lên mây, không cánh vẫn bay được; có kẻ cưỡi rồng mây đến cõi trời; có kẻ bay lượn trên danh sơn; có kẻ ăn nguyên khí; có kẻ nhá cỏ chi; có kẻ tới lui cõi nhân gian mà không người biết; có kẻ tàng ẩn thân hình nên chẳng ai hay" (Thần tiên truyện. Bành Tổ truyện)(14). Đây là phát triển những ý cơ bản vốn có trong thiên Tiêu dao du ở sách Trang Tử khi nói về đặc điểm của Chân nhân: "Không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương, cưỡi rồng mây mà rong chơi ngoài bốn biển" (Bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long nhi du hồ tứ hải chi ngoại). Nói rút lại, thần tiên có hai đặc trưng, một là trường sinh bất tử, và hai là thần thông quảng đại, phép thuật cao cường. Hai đặc trưng đó của Đạo giáo khi vào tiểu thuyết, được thể hiện qua hai loại hình tượng nhân vật: thần tiên trần tục hóa và người tục thần tiên hóa.
a. Thần tiên trần tục hóa như Giáng Hương (Truyền kỳ mạn lục. Từ Thức tiên hôn lục), Nữ thần (Thánh Tông di thảo. Nhất thư thủ thần nữ), Quỳnh Nương (Truyền kỳ tân phả. Vân Cát thần nữ), Giáng Kiều (Truyền kỳ tân phả. Bích Câu kỳ ngộ) v.v. Họ đều thuộc dòng giống thần tiên, người nào cũng phép thuật cao siêu, thần thông biến hóa. Quỳnh Nương thì: "nói xong, vụt lên trên không đi mất. Từ đó tung tích như mây nổi lưng trời, không cố định ở đâu cả. Có khi giả làm gái đẹp thổi ống tiêu ở dưới trăng; có khi hóa thành bà già tựa gậy trúc ở bên đường". Giáng Kiều thì "vẩy cái cành hoa vẽ ở trong bức tranh, biến ra thành hai thị nữ, sai sửa soạn cơm nước"... Vì nhiều duyên cớ khác nhau, họ đến cõi trần làm người thế tục, cũng xây dựng gia đình, cũng sinh con đẻ cái, cũng có đủ cả bảy thứ tình cảm như những người sống trên hành tinh của chúng ta vậy.
b. Người tục thần tiên hóa như Đạo sĩ họ La (Nam Ông mộng lục. áp lãng Chân nhân), Chử Đồng Tử (Lĩnh Nam chích quái. Nhất Dạ Trạch), Từ Thức (Truyền kỳ mạn lục. Từ Thức tiên hôn lục), Chu Sinh (Thánh Tông di thảo. Hoa Quốc kỳ duyên), cô gái làng Thanh Khê (Thánh Tông di thảo. Dương Phu truyện), v.v. Mỗi một nhân vật như thế, đều có một địa chỉ "xác thực": Đạo sĩ họ La sống trên một ngọn núi gần cửa biển Thần Đầu; Chử Đồng Tử người hương Chử Xá, con trai của Chử Vi Vân; từ Thức người Hòa Châu, được bổ làm Tri huyện Tiên Du, v.v. Nhờ gia công tu luyện, họ đều có phép màu và trở thành tiên cả. Chử Đồng Tử dựng cây gậy rồi úp chiếc nón lá lên, biến thành lâu đài. Cô gái làng Thanh Khê sau khi chết, đã trút xác lại và biến thành con ngỗng vàng mỏ ngậm cành hoa bay lên trời, v.v.
c. Một số nhân vật trong tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam đã thể hiện quan niệm sống chết của Đạo giáo.
Hoặc thể xác và linh hồn đều sống mãi, như vị tiên thổi địch mà vua Lê Thánh Tông từng gặp ở hồ Lãng Bạc (Thánh Tông di thảo. Lãng Bạc phùng tiên), hay Đạo Cô ở đình Vọng Nguyệt, núi Tam Đảo (Đào hoa mộng ký). Họ đã "sống thọ không biết mấy nghìn tuổi, thường cưỡi mây đạp khói biến hiện vô chừng" (Đào hoa mộng ký).
Hoặc chết đi rồi sống lại theo nguyên hình, hay chuyển sang một dạng sống khác. Sách Đạo giáo nói: "Uống thuốc kim đan, làm cho thân thể phân giải là cách tốt nhất, có thể thay đổi tên họ, trở về quê hương". Hoàng Văn Bào trong Tái sinh sự tích là một nhân vật gần như vậy. Sau khi chết đi, chàng đầu thai ở một địa phương khác, theo nguyên hình. Nhưng thường gặp hơn trong tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam là sau khi chết, hóa thành vật khác. Sách Bão Phác Tử chép: "Thời cổ, người thành tiên có kẻ mọc cánh trên mình, biến hóa, phi hành, mất hẳn gốc người, đổi ra hình khác, giống như chim sẻ biến thành con hến vậy". Sách này còn nói: "Người là giống tối linh, nhưng nam nữ hình dạng khác nhau, hóa thành hạc, thành đá, thành hổ, thành vượn, thành cát, thành ba ba lại không phải ít. Đến như núi cao biến thành chằm, hang sâu biến thành gò, đấy đều là sự biến hóa của các vật lớn". Trong truyện trầu cau ở Lĩnh Nam chích quái, ba nhân vật Tân, Lang và cô gái họ Lưu sau khi chết, biến thành cau, vôi và trầu, cũng là để cho mối tình anh em, chồng vợ keo sơn của họ trở nên vĩnh cửu hóa, theo quan niệm Đạo giáo. Đến đây ta nhớ hai câu thơ của Bạch Cư Dị trong Trường hận ca: "Thiên trường địa cửu hữu thời tận; Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ". Nhiều truyện trong Truyền kỳ mạn lục, người sau khi chết biến thành hồn ma để trăng gió với người đời, hoặc để gặp người yêu, hoặc hóa thành quỷ dữ để báo thù... đều là viết dưới ảnh hưởng quan niệm sống chết của Đạo giáo. Đến như các truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh... trong Lĩnh Nam chích quái cũng vậy thôi, khác chăng là ở chỗ chúng thuộc phía nhân vật phản diện. Cho nên Sơn Nam Thúc khi bình luận về chuyện Chồng dê trong Thánh Tông di thảo đã viết: "Trong khoảng trời đất, hết thảy giống bay, giống lặn, giống chạy, giống náu tuy là vật mà không phải là vật. Những giống ấy hoặc là duyên xưa chưa hết, hoặc vì oán cũ chưa tan, có khi đội lốt để tìm nhau, có khi thoát hình biến hóa (...) Ta nên lựa tâm xét kỹ, không nên coi giống vật là vật". Đấy cũng là cách nhìn của Đạo giáo về mặt sống chết, hóa thân.
3. Thiết kế môi trường:
a. Đạo giáo chia không gian hoạt động của con người ra làm 3 thế giới: "Kìa như sự việc trong trời đất không thể nào hạn định được. Cứ theo lòng dạ mà suy, trong cõi u hiển có ba bộ phận liên quan với nhau. Trên là tiên, giữa là người, dưới là quỷ. Người thiện được hóa thành tiên, tiên bị biếm trích lại trở thành người, người ác bị hóa thành quỷ, quỷ làm điều phúc lại trở thành người. Quỷ bắt chước người, người bắt chước tiên, xoay vòng qua lại, cứ vậy mà suy. Đấy là sự cách biệt nho nhỏ giữa cõi u và cõi hiển" (Đào Hoằng Cảnh: Chân cáo (15). Tác giả tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam cũng có người quan niệm như vậy: "Nay ta bảo cho anh biết: trong khoảng trời đất báo ứng luân hồi, chỉ có hai loại thiện và ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế Đình; người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa Phủ" (Truyền kỳ mạn lục. Phạm Tử Hư du Thiên Tào lục).
Cõi tiên gồm 36 tầng trời, 10 châu, 3 đảo, trong đó có 10 động thiên lớn, 36 động thiên nhỏ và 72 phúc địa. Trên đất thì là động tiên (hang động trong núi); trên biển thì là đảo tiên (Bồng Lai, Phương Trượng). Đây cố nhiên là không gian hư ảo do các tín đồ Đạo giáo tự ý nặn ra, nhưng nó đã cung cấp đất dụng võ cho tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết truyền kỳ, chí quái. Nhiều cây bút đã cố sức làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh tiên và hạnh phúc toàn vẹn của cuộc sống thần tiên. Ví dụ cảnh tiên ở cửa bể Thần Phù trong truyện Từ Thức: "Bám bíu trèo lên thì mỗi bước mỗi thấy rộng rãi. Lên đến ngọn núi thì bầu trời sáng sủa. Chung quanh toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ nở đầy trước cửa. Sinh nghĩ nếu không phải là chỗ đền đài thờ phụng, tất là cái xóm của những bậc lánh đời, như những nơi suối Sậu nguồn Đào chẳng hạn. Rồi chợt thấy có hai người con gái áo xanh bảo nhau rằng: "Lang quân nhà ta đã đến!" Đoạn họ chạy vào nhà báo tin, một lúc đi ra nói: "Phu nhân chúng tôi sai mời chàng vào chơi". Sinh đi theo họ vào, vòng quanh một bức tường gấm, vào trong một khung cửa son, thấy những tòa cung điện bằng bạc đứng sừng sững, có những tấm biển đề "Điện Quỳnh Hư", "Gác Dao Quang". Trên gác có bà tiên áo trắng ngồi trên một cái giường thất bảo đặt bên một cái giường nhỏ bằng gỗ đàn hương, mời Sinh lên ngồi"... "Rồi đó, mặt trời gác núi, các khách khứa ra về hết"... Mọi vật như đều tan biến, chỉ còn lại sự cực lạc của hạnh phúc lứa đôi giữa Từ Thức với Giáng Hương.
b. Thời gian trong tiểu thuyết chữ Hán chịu ảnh hưởng của Đạo giáo đôi lúc là thời gian tâm lý. Chẳng hạn Từ Thức sống ở cõi tiên được một năm, khi trở về nhà, thấy "vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thuở nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói: "Thuở bé tôi nghe ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi đến nay đã hơn 80 năm rồi, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh đời vua thứ ba triều Lê". Vậy là một năm ở cõi tiên dài bằng 80 năm nơi trần thế!
Cũng có lúc ranh giới thời gian bị xóa nhòa hoàn toàn, như ở truyện Bích Câu kỳ ngộ: "Buổi chiều hôm ấy bày tiệc rượu đủ các hoa quả, trải chiếu giữa sân, Giáng Kiều ăn vận tề chỉnh, cùng Tú Uyên ngồi xem trăng. Chợt trông vào chỗ vách, chàng thấy lâu đài nhà cửa đều như gấm, như ngọc, hạnh đào đỏ tươi, cảnh giới khác nơi trần thế; mai vàng mận tía, phong quang như ở cõi trời. Một lát sau thấy Tiên Dung Công chúa và Ngụy Giáng Hương từ trên mây xuống, các tiên khác lục tục đến sau, có đến hơn trăm vị". Như ta biết, Công chúa Tiên Dung người thời Hùng Vương; Giáng Hương vợ Từ Thức người thời nhà Trần; còn Giáng Kiều và Tú Uyên sống vào thời Hồng Đức, vậy mà họ có thể vượt qua mọi cách bức của thời gian để hội ngộ với nhau trên cùng một chiếu!
Một số tư tưởng Đạo giáo đã bị người ta phê phán từ lâu. Như Mâu Tử trong Lý hoặc luận chẳng hạn. Khi có người hỏi về chuyện các tiên Vương Kiều, Xích Tùng cũng như bùa chú của Bát tiên, ông trả lời: "Sách thần tiên nghe thì đầy rẫy cả tai, nhưng tìm sự hiệu nghiệm thì tựa hồ nắm gió bắt bóng". Khi hỏi về chuyện Đạo giáo chủ trương tịch cốc để sống lâu, ông đáp: "Lúc tôi chưa hiểu đạo Phật, thì cũng từng học tịch cốc. Pháp thuật này có tới hàng trăm nghìn kiểu, nhưng thực hiện không thấy có hiệu quả, không thấy tin tưởng nên mới thôi. Cứ xem như ba người thầy mà tôi theo học, ông nào cũng nói mình đã sống 700 tuổi, hoặc 500 tuổi, hoặc 300 tuổi, thế mà tôi học họ chưa đầy 3 năm thì tất cả đều chết ráo. Sở dĩ như vậy, là do không chịu ăn cơm, mà đi xài hàng trăm thức quả, ăn thịt thì tới cả mâm đầy, nốc rượu thì đến nghiêng vò rót, tinh thần hỗn loạn. Vì thiếu hơi cơm nên ù tai, mờ mắt, lại không kiêng món tà dâm. Tôi hỏi cớ sao như vậy, họ trả lời rằng: "Lão Tử nói giảm bớt đi, giảm thêm nữa, cho đến vô vi (...)". Nhưng tôi quan sát thì thấy mỗi ngày một tăng lên chứ không giảm. Cho nên ông nào cũng chưa tới tuổi tri mệnh đã chết" (Lý hoặc luận, chương 31) (16).
Có phê phán nhiều hơn nữa, thì cũng đúng thôi. Nhưng Đạo Lão và phái sinh của nó là Đạo giáo không phải không có những điểm khả thủ mà ngày nay, với tinh thần gạn đục khơi trong, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Riêng đối với tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Đạo giáo đã kích thích óc tưởng tượng của người cầm bút trên con đường đi tìm cái đẹp trong cuộc sống con người, làm cho con người trở nên ngày một hoàn thiện hơn, hưởng thụ được nhiều mỹ cảm văn học hơn. Đối với sự phát triển của thể loại văn học nước ta, chính Đạo giáo cũng đã góp phần dẫn dắt tiểu thuyết đi từ bút ký, đến chí quái, truyền kỳ và một vài thể loại khác nữa như diễm tình, công án...
CHÚ THÍCH
(1) Thần tiên: chỉ những người tu luyện thành công, có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử, với khả năng biến hóa khôn lường. Sách Thiên ẩn tử. Thần giải chép: "ở người gọi là nhân tiên, ở trời gọi là thiên tiên, ở đất gọi là địa tiên, dưới nước gọi là thủy tiên, có khả năng biến hóa gọi là thần tiên".
(2) Phương thuật: tức "phương tiên chi thuật", gồm thiên văn(chiêm hậu, chiêm tinh), y học (vu y), thuật thần tiên, chiêm bốc, tướng số, độn giáp, kham dư... Các môn "luyện đơn thái dược", "phục thực dưỡng sinh", "tế tự quỷ thần", "kỳ nhương cấm chú"... về sau đều được Đạo giáo tiếp thu, trở thành những phương pháp tu luyện, tế độ quan trọng.
(3) Trương Đạo Lăng (34-156): nguyên tên là Trương Lăng, người Phong Huyện, Giang Tô, từng làm quan Lệnh ở Giang Châu. Vào đời Hán Thuận Đế (125-144), ông vào núi Hạc Minh ở Đại ấp Huyện, Tứ Xuyên để tu đạo và dùng bùa chú chữa bệnh cho dân, sáng lập ra phái Đạo giáo ở Trung Quốc. Ai muốn gia nhập đạo hồi bấy giờ đều phải đóng 5 đấu gạo, nên người đời gọi đạo ông là đạo "năm đấu gạo".
(4) Cát Hồng (281- 341 ?): tự Trĩ Xuyên, lấy hiệu là Bão Phác Tử, người Đan Dương, Giang Tô. Từ nhỏ ông đã thích tu tiên luyện đan. Lớn lên, nghe ở Câu Lậu, Giao Chỉ (một tên nước ta thời cổ) có đan sa, ông xin qua đó làm quan Lệnh Câu Lậu. Ông là nhà lý luận của Đạo giáo thời Đông Tấn, đồng thời là nhà y học, nhà luyện thuốc trường sinh.
(5) Lý hoặc luận: tác phẩm của Mâu Bác, còn gọi là Mâu Tử, người Thương Ngô, Quảng Tây, sống vào khoảng cuối thế kỷ 2 đầu thế kỷ 3 sau Công nguyên. Ông từng dắt mẹ rời Thương Ngô chạy sang miền Bắc nước ta để tránh loạn. Tại đây, ông để tâm nghiên cứu Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh, Trung tâm chính trị văn hóa Việt Nam hồi này), có nhiều khám phá và phát hiện quan trọng. Ông viết Lý hoặc luận để trình bày những mới mẻ mà ông tìm thấy nơi Phật giáo, đồng thời bảo vệ đạo Phật trước sự tấn công từ nhiều phía của đạo Nho, thuyết Hoàng Lão và thuật tu tiên, luyện thuốc trường sinh đang thịnh hành ở Giao Châu (một tên nước ta thời cổ) hồi bấy giờ.
(6) An Nam chí lược: tác phẩm của Lê Trắc, tự Cảnh Cao, người Đông Sơn, Thanh Hóa, không rõ sinh và mất năm nào. Theo khảo cứu của Trần Kinh Hòa, sách An Nam chí lược đại khái được soạn xong trong khoảng năm 1285-1307, sau đó lại tiếp tục bổ sung, mãi đến năm 1339 mới thực sự kết thúc (x. Bd. An Nam chí lược của ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện đại học Huế, 1961, tr.XIII). Sách An Nam chí lược có không ít những ghi chép liên quan tới Đạo giáo Việt Nam. Như ở Q.1, khi viết về núi Tiên Du: "Có hòn đá bàn thạch, dợn có đường gạch như bàn cờ, tương truyền rằng: xưa có tiên đánh cờ ở đó" (Sđd, tr.33); khi viết về núi Yên Tử: "... Đại sư là Lý Tư Thông có dâng lên vua Hải nhạc danh sơn đồ và vịnh thơ tán: Phúc địa thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử: "... Tiên cưỡi loan qua ngồi cảnh tịnh, Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh" (Sđd, tr.34). Khi viết về núi Đà Kỹ: "Có một khoảng đất vườn, ở sát bờ biển, sinh ra thứ đá đen như hình con cờ, hình sắc thật đẹp, đáng yêu. Ta (chỉ Lê Trắc - TN) thường ra chơi, gặp ông già nói rằng: "Cách đây hơn một trăm dặm, lại có sản xuất con cờ đá trắng". Tục truyền rằng: người tiên thường đánh cờ vây ở đó" (Sđd, tr.36); khi viết về Sùng Sơn: "Thẩm Thuyên Kỳ, đời nhà Đường bị đày qua đất Hoan Châu (tức Nghệ An ngày nay - TN), có làm bài Sùng Sơn hướng Việt Thường thi: "... Tạo hóa công thiên hậu, Chân tiên tích lũy lâm..." (... Tạo hóa riêng hậu đãi, Thiên nhân thường giáng lâm - TN) (Sđd, tr.37). Hay khi viết về phong tục, có đoạn: "Ngày Nguyên Đán... Các thợ khéo làm một cái đài "Chúng tiên" hai tầng trước điện, một lúc thì cái đài ấy làm xong, vàng ngọc sáng chói. Vua [nhà Trần] ngồi ăn trên đài ấy, các quan làm lễ, trước sau chín lạy, và chín tuần rượu rồi giải tán..." (Sđd, tr.46). ở Q.15, có chép về Đạo sĩ Hoàn Nguyên: "Nhà nho, học Phật, lại hoàn tục, lấy cô của vua là bà Thụy Tư, Trần Thái Vương (chỉ Trần Thái Tông - TN) phong làm liệt hầu. Nguyên thường bắt buộc Thụy Tư theo đúng lễ chính, do đó, vợ chồng bất hòa, rồi Nguyên đi làm Đạo sĩ. Nguyên làm thơ hay, tính ưa ngao du rừng suối, vua cho làm chức Đạo lục, tục gọi là Đạo lục hầu" (Sđd, tr.240).
(7) Thông Huyền: một Đạo sĩ nước ta đời Lý. Sự tích về ông được chép chung với danh tăng Giác Hải trong bài Tăng đạo thần thông ở sách Nam Ông mộng lục.
(8) Hoàn Nguyên: xem lại chú thích 6.
(9) Huyền Vân: Đạo sĩ, người Chí Linh, sống ẩn ở chùa Lệ Kỳ, Ngao Sơn để luyện đan. Trần Dụ Tông từng mời ông tới để hỏi cách tu luyện và đặt tên chỗ ở của ông là "Huyền Thiên Động" (x. Hội chân biên, Q.Càn).
(10) Hội chân biên: do Thanh Hòa Tử ²M ©M ¤l soạn. Quế Hiên Tử ®Û °a ¤l duyệt. Bài Trùng san tự đề năm Tân Hợi, bài Dẫn đề năm Thiệu Trị 7. Sách được in tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, năm Canh Tuất. Qua bài tựa và bài dẫn, ta có thể hình dung quá trình soạn và in sách như sau: không rõ tự bao giờ, đã có một cuốn Kê song xuyết thập. Đến năm Thiệu Trị 7 (1847), một người hiệu Thanh Hòa Tử thấy Kê song xuyết thập có nhiều mặt chưa đầy đủ, nên nhân lúc "Thánh triều khải vận, chí đạo phương minh = triều thánh mở vận, đạo lớn sáng soi", đã biên tập lại và đặt tên mới cho sách là "Hội chân biên", có vẽ tranh và làm thơ minh họa (Dẫn). Nhưng rồi phải đợi đến tháng 4 năm Canh Tuất (1910), bản thảo mới được đền Ngọc Sơn tổ chức khắc ván in, những mong "vãn phong hội ư tương lai, chấn đồi ba ư ký đảo" = vãn hồi phong hội cho tương lai, chấn hưng con sóng đã sụp đổ" (Trùng san tự), nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước chống Pháp trong nhân dân ta. Tháng 9 năm Tân Hợi (1911) sách in xong, bèn thiết đàn cầu cơ tại Đa Ngưu (Văn Giang, Hải Dương), lấy giáng bút của "tiên Liễu Hạnh" làm tựa đề cho lần xuất bản (Hội chân biên hiện được in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, Tập II, gồm 5 quyển, 20 truyện, do Chan Hing - ho, Trịnh A Tài và Trần Nghĩa đồng Chủ biên, Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp xuất bản, Học sinh thư cục Đài Loan ấn hành năm 1992. Hội chân biên in ở cuối Q.5).
(11) Xem Hội chân biên, Q.Càn và Q.Khôn.
(12) Xem Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam gồm 4 tập, do Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. Thế giới, Hà Nội - 1997. Các đoạn dẫn về tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam bên dưới, đều trích từ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam.
(13), (14), (15) Xem Thân Tải Xuân: Đạo giáo và truyền kỳ đời Đường, Bd. của Thọ Nhân, Tạp chí Hán Nôm, số 4-1998.
(16) Xem Trần Nghĩa: "Lý hoặc luận", bông hoa đầu mùa của Phật giáo Luy Lâu, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 - 1991, tr.97.