Tại làng cổ xã Hùng Lô, hiện nay có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng trên 100 năm, trong đó có một số ngôi nhà được chính quyền và các cấp quản lý tìm hiểu để phục vụ phát triển du lịch. Các ngôi nhà trên do chủ sở hữu ngôi nhà đang sử dụng làm nhà ở, sinh hoạt gia đình hoặc làm nhà thờ họ. Cùng với những di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của làng cổ Hùng Lô thì nhà gỗ cổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa, và một số đoàn khách nước ngoài như Anh, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Nhà cổ Hùng Lô cũng mang những nét kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt vùng Bắc Bộ. Nhà thường được xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, hướng của sự phát triển, phát đạt, điều đó cũng nằm trong tư duy quan niệm truyền thống của người Việt xưa: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng Nam” - sẽ tránh được nắng chiều hướng Tây, gió lạnh từ phương Bắc và bão về từ phía Đông. Người Việt còn chọn lựa đất xây nhà với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông, đất tụ linh, tụ phúc phù hợp với vận mệnh của gia chủ. Những ngôi nhà cổ tại Hùng Lô vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị kiến trúc, chạm trổ khéo léo và tinh tế.Trên những chồng, bồn, kẻ, bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được chạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai. Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc được tạo nên từ những bàn tay thợ tài hoa và thông qua đó họ gửi gắm một triết lý sống phương đông, đó là sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên trong một tâm thế khoan dung tự tại. Hệ thống kiến trúc, cùng với nhiều đồ dùng trong nhà thực sự đã trở thành bảo tàng sống của các gia đình, dòng họ. Ngôi nhà cổ không chỉ bởi kiến trúc cổ mà ngay cả nền nếp sinh sống của những con người nơi đây dường như vẫn mang đậm nét truyền thống Á Đông: nhiều thế hệ cùng chung sống, gia đình duy trì nghề truyền thống từ nhiều đời.