Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ô nhiễm môi trường đang trở thành mối hiểm họa đe dọa sự sống, chất lượng sống cho con người và sinh vật trên cả thế giới. Đứng trước vấn nạn môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng trên nhiều phương diện, các nhà chức trách liên tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên dường như người dân vẫn chưa hoàn toàn hiểu được sự nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, cũng như những ảnh hưởng to lớn của chúng đến sự tồn vong của nhân loại. Chính vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang ngày càng nghiêm trọng, thậm chí trở thành báo động đỏ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Đứng trước những nguy cơ to lớn, con người cần phải có một ý thức thật rõ ràng và những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của mình.
Môi trường là toàn bộ những yếu tố tự nhiên và nhân tạo tồn tại xung quanh con người bao gồm đất, nước, không khí, cây cối, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật,…Có vai trò duy trì và cung cấp sự sống cho các sinh vật trên Trái đất trong đó có con người, đồng thời cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển xã hội. Con người không thể tồn tại nếu không được môi trường bao quanh và bảo vệ. Có thể nói rằng môi trường có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chủ yếu đến sự tồn vong của nhân loại, cũng như hầu hết các loài sinh vật trên Trái Đất.
Tuy có vai trò quan trọng và liên quan mật thiết đến sự phát triển của xã hội thế nhưng trên thực tế môi trường đang phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề và bị ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. Trong những thập kỷ gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường thường xuyên là đề tài được nhắc tới trên nhiều phương tiện thông tin báo chí. Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Ô nhiễm môi trường được định nghĩa là hiện tượng môi trường tự nhiên bị nhiễm bẩn, làm thay đổi các tính chất hóa lý, vật lý, sinh học vốn có làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như sự tồn tại và phát triển bình thường của các sinh vật khác trên địa cầu. Ngày nay việc bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm trở thành một đề toán khó khăn và mang tính sống còn đối với con người.
Thực tế trong những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường ở trên thế giới đã đến mức báo động, và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi hàng loạt các thông tin về sự kiện ô nhiễm môi trường được thông tin đến người dân. Tiêu biểu nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung, mà theo một thống kê hiện nay có đến 60% các xí nghiệp nhà máy chưa có một hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn theo quy định. Điều đó có nghĩa là hàng tấn các chất thải dầu mỡ bẩn, độc hại chưa qua xử lý hoặc xử lý sơ sài sẽ buộc phải đổ vào các con sông. Sự quá tải của các chất thải này dẫn đến việc hàng loạt các sinh vật sinh sống dưới nước bị nhiễm độc, chết hàng loạt, hoặc biến đổi gen, nước ở ao hồ, sông suối nhiễm bẩn được người dân lấy để tưới tắm cho hoa màu, phục vụ đời sống sinh hoạt, dẫn tới việc bị nhiễm độc gián tiếp, và tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ bệnh tật hiểm nghèo. Người dân ở các thành phố lớn cũng phải đối diện với nguy cơ không có nước sạch để sinh hoạt trong tương lai gần. Một sự kiện rúng động dư luận được quan tâm nhất về ô nhiễm nguồn nước ấy chính là việc sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi nguồn hóa chất chưa qua xử lý của nhà máy bột ngọt VEDAN, tuy sự việc đã diễn ra hơn chục năm thế nhưng nó vẫn là một sự kiện đáng nhớ, báo động về sự lỏng lẻo trong quản lý chất thải, cũng như nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng bởi sự phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp hiện đại mà không có với hệ thống xử lý chất thải tiên tiến. Bên cạnh đó sông Tô Lịch cũng là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về sự ô nhiễm nguồn nước, vốn là một dòng sông lịch sử là một nhánh của sông Hồng, gắn bó với nhiều kỷ niệm của thành phố Hà Nội như một biểu tượng, thế nhưng hiện nay nước sông được nhận xét là không thể sử dụng cho bất kỳ một mục đích nào, ngay cả dùng cho sản xuất. Sự ô nhiễm của con sông trong nhiều năm không phải chỉ xuất phát từ nước thải trong thành phố Hà Nội mà một phần lớn là từ rác thải sinh hoạt ùn ứ từ các hộ dân sống hai bên bờ sông. Ngày nay dù chính quyền nỗ lực dùng nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm con sông thế nhưng vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả tích cực, đó quả thực là một điều rất đáng buồn.
Sau ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí chính là vấn đề đáng lo ngại tiếp theo, diễn ra chủ yếu ở các thành phố lớn nơi có mật độ dân số cao, nhiều phương tiện giao thông, và tập trung nhiều khu công nghiệp lớn. Các động cơ xăng dầu đã thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2 và CO độc hại, chưa kể lượng khí thải công nghiệp cực kỳ lớn từ các nhà máy liên tục thải vào vào tầng ôzôn. Không chỉ vậy trong đời sống sinh hoạt, hoạt động nấu nướng bằng bếp than, hay thói quen hút thuốc lá của nhiều người cũng tạo ra một lượng lớn khói thải độc hại đi vào môi trường xung quanh. Hệ quả dẫn đến tỉ lệ gia tăng các bệnh về đường hô hấp ngày càng lớn, đặc biệt là các bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính hay nguy hiểm hơn là ung thư phổi – án tử cho các bệnh nhân xấu số. Không chỉ vậy lượng khói thải độc hại còn là nguyên nhân chính gây ra sự phá hủy tầng ozon, trở thành mối lo lớn của nhân loại khi tầng ozon là lá chắn chính để bảo vệ con người khỏi tia cực tím từ mặt trời và căn bệnh ung thư da đáng sợ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí, sự gia tăng mật độ bụi mịn, các khí CO2, CO cũng là nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính, sự nóng lên toàn cầu, thúc đẩy sự tan rã băng ở hai cực Trái đất, làm mực nước biển dâng lên, nhấn chìm một số vùng đất ven biển, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long nước ta, làm thu hẹp môi trường sống của chính con người cũng như các sinh vật khác. Đó là một điều vô cùng đáng lo ngại.
Ô nhiễm môi trường đất cũng tiếp tục là một vấn đề đáng quan tâm, khi mà quỹ đất của chúng ta ngày càng bị thu hẹp bởi sự bành trướng các khu công nghiệp, đô thị. Nước ta là một nước có nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, thế nên hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn thường được chú trọng phát triển với sự hỗ trợ của các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, cho ra sản lượng cao. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của nông nghiệp thì môi trường đất cũng phải gánh chịu sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng, khi con người để thúc đẩy sự phát triển hoặc bảo vệ cây trồng khỏi các loài sâu bọ, đã liên tục phun, bón các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, khiến một lượng lớn các hóa chất này khi không được cây hấp thụ thì ngấm vào đất, làm đất bị nhiễm độc nặng. Không chỉ vậy, vì sự vô ý thức của mình con người luôn tiện tay vứt rác bừa bãi, các loại rác thải này nếu không được thu gom theo thời gian sẽ bị vùi sâu vào đất, những thứ như túi ni lông phải mất thời gian rất lâu để phân hủy sẽ biến thành vật cản trở sự sinh trưởng của cây trồng, làm mảnh đất trở nên bẩn và kém giá trị vì không thể khai thác.
Từ những thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cũng như một số hậu quả được đề cập ở trên, chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực để bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ cuộc sống và sự tồn vong của nhân loại hàng triệu năm nữa. Vậy làm như thế nào để bảo vệ môi trường? Việc quan trọng nhất chính là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không hút thuốc nơi công cộng. Trong làm nông nghiệp người nông dân nên hướng tới việc sử dụng các biện pháp sinh học thay cho các biện pháp hóa học, sử dụng đúng liều lượng phân bón, thuốc trừ sâu, không nên lạm dụng, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm nguồn đất, nước. Nhà nước cũng cần khuyến khích người dân nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân để giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như lượng khí thải ra môi trường. Đồng thời chính quyền cũng cần có những điều luật quy định về việc xả thải ra môi trường của các nhà máy, thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm xử lý chất thải đạt chuẩn, cũng như có chính sách quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị một cách hợp lý. Tuyên truyền vận động, khuyến khích việc trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng tự nhiên, kết hợp với việc trồng nhiều cây xanh trong thành phố, tích cực phủ xanh đô thị để giảm thiểu bụi và khí thải ô nhiễm. Hướng tới việc thay thế các nguồn năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt thành các nguồn năng lượng có thể tái chế như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Sử dụng điện một cách hợp lý và tiết kiệm điện năng làm giảm thiểu sự nóng lên của trái đất. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu tái chế và các vật liệu dễ phân hủy không tạo rác thải độc, cũng như hạn chế sử dụng túi ni lông, cùng với đó là tiết kiệm giấy để bảo vệ nguồn tài nguyên cây xanh. Tất thảy các biện pháp trên đều cần có sự chung sức của cả xã hội chứ không là của riêng một cá nhân hay tập thể nào và cần được thực hiện một các có kế hoạch trong thời gian dài. Mục tiêu là hướng tới một môi trường xanh sạch đẹp, con người sống văn minh và có ý thức bảo vệ môi trường sống cho mình và các loài sinh vật khác, đảm bảo sự tồn tại của Trái đất thêm hàng triệu năm nữa.
Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng giải quyết, điều đó cần rất nhiều thời gian cũng như công sức của từng con người. Chính vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta hãy tự nâng cao ý thức của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, cùng cố gắng vì một môi trường xanh, sạch, đẹp, đó không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta mà còn là bảo vệ cuộc sống của con cháu chúng ta hàng trăm năm nữa. Hãy nhớ môi trường chính là áo giáp, là mẹ, là bạn, là người thân của bạn, đừng bao giờ thờ ơ để môi trường phải chịu nhiều tổn thương hơn nữa.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |