"Đập nát trời cao, chim khát lượn,
Phá tan đáy biển, thèm cá bơi...
Khi nào trai ngọc tan trong nước,
Lúc đó tim tôi lạnh với đời".
Đó là những câu thơ mà Trần Mạnh Chánh Quân, chàng trai sinh năm 1992 từng được báo chí gọi bằng cái tên "Chim cánh cụt đất Việt" tự viết về mình. Nhắc tới Chánh Quân, người ta không nhớ về một chàng trai bị bại não từng phải khổ sở vì bệnh tật mà người ta nhớ về một người hùng thầm lặng đã vượt qua vô số trở ngại, khó khăn để chứng minh bản thân là một người đúng nghĩa, chỉ sở hữu thêm "khuyết tật" mà thôi như lời Quân từng nói.
Nghị lực phi thường cùng hành trình cố gắng không ngơi nghỉ của Chánh Quân đã tiếp nối những câu chuyện truyền cảm hứng đầy ý nghĩa của WeChoice Awards 2018.Cô Lê Mạnh Nữ Vinh Sơn, mẹ của Trần Mạnh Chánh Quân kể rằng Chánh Quân vốn đã sinh thiếu tháng, đến khi cậu được 8,5 tháng thì cô nhận được kết quả chẩn đoán Quân mắc chứng bại não. Là một người mẹ, khi ấy cô đã suy sụp đến độ luôn giữ trong đầu suy nghĩ nếu không có cô thì Quân sẽ khổ đến thế nào và rằng nếu một ngày kia cô "ra đi", có lẽ cô sẽ cho cả Quân đi cùng. Thế nhưng, việc phát hiện ra tố chất học hành của Quân sau một lần cô mua bảng chữ cái về cho Quân học đã như mở ra một con đường ánh sáng cho cả gia đình.
Chánh Quân thích học và học rất nhanh. Cấp 1, cấp 2, Quân đều học trường thường như các bạn. Tới năm cấp 3, Quân còn thi đỗ vào lớp chuyên Tin của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu).
Các thầy cô tại trường đều nhận xét Quân là một học sinh rất "bướng" nhưng bù lại, cậu cực kì sáng tạo và chủ động trong việc tiếp thụ kiến thức. Cái sự bướng, sự lì của Chánh Quân còn thể hiện hành động Quân đã trốn mẹ, một mình quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (bãi Sau TP. Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2009 - 2010.
"Thời điểm đó trước mắt chỉ có cuộc thi ấy xứng đáng là mục tiêu cho mình theo đuổi bao nhiêu năm trời. Nếu chỉ vì một lý do đó (sức khỏe), mình cảm thấy mình không thể nào cam lòng được", Quân nói.
Từ đầu đến cuối, Quân chưa bao giờ nghĩ bản thân mình thiệt thòi. Sự khác người của Quân đối với người khác có thể là trở ngại, còn với Quân thì không, nó chưa bao giờ là lý do làm khó Quân.
Xin mượn câu nói của cô giáo Nhung làm lời kết cho chuyến hành trình đầy cảm hứng của Trần Mạnh Chánh Quân: "Quân là người không biết nói nhưng lại nói được nhiều nhất. Em nói bằng thành quả, bằng tấm lòng của em. Quân là người đi không vững nhưng lại đi được rất nhiều nơi. Bởi em có đôi chân của bạn bè, đôi chân của trí tuệ".