1. Đại dịch COVID-19
Khởi nguồn vào cuối năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người sang người gây đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới, lan đến tất cả các châu lục. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.
Lịch sử sẽ ghi nhớ 2020 là năm đại dịch COVID-19 gây thiệt hại kinh tế và gián đoạn xã hội trên toàn thế giới với tốc độ, quy mô và mức độ nghiêm trọng chỉ chứng kiến 1 lần trong hàng thế kỷ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng nguy hiểm, vaccine là cơ hội tốt nhất để chấm dứt thảm họa lây nhiễm cho gần 80 triệu người, cướp đi hơn 1,75 triệu sinh mạng và gây tổn hại kinh tế toàn cầu. Một số quốc gia đã tiến hành tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, một số nước đã xuất hiện biến chủng của virus, dự báo cuộc chiến chống dịch bệnh còn kéo dài.
2. Bầu cử Tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về COVID-19, với hơn 19 triệu người mắc và hơn 337.000 người tử vong.
Do đại dịch COVID-19, phương thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm đã lên ngôi, khiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu đạt mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1900. Với hơn 81 triệu phiếu bầu, ông Joe Biden là ứng viên nhận số phiếu nhiều nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump cũng nhận được hơn 74 triệu lá phiếu, vượt qua cả số phiếu kỷ lục cho ông Barack Obama là 69,5 triệu trong năm 2008.
Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống mà người chiến thắng không được xướng tên ngay sau đêm bầu cử 3.11. Mãi tới ngày 7.11, các hãng truyền thông lớn của Mỹ mới xướng tên ông Joe Biden là người chiến thắng. Ông Donald Trump không chấp nhận kết quả và tiến hành cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược tình hình. Hầu hết các nỗ lực pháp lý thất bại. Ngày 14.12, cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, ông Donald Trump 232 phiếu. Dự kiến, ông Joe Biden sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20.1.2021.
3. Ký kết Hiệp định RCEP
Sau 8 năm đàm phán, lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15.11.2020, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. Với quy mô 2,2 tỉ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỉ USD, tương đương gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết Hiệp định RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi đi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP cũng góp phần quan trọng cho việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19. Việc ký kết RCEP còn được coi là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
4. Anh rời EU, đạt thoả thuận hậu Brexit
Sau hơn 3 năm cân nhắc, vào ngày 31.1.2020, Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu, bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31.12.2020. Sự kiện Anh rời EU kết thúc 47 năm là thành viên của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đánh dấu lần đầu tiên một nước thành viên EU rời khỏi khối này.
Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần 11 tháng, Anh và EU trải qua nhiều vòng đàm phán khó khăn với nhiều bất đồng về một thoả thuận thương mại hậu Brexit để đảm bảo thuận lợi cho dòng chảy thương mại của cả hai bên. Có những lúc, hai bên đã nghĩ tới kịch bản Brexit không thoả thuận - kịch bản cả hai đều không muốn xảy ra, và thế giới cũng sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế. Phải đến tận ngày 24.12, sau nhiều tháng đàm phán, Anh và EU mới đạt được thỏa thuận thương mại Brexit, với các điều khoản về hợp tác trong tương lai của Anh với EU, bao gồm nội dung về thương mại hàng hóa và dịch vụ, giao thông, năng lượng, thủy sản, bảo vệ dữ liệu, an sinh xã hội...
5. Căng thẳng Mỹ - Iran
Ngày 3.1, máy bay không người lái của Mỹ phóng tên lửa hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khi đoàn xe chở ông và các chỉ huy dân quân Iraq vừa rời khỏi sân bay Baghdad. Để trả đũa vụ hạ sát, Iran đã phóng loạt tên lửa vào hai căn cứ của quân đội Mỹ ở Iraq, được cho là gây chấn thương não cho hàng chục binh sĩ. Căng thẳng lắng xuống khi Tổng thống Donald Trump cho rằng Iran đã “xuống nước”, và rút quyết định tấn công Iran vào phút chót. Tuy nhiên, trong suốt cả năm 2020, mối quan hệ giữa hai nước luôn trong trạng thái căng thẳng, với các vụ Iran vô tình bắn hạ máy bay Ukraina, bắt tàu chở dầu Iran ở Vùng Vịnh, tập trận…
6. Cháy rừng ở Australia
Cháy rừng ở Australia kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020, còn được gọi là “Mùa hè đen”, là giai đoạn cháy rừng dữ dội ở nhiều nơi tại nước này. Ngọn lửa đã tàn phá hơn 10 triệu ha rừng và thảm thực vật trên cả nước. Đây là thảm họa cháy rừng có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Theo báo cáo hồi cuối tháng 7, khoảng 148 triệu động vật có vú, 180 triệu con chim, 51 triệu con ếch và 2,46 tỉ động vật bò sát đã bị thiêu rụi hoặc phải di dời tới môi trường sống mới.
7. Nổ kho hoá chất ở cảng Beirut, Lebanon
Ngày 4.8, thủ đô Beirut của Lebanon rung chuyển như bị đánh bom nguyên tử sau vụ nổ nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat lưu trữ từ năm 2014. Thảm họa khiến 190 người thiệt mạng, hơn 6.500 người bị thương, gần 300.000 người mất nhà cửa, phá hủy phần lớn cảng và những khu vực lân cận. Với sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử Lebanon, gần một nửa thành phố bị san phẳng, hàng nghìn tòa nhà, bao gồm nhà dân, bệnh viện, trường học, bảo tàng, các công trình lịch sử chịu thiệt hại đáng kể. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết thiệt hại do vụ nổ ở Beirut, Lebanon lên tới 4,6 tỉ USD.
8. Israel bình thường hoá với 4 quốc gia Arab
Ngày 13.8, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao và tạo dựng một mối quan hệ mới - một động thái được cho là sẽ định hình lại trật tự chính trị Trung Đông. Chỉ trong vòng 4 tháng sau đó, Israel lần lượt ký kết các thoả thuận hoà bình lịch sử với Bahrain, Sudan và Morroco, mang lại cục diện mới cho hoà bình Trung Đông. Tất cả các thoả thuận này đều do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian và cũng được xem là một thành tựu về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của vị Tổng thống Mỹ thứ 45.
9. Biểu tình sắc tộc
Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ sau vụ cảnh sát lạm dụng bạo lực gây ra cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Tính đến ngày 1.6, cuộc biểu tình lan ra hơn 200 thành phố trên toàn thế giới, ủng hộ những người đòi lại công lý cho Floyd cũng như lên tiếng phản đối tệ nạn cảnh sát bạo hành, còn được gọi phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng đáng giá).
10. Tái bùng nổ xung đột ở Nagorno-Karabakh
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh tái bùng phát hôm 27.9 và nhanh chóng leo thang thành chiến sự quy mô lớn, kéo dài hơn 1 tháng khiến hơn 5.000 binh sĩ thiệt mạng. Sau ít nhất 3 thoả thuận ngừng bắn bị phá vỡ, ngày 9.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh. Theo thoả thuận, Nga triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến khu vực này.