“Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay.”
Biết bao nét đẹp truyền thống từ ngàn đời xưa đã được lưu truyền và trở thành một dấu ấn quen thuộc trên mảnh đất chữ S thân thương này. Bên cạnh tà áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt Nam, chiếc nón lá cũng là một sự hiện thân cho những phẩm chất cao quý và nét đẹp của con người Việt, đất nước Việt.
Nón lá là một di sản văn hóa và cũng là một vật dụng thân thiết của biết bao người Việt Nam. Dù ở bất kỳ nơi đâu, bất kì khoảng thời gian nào, ta đều có thể bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá trong cuộc sống thường nhật. Chiếc nón ấy dùng để che nắng, che mưa cho người nông dân. Chiếc nón ấy theo mẹ, theo bà trên con đường đi chợ, theo cha, theo ông trên những con đò gập ghềnh hay những nương rẫy … Hầu như chỉ cần đem chiếc nón đến bất cứ nơi đâu, mọi người sẽ đều nhận ra và thốt lên rằng: “À, họ là người Việt Nam”.
Chiếc nón có lịch sử lâu đời đã khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500 – 3000 năm trước. Do đất nước ta phải chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nắng lắm mưa nhiều mà ông cha ta đã lấy lá kết vào nhau để làm nên vật dụng đội lên đầu che nắng che mưa. Đó là sự ra đời của một chiếc nón sơ khai. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, bàn tay của con người cũng tinh xảo và khéo léo hơn, nên chiếc nón ngày nay đã được chế tạo kỳ công và điêu luyện hơn. Dù là vậy, nhưng chiếc nón là vẫn giữ nguyên được bản sắc và linh hồn dân tộc.
Có rất nhiều loại nón khác nhau như nón dấu, nón gò găng hay nón ngựa, nón rơm, nón quai thao, nón cời, nón Gõ, nón lá Sen, nón thúng, nón khua, nón chảo, nón cạp, nón bài thơ,… Điểm chung của các loại nón chính là sự tỉ mỉ và tính nghệ thuật được thể hiện trên mỗi chiếc nón.
Muốn làm ra một chiếc nón thì cần phải qua nhiều công đoạn lớn nhỏ khác nhau như: chọn lá, phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi… Và khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của mỗi người thợ.
Để có được một màu sắc đẹp cho nón, họ thường chọn lá nón non vẫn giữ được màu xanh nhẹ, ủi lá nhiều lần cho phẳng và láng. Sau đó phải đem phơi vài ngày để lá chuyển từ màu xanh sang trắng mới có thể sử dụng được. Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Quá trình phơi lá sẽ kéo dài từ hai đến bốn tiếng. Về khâu làm vành nón, đây là một bước then chốt để tạo sự chắc chắn và bền bỉ cho nón. Người thợ cần phải lựa chọn nan tre có độ mềm và dẻo dai. Khi chuốt tre thì cần phải chuốt tỉ mỉ để đến khi nào có thể uốn cong mà không sợ gãy. Sau đó người dùng sẽ uốn theo những đường kính từ nhỏ đến lớn tạo thành khung cho nón lá sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn. Sau khi làm xong khung nón, họ sẽ giữ cho khung và lá bám chặt vào nhau, đó là bước chằm nón. Thường thì người làm sẽ chằm bằng sợi nilon mỏng nhưng có độ dai, màu trắng trong suốt. Chằm xong nón tháo khỏi khung, cắt lá thừa ở nơi miệng nón và làm quai. Để tăng thêm tính thẩm mĩ và độ bền khi tiếp xúc với thời tiết, người ta phết phía ngoài một lớp mỏng sơn dầu trong suốt để nước mưa không thấm qua các lỗ kim vào bên trong. Chiếc nón là cuối cùng đã được hoàn thành sau biết bao công đoạn tỉ mỉ và chau chuốt của người thợ đa tài.
Không chỉ là một vật che mưa, che nắng, những chiếc nón còn trở thành vật “trang sức” của biết bao thiếu nữ và tà áo dài thướt tha. Chiếc nón còn được đi vào trong những trang văn, trang thơ, trở thành một cảm hứng bất tận của những người nghệ sĩ. Thật không xa lạ gì với hình ảnh chiếc nón lá xuất hiện trong những bài thơ, bài văn mộc mạc mà thướt tha, trong những lời ca trữ tình, dịu ngọt.
Chiếc nón đã đồng hành với người Việt chúng ta qua bao đời như một hình ảnh biểu trưng tuyệt đẹp tồn tại mãi trong cuộc sống bình dị của nhân dân. Chiếc nón đậm đà bản sắc dân tộc ấy đã góp phần khẳng định sự trường tồn của những di sản văn hóa và lịch sử hào hùng, thân thương của đất nước Việt Nam oai hùng.