Tính từ khi bắt đầu du nhập cho đến lúc suy vong, Nho giáo đã có lịch sử 1900 năm truyền bá ở Việt Nam. Thời Bắc thuộc, trong những thế kỷ đầu công nguyên, các quan cai trị người Hán như Tích Quang (1 - 5), Nhâm Diên (29 - 33), Sĩ Nhiếp (187 - 226), Đỗ Tuệ Độ (đầu thế kỷ V) đã ra sức truyền bá Nho giáo ở Giao Châu. Cũng trong thời kỳ này, các đoàn người Hán di thực và tị nạn nối tiếp nhau kéo xuống Giao Châu, mang theo văn hóa Hán. Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà văn hóa Việt - Mường đã đạt tới những thành tựu đỉnh cao, có sức mạnh văn hóa nội tại, và có khả năng chọn lọc, chuyển hóa những yếu tố văn hóa mới du nhập để bồi bổ cho sức mạnh văn hóa nội tại của mình. Trong khi đó, Nho giáo là công cụ củng cố thể chế nhà nước của quân xâm lược. Vì vậy, trải qua cả nghìn năm, Nho giáo vẫn không thâm nhập được vào văn hóa Việt - Mường. Cư dân Việt - Mường vẫn bảo tồn được văn hóa tộc người, ý thức tộc người, ý chí quật cường và nhu cầu đấu tranh vì độc lập tự do.
Phải đến thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ XI trở đi, Nho giáo mới được Nhà nước phong kiến chú trọng đề cao. Để xây dựng, hoàn thiện thể chế nhà nước, giai cấp phong kiến đã tìm thấy ở Nho giáo những lợi khí mà Phật giáo và Đạo giáo đương thời không có: sự thần bí hóa vương quyền, sự thiêng liêng hóa quan hệ quân thần, những chuẩn mực và nội dung đào tạo quan lại thích hợp để nối dài cánh tay quyền lực của nhà vua. Đến thời Hậu Lê, Nho giáo vươn lên chiếm địa vị độc tôn trong văn hóa cung đình, đẩy Phật giáo và Đạo giáo xuống hàng tôn giáo dân gian. Nhưng Nho giáo có vị trí hàng “Quốc giáo” thật sự ở triều Nguyễn, một triều đại tập quyền tuyệt đối và triệt để khai thác đạo lý tam cương, ngũ luân của Nho giáo để bảo vệ tôn ti quân thần và quyền thống trị vĩnh viễn của tông tộc nhà vua. Trên đỉnh cao quyền lực, Nho giáo đã phát tác tối đa sức mạnh kìm hãm của nó, trở thành nguyên nhân sâu xa của tình trạng loạn lạc và trì trệ kéo dài suốt thế kỷ XIX cho đến khi mất nước về tay Pháp. Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự suy tàn của nhà nước phong kiến và giai cấp phong kiến, Nho giáo đã không còn là ý thức hệ chính thống và cũng không còn đóng vai trò một tôn giáo chính thống điều chỉnh hành vi và đạo đức như trước nữa. Sự đột khởi của phong trào Duy Tân - Đông Du (1905 - 1908) đã đóng cây đinh cuối cùng vào nắp quan tài của Nho giáo ở Việt Nam.
Điểm sơ qua như vậy, có thể thấy rằng, giai cấp phong kiến Việt Nam thượng tôn Nho giáo không chỉ do nhu cầu xây dựng quốc gia, mà còn vì và chủ yếu là vì Nho giáo có ích đối với việc cai trị nhân dân. Vì vậy, tuy có lúc thăng lúc trầm, nhưng bao giờ Nho giáo cũng là chiếc phao chống đắm của các triều đại phong kiến Việt Nam, kể từ khi vua Lý Thánh Tông dựng Văn Miếu ở Thăng Long năm 1070, cho đến khi triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi (năm 1883) giao chủ quyền quốc gia cho Pháp.
Do sự truyền bá chủ động và kiên trì của giai cấp phong kiến, trong thời trung đại, Nho giáo đã thẩm thấu vào một một bộ phận của chủ thể văn hóa Việt Nam là giai cấp quý tộc, quan lại và tầng lớp nho sĩ, quan viên. Nho giáo cũng bén rễ vào một bộ phận văn hóa tinh thần của xã hội, làm hình thành dòng văn hóa quan phương chính thống bên cạnh các hoạt động văn hóa tinh thần của dân gian. Bằng cách đó, văn hóa tinh thần của Việt Nam đã bị Hán hóa một phần. Cũng bằng cách đó, Nho giáo đã được Việt hóa một phần trong quá trình thâm nhập vào văn hóa Việt Nam.
Do tác động từ Nho giáo nên sự phân hóa xã hội ở Việt Nam thêm sâu sắc, chủ thể văn hóa Việt Nam bị chia đôi; hình thành tầng lớp nho sĩ, giai cấp quý tộc, quan lại theo hình mẫu Nho giáo, tồn tại bên cạnh các giai cấp, tầng lớp sẵn có của xã hội Việt Nam xưa (nông dân, thợ thủ công, thương nhân). Tầng lớp nho sĩ và quan lại ấy có trách nhiệm kinh bang tế thế, trị quốc an dân, và tùy theo thời thế mà chọn lựa cách ứng xử, xuất và xử, hành và tàng. Còn các giai cấp, tầng lớp lao động thì có trách nhiệm bảo đảm nhu cầu vật chất cho các giai cấp, tầng lớp bên trên và cho bản thân mình.
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều nhà nho có phẩm hạnh, khí tiết cao cả, như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Huy Đức, Nguyễn Thức Tự, Khiếu Năng Tĩnh, Trần Đình Phong, Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,... Những nhà nho này, dù lúc bình thời hay khi vận nước gian nan, vẫn tỏ rõ khí tiết và phẩm hạnh, đồng thời có thái độ và hành động vì nước, vì dân.
Trong các hoạt động văn hóa, Nho giáo tác động chủ yếu vào các hoạt động văn hóa tinh thần. Trong văn hóa tổ chức cộng đồng, ở cấp độ gia đình, Nho giáo phối hợp với văn hóa Hán làm hình thành chế độ gia đình phụ hệ đi đôi với nam quyền cực đoan, tồn tại song hành với truyền thống trọng nam đi đôi với trọng nữ của văn hóa dân gian. Trong gia đình, gia tộc, quốc gia, Nho giáo trực tiếp làm hình thành chế độ tông pháp, trao quyền thừa kế, thừa tự cho con trai trưởng chính dòng, song hành với tập quán trao quyền thừa kế, thừa tự cho con trai út của dân gian. Trên bình diện quốc gia, Nho giáo là cơ sở làm hình thành tổ chức nhà nước của Đại Việt, bao gồm hệ thống hành chính, tổ chức quân sự, quan chế, lương bổng... mô phỏng Trung Hoa, tồn tại song hành với tổ chức cộng đồng cấp làng quê ra đời từ thời Văn Lang - Âu Lạc.
Về tín ngưỡng, nhà nho Việt Nam coi Nho giáo như là tôn giáo; gạt bỏ, bài xích các tôn giáo khác ngoại trừ những nội dung được Nho giáo chấp nhận và khuyến khích, như lòng tin vào thiên mệnh, việc tế lễ, việc thờ cúng tổ tiên... Vì vậy, trong Nho giáo là tôn giáo của đàn ông người Việt, bên cạnh các tôn giáo dành cho các bà các cô như đạo Phật, đạo Mẫu...
Về phong tục, sự tác động của Nho giáo và văn hóa Hán đã làm Hán hóa một phần các phong tục vòng đời, đặc biệt là phong tục hôn nhân, phong tục tang ma. Trong thời trung đại, các phong tục này đều lấy hình mẫu của Nho giáo và văn hóa Hán làm chuẩn mực. Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều người viết sách mô tả các phong tục và nghi thức ấy trong văn hóa Việt Nam hiện đại như thể chúng là bản sao của phong tục Trung Hoa trung đại! Thật ra, bên cạnh các phong tục hôn nhân, phong tục tang ma theo hình mẫu của Nho giáo và văn hóa Hán trước đây, người Việt ở các vùng miền khác nhau và các tôn giáo ở Việt Nam đều có cách thức riêng để thực hiện các phong tục ấy.
Trong giáo dục, Nho giáo là cơ sở hình thành hệ thống giáo dục chính thống của Việt Nam trung đại ở bốn cấp kinh đô - tỉnh/đạo - phủ - huyện/châu, và chế độ thi tuyển gồm bốn cấp khảo hạch - thi Hương - thi Hội - thi Đình, để đào tạo ra quan lại nhà nước, quan viên làng xã. Hệ thống giáo dục chính thống này tồn tại song hành với mạng lưới giáo dục dân gian trong gia đình, làng xóm, làng nghề, nhằm giáo dục cách ứng xử với gia đình, cha mẹ, ông bà, tổ tiên, họ hàng, làng xóm, thần linh... Trong lịch sử 844 năm khoa cử Hán học ở Việt Nam (1075 - 1919), nền giáo dục Nho giáo đã tạo ra hàng nghìn ông Nghè, ông Cử, ông Tú mà trong số đó nhiều người đã nổi lên thành nhà văn hóa hay nhà khoa học, như nhà sử học Lê Văn Hưu, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Trạng Lường Lương Thế Vinh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà bác học Lê Quý Đôn, thi hào Nguyễn Du, nhà bác học Phan Huy Chú…
Về văn học và nghệ thuật, Nho giáo đã góp phần làm hình thành các thể văn khoa cử (kinh nghĩa, chiếu, biểu, luận, văn sách, thơ, phú...), các thể loại văn học mô phỏng Trung Hoa (thơ Đường luật, phú, từ, đối...), các điển tích văn học, các sách giáo khoa truyền thụ Nho giáo, các tác phẩm văn học và nghệ thuật chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Những sản phẩm ấy làm thành dòng văn học nghệ thuật quan phương chính thống, tồn tại song hành với dòng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian.
Về ngôn ngữ và văn tự, quá trình tiếp biến văn hóa Hán nói chung, Nho giáo nói riêng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam. Về ngữ âm, tiếng Việt, tiếng Mường đã biến đổi các phụ âm cuối, hình thành thanh điệu và rơi rụng các âm tiết phụ của thời Môn - Khơme; riêng tiếng Việt hiện đại còn rơi rụng các tổ hợp phụ âm đầu. Về ngữ pháp, tiếng Việt, tiếng Mường đã rơi rụng các phụ tố tạo từ của thời Môn - Khơme; riêng tiếng Việt hiện đại còn hình thành các phụ tố tạo từ gốc Hán - Việt, và mượn nhiều cách diễn đạt của tiếng Hán. Về từ vựng, trong tiếng Việt, tiếng Mường đều có nhiều yếu tố gốc Hán; riêng tiếng Việt có đến 70% từ gốc Hán. Hiện nay, tiếng Việt đang sử dụng một bộ phận từ vựng gốc Hán có số lượng và tần suất sử dụng rất lớn, bao gồm Hán - Việt cổ, Hán - Việt trung đại, Hán - Việt cận đại (khẩu ngữ của người Hoa Nam bộ), từ ngữ có yếu tố Hán - Việt. Trong vốn từ tiếng Việt, đặc biệt là lớp từ vựng văn hóa, số lượng các yếu tố gốc Hán chiếm một tỷ lệ áp đảo, cả ở ba cấp độ: từ, ngữ, phụ tố. Bộ phận từ vựng gốc Hán này bao gồm hầu hết các bình diện văn hóa mà cư dân Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, trong đó ảnh hưởng rõ rệt nhất là các hoạt động văn hóa tinh thần: cách thức tổ chức xã hội cổ truyền (con người, họ tên, quan hệ thân tộc, tổ chức hành chính, tổ chức quân sự, bộ máy quan lại...); tín ngưỡng, phong tục, lễ hội (tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục, khoa cử, phong tục vòng đời, lễ hội...); văn học, nghệ thuật (thuật ngữ, các thể văn hành chính và khoa cử, các thể loại văn học bác học, một số loại hình sân khấu...); ngôn ngữ (đặt địa danh, vay mượn và sao phỏng từ ngữ, cấu tạo từ mới từ các yếu tố gốc Hán...). Quá trình tiếp biến văn hóa Hán và Nho giáo trong ngôn ngữ ấy tồn tại song hành với quá trình bảo tồn ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng gốc Môn - Khơme, và tiếp biến các ngôn ngữ Tày, Chăm, Hoa, Khơme, Pháp trong tiếng Việt.
Về văn tự, chữ Hán là văn tự chính thức của Việt Nam trong suốt thời phong kiến tự chủ, và vì là phương tiện chuyên dùng chuyển tải Nho giáo, nên chữ Hán thường được gọi là chữ Nho, chữ Thánh hiền. Quá trình tiếp biến văn hóa Hán và Nho giáo trong chữ viết ấy tồn tại song hành với quá trình Việt hóa các văn tự ngoại lai. Từ khi ra đời dưới thời Trần, chữ Nôm, loại văn tự phái sinh từ chữ Hán, vừa được dùng để chuyển tải văn hóa dân gian, vừa được dùng để chuyển tải văn hóa quan phương chính thống theo Nho giáo. Và đến đầu thế kỷ XX, với phong trào Duy Tân - Đông Du, chữ Quốc ngữ, hình thành từ thế kỷ XVII, đã phát triển thành văn tự của toàn dân, giúp chuyển tải những tư tưởng, tri thức mới, thoát ly Nho giáo.
Như vậy, trong chặng đường hơn 2000 năm tiếp xúc văn hóa Hán của Việt Nam, Nho giáo đã thật sự tác động mạnh vào xã hội Việt Nam trong hai giai đoạn: Hậu Lê (1428 - 1527) và Nguyễn sơ (1802 - 1883). Hai đối tượng chịu ảnh hưởng rõ nhất của Nho giáo và văn hóa Hán là chủ thể văn hóa và văn hóa tinh thần. Trong chủ thể văn hóa, Nho giáo đã tác động chủ yếu đến các giai cấp, tầng lớp trên trong xã hội, chứ không ăn sâu bén rễ vào các giai cấp, tầng lớp dưới. Đối với văn hóa tinh thần, Nho giáo đã góp phần làm hình thành dòng văn hóa quan phương chính thống, chứ không thay thế được dòng văn hóa dân gian vốn có một bề dày lịch sử gắn với ý thức tộc người, làm nên cốt lõi của văn hóa tộc người. Tức là, Nho giáo đã làm tách đôi kiến trúc thượng tầng của xã hội Việt Nam, làm hình thành dòng văn hóa quan phương theo Nho giáo, song hành và đối lập với dòng văn hóa dân gian bản địa. Hai dòng văn hóa này dung hợp lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Nho giáo ở Việt Nam được Việt hóa một phần, khác với Nho giáo ở Trung Hoa. Văn hóa dân gian Việt cũng bị Nho giáo hóa một phần, nhiều phong tục gốc Hán và gốc Việt tồn tại song song. Cho nên, sẽ rất sai lầm nếu quan niệm hoặc mô tả văn hóa Việt như một bản sao của văn hóa Hán.
Vả chăng, ảnh hưởng của Nho giáo và văn hóa Hán đối với văn hóa Việt Nam cũng chỉ kéo dài đến cuối thế kỷ XIX. Trong nền văn hóa Việt Nam đương đại, Nho giáo không còn là tôn giáo, ý thức hệ hay học thuyết chính thống, chỉ là tàn dư trong một số phong tục và nghi lễ.