Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Việt Nam có rất nhiều sự kiện văn hóa từ lịch sử cho tới hiện đại, nhưng để có được đất nước Việt Nam hòa bình, yên vui như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên được cội nguồn dân tộc. Điều đó đã được gợi ra qua câu ca dao mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.
Hằng năm, những người con dân tộc Việt luôn hướng về quê hương Phú Thọ vào dịp 10/3 âm lịch để tưởng nhớ tới công ơn to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Đó cũng chính là dịp mà lễ hội Đền Hùng diễn ra. Lễ hội đã có từ rất lâu đời và vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay và trở thành nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, từ đó mà ngày 10/3 âm lịch hàng năm được xem như là ngày quốc lễ của dân tộc.
Lễ hội đền Hùng được tổ chức tại đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Lễ hội gồm có hai phần là phần lễ và phần hội. Dù tổ chức theo quy mô lớn hay nhỏ thì cả hai phần lễ và hội vẫn đều diễn ra vô cùng linh đình, long trọng. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã chính thức được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào năm 2002 chứng minh cho sức sống bền bỉ và giá trị của lễ hội.
Phần lễ gồm các nghi thức là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Lễ rước kiệu diễn ra trong không khí đầy long trọng với nhiều màu sắc rực rỡ của cờ, hoa, long, kiệu. Ai nấy cũng đều phấn khởi và tự sắm cho mình những bộ trang phục truyền thống để tham dự phần lễ. Tất cả sẽ cùng xuất phát từ dưới chân núi, rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng – nơi làm lễ dâng hương. Trên đường rước kiệu lên đền có tiếng nhạc phường bát âm, có đội múa sinh tiền tạo nên vẻ trang trọng của một nghi lễ thiêng liêng. Mọi người đều thành tâm dâng lễ với ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu ở quê nhà.
Còn lễ dâng hương dành cho những người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu đời sống tâm linh. Mỗi người khi đến vùng đất này đều mong muốn thắp vài nén hương lên đền thờ, nhờ hương khói nói hộ tâm nguyện của lòng mình với tổ tiên. Không khí lúc này vô cùng trang trọng và linh thiêng. Với những người ở xa không về được hoặc không có điều kiện tới thì họ vẫn dành thời gian đi lễ chùa thắp nén hương tưởng nhớ cội nguồn vào ngày này.
Cuối cùng là phần hội diễn ra sau khi các nghi thức ở phần lễ kết thúc, phần hội mang đến sự vui vẻ, thoải mái cho mỗi người. Trong phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đu quay, đấu vật hay đánh cờ tướng… hay các trò chơi hiện đại cũng được lồng ghép hài hòa đáp ứng đam mê, sở thích mọi lứa tuổi. Không thể thiếu được những làn điệu diễn xướng dân ca, hát quan họ hay kịch nói diễn ra bằng hình thức thi tài giữa các làng, các thôn nhằm giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca mượt mà êm ái trong từng làn điệu Xoan – Ghẹo đầy hấp dẫn mang đậm dấu ấn vùng đất Phú Thọ. Ngoài ra, trong khu vực diễn ra lễ hội còn có nhiều mặt hàng lưu niệm bày bán mua cho khách làm kỉ niệm, các dịch vụ văn hóa phẩm, ăn uống với những món ăn truyền thống và hiện đại được tổ chức linh hoạt.
Lễ hội đền Hùng là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi người Việt Nam chúng ta hãy biết trân trọng nét văn hóa truyền thống độc đáo đó của dân tộc và duy trì đến muôn đời sau.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |