chân thật làm trung tâm; từ sự chân thực ấy mà dựng nên cốt truyện, ngôn ngữ vừa dung dị, vừa gần gũi, dễ chạm vào tâm tư của người đọc. Ai cũng có thể thấy mình trong câu chuyện ấy. Cái sai, cái đúng, sự đau khổ, niềm hạnh phúc, nỗi khao khát, mong mỏi... đều hiện diện trên trang văn đẫm mùi vị đời sống.
Trong "Con chim vàng", nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đem hết những từng trải của mình, để tái dựng những hình ảnh đời sống, sinh động, chân thành, sâu sắc trên mỗi trang viết. Đọc truyện Con chim vàng, chứng kiến phận người, phận chim trong ấy mà bao độc giả đã rưng rưng nước mắt.
Chỉ vì Quyên bị xổng mất con chim vàng, mà má của Quyên đánh mắng Bào, bắt Bào phải tìm cách bắt bằng được con chim. Bào và Quyên cùng là hai đứa trẻ, chúng có thể trở thành bạn của nhau, chơi cùng nhau, nhưng một người là con nhà chủ, một người lại là đầy tớ.
Trên trang viết của Nguyễn Quang Sáng, hình ảnh hai đứa trẻ hiện ra với hai dáng vẻ khác nhau, nhưng ông chú ý đến những chi tiết nhỏ, làm cảm động độc giả bằng những rung động chân thực ấy.
Khi nhìn thấy bàn tay má thằng Quyên, Bào cứ ngỡ rằng, bàn tay ấy đang nắm lấy tay nó, có thể kéo nó đứng dậy, nhưng kết quả em nhận về lại là sự buồn tủi, bẽ bàng. Tâm hồn trẻ thơ của em, dù là phận đầy tớ, vẫn cảm nhận được một nỗi buồn tủi sâu sắc.
Bào cũng như biết bao đứa trẻ thời kỳ đất nước nghèo khó ấy, chúng phải đánh mất tuổi thơ vui chơi của mình, để làm mọi việc phụ giúp ba mẹ, nuôi sống bản thân.
Những đứa trẻ nghèo, với số phận nhỏ bé có thể trôi đi, biến mất cùng với màn sương mù dày đặc của quá khứ. Nhưng Nguyễn Quang Sáng đã dùng sự quan sát tỉ mỉ, tấm lòng thân thương, trìu mến lưu lại những câu chuyện bé mọn này, giúp hình ảnh những đứa trẻ nghèo thuở ấy, được nhắc nhớ đến hôm nay.
Cúi xuống những thân phận nghèo khổ cũng là một điều thật đáng được trân trọng ở tâm hồn một người viết. Viết chân thật, viết bao dung, cũng là điều mà Nguyễn Quang Sáng luôn tâm niệm trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Quan điểm ấy của ông đã được thể hiện phần nào qua truyện ngắn Bài học tuổi thơ: “Với tôi, người viết văn, đó là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt”.