Ngay từ ngày đầu mới thành lập Đảng đã nêu chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quan điểm này đã thể hiện được sức mạnh của nó ngay ở cao trào cách mạng 1930- 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, căn cứ vào sự thay đổi tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Sự chuyển hướng được thể hiện đầy đủ qua Hội nghị TƯ 6 (11/1939), Hội nghị TƯ 7 (11/1940), Hội nghị TƯ 8 (5/1941) với nội dung cốt lõi đó là:
Đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của nhân dân Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu ruộng đất dân cày, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và bọn Việt gian phản động, chia lại đất công, giảm tô, đặt vấn đề khởi nghĩa vũ trang, xúc tiến chuẩn bị mọi mặt để tiến tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang khi có điều kiện là nhiệm vụ trọng tâm; tập hợp mọi lực lượng tiêu biểu để thành lập mặt trận chung lấy tên là: “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương” (tháng 11/1939) sau là Việt Nam độc lập Đồng Minh (tháng 5/1941); phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh dưới những hình thức phù hợp với tình hình mới; Cách mạng Việt Nam phải đoàn kết và quan hệ mật thiết với Cách mạng thế giới. Chủ trương chỉ đạo chiến lược Cách mạng của Đảng qua các Hội nghị 6, 7, 8 là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám.