Chính trong tình cảnh này mà người Pháp đã phải kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong tuyệt vọng. Nhân vật diều hâu nhất bên phía Mỹ lúc này là phó Tổng thống Richard Nixon, người không có quyền lực chính trị, và Đô đốc Radford, chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ. Một nhân vật khác cũng rất hiếu chiến là Ngoại trưởng John Foster Dulles, người luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến chống Cộng sản.
Về phần mình, Tổng thống Eishenhower thì do dự hơn. Tuy nhiên, ông cũng có một buổi họp báo vào đầu tháng Tư khi ông phát biểu về ‘học thuyết domino’, tức là lần lượt từng nước sẽ nối đuôi nhau ngả về phía cộng sản.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là linh hồn của chiến thắng Điện Biên PhủNGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY
Chụp lại hình ảnh,Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem là linh hồn của chiến thắng Điện Biên Phủ
“Anh dựng lên một dãy các con cờ domino. Anh làm đổ con đầu tiên và điều gì sẽ xảy ra với con cờ cuối cùng? Chắc chắn là nó cũng sẽ đổ rất nhanh,” ông nói.
“Do đó cần bắt đầu quá trình phân rã có tác động sâu sắc nhất,” ông nói thêm.
Thứ Bảy ngày 3/4 năm 1954 đã đi vào lịch sử nước Mỹ là ngày ‘chúng tôi không muốn chiến tranh’.
Vào ngày này, Ngoại trưởng Dulles đã gặp các lãnh đạo Quốc hội và các vị này đã nói rất quyết liệt rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào trừ phi nước Anh cũng tham gia.
Tổng thống Eisenhower đã gửi một lá thư cho Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo hậu quả đối với phương Tây nếu Điện Biên Phủ sụp đổ.
Cũng chính vào lúc này, tại một cuộc gặp ở Paris, Ngoại trưởng Dulles được cho là đã đưa ra đề xuất bất ngờ cho người Pháp về bom hạt nhân.
Trên thực tế, ông Dulles không bao giờ có quyền đưa ra một đề xuất như vậy và cũng không có chứng cớ rõ ràng rằng ông đã đề xuất như vậy.