Nhân vật là một trong những yếu tố được đánh giá là linh hồn của tác phẩm. Một tác phẩm xuất sắc bao giờ cũng xây dựng thành công nhân vật. Có những tác phẩm dù chỉ khắc hoạ một vài nét rất đơn giản nhưng nhân vật vẫn hiện ra sống động và đầy ấn tượng đối với độc giả. Truyện ngắn Thầy giáo dạy vẽ của tôi của tác giả Xuân Quỳnh đã xây dựng thành công thầy Bản - một người thầy đáng kính của bao thế hệ học trò. Là một tấm gương sáng để mỗi chúng ta học hỏi.
Nhân vật thầy Bản xuất hiện theo dòng ký ức của tôi và các bạn cùng trang lứa - là những thế hệ học sinh của thầy Bản. Trong ký ức của tôi có rất nhiều thầy cô giáo đã dạy mình song thầy Bản vẫn để lại những ấn tượng sâu đậm nhất. Đó là một người thầy có cuộc sống bình dị và hội tụ những phẩm chất đẹp đẽ của những nhà giáo trong xã hội. Trong câu chuyện của tôi thầy Bản là thầy giáo dạy mình cách đây đã rất nhiều năm, thầy vừa mới mất nên, tôi cũng mới nhận được tin. Tôi ngậm ngùi và nhớ lại những kỷ niệm cùng với thầy.
Thầy Bản dạy môn vẽ, với đồng lương giáo viên ít ỏi nên thầy cũng giản dị và xuề xoà hết mức có thể “Thầy ăn mặc theo kiểu của trí thức thời trước: bộ com-lê đen đã cũ lắm, nhưng chiếc ca-vát vẫn luôn thắt chỉnh tề trên cổ. Thầy thường đội mũ nồi, bộ râu mép rậm lấm tấm bạc, đôi giày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách” dẫu vậy ngoại hình, tư thế, tác phong của thầy vẫn toát lên một vẻ trí thức, nghèo nhưng không quá rách, có cái gì đó vẫn rất tươm tất, gọn gàng và chỉnh tề. Đúng chuẩn mực của một nhà giáo, nghèo nhưng vẫn thanh cao, giản dị và sống trọn với nghề bằng đam mê, nhiệt huyết.
Thầy ở trên một gác xép cũ với cô cháu gái, vợ và con đã mất từ lâu nên thành thử đam mê với nghề của thầy càng nhiệt huyết hơn, công việc luôn được đặt lên hàng đầu “Thầy luôn đăm chiêu, nhưng hiền hậu. Chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng chúng tôi. Cũng chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết lên lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, giọng run run” đó chính là sự tận tụy hết mình của một người giáo viên. Vì thế dẫu chỉ là một môn phụ, cả tuần chỉ có một tiết trên một lớp nhưng học sinh đứa nào cũng rất ấn tượng với thầy..
Thầy cũng chính là người đã truyền đam mê hội hoạ cho học sinh của mình “Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực, viên gạch, thỉnh thoảng mới có một bài "vẽ tự do" cảnh chùa hoặc lao động ở vườn trường. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ” chính vì thế tôi luôn ấn tượng với thầy , cảm phục và kính nể tài và tâm của thầy Bản.
Chính vì lòng ngưỡng mộ với thầy nên chúng tôi đã bàn nhau đến xem buổi triển lãm ảnh trong đó có bức tranh của thầy. Nghe thầy nói bằng một giọng ngập ngừng trong phòng triển lãm có tranh của thầy ở đó nên chúng tôi đã đến xem. Dù bức tranh không quá nổi bật nhưng đó là cả tâm huyết, đam mê của thầy nên lứa học trò vô cùng trân trọng. Chúng đã nhận xét khen ngợi thay cho những độc giả ở đó, tuy chỉ là những lời nói dối nhưng cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy trong cuộc đời làm nghề.
Nhân vật thầy Bản được xây dựng qua người kể chuyện ngôi thứ nhất điều đó khiến nhân vật trở nên gần gũi và chân thực hơn. Các chi tiết khắc họa ngoại hình, hành động, lời nói cũng góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật. Xây dựng nhân vật thầy Bản tác phẩm ca ngợi những người thầy chân chính trong xã hội với những phẩm chất đẹp đẽ, đáng kính. Vì thế thầy Bản đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng thật sâu đậm.