Bài thơ “Nhớ bà” in trong tập “Những mùa hoa anh nói", bài thơ giản dị, xinh xắn, lấp lánh những kỷ niệm thân thương về bà. Dù bà đã đi xa nhưng hình bóng của bà luôn hiện hữu trong ký ức, trong giấc mơ của nhân vật trữ tình. Cách dùng từ trong các câu thơ: “Bà tôi như cơn gió/ thoảng về núi xanh rồi… Bà đi nơi chín suối/ xa xôi nơi chín đèo” cho thấy sự ra đi của bà thật nhẹ nhàng, thanh thản, như mây bay, gió thoảng, giống như một cuộc dạo chơi. Thế nên, bài thơ nói về sự mất mát, tuy có chút buồn nhưng không hề bi lụy, gieo vào lòng người đọc là nỗi nhớ bà thật trong trẻo. Mặc dù tác giả chỉ hai lần nhắc đến từ “nhớ” (không kể tiêu đề), nhưng nỗi nhớ chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ: “nhớ bà gầu giếng khóc/ im lìm nước trong veo”, biện pháp nghệ thuật nhân hóa nhằm cụ thể hơn, gần gũi hơn những thân quen của bà trong mỗi công việc thường nhật. Đến vật vô tri vô giác như cái gầu giếng cũng khóc vì nhớ bà, nước giếng thì “im lìm” trong veo như tình cảm của cháu đối với bà và ngược lại. Điều đó nói lên rằng, bóng hình thân thương của bà sẽ còn in mãi không chỉ trong tâm thức nhà thơ, mà còn trong bao la trời đất, trong dáng hình núi sông… Và đây nữa: “Vườn xưa xào xạc lá/ chợt về trắng sân mây/ tiếng chổi tre bà quét/ còn vọng thoáng đâu đây”, dòng chảy ký ức về bà lại dội về trong tâm trí người thơ. Khung cảnh trong sân, ngoài vườn dường như vẫn thế. Tiếng lá cây xào xạc, mây về trắng sân, hay đó chính là hình ảnh mái tóc bạc trắng như mây của bà? Hình bóng bà còn được tái hiện qua âm thanh đều đều, quen thuộc của tiếng chổi tre. Những kỷ niệm về bà được tác giả khơi gợi không thật nhiều nhưng vừa đủ để nối kết quá khứ với hiện tại, âm với dương, tạo nên sự gần gũi thân thiết một cách tự nhiên, mà không hề có sự gò ép, khiên cưỡng. Khổ thơ tiếp theo là dòng hồi tưởng về bà: “Ngỡ bà trong trời đất/ thầm lặng như đất trời/ ngỡ bà trong dáng núi/ ngỡ bà trong mưa rơi”. “Ngỡ” được lặp lại 3 lần, để nói rằng tuy bà không còn nữa, nhưng hình bóng thân thương của bà vẫn hiện diện đâu đây, vừa giản dị, gần gũi, vừa cao vời, sâu lắng. Hình ảnh sương khói, lửa ấm là hình ảnh không thể thiếu trong nỗi nhớ về bà. Bởi theo nghĩa đen, bà chính là người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho cháu, nhưng theo nghĩa bóng bà chính là người nhóm lên ngọn lửa yêu thương trong gia đình. Khổ thơ cuối, từ “nhớ” một lần nữa được nhắc lại, nhấn mạnh chủ đề bài thơ: “củi nằm trong bếp ngủ/ nhớ bà… vàng mùa thu”. Nỗi nhớ bà đã nhuốm vào cảnh vật, nhuộm vàng cả mùa thu. Và như vậy nỗi nhớ càng được khắc sâu. “Nhớ bà”, bằng thể thơ năm chữ, với giọng điệu nhẹ nhàng, tình cảm, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, bài thơ cuốn hút người đọc bằng sự giản dị thuần khiết mà lắng sâu, neo lại trong ta một thứ tình cảm trong suốt như pha lê, đó là tình người, tình bà cháu. Vẫn biết ai cũng có bà, cũng yêu quý bà, nhưng tình yêu đối với người bà đã về nơi chín suối của Trương Anh Tú có những nét rất riêng, mở ra những chân trời rộng, để người đọc có thể liên tưởng so sánh và càng yêu hơn, trân trọng hơn những giá trị văn hóa bền vững, đó chính là tình cảm gia đình, tình bà cháu vô cùng thiêng liêng, sâu sắc.