Bài thơ Buổi gặt chiều của nhà thơ Anh Thơ là một trong 4 bài thơ viết về ngày hè ở 4 thời điểm khác nhau: sáng hè, trưa hè, chiều hè và đêm hè. Chiều hè là thời điểm giao nhau giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ngày và đêm, giữa không gian mặt trời rực sáng và bóng đêm bắt đầu tràn về. Vì vậy, xét trên tổng thể cảm hứng sáng tác, Chiều hè có được vẻ đẹp của sự thanh bình đã đành, chất thơ mộng bát ngát của bức tranh chiều quê hiện lên cũng thật ấm áp với niềm hạnh phúc trong sinh hoạt của con người.
Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ
Cò từng đàn bay trắng phía đồng xa
Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió
Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca
Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín
Những trai tơ từng bọn gặt vui cười
Cùng trong lúc ông già che nón kín
Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi
Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió
Lũ cu con mê mải chạy theo diều
Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ
Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu.
Quả thật, đọc Anh Thơ cùng một lúc, nhất là tập thơ Bức tranh quê, ta có cái cảm giác đơn điệu về sự lặp lại cấu trúc qua từng bài, nhất là ta thường gặp các giới từ "trên", "trong", "ngoài"... khi nhà thơ miêu tả thiên nhiên thôn xóm và cảnh sinh hoạt của con người cùng một thời điểm nhất định. Bù lại, mắt ta chập chùng bao nhiêu là vẻ đẹp thiên nhiên, bắt gặp rất nhiều hoạt động thân thuộc của con người mà chính ta đã từng trải qua, đã từng trực tiếp tham gia giữa cõi thiên nhiên vô cùng thân thuộc ấy. Nhờ đó, cái đơn điệu không đến nỗi làm hồn ta thôi mê đắm, vấn vương về một cảnh sắc, một tâm tình hay một nét riêng trong sinh hoạt của con người quê kiểng. Đọc qua bài thơ Sáng hè, chúng ta bắt gặp cảnh "trời hồng hồng đáy nước lắng son mây", rồi trong Trưa hè lại tràn ngập mắt mình hình ảnh "trời trong biếc không qua mây gợn trắng". Cũng cảnh bầu trời mùa hè thôi, vậy mà Anh Thơ cứ tập trung miêu tả, song lòng ta vẫn đợi chờ, vẫn bâng khuâng đón nhận cái tâm cảm tiếp nhận của tác giả Bức tranh quê khi buổi chiều mùa hạ đang về giữa áng "mây còn tươi ráng đỏ", từng đàn cò chao liệng giữa tiếng sáo diều véo von cùng với giọng hát của những cô thôn nữ đang hái dâu: Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ/Cò từng đàn bay trắng phía đồng xa/Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió/Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.
Một bức tranh thiên nhiên thanh bình, thơ mộng. Cảnh vật và hoạt động của con người chan hòa ngay từ khổ thơ đầu. Tiếng sáo diều ngân nga cùng giọng hát. Màu ráng đỏ của áng mây chiều như treo bóng con diều sáo chơi vơi giữa tầng không. Quả thật, mỗi bức tranh của Anh Thơ viết bằng ngôn ngữ thơ ca đều ngỡ ngàng hiện ra trước mắt con người một chút bâng khuâng của điệu hồn dân tộc Việt để rồi từ cái nền của cảnh vật thiên nhiên, nhà thơ chạm khắc bóng dáng lao động của con người dầu dãi mà vui tươi, khó nhọc nhưng lạc quan, yêu đời tha thiết: Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín/Những trai tơ từng bọn gặt vui cười/Cùng trong lúc ông già che nón kín/Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi.
Lao động mà vẫn tươi cười, che nón kín trong ánh chiều buông vì sợ cái nắng nóng, "thở từng hơi" mà ung dung, thư thái thả từng vòng khói trắng. Trong cái vất vả vẫn thoáng nhẹ niềm yêu đời, thiết tha với cuộc sống là cảm hứng chính trong thơ Anh Thơ chăng? Có lẽ điều đó đã thể hiện nỗi niềm của tác giả về một tình yêu quê hương, yêu con người tha thiết.
Kết thúc đoạn thơ vẫn là hình ảnh con người, nhưng trẻ trung và tinh nghịch. Đó là những đứa trẻ hồn nhiên vô tư đang thả diều ngoài bờ đê lộng gió. Hiện thực gian khó và sự trong sáng tâm hồn là hai nét rất rõ trong tư tưởng bài thơ Chiều hè, khổ thơ này đã minh chứng thêm cho điều đó: Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió/Lũ cu con mê mải chạy theo diều/Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ/Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu.
Buổi gặt chiều có nét duyên về sự trong sáng và ấm áp. Cảnh và tình cứ thanh nhẹ và dịu êm. Bức tranh sinh hoạt cũng tươi tắn và chan hòa trong lòng thiên nhiên đất nước. Anh Thơ quả thật là nhà thơ tài năng trong nghệ thuật tả cảnh mà gửi gắm tâm tình, miêu tả mà vẫn thấm đẫm cảm xúc, khơi gợi được tình yêu vô cùng với đất nước, quê hương.