Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về người lính trong bài thơ. (10 mẫu)
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Bài tham khảo 1:
Hình tượng người lính Việt Nam ta đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác thi ca nhạc họa. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng không ngoại lệ khi đưa hình tượng ấy vào trong thơ của mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc với bài thơ “Đồng dao mùa xuân”. Bài thơ chủ yếu viết về người lính dưới góc nhìn đầy chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó chính là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, họ chưa một lần yêu, còn mê thả diều, nhưng họ đã phải hi sinh tuổi xuân và máu xương của mình cho Đất nước. Họ đã nằm lại nơi chiến trường để đất nước được vẹn tròn, để nhân dân được độc lập. Trong cảm nhận của nhà thơ nói riêng, người đọc nói chung, dù họ đã mãi gửi thân xác nơi núi rừng Trường Sơn xa xôi, nhưng anh linh của họ thì vẫn còn mãi. Bởi chính họ - những người lính quật cường đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước ngày hôm nay.
Bài tham khảo 2:
Sau khi đọc xong bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, em đã có ấn tượng và cảm nhận sâu sắc về hình ảnh người lính. Người lính hiện lên với hình ảnh của ngọn lửa rực cháy, với những chiến công, hi sinh vì độc lập tự do cho đất nước. Em thực sự rất ngưỡng mộ ý chí, sự kiên trì của họ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Họ vẫn giữ niềm tin, cái nhìn lạc quan về cuộc đời, luôn nở nụ cười hiền lành cùng trách nhiệm đất nước gánh vác trên vai khiến em rất cảm phục. Những người lính ấy thỉnh thoảng cũng cảm thấy tiếc nuối vì quãng thời gian còn trẻ chưa được trải nghiệm nhiều thứ mà đã phải tham gia đánh giặc. Cho tới cuối, khi đất nước hòa bình thì họ lại phải hi sinh mà chưa được hưởng thụ thành quả xứng đáng đó. Chính những điều này đã khiến cho em cảm thấy xúc động, xót thương cho những người lính và quyết tâm sẽ nối bước họ bảo vệ quê hương, đất nước sau này.
Bài tham khảo 3:
Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa rất thành công hình ảnh người lính cách mạng để lại trong em rất nhiều cảm xúc. Đó chính là những người lính quả cảm, quyết tâm chiến đấu vì đất nước và độc lập dân tộc. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh nguy hiểm, thiếu thốn đủ đường thì những người lính ấy vẫn toát lên vẻ hồn nhiên, lạc quan và dám đương đầu với mọi thử thách. Điều này đã khiến cho em cũng như người đọc cảm nhận được họ đã phải cố gắng như thế nào vì sự nghiệp chung của cả nước. Vì họ đã chiến đấu hi sinh để đem lại hòa bình cho đất nước, nên chúng ta – những người thể hệ sau phải tiếp bước họ trên con đường xây dựng, phát triển quê hương. Đồng thời, em sẽ luôn tự hào, biết ơn tới những công lao to lớn mà những người lính đã mang lại
Bài tham khảo 4:
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ nên hình ảnh người lính vừa lãng mạn cũng vừa gai góc nhất trong bài thơ “Đồng dao mùa xuân”. Những người lính ấy mang trong mình trách nhiệm lớn lao là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ đã phải hi sinh bản thân mình, bỏ lỡ khoảng thời gian tuổi xuân quý giá của đời người để ngâm mình vào trong khói đen bom đạn. Chắc chắn chúng ta không thể quên được hình ảnh người lính với “làn da sốt rét”, điều này nói lên sự thiếu thốn và ảnh hưởng của chiến tranh đối với người lính như thế nào. Nhưng cho dù hoàn cảnh có khó khăn, người lính vẫn giữ niềm tin lạc quan, nụ cười hiền lành cùng những lý tưởng sống cao đẹp của mình. Từ những điều đó khiến cho em vô cùng cảm phục, tự hào vì đất nước ta có truyền thống kiên cường, bất khuất và quyết tâm dựng xây đất nước.
Bài tham khảo 5:
Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đã để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người lính. Họ là những con người còn trẻ tuổi, trẻ lòng vì “chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều”. Dẫu vậy, họ vẫn mang trong trái tim nhiệt huyết, lí tưởng để xung phong vào chiến trường khốc liệt. Đến khi đất nước hòa bình, những người lính ấy đã hy sinh, không thể trở về quê hương được nữa. Sự hi sinh của họ dường như đã hóa thành bất tử, họ sống mãi với tuổi thanh xuân đẹp đẽ, sống mãi cùng mùa xuân của vũ trụ. Qua đây, tác giả còn muốn thể hiện lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước.
Bài tham khảo 6:
Người lính trong bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên với những nét vẽ phác thảo như nhìn một lát cắt của thân cây mà thấy được cả đời thảo mộc. Đó là những người lính mãi mãi ở tuổi “mùa xuân” bởi họ đã vào chiến trường trong những năm tháng của tuổi trẻ và ở lại đó mãi mãi. Những người lính tuổi còn quá trẻ: “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều”. Họ đã dùng sự trẻ tuổi, đã đem thanh xuân của mình để cống hiến cho Tổ quốc, để trở thành ngọn lửa mà đồng đội luôn đem theo bên mình: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Sự hi sinh của những người lính đã hóa thành bất tử, biến họ mãi mãi sống ở độ tuổi “mùa xuân”. Đồng đội, nhân dân, đất nước sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn công lao của những người lính “mùa xuân” như trong bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm.
Bài tham khảo 7:
Khi đọc “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm, tôi cảm thấy thêm ngưỡng mộ và yêu mến những người lính. Tác giả đã xây dựng hình ảnh người bộ đội cụ Hồ hiện lên đầy chân thực. Khi mới vào chiến trường, họ là những chàng thanh niên vẫn còn trẻ tuổi trẻ lòng với sự hồn nhiên vì chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều. Dù vậy, họ lại là những con người giàu lí tưởng, nhiệt huyết cách mạng và sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Những năm chiến tranh khốc liệt, họ chiến đấu và hy sinh, gửi lại thân xác nơi chiến trường, kỉ vật còn lại chỉ là chiếc ba lô con cóc. Hình ảnh người họ hiện lên với làn da xanh xao, nhưng nụ cười lại hiền từ đến lạ. Đối với nhà thơ, người lính dù đã hy sinh nhưng tuổi xuân của họ vẫn bất tử, chính họ đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước.
Bài tham khảo 8:
Nguyễn Khoa Điềm có nhiều bài thơ hay, Đồng dao mùa xuân là một trong số đó. Đến với bài thơ này, chúng ta đã thấy được hình ảnh người lính hiện lên đầy chân thực. Rời xa quê hương, vào chiến trường tham gia chiến đấu, người lính khi đó vẫn “chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều”. Họ vẫn là những chàng thanh niên trẻ tuổi, hồn nhiên và chưa có nhiều trải nghiệm. Nhưng dù vậy, khi bước chân vào chiến trường, đối mặt với bom rơi bão đạn, người lính đó vẫn dũng cảm, mạnh mẽ chiến đấu mà chưa một lần sợ hãi. Họ mang trong trái tim nhiệt huyết của lí tưởng cách mạng. Để rồi đến khi đất nước hòa bình, những người lính ấy đã hy sinh, không thể trở về quê hương được nữa. Tác giả đã bất tử hóa hình tượng người lính, họ đã trở thành mùa xuân của nhân dân, mùa xuân của đất nước, sống mãi với thời gian. Chúng ta đọc bài thơ mà thêm ngưỡng mộ, trân trọng những người lính cụ Hồ.
Bài tham khảo 9:
Đến với “Đồng dao mùa xuân”, Nguyễn Khoa Điềm đã giúp người đọc hiểu hơn về hình ảnh người bộ đội cụ Hồ. Từ khi mới vào chiến trường, họ chỉ là những chàng thanh niên vẫn còn hồn nhiên vì chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều. Nhưng ẩn sâu trong đó là một trái tim giàu lí tưởng, nhiệt huyết cách mạng. Họ nguyện dâng hiến cả tuổi xuân của mình cho đất nước, gác lại công việc học tập, vào với chiến trường khốc liệt. Những năm chiến tranh, họ đã chiến đấu không ngại hy sinh để rồi gửi lại thân xác nơi chiến trường. Những kỉ vậy còn lại chỉ là chiếc ba lô con cóc, hay trong kí ức với làn da xanh xao, nhưng nụ cười lại hiền từ đến lạ. Họ sống và chiến đấu cùng đồng đội, luôn sát cánh bên nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Đồng đội và nhân dân luôn dành cho họ tình yêu mến, trân trọng và tự hào. Một hình ảnh đẹp về người lính đã in đậm trong tâm trí mỗi bạn đọc
Bài tham khảo 10:
Người lính trong bài thơ là một hình tượng rất đẹp và thiêng liêng. Bằng việc sử dụng thể thơ bốn chữ, kết hợp với cách ngắt dòng, nhịp linh hoạt, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc hoạ người chiến sĩ đi ra từ những năm máu lửa thật chân thực. Thời gian đầu, người lính trẻ phải đi vào tận rừng sâu để hành quân, và sau đó anh không về nữa. Anh đã hy sinh để lại một phần con người của mình nơi núi rừng Trường Sơn: ba lô con cóc, tấm áo xanh, nụ cười hiền, làn da sốt rét. Bóng dáng anh lặng lẽ ngồi dưới gốc mai vàng, mùa xuân của đất trời vẫn cứ tới rồi qua đi, còn mùa xuân của những người lính thì xin gửi lại nơi núi rừng – chính nơi mà các anh đã hy sinh cho độc lập dân tộc.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |