Dưới thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão nổi tiếng hiền lành, chăm chỉ mà chưa có con. Một hôm, bà lão ra đồng ướm thử bàn chân mình lên một vết chân lạ, về nhà liền mang thai đến mười hai tháng mới sinh hạ một đứa con trai khôi ngô. Nuôi đến năm 3 tuổi, đứa bé vẫn nằm một chỗ, chưa biết đi đứng, chẳng biết nói cười, chỉ biết đặt đâu nằm đó.
Gặp lúc giặc Ân quấy nhiễu, vua sai sứ giả đi rao khắp nơi tìm bậc hiền tài ra đánh giặc cứu nước. Nghe tin, cậu bé làng Gióng bỗng bật lên tiếng nói nhờ mẹ mời sứ giả vào cho cậu gặp. Cậu yêu cầu sứ giả xin vua đúc cho ngựa sắt, gậy sắt và áo giáp sắt để mình dẹp tan giặc dữ. Từ đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cậu ăn mạnh đến nỗi dân làng phải rủ nhau góp cơm gạo đến giúp.
Nhận được đủ đồ dùng vua ban, cậu bé vươn vai trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Chuẩn bị xong xuôi, chàng lên ngựa, vung roi vun vút. Ngựa phun lửa xông thẳng vào đội hình giặc khiến chúng ngã chết như rạ.
Gậy sắt gãy, tráng sĩ nhổ những bụi tre ven đường làm vũ khí. Quân giặc bại trận, đám sống sót tìm đường lẩn trốn. Tráng sĩ đuổi theo đến chân núi Sóc, cởi bỏ áo giáp, cả người lẫn ngựa bay vút lên trời cao.
Từ đó, vua Hùng nhớ ơn phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà. Từ đó hàng năm vào tháng 4, ở đây hội Gióng được tổ chức tưng bừng, thu hút biết bao người về tham dự.