1. Quan điểm về mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh
Chuyển đổi số đang được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm mang lại tính minh bạch, chính xác trong xuất xứ thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và tạo cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh không còn xa lạ với nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.
Ở hiện tại, nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp 4.0 có thể hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,...); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi...gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).
2. Những điều kiện để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh
- Việt Nam là nước mạnh về nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi, giàu phù sa, kênh rạch chằng chịt mang lại nguồn nước tưới cho cây trồng, là điều kiện tiên quyết cho sản xuất nông nghiệp.
- Chủ trương về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được Đảng, Nhà nước triển khai khá sớm và khoa học công nghệ được coi là chìa khoá phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại.
- Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nền nông nghiệp. Từ năm 2008, sau khi hội nhập, nền nông nghiệp nước ta phát triển rất nhanh.
- Thực tế vài năm trở lại đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.
- Thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam tiềm năng cao, Hiệp định tự do hóa thương mại lớn như CPTPP và EVFTA tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới.
3. Một số sản phẩm nông nghiệp cụ thể được sản xuất từ mô hình nông nghiệp thông minh
- Tại Đà Lạt hệ thống nhà lưới trồng rau với ánh sáng đèn LED đang được áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra Đà Lạt còn đi đầu trong việc xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh hoàn toàn tự động, phục vụ cho việc cung cấp nông sản sạch và tham quan du lịch. Các vườn hoa tại đây tưới nước hoàn toàn bằng hệ thống tự động đã được thiết lập sẵn, thiết bị cảm biến cho biết độ ẩm, lượng nước tưới và thời gian tưới.
- Ở Nghệ An đã liên kết với vùng trồng dứa nguyên liệu, thu mua các cuống dứa bỏ đi để cho ra đời từ vải sợi dứa.