Bài thơ là tình cảm của đứa con dành cho người mẹ cả một đời vất vả hi sinh. Hình ảnh gắn với người mẹ của mình mà tác giả giới thiệu chính là "áo nâu". Khi nhắc đến áo nâu ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn hằng ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vậy mà người mẹ ấy có bao nhiêu tấm áo cũng chỉ có "một màu đất đai". Điều ấy cho thấy cả cuộc đời người mẹ này gắn với những cánh đồng lúa lao động vất vả. Nhưng cũng chính "màu đất đai" ấy đã làm nổi bật vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và giàu đức hi sinh. Những chiếc áo ấy theo thời gian cứ rách dần nhưng lại được mẹ chắp vá lại thành lành. Những điều đó không khỏi khiến nhà thơ Nguyễn Văn Song chua xót mà tự vấn lòng mình "Áo hay đời mẹ sờn phai mỗi ngày?". Câu hỏi tu từ ấy như xoáy sâu vào lòng nhà thơ cũng như lòng người đọc. Người mẹ vất vả bên chúng ta đang ngày một già đi như tấm áo sờn phai theo tháng năm, liệu chúng ta có nhận ra điều đó? Bao tình cảm dành cho mẹ của tác đều kết đọng lại trong câu thơ cuối. Tác giả vừa thương mẹ vừa xót xa trước hiện thực thời gian đang dần lấy đi tuổi xuân của mẹ. Qua đó ta cũng được tri nhận bức thông điệp quý giá của tác giả qua đoạn thơ trên: hãy trân trọng người mẹ của mình khi còn có thể. Tốc độ thành công nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của cha mẹ để phụng dưỡng họ lúc về già. Cả cuộc đời mẹ vất vả vì chúng ta, hãy dành tặng cho mẹ những niềm vui chứ đừng mang thêm đau khổ làm mẹ phiền lòng.