LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nguyễn Khuyến và Tú Xương có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ có điểm khác nhau như thế nào? Hãy làm rõ ý kiến của mình

Nguyễn Khuyến và Tú Xương có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ có điểm khác nhau như thế? Nào hãy làm rõ ý kiến của mình. 
2 trả lời
Hỏi chi tiết
507
0
0
Bông
17/10/2019 21:06:05
Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX là xã hội thực dân nửa phong kiến với biết bao những thối nát, nhố nhăng. Đây chính là môi trường để văn thơ hiện thực trào phúng thời kỳ này phát triển thành dòng, thành hướng riêng. Các tác giả của loại văn thơ này phần lớn là những nho sĩ. Ở họ có những nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng cũng có nhiều nét khác biệt. Ta bắt gặp điều này ở hai nhà thơ tiêu biểu nhất là Nguyễn Khuyến và Tú Xương.
Cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều xuất thân từ dòng dõi nho học. Do vậy giữa hai người cũng ít nhiều gặp nhau về một tư tưởng. Tuy không cùng sinh ra trong một thời kì (Nguyễn Khuyến sinh ra và lớn lên khi Pháp chưa xâm lược còn Tú Xương sinh ra khi đất nước đang rơi vào cảnh nguy nan khốn đốn, công cuộc xâm lược và bình định của Pháp đang đi vào hồi cực thịnh). Nhưng nhìn chung hai mảnh đời đều trải qua thời kì đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Xã hội Việt Nam lúc ấy đã chuyển sang một xã hội mới là xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái xã hội ấy gắn với sự thay đổi trong tình hình giai cấp, sinh hoạt, trạng thái tâm lí xã hội. Đây là lúc ông làm thằng, thằng làm ông, cậu bồi, cậu bếp, thầy thông, thầy kí,... rặt một phường bất tài vô liêm sỉ nhưng sẽ làm anh làm chị, nghênh ngang vênh mặt với đời. Và đây cũng là lúc nho phong tàn tạ, sĩ khí tiêu điều, bút lông đến ngày hết được săn đón, mọi giá trị cũ đang sụp đổ trước uy thế của đồng tiền. Cái xã hội đảo điên tan tác ấy đã tác động đến nhiều nhà nho chân chính, có ý thức trước vận mệnh đất nước trong đó có Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Trước hiện thực cuộc sống ấy cả hai ông đều có những nỗi niềm giống nhau: Sự bất mãn phản kháng trước xã hội, tiếng nói tâm tình của một tấm lòng yêu nước nhưng giọng thơ lại rất khác nhau. Điều này sẽ được thấy rõ khi sớm hiểu về nội dung thơ ca của hai nhà thơ.
Cùng là sự bất mãn với xã hội, châm biếm, tố cáo những người những việc xấu xa nhưng cách thể hiện của hai nhà thơ rất khác nhau. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một nhà thơ châm biếm. Nội dung châm biếm của ông bao giờ cũng có một ý nghĩa xã hội và chính trị phong phú. Động cơ châm biếm của ông xuất phát không phải từ sự bất mãn về quyền lợi cá nhân mà là từ lòng yêu nước nồng nàn. Đối tượng đả kích của ông tập trung xung quanh những người những việc có liên quan đến việc nước mất hay việc thực dân Pháp đặt quyền thống trị trên đất nước ta. Hạng người bị Nguyễn Khuyến châm biếm nhiều hơn cả là bọn thống trị phong kiến. Ông rất khinh và ghét mọi quan lại cũ hay mới vì ông cho rằng khi chủ quyền trong nước đã mất thì làm quan là một điều hổ thẹn, một sự vi phạm không thể tha thứ được đối với đạo đức của một nhà nho chân chính. Nguyễn Khuyến đã đánh một đòn đau vào toàn bộ bọn vua quan đương thời khi chỉ ra tất cả bọn chúng chỉ là một đám hát chèo nghĩa là một đám bù nhìn của thực dân:
Vua chèo còn chẳng ra gì
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề
Ông đã hạ bệ những ông tiến sĩ tri thức nhân tài của chế độ phong kiến khi ví chúng với những ông tiến sĩ giấy. Tất cả chỉ là một lũ bất tài vô dụng:
Chiết thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh thế mới hời
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi
Nguyễn Khuyến đã lột trần cái bản chất xấu xí giả tạo của bọn quan lại nhưng bằng một cách thể hiện một cách rất nhẹ nhàng sâu kín. Cái bản chất ấy thường được bọc bên trong những hình ảnh ẩn dụ với nhiều hình thức: khi là sự mượn lời của người vợ mắng chồng, khi là qua một đồ vật giả, khi là lời khuyên... Tất cả đều ẩn ý, sâu cay.
Khác với Nguyễn Khuyến, Tú Xương khi phản ánh hiện thực ông thường miêu tả một cách chân thật đến chua xót, đắng cay chứ không nhẹ nhàng thâm thúy. Tuy nhiên, đó không phải là “một lối chửi đổng, bất lực chứng tỏ một trạng thái đầy ghen tức, oán hờn” như có người phê phán. Ông không hoàn toàn đứng trên lập trường cá nhân, bất mãn rồi phản ánh hiện thực. Tú Xương có vướng mắc trong vấn đề thi cử, có phần bất mãn cá nhân. Điều đó chúng ta không chối cãi. Nhưng điều cần thấy trước là ở Tú Xương có phần bất mãn chung của dân tộc. Nói cho đúng là ở Tú Xương bất mãn cá nhân và bất mãn chung của dân tộc đã kết hợp thành một chỗ đứng, một tư thế cho Tú Xương nhìn hiện thực và phê phán hiện thực. Cũng là châm biếm, đả kích bọn quan lại nhưng hãy xem, quan lại trong thơ Tú Xương hiện lên như thế nào? Với một thái độ khinh ghét đến tột độ, quan lại trong mắt của Tú Xương cũng là món hàng cho nên “đứa thì mua tước, đứa mua quan”, cũng thành chuyện đắt rẻ “Tri huyện lâu nay giá rẻ mà”. Bộ mặt quan lại trong thơ Tú Xương hiện lên khá đậm nét. Tú Xương đã dựng lên trước mắt người đọc một cuốn phim thời sự đơn sơ nhưng sâu sắc về lai lịch, hành tung của bọn đó. Khi còn là sĩ tử, họ lôi thôi bệ rạc, một chút sinh khí không còn:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Họ tranh lộn nhau khoa bảng
Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa Tuân khoe văn hoạt, nghị văn già Khi đỗ đạt được thì chẳng qua là lao sâu vào ô nhục:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân quan cử ngỏng đầu rồng
Rồi lực làm quan thì sa đoạ, truỵ lạc, không còn lấy chút đạo lí tối thiểu:
Chồng chung vợ chạ kìa cô bố
Đậu lạy quan xin nọ chú hàn
Đặc biệt họ chỉ chuyên nghề vơ vét, bòn rút của nhân dân mà một chút trách nhiệm cũng không hề nghĩ tới:
Chữ y chữ chiểu không phê đến
Ông chỉ quen phê một chữ tiền
Dưới ngòi bút của Tú Xương, quan lại là phường tuồng, đeo râu vẽ mặt, hò hét múa may để lừa bịp thiên hạ:
Nào có ra gì cái lũ tuồng,
Cũng hò cũng hét cũng y uông
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ,
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn
Mô tả bọn quan lại trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến như Tú Xương là hay lắm.
Trong xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng tiền làm mưa làm gió thêm một bước gây đảo điên trong xã hội. Cùng là sự phản ánh mặt tiêu cực của đồng tiền nhưng ở Nguyễn Khuyến đó là một câu hỏi nghe nhẹ nhàng nhàng hàm ý sâu cay:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!
Đời trước làm quan cũng thế à?
Khác hẳn với cách viết của Tú Xương, dưới ngòi bút của ông, đồng tiền có sức mạnh kì lạ. Nó được người đời âu yếm và tôn thờ. Nó bắt kẻ “tráng sĩ cũng nằm co” nếu trong túi không có nó, ngược lại nó cho phép hễ ai có nó thì tha hồ nói dơi nói chuột mà vẫn được người khen. Đúng là:
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ
Đứa trọng thằng khinh chỉ vì tiền.
Vì tiền mà bao nhiêu xấu xa thối nát, bao nhiêu quái gở lố lăng một ngày một diễn ra trong xã hội. Vị tiên mà có cảnh:
Chí cha chí chát khua giày dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Vì tiền mà bọn tu hành bỏ rơi cả đức độ từ bi của Phật quay sống cái nghề cho vay nặng lãi, vì tiền mà nhiều gia đình lục đục, con khinh bố, vợ chửi chồng. Thật là nguy hiểm. Đồng tiền đã phá hoại nhân tâm, phá hoại đạo lí, phá hoại bao nhiêu tình cảm thiêng liêng của con người.
Như vậy ở cùng một đối tượng phản ánh nhưng người đọc bao giờ cũng phân biệt được đâu là thơ Nguyễn Khuyến, đâu là thơ Tú Xương chính bởi giọng điệu. Thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng nhẹ nhàng, thường dùng hình thức ẩn dụ để qua đó đả kích, phê phán đối tượng. Người đọc thấy được cái hàm ý sâu cay thâm thúy ẩn chứa đằng sau con chữ. Đọc thơ Nguyễn Khuyến lúc đầu tưởng là khen đấy, hỏi han ân cần thật đấy nhưng để rồi đến câu cuối lại là lời mỉa mai chế nhạo của nhà thơ. Tú Xương thì khác, ông không dùng ẩn dụ mà nói hẳn, đả kích trực tiếp đối tượng với tất cả những xấu xa của nó. Thơ ông như những đòn giáng thẳng vào đối tượng, lôi tuột hết những xấu xa, giả tạo của chúng, phơi bày trước mắt người đọc.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến người đọc thấy hóm hỉnh và thâm thúy thì đến thơ Tú Xương đó lại là sự bực bội, bất mãn đối với cái xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái xã hội ấy đã đẻ ra những thứ nhố nhăng, lố bịch. Ở đậy, người đọc luôn thấy được ngay sự xấu xa của đối tượng bị nhắc đến và thái độ gay gắt của nhà thơ thể hiện trên con chữ mà không cần suy ngẫm, đợi chờ.
Tuy nhiên, châm biếm đả kích sự xấu xa của xã hội mới chỉ là một mặt của lòng yêu nước ở hai nhà thơ. Một mặt khác không kém phần quan trọng là những nỗi buồn rầu, đau đớn thương tiếc luôn giày vò tâm can họ. Cả hai đều ý thức được nỗi nhục mất nước, ý thức được trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh nước nhà rồi bất lực. Họ nghĩ đến giống nòi, tổ tông, biết tỏ thái độ bất hợp tác với kẻ thù, biết khinh bỉ những kẻ bán mất lương tâm. Song đến cuối đời vẫn không thoát được cái vòng bế tắc, quẩn quanh, sự day dứt mà chủ yếu vẫn bởi họ không đủ dũng khí bước vào đấu tranh.
Nguyễn Khuyến đã từng làm quan nhưng khi nhận ra những suy đồi của chế độ ông lập tức dứt áo giã từ. Ra đi theo tiếng gọi của lương tâm ông quyết sống cuộc đời dù nghèo khổ nhưng bảo toàn được danh tiết. Tú Xương không làm quan, đi thi tám lần không đỗ chỉ bởi phạm huý, sai luật.
Đứng trước những đổi thay của thế thái nhân tình, nhân cách nhà nho chân chính của hai con người ấy vẫn giữ được sự vững vàng, kiên trung. Ở họ ta bắt gặp những quan điểm sống giống nhau. Với Nguyễn Khuyến đó là cách sống giả câm giả điếc “Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa”. Tú Xương cũng vậy, sống chỉ là “ấm ờ, giả câm giả điếc”, là “khôn chán thì giả làm ngây” là không cần phô trương chí khí với đời là không màng công danh, ung dung ngoài vòng cương tỏa mà vẫy vũng cho thỏa chí.
Hai con người, hai cách sống, hai cách thể hiện khác nhau, điều đó tạo nên sự độc đáo riêng đối với từng phong cách tác giả đồng thời làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa văn học đất nước. Nhưng dù khác nhau về hình thức, họ lại gặp nhau nơi tấm lòng yêu nước sắt son, chung thủy. Đây chính là yếu tố để cả Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và người thư kí của thời đại Tú Xương luôn đi bên nhau và cùng nhau đường hoàng bước vào cõi bất diệt của văn học Việt Nam.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
An ❥~Hạ
17/10/2019 21:06:56
Thời kì văn học trung đại Việt Nam kết thúc với thành tựu cuối cùng rất rực rỡ của hai cây bút đã chinh phục lòng người cho đến tận ngày hôm nay, đó là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Hai nhà thơ tuy có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ lại có điểm khác nhau.
Trước hết chúng ta điểm qua hoàn cảnh của hai nhà thơ. Có thể thấy Nguyễn Khuyến (1835, tỉnh Hà Nam) và Tú Xương (1870, tỉnh Nam Định), tuy là hai nhà nho sống cùng thời, một già một trẻ nhưng cuộc đời của hai nhà nho ấy lại hoàn toàn khác nhau. Con đường công danh của Nguyễn Khuyến rất thành đạt (Tam Nguyên Yên Đổ). Ông từng làm quan mười năm, sau đso về sống ở nông thôn. Nguyễn Khuyến là một bậc chân nho, là đại diện khá tiêu biể cho lớp người được xã hội phong kiến đào tạo. Ông được vua Tự Đức ban cờ biển và hai chữ “Tam Nguyên”, tài năng lừng lẫy một thời. Đường công danh mở ra biết bao những vinh quang. Cuộc đời của ông sẽ chẳng có gì để ông có thể tự giễu mình với một giọng điệu chua chát đượm cảm giác ân hận nếu như tài năng ấy của ông thực sự cống hiến được cho dân, cho nước, cho đời. Ấy vậy mà bỗng nhiên Nguyễn Khuyến nhận ra thực chất cái xã hội đã đào tạo và tôn vinh mình. Và khi đạt đến đỉnh cao của vinh quang cũng là lúc ông thừa nhận sự bất lực của tầng lớp nho sĩ trước lịch sử. Nguyễn Khuyến là một trong rất ít những tri thức thời kì ấy sớm nhận ra sự bất lực của giai cấp mình, để rồi ông đã quyết định rời bỏ quan trường về quê để tránh xa sự nhố nhăng của xã hội, sự cám dỗ của đồng tiền.
Ngược lại, Tú Xương từ lúc sinh ra, lớn lên và cho đến lúc mất, ông đều sống ở nơi đô thị. Con đường công danh của Tú Xương mịt mùi, lận đận trong khoa cử để rồi liên tiếp những lần hỏng thi, vỡ mộng, thất vọng chán chường: tám lần thất bại (trừ một lần đậu tú tài). Bao nhiêu năm đèn sách đã vắt kiệt sức lực của nhà thơ. Trong xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang: tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ. Tú Xương lại là một người có tài văn chương thật sự. Tài của ông được mọi người công nhận, chỉ có một nơi duy nhất không chấp nhận, đó là quan trường, là hoan lộ.
Điểm giống nhau của Nguyễn Khuyến và Tú Xương là có nỗi niềm tâm sự giống nhau. Lời thơ của hai ông đều mang nặng lòng yêu thương đất nước, dân tộc, quê nhà.
Nguyễn Khuyến qua bức tranh phong cảnh mùa thu với vẻ đẹp thật sự của bầu trời mùa thu ở nông thôn Việt Nam đã gửi vào đó nỗi niềm tâm sự, thể hiện một tinh thần yêu nước sâu xa, yêu nước trong đau đớn, tủi buồn, yêu một cách trầm lắng mà sôi sục, quặn thắt mà quan hoài, trào lộng mà trữ tình, kín đáo mà động vang, cô đơn mà hòa nhập, lạnh lùng mà bỏng cháy, dữ dội mà dịu êm. Bài thơ Thu điếu đã thể hiện được tâm sự này:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Cám cảnh thay nỗi “Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được” của nhà thơ! Ông như thể là tù binh của cần câu, là tù binh của chính hồn mình đang ở đâu đây trong trời đất mang mang thiên cổ lụy. Nguyễn Khuyến yêu nước lắm, thương nòi lắm, đau đớn nỗi đời quay quắt lắm, đành giấu kín tình yêu nước vào cảnh thu, ao thu như cá giấu dưới ao bèo. Thi thoảng, ta nghe một tiếng “cá đâu đớp động dưới chân bèo”, như nhà thơ ngầm an ủi mình rằng còn cá tất nhiên còn nước …
Nỗi niềm tâm sự của thi sĩ Tú Xương cũng giống như Nguyễn Khuyến. Tú Xương luôn buồn đau trước vận nước, vận dân. Với giọng văn châm biến sâu cay, ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, thờ ơ với vận mệnh đất nước, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc … Tú Xương đã lên tiếng chất vấn họ trong bài thơ Vịnh khoa thi Hương:
“Nhân tài đất Bắc bào ai đó,
Nghoảnh cổ mà trong cảnh nước nhà”.
Hai bài thơ còn có nhiều điểm giống nhau là cùng ca ngợi hình ảnh người phụ nữ. Nguyễn Khuyến có bài “Mẹ Mốc”. Nhà thơ đã khắc họa hình tượng cảm động của một người đàn bà danh tiết có thật lúc bấy giờ: mẹ Mốc. “Mẹ Mốc” nhan sắc tuyệt trần đã giả vờ điên dại để dành trọn tâm tư cho chồng con đang ở xa:
So danh giá ai bằng mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra;
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,
Làm thế để cho qua mắt tục.
… Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết.
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ …
Tú Xương có bài Thượng vợ. Ông chỉ sống được có 37 năm, nhưng học hành thi cử đến 8 lần mới đỗ Tú tài, mọi việc ở nhà đều một tay bà Tú gánh vác. Chính vì vậy, Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ để thể hiện sự tri ân.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống càng hiếm hoi hơn. Thơ Tú Xương lại khác. Trong sáng tác của ông có hẳn một đề tài về bà Tú gồm cả thơ, văn tế, câu đối. Bà Tú từng chịu nhiều vất vả gian truân trong cuộc đời, nhưng bà lại có niềm hạnh phúc là ngay lúc còn sống đã được đi vào thơ ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chông.
Điểm khác nhau giữa Nguyễn Khuyến và Tú Xương là giọng thơ. Nguyễn Khuyến, một nhà nho theo những chuẩn mực đạo đức nho giáo mang đến một giọng thơ nhẹ nhành, hóm hỉnh mà thâm thúy. Lời thơ trữ tình của Nguyễn Khuyến thể hiện sự nhẹ nhàng, ý nhị, tinh tế, mộc mạc, đậm chất hình ảnh làng quê, phong tục cổ truyền Việt Nam. Hồn thơ của ông mang tính kinh điển, từ chương, niêm luật rõ ràng của thể thơ Đường luật, thể hiện khá rõ văn phong của một nhà nho.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Bên cạnh những bài thơ trữ tình, Nguyễn Khuyến còn có một dòng thơ trào phúng của nhà nho, rất đậm nét và sinh động. Giọng điệu tự trào của ông thâm trầm mà kín đáo, nhưng cũng hết sức thâm thúy. Bằng những sáng tác thấm đãm chất trào lộng, Nguyễn Khuyến thực sự đã bộc lộ được tài năng trào phúng bậc thầy của mình. Có khi nhà thơ tự trào một cách trực tiếp trong bài Tự trào:
“Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.
Kiểu cười tưởng như nhẹ nhàng nhưng hết sức thâm thúy và có sức công phá mãnh liệt. ông cười về vai trò lịch sử của mình trong chốn quan trường, kiểu cười chua chát, xót xa, ân hận: đại sự thì đã hỏng cả rồi mà mình thì gàn dở vô tích sự.
Còn Tú Xương được xem như một nhà nho thị dân. Ông mang đến cho người đọc những câu thơ trào phúng cay độc, bốp chát. Lời thơ của Tú Xương chua chát, nhằm mục đích mỉa mai, châm biếm xã hội phong kiến. Thơ Đường luật của Tú Xương mang tính phá cách, hiện thực, ngôn từ giản dị mà trau chuốt, dí dỏm mà sâu sắc. Nhà thơ có kiểu tự trào rất ác miệng với mình, tự thóa mạ mình như kiểu ông tự giễu bản thân mình vô tích sự giống như một đứa con lớn của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Nếu như khi cười về hình dáng bản thân mình Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng thâm thúy thì Tú Xương bốp chát chế giễu sự vô tích sự của mình:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Tú Xương hay chữ mà lều chỗng đến tam khoa (từ 1885 đến 1906) chỉ được cái tú tài. Sự từng trải ấy sinh ra cái nhìn hiện thực trào lộng vỗ mặt vào thứ khoa cử cuối mùa, đào tạo tôi tớ cho thực dân xâm lược. Hiện thực ấy là hiện thực của thành Nam, nơi có trường thi lôi thôi sĩ tử. Bài thơ Vịnh khoa thi Hương đã thể hiện thái độ mỉa mai, phẫn uất của nhà thơ đối với chế độ thi cử đương thời và đối với con đường khoa cử của riêng ông. Qua bài thơ này, tác giả vẽ lên một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Xe kéo rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê phết đất, mụ đầm ra .
Vậy chúng ta có nhận xét chung như thế nào về hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương? Đoàn hồng Nguyên đã có ý kiến:
“Nếu thơ tự trào của Nguyễn Khuyến là kiểu thơ tự trào mang phong cách của một nhà nho thì kiểu tự trào của Tú Xương là kiểu tự trào thị dân, hiểu hình nhà nho thị dân”.
Nguyễn Khuyến là bậc đại nho với ba lần đỗ đầu vị thế “Tam nguyên” vẻ vang nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Vì lẽ đó mà tiếng cười Nguyễn Khuyến là tiếng cười của bậc bề trên, luôn ý thức cái hơn hẳn người đời về tài, đức; nó mang giọng nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà lại rất thâm thúy, chua cay. Với những điều ông viết ra, người đọc càng nghĩ càng thấm thía cái dụng ý sâu sắc trong lời thơ. Giáo sư Dương Quảng Hàm đã nhận xét về tính trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến:
“Nguyễn Khuyến chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng kín đáo, rõ ràng bậc đại nhân quân tử muốn dùng lời văn trào phúng để khuyên răn người đời”.
Cũng là người có tài nhưng Tú Xương lại lận đận trong thi cử với “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”, cuối cùng thi đỗ “Tú tài rốt bảng”. Hơn nữa Tú Xương sống ở chốn thành thị - nơi diễn ra rất sớm và rất tập trung lối sống lai căng, lỡm đời của buổi giao thời. Có lẽ vì thế mà giọng thơ trào phúng của Tú Xương gây tiếng cười dữ dội, quyết liệt, sắc sảo đến bốp chát. Từ đó, thơ tự trào của Tú Xương mang một phong cách rất tiêng: ông không phụ thuộc hoàn toàn vào lốn sáng tác khuôn phép của nhà nho xưa. Thơ tự trào của ông có một sự bứt phá, đó là những cảm nhận của một nhà nho thị dân. Ông đã tạo cho mình một giọng điệu trào phúng rất tiêng, đầy ý thức cá nhân mà chúng ta gọi là kiểu trào phúng thành thị. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đánh giá Tú Xương là:
“Một người thợ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kì xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam”.
Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai nhà thơ xuất sắc, hai tài năng kiệt xuất của nền văn học Việt Nam. Trong thẳm sâu tâm hồn, hai nhà thơ vẫn coi trọng tài năng của nhau. Giai thoại sau đây cũng phần nào minh chứng cho suy nghĩ này. Khi Tú Xương mất, Nguyễn Khuyến đã đến viếng với câu thơ đầy xúc động như sau:
“Kìa ai chín suối xương không nát,
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Tóm lại, so sánh hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương, không phải xác định ai hơn ai mà để từ đó ta thấy được tài năng cũng như phong cách của từng nhà thơ. Cho dù đã trải qua hơn một trăm năm nhưng Nguyễn Khuyến và Tú Xương luôn để lại trong lòng người đọc sự yêu mến, kính trọng: một cụ Tam Nguyên Yên Đổ nhẹ nhàng mà sâu sắc, một ông Tú Vị Hoàng sắc sảo và dữ dội. Chính vì thế, tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Khuyến và Tú Xương đã được lưu truyền từ xưa cho đến nay và sẽ còn vang danh mãi đến mai sau. Bởi vì “văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư