Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Ôn tập học kì I Ngữ văn 8

ai lamm ho minh voi a :((
8 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
636
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:04:20
Phân tích giá trị nhân đạo của văn bản "Trong lòng mẹ"
- Giá trị nhân đạo thể hiện ở cách xây dựng hình tượng cuộc đời nhân vật bé Hồng và mẹ: Một người phụ nữ bất hạnh, phải bỏ nhà đi tha hương cầu thực; một đứa trẻ tội nghiệp mồ côi cha, sống cùng bà cô độc đoán, khắc nghiệt.
- Giá trị nhân đạo qua cảnh gặp lại mẹ của bé Hồng:
+ Tác giả bày tỏ sự yêu quý, tôn trọng những người phụ nữ, yêu thương trẻ em, gạt bỏ mọi hủ tục phong kiến trong xã hội cũ.
+ Lên án những hủ tục bất công đã đày đọa biết bao con người.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:07:57
À là viết cả bài văn phân tích phải không bạn?
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:08:37
2/ phân tích giá trị nhân đạo và hiện thực tức nước vỡ bờ
Ngô Tất Tố là một nhà văn đã để lại cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm hay và đặc sắc, trong đó phải kể đến là “Tắt đèn”, một tác phẩm tiêu biểu cho thành công trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trong tác phẩm đã mang đến cho người đọc một bức tranh về xã hội Việt Nam với những hiện thực ám ảnh và sâu sắc.
Giá trị hiện thực của đoạn trích được phản ánh qua bức tranh xã hội nước ta trước cách mạng tháng Tám, trong thời kì phong kiến nửa thực dân, đó là một xã hội thối nát, đầy rẫy áp bức bất công đối với người nông dân nghèo khốn khổ. Làng quê nghèo Bắc bộ oằn mình trước những vụ thu thuế quen thuộc thời Pháp thuộc, nó phản ảnh số phận bi thảm của người nông dân, bản chất tàn bạo và vô nhân đạo của giai cấp thống trị. Bằng ngòi bút sắc sảo và chân thực của mình, tác giả đã vẽ lên chân dung vô cùng sống động của một loạt nhân vật, từ vợ chồng lão Nghị Quế, bọn cường hào địa chủ, quan phụ mẫu và bọn tay sai, tất cả đề mang một bản chất tàn ác và đê tiện, vô nhân đạo.
Bên cạnh đó ông cũng thành công trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ nông dân điển hình qua nhân vật chị Dậu. Tác giả miêu tả rất chân thực và cảm động về số phận bị áp bức bóc lột, dồn đến bước đường cùng của người nông dân, đồng thời cũng ca ngợi những phẩm chất và đức tính đáng quý của họ trong hoàn cảnh tối tăm, ngột ngạt. Qua hình ảnh nhân vật, tác giả cũng bày tỏ lòng yêu mến, trân trọng đối với người nông dân, ông không hề giấu diếm sự khinh bỉ và căm ghét bọn sâu mọt, thống trị ở nông thôn. Bọn chúng nhân danh phép nước để làm những điều tàn ác với người nghèo, sẵn sàng gây tội ác mà không chùn tay vì không có ai ngăn cản, vì vậy mà có thể nói những tên cai lệ chính là hiện thận rõ nhất của các guồng máy nhà nước bất nhân lúc bấy giờ.
Nhà văn đã bằng ngòi bút của mình, phơi bày bản chất vô nhân đạo của chế độ thực dân phong kiến, phản ánh tình cảnh đau thương khốn cùng của người nông dân, đồng thời cũng làm rõ quy luật có áp bức có đấu tranh. Điều đó được thể hiện qua hành động chống trả của chị Dậu với những tên cai lệ và người nhà lý trưởng, chị vốn là một người phụ nữ dịu dàng nhưng vì áp bức bóc lột, bị dồn tới đường cùng nên chị đã chống trả quyết liệt, chị phẫn uất là chị “Thà ngồi tù, để cho chúng nó làm tình, làm tội như thế, tôi không chịu được”. Câu nói của chị Dậu như một lời tuyên ngôn hùng hồn, khẳng định quy luật có áp bức có đấu tranh, tuy rằng tác phẩm kết thúc bằng hoàn cảnh bế tắc của chị Dậu nhưng bằng chính cảm quan hiện thực mạnh mẽ, nhà văn đã cảm nhận được xu thế tức nước vỡ bờ và sức mạnh khôn lường của nó. Là một điềm dự báo về cơn bão táp của quần chúng nông dân nổi dậy dưới sự tập hợp và lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ sẽ lật đổ chế độ thực dân phong kiến mục nát và thối rữa.
Có thể thấy, tác phẩm “Tắt đèn” nói chung và đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” nói riêng đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bộ mặt xã hội đương thời, cảm nhận được ve đẹp tâm hồn người nông dân Việt Nam qua nhân vật chị Dậu.
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:12:56
Phân tích giá trị nhân đạo của văn bản "Trong lòng mẹ"
Nguyên Hồng - nhà văn của phụ nữ và trẻ em. Văn của ông luôn mang giá trị nhân đạo sâu sắc, bày tỏ tình yêu thương và sự kính trọng đối với những mảnh đời bất hạnh, thấp cổ bé họng trong xã hội. "Trong lòng mẹ" là đoạn trích từ tập truyện "Những ngày thơ ấu", như một cuốn tự sự về cuộc đời nhà văn. Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện qua tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả giữa hai mẹ con bé Hồng.
Sinh ra và lớn lên trong một xóm nghèo, sống cùng những người dân lao động quanh năm đầu tắt mặt tối, với một trái tim nhạy cảm, giàu tình yêu thương, Nguyên Hồng luôn tìm thấy cái tốt đẹp, cao thượng bên trong những thân xác cục mịch, xồ xề. Văn chương của ông luôn hướng tới giá trị tinh thần, vẻ đẹp cốt lõi bên trong mỗi người. Viết "Những ngày thơ ấu", tác giả lấy chất liệu văn học từ chính tuổi thơ bất hạnh của mình, tái hiện lại quãng thời gian mồ côi bố, sống xa mẹ, ở với những người họ hàng luôn miệt thị, ruồng bỏ gia đình mình. Đoạn trích "Trong lòng mẹ" đã tái hiện chân thực về số phận người phụ trong xã hội xưa, chồng mất sớm do nghiện ngập, vì không chịu nổi miệng lưỡi người đời mà phải bỏ nhà bỏ cửa đi tha hương cầu thực. Tác giả bày tỏ sự xót xa, thương cảm cho người phụ nữ và em bé vô tội, đồng cảm với tình mẫu tử thiêng liêng mà hai mẹ con dành cho nhau.
Giá trị nhân đạo thể hiện ở sự cảm thông mà nhà văn dành cho nhân vật. Xây dựng hình ảnh người phụ nữ chồng mất sớm, tuổi thanh xuân chôn vùi bên người chồng nghiện ngập, chấp nhận một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Khi người chồng mất đi, gia cảnh sa sút phải chấp nhận bỏ lại con đi tha hương cầu thực, lại bị họ hàng nói xấu, tiêm nhiễm vào đầu đứa con thơ ở nhà những câu chuyện bịa đặt về mẹ mình. Với đứa bé, là kết cục của một cuộc hôn nhân lầm lỡ không có tình yêu đã là điều vô cùng bất hạnh, lại sớm mồ côi, thiếu thốn tình yêu thương của mẹ, cậu lớn lên bằng những lời dè bỉu, miệt thị từ bà cô. Biết được nỗi đau của cậu, biết cậu nhớ mẹ, thương mẹ, bà cô luôn tìm cách chọc ngoáy, khinh miệt, nhắc đến mẹ cậu với giọng nói cay độc và "nét mặt khi cười rất kịch", luôn "gieo rắc vào đầu" câu bé "những hoài nghi" để lôi kéo cậu ruồng rẫy chính mẹ của mình. Một tâm hồn non nớt đầy tổn thương, còn nhỏ mà phải chịu biết bao đắng cay, khổ cực. Nhà văn bày tỏ sự thương xót, cảm thông với mẹ con họ qua chính lời của nhân vật bé Hồng, "tôi thương mẹ tôi", "nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến". Trái ngược với sự cay độc, dè bỉu, chà đạp con người trong xã hội đương thời, nhà văn luôn tìm thấy vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn để yêu thương, trân trọng, thấu cảm cho nỗi đau đớn, mất mát của họ. Tinh thần nhân đạo ở đây chính là tình người, tình yêu với những số phận kém may mắn.
Giá trị nhân đạo của đoạn trích thể hiện ở những bản chất, phẩm giá tốt đẹp trong cốt cách con người. Người phụ nữ mẹ bé Hồng có cuộc đời bất hạnh, khổ đau là thế, nhưng với bản năng làm mẹ, cô vẫn bỏ mặc tất cả để về thăm con. Ôm con trong vòng tay, cô "kéo tay", "xoa đầu" con, sụt sùi theo tiếng khóc của con mà nhẹ nhàng an ủi: "Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà", "lấy vạt áo nâu thấm nước mắt", "xốc nách" con lên xe. Cảm giác của một người làm mẹ lâu ngày mới được gặp lại con khiến người đọc vô cùng xúc động. Trong khi ấy, bé Hồng không bình tĩnh được như mẹ. Câu cuống cuồng, vội vã, vì lâu lắm rồi, cậu không được vùi đầu trong cái hơi ấm thân quen ấy. Tiếng gọi bối rối: "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!" cậu cất giữ bấy lâu nay như vỡ òa. Cậu lo sợ rằng đã nhận nhầm người, người phụ nữ ngồi trên xe kia nếu không phải mẹ cậu thì cậu sẽ trở thành trò cười cho chúng bạn. Gặp lại mẹ ngần ấy thời gian xa cách, cậu "ríu cả chân lại", "òa lên khóc rồi cứ thế nức nở", ngồi cạnh mẹ, "đùi áp đùi mẹ, đầu ngả vào cánh tay mẹ", "cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng mơn man khắp da thịt. "Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người, để bàn tay mẹ vuốt từ trên trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một sự êm dịu vô cùng". Những dòng văn miêu tả chân thực và cảm động cảnh hai mẹ con bé Hồng gặp lại nhau, nhóm lên trong lòng độc giả một cảm xúc vừa mừng và tủi. Mừng vì cuối cùng, sau bao khó khăn, tình mẫu tử thiêng liêng ấy vẫn chiến thắng những hủ tục lạc hậu. Tủi vì thương, vì xót, đáng ra việc hai mẹ con gặp gỡ, mẹ đón con sau giờ học là điều hiển nhiên trong tuổi thơ mỗi người thì ở đây, cuộc gặp gỡ của họ lại thấm đẫm nước mắt. Giá trị nhân đạo ở đây chính là sự yêu thương, trân quý những con người "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", sống trong xã hội tàn ác, độc đoán nhưng vẫn giữ trọn tấm lòng chân thành, lương thiện.
Cuối cùng, tác giả gửi gắm giá trị nhân đạo vào đoạn trích qua quan điểm cá nhân, lên án những hủ tục lỗi thời, lạc hậu đã bóp méo suy nghĩ và tư tưởng của đại bộ phận người dân bấy giờ, đày đọa biết bao số phận bất hạnh. Là nạn nhân của cuộc hôn nhân không tình yêu, tác giả khéo léo phản ánh tình trạng cưới ép, cưới theo sự sắp đặt của gia đình, một hủ tục cực kì phổ biến trong xã hội Việt Nam. Người Việt cho rằng, hôn nhân cần dựa trên sự tương đồng về xuất thân, gia phả, kinh tế. Vì vậy, không ít đôi lứa yêu nhau đã phải chấp nhận buông bỏ, lập gia đình với những người thậm chí mình không hề biết mặt. Bên cạnh đó, tác giả đặc biệt chú trọng bày tỏ cảm xúc qua nhân vật chú bé Hồng, thể hiện sự phẫn uất và căm tức những lề thói lỗi thời ngày xưa. Ý thực được mẹ mình bị mang tiếng, "một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực", khi nghe những lời cay nghiệt từ bà cô, cậu bé đã nảy sinh suy nghĩ: "Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi". Hàng loạt động từ mạnh được sử dụng đã nhấn mạnh sự căm tức và nỗi khát khao phá bỏ những cổ tục ăn mòn vào tâm trí nhân dân. Giá trị nhân đạo của đoạn trích được thể hiện rõ nét, trên một phương diện mới mẻ, xót thương cho phận người phụ nữ trong xã hội thực dân nửa phong kiến, phải chống chọi với miệng lưỡi người đời độc ác, xấu xa.
Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, mượn lời của nhân vật bé Hồng để bày tỏ quan điểm cá nhân, tác giả đã rất thành công trong việc bồi đắp giá trị nhân đạo cho đoạn trích. Qua "Trong lòng mẹ", người đọc thấy được một trái tim nhân hậu, lương thiện, tình yêu thương đối với phụ nữ, trẻ em và giọng điệu đanh thép, kiên quyết lên án những hủ tục bất công trong xã hội.
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:15:34
"Lão hạc là một lão nông nghèo khổ, trong sạch giàu lòng tự trọng và yêu thương con" Hãy chứng minh
Nói đến Nam Cao là phải nói đến Lão Hạc. Tác phẩm này được coi là truyện ngắn hiện thực xuất sắc trong trào lưu hiện thực phê phán thời kì 1930 – 1945. Truyện không những nêu được nỗi khổ của người nông dân trước tai trời ách đất, trước xã hội suy tàn mà đáng chú ý hơn là cả là đã nêu bật được hình ảnh một lão nông dân đáng kính với phẩm chất của một con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu thương con, để lại trong lòng người đọc niềm xót xa, cảm thương và mến phục.
Điều đầu tiên phải nói đến là tấm lòng đôn hậu, rất mực yêu thương con của lão Hạc… Vợ chết sớm, sống một mình trong cảnh gà trống nuôi con, lão yêu con hết mực. Khi con đến tuổi trưởng thành, vì nhà nghèo nên làm lỡ duyên con, lão vô cùng ân hận và cảm thấy mình có lỗi. Trách nhiệm làm cha luôn luôn thôi thúc giày vò lão, lão tìm mọi cách để làm yên lòng con. Nhưng người con vì phẫn uất đã bỏ nhà đi đồn điền cao su để mình lão thui thủi ở nhà. Tình yêu con của lão được biểu hiện vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Trực tiếp qua tình cảm của lão với anh con trai, gián tiếp qua tình cảm với con Vàng – kỉ vật duy nhất của con. Lão cho nó ăn vào bát như chó nhà giàu, mình ăn gì nó ăn nấy. Lão nâng niu bế bồng nó như bà mẹ hiếm hoi chiều đứa con cầu tự. Những lúc vui buồn lão đều trò chuyện, tâm tình với nó, coi nó như người bạn tâm giao. Bao nhiêu tình cảm nhớ thương xa cách, lão đều dành cho nó. Không phải bất cứ người nào cũng có thể nhớ thương súc vật như vậy. Vậy lão không đôn hậu, yêu con đó sao? Nhưng mưa bão liên miên, hoa màu trong vườn đều bị phá sạch, việc làm chẳng còn, nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ ăn vào số tiền lão chắt chiu dành dụm cho con. Nếu đặt lên bàn cân mà tính số suất ăn của con chó cũng bằng lão, vậy tốn quá. Giữa số tiền dành dụm cho con và con chó, người bạn tâm tình, lão chọn ai đây! Để đi đến quyết định, lão đã phải dằn vặt, đau khổ, lão đã suy nghĩ nhiều, nhiều lắm mới dũng cảm bán chó. Cuộc lựa chọn tàn khốc diễn ra trong nước mắt. Nhưng nếu không bán lão sẽ chết, và số tiền dành dụm cho con cũng chẳng còn. Lão bán chó đâu phải để ăn mà để lo tương lai cho cho đứa con. Nét cao đẹp của lão Hạc chính là ở chỗ đó. Sau khi bán chó, lão cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng. Lão lại tự dằn vặt lương tâm mình, tự oán trách mình vì đã trót lừa một con chó: “các nếp nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra, lão hu hu khóc”. Vậy là, trong cuộc đổi chác này, cái được chẳng là bao mà cái mất thật là to lớn. Lão Hạc được vài đồng để sống qua ngày nhưng lại mất đi một người bạn, mất đi mối dây liên hệ giữa lão và đứa con. Xót xa thay, cay đắng thay cho một số phận của con người đôn hậu, hiền lành này. Lão lương thiện đến mức chỉ vì bán con chó mà tự cán trách mình đau khổ đến thế. Liệu Binh Tư, vợ ông giáo và bao người khác nữa, họ có hiểu không, hay họ chỉ thấy lão Hạc gàn dở và ngốc nghếch. Ta cảm thương cho số phận lão, ta cảm phục trước đức hi sinh và lòng nhân hậu của lão, một con người cao đẹp.
Đẹp hơn nữa trong tâm hồn lão Hạc là lòng tự trọng cao quý, lão tự trọng với mọi người, với đứa con và với chính bản thân mình. Trận ốm kéo dài đã khiến lão suy sụp, lão không còn đủ sức để làm ,và cũng không còn gì để ăn. Nhưng lòng tự trọng không cho phép lão xâm phạm vào số tiền của con. Và như đã nói, lão bán chó, quyết định cay đắng để giữ trọn chữ tín với con. Khi mọi thứ đều đã hết, lão vẫn tiếp tục sống, một cuộc sống tạm bợ và vất vưởng. Vì tương lai của con, vì lòng tự trọng của mình, lão đã quyết định chết, cái giá đấy phải chăng là quá đắt. Không, với lão Hạc nó không hề đắt và có lẽ cũng vì vậy mà chúng ta thấy khâm phục trước nghị lực của lão. Có thể tưởng tượng, cuộc sống của lão Hạc như một bó đuốc lớn. Nó vẫn cháy và vẫn có thể cháy nhưng lão dập tắt để thắp thêm vào ngọn đuốc của con. Cái đáng chú ý ở đây là mặc dầu không biết số phận đứa con ra sao; còn sống hay đã chết, nhưng với niềm tin cháy bỏng, lão vẫn quyết định hi sinh. Với quyết tâm cao như vậy, lão chuẩn bị, sắp xếp cho cái chết một cách tỉ mỉ và cẩn thận; nhờ ông giáo trông hộ mảnh vườn cho con và gửi tiền làm ma để đỡ phiền hàng xóm. Lòng tự trọng ấy cao đẹp biết bao. Từ đó, lão tồn tại gần như vất vưởng, vớ được thứ gì ăn thứ nấy, hôm thì quả sung, củ ráy, hôm thì củ chuối, con ốc… Lão đã chịu đựng một cách kiên gan và cao ngạo để giữ tròn phẩm giá. Lão đã từ chối gần như hách dịch tất cả mọi sự giúp đỡ của mọi người. Và cái chết của lão đâu phải là của con người. Phải chăng lão đã chết như một con vật để được sống như một con người? Ở con người này, quy luật “đói ăn vụng, túng làm liều” không thể xảy ra. Kết cục ấy là một diễn biết tất yếu của một cuộc đời trong sạch ngay thẳng như lão. Ta không những khâm phục mà còn nên lấy đó làm tấm gương noi theo.
Khi xây dựng nhân vật này, Nam Cao hẳn đã hướng nhân vật vào cái thiện, qua đó bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của lão nói riêng và của những người nông dân ở nông thôn Việt Nam nói chung. Ở điểm này, Ngô Tất Tố cũng giống như Nam Cao với nhân vật chị Dậu. Nhưng tác phẩm của Nam Cao xuất sắc hơn bởi nó đảm bảo được tính hiện thực của tác phẩm. Chị Dậu cũng bị dồn vào những mâu thuẫn sâu sắc cần phải giải quyết nhưng lần nào, với trí thông minh và sắc sảo hiếm có của mình, chị cũng thoát ra được. Điều đó phần nào đã làm mất đi tính chân thực của truyện. Ở đây lão Hạc cũng đã đến bước đường cùng, và cái chết ấy là kết cục tất yếu của hiện thực cuộc sống. Bởi vậy, có thể nói rằng nhân vật lão Hạc là một nhân vật xuất sắc trên mọi phương diện.
Cái cao tay của Nam Cao là để cho nhân vật lão Hạc hiện lên trong con mắt của rất nhiều người, đủ loại người: vợ ông giáo, ông giáo, Binh Tư. Tất cả đều hiểu lầm lão Hạc, coi lão thật ngớ ngẩn, dở hơi. Duy chỉ có ông giáo vì cảm thông, chịu tìm hiểu nên đã phát hiện được vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn lão Hạc. Còn riêng em, trong con mắt em, lão Hạc hiện lên là một người cha mẫu mực, một con người Việt Nam cao quý.
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:17:02
Phân tích truyện "Cô bé bán diêm" của An-đéc-xen
Nhắc đến truyện cổ tích ta không chỉ nhớ đến anh em nhà Grim mà còn nhớ đến một An-đéc-xen thiên tài, với những thiên truyện chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Trong những tác phẩm của ông chắn hẳn ta không thể quên truyện Cô bé bán diêm gây nhiều xúc động và bài học ý nghĩa cho người đọc.
Mở đầu tác phẩm là hoàn cảnh cuộc sống đầy khắc nghiệt của cô bé bán diêm. Trời đã tối, nhưng tuyết vẫn không ngừng rơi, cô bé bán diêm bẫn lầm lũi bán những hộp diêm của mình. Bối cảnh đó càng trở nên đặc biệt hơn khi đó là đêm giao thừa, ai cũng được ở trong căn nhà ấm cúng, quay quần bên gia đình, chỉ có mình em là phải đối mặt với cái lạnh thấu xương của những cơn gió lạnh lẽo ùa về. Cô bé đầu trần, chân đất, mò mẫm đi trong đêm tối, cô bé không dám về nhà vì: “nếu không bán dược bao nào sẽ bị cha em mắng chửi”.
Sau khung cảnh khắc nghiệt đó, ngược về quá khứ, tác giả vẽ nên một khung cảnh cuộc sống hoàn toàn trái ngược với hiện tại. Khi ấy em được ở trong căn nhà khang trang, đẹp đẽ, có bà và mẹ luôn yêu thương. Nhưng “Thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tan, và gia đình em phải lìa xa ngôi nhà xinh xăn có dây trường xuân bao qanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm” , hạnh phúc và giờ đầy phải “chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa” . Cô bé không những không được yêu thương mà còn bị đối xử tàn tệ, tuổi còn nhỏ nhưng bố em đã bắt em ra đường mưu sinh.
Cả một ngày dài em miệt mài trên những con phố, hòng mong tấm lòng thương cảm của một người, nhưng không một ai giúp đỡ em. Đêm đã về khuya, cô bé ngồi nép mình dưới một góc tường để tránh cái lạnh lẽo giá rét. Xung quanh khung cảnh đều sáng rực, các nhà đang chuẩn bị cho đêm giao thừa thật ấm áp và hạnh phúc.
Lúc này toàn thân em đã lạnh cóng, cô bé đánh liều lấy một que diêm ra để hơ bàn tay cho đỡ lạnh. Ngọn lửa bùng lên mới vui mắt làm sao, em tưởng tượng rằng mình đang ngồi trước một lò sưởi ấm áp. Nhưng khi em vừa duỗi chân ra thì ngọn lửa vụt tắt, cái lạnh lại ùa về, bao trùm lấy cơ thể em. Không chỉ phải chịu đựng cái rét,em còn phải chịu đứng cái đói cồn cào, que diêm thứ hai bùng cháy, trước mắt em là: “bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét cắm trên lưng, tiến về phía em” . Bữa tiệc thật thịnh soạn, hấp dẫn, chắc chắn nó sẽ làm vơi bớt cái đói cồn cào trong em. Nhưng thực tế đó cũng chỉ là bữa ăn trong tưởng tượng mà thôi. Bởi vậy khi que diêm tắt, mọi cảnh tượng huy hoàng, bữa ăn thịnh soạn cũng đều biến mất.
Que diêm thứ ba bật sáng, hình ảnh cây thông noel lấp lánh, được trang hoàng lung linh hiện lên trước mắt em. Và que diêm thứ tư bật lên là khuôn mặt thân thương của người bà mà em hằng yêu quý. Em vui sướng reo lên và mong mỏi được đi theo bà, để thoát khỏi cuộc sống khổ sở, đau đớn này. Lời em van xin đáng thương, và tội nghiệp quá. Một đứa bé ngây thơ, non nớt, mà lại có suy nghĩ về cái chết để trốn tránh hiện thực đầy khổ đau. Em khước từ cuộc sống để tìm về với cõi thanh thản, nơi đó có bà, có tình yêu thương: “Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét đau buồn nào đe dọa họ nữa”.
Cô bé đã chết, trên gương mặt vẫn nở nụ cười tươi, đôi má hồng hồng đầy mãn nguyện. Bởi em đã thoát khỏi cuộc sống đầy đau khổ và vô cảm này. Thực ra cô bé vẫn có thể sống nếu cha em biết chăm lo làm ăn, nếu những con người qua đường động lòng thương cảm giúp đỡ em mua lấy một bao diêm. Nhưng tuyệt nhiên không một bàn tay yêu thương nào đưa ra để cứu vớt số phận của cô bé tọi nghiệp. Cái kết của tác phẩm như gióng lên hồi chuông về lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm của con người.
Với mô tip quen thuộc trong truyện cổ tích về cô bé mồ côi nghèo khổ, cùng các chi tiết kỉ ảo, nhưng tác phẩm vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Bởi cô bé không có cái kết viên mãn, hạnh phúc ở trần thế mà phải chết đi mới được hưởng hạnh phúc. Giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc của tác phẩm cũng chính là ở chỗ đó.
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:24:17
O.hen-ri. Là nhà văn Mĩ sinh năm 1862 và mất năm 1910.Cha ông là thầy thuốc;mẹ ông qua đời khi ông mới lên ba.Thuở nhỏ ông không được học hành nhiều,năm 15 tuổi đã phải thôi học, đến làm việc tại hiệu thuốc của chú ruột;sau đó còn làm nhiều nghề khác để kiếm ăn như:nhân viên kế toán,vẽ tranh,thủ quỹ ngân hàng.O.hen-ri Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và sáng tác rất nhiều.Có những năm số lượng truyện ngắn ông sáng tác lên đến con số rất cao:65 truyện (1904),50 truyện (1905)...Các truyện ngắn của ông lần lượt được in thành tập trong thời gian ông còn sống và sau khi ông đã qua đời.Có thể kể đến các tập:Bắp cải và vua chúa(1904) Bốn triệu (1906)Trung tâm miền Tây (1907),Tiếng nói thành phố (1908)...Truyện của ông phong phú, đa dạng về đề tài, nhưng phần lớn đều hướng đều hướng vào cuộc sống nghèo khổ,bất hạnh của người dân Mĩ.Một số truyện mang ý nghĩa phê phán rõ rệt.Về nghệ thuật,truyện ngắn của ông thường được tổ chức xoay quanh một cốt truyện dàn dựng chu đáo với tình tiết được sắp xếp thật khéo léo,lôi cuốn sự hứng thú của bạn đọc. Ông thường sử dụng kiểu đảo ngược tình huống hai lần một cách đột ngột,bất ngờ.Nhiều nhân vật của ông vừa rất thực mà cũng vừa rất mơ hồ,phảng phất như trong giấc mơ.Nhiều truyện của ông để lại cho độc giả nhiều ấn tương sâu sắc như:Căn gác xép,Tên cảnh sát và gã lang thang,Chiếc lá cuối cùng,Quà tặng của đạo sĩ...
“Chiếc lá cuối cùng” là một truyện ngắn hay của O.hen-ri.Chuyện được đặt vào bối cảnh một ngôi nhà ba tầng tồi tàn với những căn phòng cho thuê giá rẻ,trong một khu phố ở phía Tây công viên Oa-sin –tơn.Thời điểm sự việc xảy ra vào tháng mười một,khi gió lạng mùa đông tràn về.Hai hoạ sĩ nghèo là Xiu và Giôn-xy đến thuê chung một căn phòng trên tầng thượng ngôi nhà.Cụ Bơ-men cũng là một hoạ sĩ nghèo sống ở tầng cuối cùng. Giôn-xy bị bệng sưng phổi.Phần vì bệnh nặng,phần vì không có tiền lo thuốc thang cô không thiết sống nữa ,mặc cho Xiu chăm sóc , động viên.Giôn-xy cứ nằm quay ra cửa sổ,nhìn những chiếc lá cứ rụng dần dần.Cứ mỗi lần một chiếc lá rụng thì sợi dây vô hình nối cô với trần thế cứ lơi dần,lơi dần.Và cô cứ nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng cũng là lúc cô buông xuôi là khỏi cõi đời.Cụ Bơ-men nghe kể,rất bực mình vì trên đời này lại có người lại có niềm tin ngớ ngẩn muốn chết vì một dây leo chết tiệt nào đó rụng hết lá. Và rồi ,một ngày mới lại về,Giôn-xy –con người ngớ ngẩn -lại ra lệnh kéo mành lên.Chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy, mặc cho mưa gió phũ phàng cả một đêm qua không hề dứt.Nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng còn dũng cảm đeo bám trên cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ Giôn-xy đã lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Đổi lại Cụ Bơ-men lại bị chết vì chứng sưng phổi.
Điều gì khiến cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy,vẫn đeo bám vào dây leo mảnh mai yếu đuối ấy mặc cho mưa gió trút xuống? Điều gì khiến cho Giôn-xy- cái con người tàn nhẫn có suy nghĩ quái gỡ kia lấy lại niềm tin vào cuộc sống? Mới hôm qua đây thôi,Giôn-xy còn chẳng thiết gì ăn uống,chẳng thiết gì soi gương gương vậy mà điều gì khiến nàng nhận ra rằng muốn chết là một tội? Phải chăng có một phép màu?
Vâng! Đúng là có phép màu (Không phải là phép màu nhiệm trong những câu chuyện cổ tích mà chúng ta vẫn thường đọc,không phải là phép màu do một ông tiên ,một vị thần linh nào ban phát mà nó chính là phép màu nhiệm của tình yêu thương).Chính tình yêu thương,chính tình yêu thương của Cụ Bơ-men đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn mãi,vẫn tươi rói mặc bao giông gió vùi dập phũ phàng.Chiếc lá ấy vẫn đeo bám lấy sự sống, để cho Giôn-xy thấy rằng cuộc sống này đáng quý biết bao! Đáng trân trọng biết bao!Chiếc lá dũng cảm vượt lên trên số phận đã làm cho “con người quái ác” ấy nhận thấy rằng: mình đã quá yếu đuối,quá tệ bạc với cuộc đời.Nàng đã muốn ăn,muốn soi gương,và muốn vẽ vịnh Na-blơ.Chính chiếc lá ấy đã khiến cho người con gái tội nghiệp lấy lại niềm tin vào cuộc sống,ham sống.Chính chiếc lá khiến cho Giôn-xy “sống lại” những ham muốn của mình. “sống lại” những ước mơ mà mới cách đấy không lâu tưởng chừng như đã bị nghèo nàn,bệnh tật chôn vùi.
Chiếc lá có sức mạnh đến,mới có phép màu nhiệm đếnvậy.Chính tình yêu thương mới là sợi dây bền chặt nhất níu kéo con người trở lại vớicuộc đời.Chính tình yêu thương của Xiu,của Cụ Bơ-men đã kéo Giôn-xyrời khỏi tay tửthần, trở về với cuộc sống,khi mà tất cả những sợi dây níu kéo cô lại với trần thế cứ lơilỏng dần.Tình yêu thươngấy kết tinh trongchiếc lá cuối cùng. Tình yêu thương là một“kiệt tác nghệ thuật” độc đáo nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho con người.
1
0
Nhi Wannable
17/12/2019 18:25:55
7/ Phân tích Đập đá Côn Luân
Phan Châu Trinh (1872-1926) là chiến sĩ cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong ba thập niên đầu thế kỉ XX. Ông còn để lại nhiều thơ văn thấm đượm tinh thần dân chủ và chứa chan tình yêu nước. Bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" đã thể hiện khí phách hiên ngang bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, mang tính hàm nghĩa sâu sắc:
"Làm trai đứng giữa đất cỏn Lỏn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con".
Nhan đề bài thơ là "Đập đá ở Côn Lôn”, nói về cảnh lao động khổ sai của nhà thơ và các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp đày đọa tại nhà tù Côn Đảo. Năm 1908, sau vụ chống sưu thuế nổ ra ở Trung Kì, Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân bắt giam và đày ra Côn Đảo với cái án khổ sai chung thân.
Bốn câu đầu vừa tả thực cảnh đập đá, vừa biểu lộ một tâm thế, một ý chí. Chí nam nhi, chí làm trai coi việc "đứng giữa đất Côn Lôn", bị tù đày khổ sai là một thách thức nặng nề nhưng chẳng hề nao núng, vản "lừng lẫy làm cho lở núi non". Hai từ "đứng giữa" biểu thị một tư thế hiên ngang, một tâm thế bất khuất trước uy vũ quân thù. Câu thơ thứ hai, nhất là cụm từ "làm cho lở núi non" thể hiện chí khí kiên cường trước cảnh ngộ bị quân thù đày đọa.
Các vị ngữ: "đánh tan" và "đập bể" vừa tả thực sức mạnh đập đá "năm bảy đống" và "mấy trăm hòn", đồng thời ngụ ý một quyết tâm, một ý chí căm thù phá tan chốn ngục tù, lật đổ ách thống trị thực dân tàn bạo. Phép đối, cách dùng số từ, hàm súc, đa nghĩa làm nên giá trị nghệ thuật ở phần thực bài thơ:
"Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn"
Hai câu 5, 6 đối nhau rất chỉnh. Lấy thời gian bị cầm tù (thúng ngày) đối với gian truân thử thách (mưa nắng) lấy thân dày dạn phong trần (thân sành sỏi) đối với tinh thần cứng cỏi trung kiên (dạ sắt son). Tất cả đã làm hiện lên hình ảnh một chiến sĩ cách mạng có tâm hồn và khí phách cao đẹp. "Thân sành sỏi" và "dạ sắt son" là hai hình ảnh ẩn dụ nói lên một cách hàm súc và hình tượng phấm chất cách mạng của nhà thơ:
"Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son"
Các từ ngữ: "bao quản" và "chi sờn" biểu thị một thái độ sẵn sàng chấp nhận, một quyết tâm dám thách thức với bạo lực quân thù. Tinh thần ấy, ta bắt gặp nhiều trong "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh hơn 30 năm sau:
"Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân;
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng ti-nh thần"
(Bốn tháng rồi)
Hai câu kết thể hiện bản lĩnh phi thường của những người có chí lớn, mưu đổ đại sự (vá trời) mà khổng thành (lỡ bước). Đó là những anh hùng thất thế mà vẫn hiên ngang, coi chuyện tù đày, gian nan chỉ là "việc con con" không đáng kể, không đáng nói. Câu kết toát lên một phong thái ung dung tự tại, rất ngạo nghễ của nhà chiến sĩ:
"Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con."
"Đập đá ở Côn Lôn" tiêu biểu cho thơ ca viết trong nhà tù thực dân của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX. Bài thơ có giọng điệu đĩnh đạc, hào hùng.
Ngôn ngữ hàm súc, vừa bình dị vừa cổ kính trang trọng. Người xưa thường lấy thơ để dãi bày cái tâm, để nói lên cái chí. Sẵn sàng xả thân để cứu nước, sắt son thủy chung với dân tộc, bất khuất hiên ngang trước cảnh tù đày, đó là cái tâm, cái chí của Phan Châu Trinh thể hiện trong bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" này. Cúi tâm, cái chí của nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh là bài học lớn cho chúng ta ngưỡng mộ và noi theo.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×