Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trong vai cô kĩ sư, kể lại cuộc gặp gỡ với anh thanh niên

Trong vai cô kĩ sư, kể lại cuộc gặp gỡ với anh thanh niên
Thuyết minh vầ cây bút bi
phát biểu cảm nghĩ về nhân vật người mẹ trong văn bản mẹ tôi
Viết một bài văn biểu cảm về người mẹ của em
Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu.
Kể về một người bạn tốt
Kể chuyện về một người thân của em (ông, bà, cha, mẹ,...)
Kể lại truyện cổ tích Thạch Sang bằng lời văn của em.
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long
Cảm nhận về người lính trong bài Đồng Chí của Chính Hữu
Biểu cảm về mái trường
Thuyết minh về kính đeo mắt.
phân tích hình ảnh so sánh trong tôi đi học
Viết 1 đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Bánh trôi nước
Hãy kể về 1 lần em trót xem nhật ký của bạn
Vào vai nhân vật trữ tình kể lại bài thơ bếp lửa bằng văn xuôi
Vào vai nhân vật trữ tình kể lại bài thơ ánh trăng bằng văn xuôi

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.411
0
0
Thảo
27/12/2019 20:33:56

Mỗi lần ngắm nhìn luống hoa đang hé nụ trước nhà, tôi vẫn thường mỉm cười mà nhớ lại một kỉ niệm ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ trong cuộc đời mình. Trong chuyến đi đầu tiên công tác, giữa cái nắng rực rỡ của Sapa, tôi may mắn được tiếp xúc và trò chuyện với một người thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn 2600m. Anh bình dị mà thật đặc biệt, cuộc gặp gỡ với anh đã khắc một dấu ấn sâu đậm khó có thể phai mờ trong tâm trí tôi.

Ngày ấy, sau một chuyến xe dài lên tới Tà Phỉnh, bác lái xe dừng lại bên đỉnh Yên Sơn, vừa cho mọi người nghỉ ngơi đồng thời cũng kể cho tôi và ông họa sĩ già về người thanh niên "cô độc nhất thế gian". Anh "thèm người" tới nỗi chắn cây ngang đường cho xe khách dừng lại để có cơ hội được nghe thấy tiếng người và được trò chuyện trong giây lát. Lời kể hồ hởi gây cho tôi một nỗi xúc động lạ lùng khi trong núi rừng Sapa hiện ra một thanh niên tầm vóc bé nhỏ nhưng nét mặt thật rạng rỡ. Sau đôi lời thăm hỏi và giới thiệu, chúng tôi lên thăm nhà anh - một căn nhà mà tôi nghĩ chắc có lẽ cô độc giữa bốn bề chỉ có mây và rừng. Nhưng không, bước chân tới đỉnh Yên Sơn, tôi ngạc nhiên tới nỗi chỉ kịp "ô" lên một tiếng. Không gian tràn ngập sắc hoa rực rỡ và anh thanh niên đang ôm một bó hoa thật to, mỉm cười nhìn chúng tôi. Quên mất sự ngập ngừng ban đầu, tôi chạy lại bên anh và nhận lấy bó hoa tự nhiên như những người bạn. Anh nói to và rõ ràng những ý nghĩ chân thành ít ai nghĩ và càng ít người nói ra: bó hoa đó để kỉ niệm cho lần gặp gỡ tình cờ mà long trọng này, trong 4 năm đây là đoàn thứ 2 thăm anh và tôi là cô gái thứ nhất từ Hà Nội. Bỗng dưng tôi cảm thấy anh thật gần gũi. Cô độc làm sao được con người đang đứng trước mặt - một anh thanh niên rạng rỡ từ nét mặt và trìu mến trong từng cử chỉ? hình như cả tôi và ông họa sĩ đều bị cuốn hút, đặc biệt là khi anh say sưa kể về công việc của mình. Công việc của anh đơn điệu, lặp đi lặp lại hằng ngày mà gian khổ lắm. Anh trầm ngâm kể lại những đêm 1h sáng lạnh đến buốt da buốt thịt, những khoảnh khắc lặng im của núi rừng cùng sự đáng sợ của gió và mưa tuyết. Gian khổ như thế nhưng anh đâu có chịu khuất phục! anh vẫn làm việc đều đặn và quả quyết chống lại cái rét căm căm của Sapa bằng tất cả tình yêu công việc và tinh thần tự giác, kỉ luật, trách nghiệm với nghề. Nhưng anh chỉ dừng ở đó bởi có lẽ thời gian đang thúc giục anh. Anh mời chúng tôi vào nhà. Đây thực sự là ngôi nhà của một anh thanh niên sống độc thân ư? Một không gian không lớn nhưng sạch sẽ và gọn gàng, đủ biết chủ nhân là con người có nếp sống ngăn nắp và khoa học. Anh không có nhiều vật dụng nhưng giá sách gây cho tôi một sự tò mò đặc biệt. Anh ắt hẳn phải là con người có tâm hồn đẹp và đầy mộng mơ. Thật hiếm có! đọc tên nhưng cuốn sách của anh và chọn lấy một quyển, tôi vừa chăm chú đọc vừa lắng nghe cuộc trò chuyện giữa anh thanh niên và người họa sĩ. Những tâm sự chân thành của anh , tâm sự về công việc, về sự cô đơn mà anh từng nghĩ đến, về lẽ sống và lý tưởng sống anh đã chọn, cả câu chuyện về ông kỹ sư vườn rau hay đồng chí nghiên cứu bản đồ sét. Con người ấy, trong khi kẻ khác còn ngại ngùng rời xa cuộc sống đô thị, lại hứng khởi xung phong tới một nơi hiu quạnh để làm việc và cống hiến, anh và công việc là đôi bởi anh hiểu rõ công việc của mình, mỗi khi nghỉ ngơi sách thành bạn và anh hạnh phúc không điều gì khác ngoài việc được hết mình dâng cho đất nước tuổi xanh và lòng nhiệt huyết luôn cháy sáng. Đó lại là một thanh niên khiêm tốn, dễ gần. Có lẽ những ấn tượng quá sức sâu sắc về anh khiến ông họa sĩ già không ngừng hí hoáy với cây bút của mình. Anh đã tặng cho ông một tác phẩm ông hằng mong muốn và tặng cho tôi một bó hoa nào nữa của sự háo hức và mơ mộng. Hình ảnh của anh, cuốn sách lời anh nói khiến tôi thấy rõ hơn cuộc đời cao đẹp của anh, của nhiều người lao động lặng thầm trong lòng Sapa này, và càng tin tưởng hơn con đường tôi đã chọn. Những xúc cảm anh tặng tôi vượt lên mối tình tôi đã bỏ, bằng một thứ ánh sáng diệu kì của lòng tin đã thôi thúc tôi mạnh dạn bước tiếp con đường phía trước. Tôi muốn tặng lại cho anh một vật gì đó nên kẹp lại chiếc khăn mùi soa vào quyển sách của anh. Chiếc khăn sẽ kỉ niệm 30 phút ngắn ngủi nhưng đáng nhớ này. Vậy nhưng trong giờ phút chia tay, có lẽ không hiểu được tấm chân tình tôi gửi lại, anh trả cho tôi chiếc khăn và không quên nói lời chào. Làm sao để anh nhớ về tôi đây? Hình như anh cũng bịn rịn luyến tiếc như cả tôi và ông họa sĩ, sau khi trao cho chúng tôi một giỏ trứng ăn đường, anh vội vã quay về và mất hút trong núi rừng Sapa. Anh xuất hiện đột ngột như một cơn gió rồi biến mất vào mây nhưng những gì anh để lại không mờ nhạt chút nào.

Cuộc gặp gỡ diễn ra đã 2 năm và tôi giờ là một phần của Sapa thầm lặng. Người thanh niên ấy có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhưng dấu ấn về anh vẫn còn vẹn nguyên như ngày hôm qua. Bó hoa dơn, thược dược với đủ màu sắc đã tàn nhưng bó hoa của lòng tin và lý tưởng sống anh vô tình trao cho tôi vẫn đang còn rực rỡ cháy sáng như một ngọn đuốc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Đừng Nhìn
27/12/2019 20:35:03
Cuộc đời của mỗi chúng ta vốn có nhiều chuyến đi, có những chuyến đi khiến chúng ta mãi không thể quên bởi tại nơi đó, đã để lại cho ta nhiều bài học đáng quý. Cái chuyến đi ấy, chuyến đi lên Sa Pa cùng bác họa sĩ để rồi gặp anh thanh niên mà mãi sau này tôi không thể nào quên được. Tôi luôn kính trọng và ngưỡng mộ anh…

Xe chúng tôi sau chặng đường dài liền dừng chân tại Sa Pa. Bác lái xe nói rằng sẽ giới thiệu một anh thanh niên cho tôi và bác họa sĩ. Khi nhìn thấy anh, bất giác mặt tôi đỏ lên. Anh liền chạy lên nhà để chuẩn bị trước còn tôi và bác họa sĩ theo sau. Tới nơi, ngôi nhà thật gọn gàng, có cả những luống hoa đủ màu sắc nữa. Thấy tôi, anh liền tặng tôi bó hoa. Chắc lúc đó vì quá vui mừng mà tôi liền nhận ngay bó hoa từ tay anh. Bó hoa đó coi như là kỉ niệm cho lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Anh mời tôi và bác họa sĩ vào nhà và chúng tôi có khoảng ba mươi phút nói chuyện.

Bước vào nhà, tôi đưa mắt ngắm những đồ vật bên trong. Bất chợt tôi nhìn thấy cuốn sách anh đang đọc dở. Tôi vội tiến tới đó. Anh rót nước mời bác họa sĩ và mang đến chỗ tôi. Thấy tôi đang đọc sách, anh rất lịch sự để chén nước trên bàn. Rồi anh bắt đầu kể về công việc của anh cho chúng tôi nghe. Anh nói xong liền bảo chúng tôi kể về cuộc sống ở dưới xuôi. Nhưng bác họa sĩ lại muốn anh kể tiếp. Anh liền kể rằng mình là người “cô độc nhất thế gian” và anh rất “thèm người”. Rồi anh nói tiếp về những lẽ sống, lý tưởng sống mà anh đã chọn đồng thời kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ông kĩ sư vườn rau hay đồng chí nghiên cứu bản đồ sét. Giữa cuộc sống, trong khi còn nhiều người quen lối sống hưởng thụ, ngai chịu một cuộc sống vất vả và gian khổ thì anh ở đó, bình dị và khiêm nhường, sẵn sàng đặt chân lên đỉnh núi Yên Sơn, sẵn sàng cống hiến. Khi bác họa sĩ muốn vẽ anh, anh lại từ chối bởi anh cho rằng còn nhiều người đẹp hơn anh. Đó không chỉ là sự khiêm nhường trong bản chất con người mà suy rộng hơn đó còn là sự mong muốn, là khát khao muốn vươn lên sống đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Hình ảnh của anh nói riêng và bao con người lao động trên mảnh đất Sa Pa này khiến tôi càng tin tưởng hơn vào lẽ sống mà bản thân đã chọn.

Bởi quá yêu mến và kính trọng người thanh niên mà tôi đã kẹp chiếc khăn mùi soa vào cuốn sách của anh như để nó thành kỉ niệm cho lần đầu chúng tôi đã gặp gỡ nhau tại mảnh đất Yên Sơn này. Nhưng có lẽ anh đã không hiểu hết điều đó cho nên anh đã trả lại tôi. Ba mươi phút trò chuyện cuối cùng cũng hết và chúng tôi buộc phải chia tay anh để ra về. Chúng tôi ra về trong sự lưu luyến và bịn rịn.

Sau lần ấy cũng đã được vài năm. Tôi vẫn chưa có cơ hội trở lại mảnh đất Sa Pa để thăm lại chàng trai đó. Nhưng sự nhiệt tình, lối sống thầm lặng hiến dâng, sự khiêm nhường của anh mãi đã lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Một đất nước muốn vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình thì rất cần đến những cá nhân như thế, không vị kỉ chỉ lo nghĩ riêng cho mình mà hành động theo lẽ sống và lợi ích của cả cộng đồng!
1
0
Na Dii (Yu)
27/12/2019 20:57:09

1) xem bài của mấy bạn trên

2) Thuyết minh về cây bút bi
Trong cuộc sống của mỗi con người, đặc biệt là lứa tuổi học trò. Bút bi là một vật dụng quen thuộc vì nó đã gắn bó với chúng ta suốt chặng đường tiếp thu học vấn.

Cây bút bi là một vật dụng rất phổ biến đối với học sinh. Nó có nguồn gốc từ phương tây. Sau một thời gian dài, nó đã du nhập vào nước ta khoảng từ những năm 70,80 của Thế kỉ XX.

Bút bi có nhiều bộ phận tạo thành. Đầu tiên là vỏ bút chất liệu làm bằng nhựa (hay kim loại được phủ sơn). nó được sử dụng để bào vệ các thiết bị bên trong, ngoài ra còn làm đẹp và làm sang trọng hơn nữa cho cây bút. Thứ hai là khoảng chân không có chức năng phân cách phần vỏ bút với phần bên trong và chứa không khí. Tiếp theo là ruột bút có vai trò quan trọng trong số các bộ phận của cây bút vì nó có chứa mực (mực xanh, mực đỏ, mực đen,...) có tác dụng giữ mực để đẩy mực ra ngoài. Trong ruột bút ở phần đầu có một viên bi nhỏ để làm điều hòa lượng mực có trong bút. Ở phần vỏ có một lớp đệm làm bằng cao su mềm và dai giúp người cầm bút có một cảm giác dễ chịu, êm ái. Lò so hoặc ren để gắn kết các bộ phận. Nhìn chung, bút bi có hình dạng trụ tròn, dài. Chiều dài có kích thước khoảng 13 đến 15cm, đường kính khoảng 1cm. Màu sắc bút có rất nhiều như trắng, xanh, đen.

Về chủng loại gồm có hàng ngoại nhập và nội nhập. Có người cho rằng: "hàng ngoại nhập là tốt nhất" nhưng thực ra chưa phải là như thế. So về mặt giá cả, bút bi nội nhập có giá trung bình từ 1000 đồng đến 4000 đồng một chiếc còn bút ngoại nhập có giá từ 5000 đồng đến 10000 đồng, thậm chí còn lên đến 15000 đồng một chiếc. Về chết lượng , bút bi nội nhập và bút bi ngoại nhập cũng có cùng dung tích mực, độ bền như nhau. Nhìn chung , bút bi nội nhập và ngoại nhập cũng tương tự về mọi mặt nhưng về giá cả thì có sự chênh lệch khá lớn nên bút nôi nhập được lứa tuổi học sinh sử dụng nhiều hơn. 

Cách sử dụng bút bi thì rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần vặn nhẹ và rút nắp bút lên. Sau đó thì dặt bút xuống để viết. Nấu ực nhạt, ta chỉ cầm phần cuối thân bút vẩy nhẹ vài cái để lưu thông mực. Khi viết xong, chúng ta cần đậy nắp bút lại cẩn thận, tránh làm rớt bút.

Cây bút bi là đồ vật không thể thiếu đối với người học sinh, nó vừa tiện lợi mà cũng rất thông dụng lại hiệu quả cao cho mọi công việc. Không chỉ học sinh mà cả giới doanh nghiệp cũng cần đến bởi họ luôn phải kí những hợp đồng hay những công trình nhận thi công. Bởi lẽ thế nó luôn gắn bó với con người.

Bút bi có vai trò quan trọng trong học tập và làm việc. nó luôn có tác dụng và hiệu quả cao nên có rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng vì thế em rất yêu quý nó.

3) phát biểu cảm nghĩ về nhân vật người mẹ trong văn bản mẹ tôi​

Mẹ tôi là văn bản được trích trong cuốn truyện dành cho thiếu nhi Những tấm lòng cao cả của Ét-môm-đô đơ A-mi-xi, đây đồng thời cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Văn bản thể hiện tấm lòng cao cả của ngưởi mẹ đối với đứa con thân yêu của mình.

   Bức thư do bố En-ri-cô viết trong hoàn cảnh En-ri-cô đã có thái độ vô lễ với mẹ, người bố viết thư này giúp En-ri-cô suy nghĩ, nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.

   Để En-ri-cô nhận ra lỗi lầm của mình trước hết người cha thể hiện thái độ đau buồn, giận dữ và có phần thất vọng. Thái độ đó được thể hiện rõ qua những lời văn gay gắt, từ ngữ mạnh mẽ: “con đã thiếu lễ độ với mẹ” “bố không thể nén cơn tức giận” . Trong đoạn đầu bức thư ông đã hết sức nghiêm khắc trước những lỗi lầm của con, thậm chí ông còn cảnh cáo: “Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa”. Lời lẽ nghiêm khắc, thái độ dứt khoát dù có đôi chút nặng nề nhưng đã tác động phần nào đến nhận thức của En-ri-cô.

   Để En-ri-cô nhận ra sự thiếu lễ độ với mẹ là hoàn toàn sai trái, bức thư đã gợi lên hình ảnh dịu dàng, hiền hậu của mẹ, một hình ảnh bình dị mà vô cùng lớn lao.

   Trước hết, mẹ của En-ri-cô có tình yêu thương con sâu sắc, cao cả. Bà tận tụy, lo lắng cho En-ri-cô suốt ngày đêm trong những ngày cậu ốm: “thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con” bà cũng giống như bao bà mẹ khác, luôn quan tâm, săn sóc và hết mình vì con. Thậm chí bà còn có thể hi sinh vì con “bỏ hết một năm hạnh phúc” để “tránh cho con một giờ đau đớn” hình ảnh tương phản kết hợp với “mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con” càng làm nổi bật rõ hơn sự hi sinh, tình yêu thương của bà dành cho đứa con yêu quý của mình.

   Không chỉ yêu thương con, mẹ còn có vị trí vô cùng quan trọng với con. Mẹ là điểm tựa, là sự cưu mang, che chở trong suốt cuộc đời con: “mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay đón vào lòng”, dù có khôn lớn trưởng thành thì cũng sẽ cảm thấy yếu đuối nếu không có mẹ ở bên che chở. Nỗi bất hạnh, đau đớn nhất đối với con là không còn mẹ: “ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ”. Bằng những lời lẽ vừa tha thiết, xúc động vừa nghiêm khắc, cảnh tỉnh người cha đã cho thấy vai trò to lớn của mẹ trong cuộc đời mỗi con người và “thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó” .

   Văn bản đã cho thấy chân dung của một người mẹ có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng. Qua hình ảnh người mẹ của En-ri-cô, ta thấy người mẹ với tình yêu thương bao la, cao cả có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần phải yêu quý, kính trọng cha mẹ, đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với mình.

4) Viết một bài văn biểu cảm về người mẹ của em

“Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…”

Không biết từ bao giờ câu hát đó đã khắc sâu vào tâm trí tôi, đôi lúc nó lại vang lên vô thức làm thôi như thức nhớ lại một thuở xa xưa còn nằm trong nôi. Có thể với bạn đó chỉ là một câu hát ru bình thường như mọi câu hát khác, nhưng đối với tôi đó là cả một tình yêu thương bao la của mẹ dành cho tôi.

Mẹ của tôi có dáng người hơi gầy. Đôi vai mẹ bé nhỏ mà nặng trĩu bao lo toan. Mẹ lo ngày mai phải dậy thật sớm cất mẻ cá bán cho sớm hết hàng còn về lo cơm nước cho bố con tôi, mẹ lo gọi thằng út dậy sớm đi học vì nó hay ngủ nướng và còn nhiều nỗi lo khác, tất cả đều dồn lên đôi vai gầy guộc ấy của mẹ.

Đôi bàn tay mẹ chai sần vì phải làm lụng vất vả nuôi chúng tôi khôn lớn, cho chị em chúng tôi được đi học như chúng bạn , mặc dù kinh tế nhà tôi cũng không phải là khá già gì. Một lần tôi đi chơi về chẳng may cái áo đứt một nút. Thế là tôi nằng nặc đòi mẹ mua cho cái áo mới, còn mẹ thì nói rằng: “Chúng ta có thể sửa lại nó còn à”. Nghe vậy tôi bèn bỏ vào buồng nằm khóc thút thít. Một lúc sau, ngó đầu ra khỏi phòng, tôi chợt chạnh lòng khi ấy mẹ đang khâu lại cái áo nút áo cho tôi. Nhìn dáng mẹ hao gầy, cặm cụi với từng đường chỉ mũi kim, cảm giác bàng hoàng xâm chiếm con người tôi. Tôi thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định trước mắt tôi. Là tôi đấy ư? Một đứa con gái tưởng chừng đã trưởng thành mà lại vô tâm đến mức này ư? Tôi chợt òa khóc, muốn ôm chặt lấy mẹ và nói rằng: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm….”

Tôi thường thấy bố mẹ rủ bạn bè về nhà cùng vui vẻ, hả hê với những chai bia, bàn tán bao nhiêu chuyện…

Rồi tôi lại thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp những bát đĩa, lom khom nhặt từng vỏ chai xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước cho người chồng mệt mỏi đang nhức đầu vì say.

Tôi thấy chị cả sau một ngày học tập mệt mỏi, về đến nhà vội vàng bật quạt ngả lưng nằm ngủ.

Tôi thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức không.

Tôi thấy thằng út thích chơi điện tử , cứ đi học về nó lại bắt đầu công việc bấm bấm, dí dí mấy cái nút điều khiển.

Tôi thấy mẹ rất thích xem cải lương, vừa lau nước mắt rồi cười cho số phận đã bớt đau khổ của các nhân vật, chẳng để ý màn hình mất màu hay thỉnh thoảng lại nghe tiêng được tiếng mất.

Tôi thấy mọi người đều chỉ nghĩ về những chuyện lớn lao, thích thú của riêng mình mà lắm lúc quên đi những chuyện nhỏ xung quanh.

Tôi thấy mẹ suốt đời chắt chiu vụn vặt mà mẹ luôn dạy con mình những bài học lớn lao….

Tất cả, tất cả những điều ấy tôi thấy từ mẹ, những điều dù chỉ nhỏ nhoi đều gợi lên trong tôi những suy nghĩ về cuộc đời, về một đức hi sinh cao cả, về một tâm hồn cao thượng chỉ biết về mọi người, về những vẻ đẹp ẩn náu trong những con người bình thường, giản dị..

Mùa thu đã đến rồi, tôi thường ngắm cây hoa sữa trước cửa nhà bỗng một chiếc lá vàng buông xuống mặt đất , mang theo một nỗi luyến tiếc bâng khuâng. Tôi hốt hoảng, chợt nghĩ về một ngày nào đó mẹ tôi như chiếc lá vàng này. Tôi thầm ước: Thời gian ơi! Hãy ngừng trôi đi nhé! Để mẹ tôi mãi được ở bên tôi.

5) Phân tích bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu
 

Cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào đấu tranh chống Pháp lần lượt bị thất bại, đất nước chìm ngập trong đau thương. Bước sang đầu thế kỷ XX, hưởng ứng luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, những con người yêu nước, quyết chí dành tự do cho dân tộc lại náo nức bước vào một cuộc đấu tranh mới, theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

Phan Bội Châu xuất thân nho học song lại là người sớm có tinh thần tiên tiến, bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục) của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng. Ngày 19-1-1914, Phan Bội Châu bị bắt giam vào ngục Quảng Đông. Trước đó, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông. Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nằm trong Ngục trung thư - một huyết tâm thư tuyệt mệnh. Ngay từ đêm đầu tiên vào ngục Phan đã làm hai bài thơ Nôm (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong hai bài ấy): "Làm xong hai bài thơ tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vành, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục". Xem ra, tù ngục cũng chẳng mảy may khiến bậc trượng phu nao núng.

Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu vào bài thể hiện ngay khẩu khí của bậc anh hùng:

"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".

Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy, cổ nhân nói: Trí hơn vạn người gọi là "anh", trí hơn nghìn người gọi là "tuấn", trí hơn trăm người gọi là "hào", trí hơn mười người gọi là "kiệt". Kẻ tài trí hơn người, phong thái ung dung, đường hoàng (phong lưu) đang ngân nga tỏ chí. Hai từ vẫn trong câu thơ đầu mang đậm tính khẩu ngữ. Một sự việc nghiêm trọng (tù) được nói đến bằng một thái độ cười, cợt, xem thường. Bị giam hãm trong tù ngục (lại là tử tù!) mà cứ như khách tài tử tạm dừng chân trên chặng đường dài dặc. Hoàn cảnh dù có đổi thay, tai biến có thể đến bất cứ lúc hào nhưng chí khí thì chẳng khi nào dời đổi.

Hai câu tiếp, giọng thơ chợt chuyển:

Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu

Tác giả tự nghiệm về thân thế của mình. Một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Phan Bội Châu từng phiêu bạt khắp nơi (khi Trung Quốc, khi thì Nhật Bàn, Thái Lan). Trên hành trình lưu lạc ấy ông đã phải trải qua biết bao cay đắng, cực khổ.

Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi. Phiêu bạt, lênh đênh, chẳng được yên ổn bao giờ, con người ấy cất tiếng than cho mình cũng là đau cho nỗi đau chung của một đất nước đang mất chủ quyền. Tiếng thở dài ấy là của bậc anh hùng. Cái buồn ấy là cái buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách phi thường. Một phút ngẫm ngợi về mình để rồi lại sang sảng ca lên âm giai lãng mạn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Kinh tế - kinh bang tế thế, người chí sĩ chẳng lúc nào thôi ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời. Đây là con đường Phan đã chọn, nguyện dấn thân, vẫn là cái khẩu khí hơn người, tiếng "cười" của một người tù sao mà khoáng đạt đến thế. Đến độ ta chỉ còn thấy âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Như trong bài thơ Chơi xuân, Phan viết:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tí con con.
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà...

Hai liên giữa câu 3 - 4 và câu 5-6 của bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông đã tuân thủ khuôn mẫu của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường trong đối ý, đối lời. Sự đăng đối, hài hòa ở những câu thơ này góp phần tạo ra ấn tượng về cái vững vàng. Các cặp từ đối: bốn biển - năm châu, bủa tay - mở miệng, bồ kinh tế - cuộc oán thù khiến cho tầm vóc của người chi sĩ trở nên phi thường phù hợp với âm hưởng chủ đạo của bài thơ.

Bản lĩnh và tư thế khác người của người anh hùng yêu nước được khẳng định dứt khoát trong hai câu thơ kết bài:

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Con người ấy còn sống là còn tranh đấu đến cùng cho lý tưởng chính nghĩa của mình. Hai chữ còn ngắt ra, điệp lại càng tăng thêm sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát cho câu thơ. Ý chí thép sẽ chiến thắng hiểm nguy.

Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.

6) Kể về một người bạn tốt
 

Người bạn mà em yêu quý nhất đó chính là Mai Trang, đó là người bạn thân nhất của em, người mà em có thể thoải mái chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cũng là người em tin tưởng, yêu thương nhất. Mai Trang là một người bạn rất chân thành và nhiệt tình, em cảm thấy rất may mắn vì có Trang làm bạn của mình.

Em và Mai Trang đã làm bạn được rất nhiều năm nay rồi, bởi chúng em ở cùng trong một xóm nhỏ nên chúng em quen biết nhau từ rất sớm, chúng em cùng nhau vui đùa, chạy nhảy, cùng chơi những trò chơi dân gian đầy thú vị. Có thể nói, tuổi thơ của em và Mai Trang đều in đậm hình bóng của nhau. Chúng em trở nên thân thiết, luôn đi cùng nhau, đến quần áo cũng giống nhau, vì vậy mà mọi người thường hay nhầm lẫn em và Mai Trang, điều này có vẻ kì lạ nhưng em thấy vui lắm, điều đó chứng tỏ chúng em rất thân thiết, thân thiết đến mức mọi người nhầm lẫn chúng em với nhau.

Mai Trang là một cô gái vô cùng dễ thương và xinh xắn, bạn cao nhưng dáng người lại rất mảnh mai, không giống như em, chiều cao hơi khiêm tốn và dáng người thì hơi mập một chút. Mai Trang có một làn da trắng hồng như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, làn da sáng và khuôn mặt xinh xắn khiến cho Mai Trang nổi bật ở bất cứ đâu, dù đứng trong đám đông cũng có thể dễ dàng nhận ra bạn. Đôi mắt của Mai Trang lớn và đen láy, hàng mi thì cong vút tự nhiên trông vô cùng dễ thương, mọi người thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và em thấy rất đúng với Mai Trang, đôi mắt đẹp cũng thể hiện được con người trong sáng, hồn nhiên ở bạn.

Không chỉ có diện mạo xinh đẹp, nổi bật, Mai Trang còn là một học sinh vô cùng gương mẫu của lớp chúng em, Mai Trang học đều tất cả các môn, hạnh kiểm cũng tốt nên bạn được thầy cô và bạn bè trong lớp vô cùng yêu quý. Điều đáng khâm phục nhất ở Mai Trang là bạn không bao giờ bỏ cuộc, chẳng hạn như làm một bài toán khó, Mai Trang không bao giờ bỏ cuộc hay ỉ lại vào thầy cô mà luôn tự mình tìm cách giải quyết đề bài. Làm một lần không được bạn sẽ làm nhiều lần, làm bằng cách này không được thì bạn tìm những cách giải khác ưu việt hơn. Tính cách này của Mai Trang khiến em rất ngưỡng mộ, bởi em lại trái ngược với Mai Trang, em hay nản lòng trước những gì khó khăn và thường không thể kiên trì đến cùng.

Mai Trang luôn giúp đỡ em trong học tập, có những bài tập nào khó thì Mai Trang sẽ hướng dẫn để em có thể tự mình giải được, thay vì đưa vở bài tập cho em chép. Mọi người nếu không hiểu Trang có thể sẽ nghĩ rằng bạn ích kỉ, không muốn cho người khác xem bài tập của mình. Nhưng em lại không nghĩ như vậy, Mai Trang muốn em tự làm vì muốn cho em hiểu bài, có thể tự mình làm không chỉ bài tập này mà còn những bài tập khác nữa, phần khác Trang không muốn em ỉ lại vào mình mà trở lên lười biếng, thụ động.

Không chỉ đối với em mà với tất cả các bạn trong lớp Mai Trang đều tận tình giúp đỡ, không chỉ trong học tập mà trong cả cuộc sống. Trong học tập thì Mai Trang giúp đỡ mọi người giải quyết những đề bài hóc búa, giải đáp những thắc mắc của mọi người về nội dung của bài học, trong cuộc sống thì mai Trang thường quan tâm, để ý để giúp đỡ các bạn. Chẳng hạn như Trang vận động lớp quyên góp ủng hộ cho bạn Minh, bởi Minh là một học sinh chăm ngoan nhưng hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Trước lúc Mai Trang kêu gọi cả lớp thì chúng em không ai hay biết về hoàn cảnh của Minh cả, vì vậy mà sau sự việc ấy chúng em thêm quan tâm đến Minh hơn và cũng yêu thương sự nhân hậu của Mai Trang hơn nữa.

Với tư cách là một người bạn, Mai Trang là một người bạn chân thành, nhiệt tình với bạn bè. Trong cuộc sống cũng như trong học tập có rất nhiều những nỗi buồn, và khi có bất cứ tâm sự gì thì người đầu tiên và duy nhất em nghĩ đến lúc ấy chính là Mai Trang. Mai Trang không nói nhiều mà bạn luôn dùng những hành động ấm áp nhất để an ủi em, bạn im lặng lắng nghe, để cổ vũ tinh thần thì chỉ cần một cái vỗ về động viên thôi cũng làm em cảm thấy ấm lòng hơn. Bởi, Mai Trang hiểu rõ em hơn ai hết, cách bày tỏ cảm xúc của chúng em không bằng lời nói sáo rỗng mà chỉ bằng những hành động giản đơn nhưng đầy ấp áp như vậy đấy.

Cuộc sống tươi đẹp nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn, nó làm cho con người ta cảm thấy mệt mỏi, gục gã. Những lúc như vậy, ta rất cần một người bạn ở bên quan tâm, chia sẻ, mà đôi khi chỉ cần một người có thể lắng nghe, có thể đồng cảm thì những khó khăn, trở ngại ấy cũng không còn quá đáng sợ nữa. Bạn bè là người đồng hành cùng ta không phải chỉ trong một khoảng thời gian hữu hạn mà là người sẽ đi cùng ta đến cuối con đường. Tình bạn vĩ đại là vậy, thiêng liêng là vậy nhưng cũng sẽ nhanh chóng tan vỡ nếu như ta chỉ biết sống ích kỉ, vụ lợi. Để bảo vệ một tình bạn đẹp cần sống chân thành, yêu thương, sống không chỉ nhận mà hãy học cách cho đi.

7) Kể chuyện về một người thân của em (ông, bà, cha, mẹ,...)

Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: Trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.

Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà đẩy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.

Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà

Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.

8) Kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em​

Ở một làng nọ, có đôi vợ chồng nông dân già, tuy nghèo khó nhưng sống rất nhân hậu mà mãi vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng thương tình bèn phái Thái tử xuống đầu thai làm con của ho. Và họ đặt tên con là Thạch Sanh. Hai vợ chồng già sớm qua đời, Thạch Sanh sống một mình ở gốc đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.

Lí Thông ngồi hàng rượu thấy Thạch Sanh khỏe mạnh nên dỗ dành giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng Thạch Sanh. Vì là người tốt bụng nên Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ mà đồng ý làm em Lý Thông. Hắn đã lừa Thạch Sanh thay mình đi cúng mạng cho chằn tinh tại miếu thờ. Thạch Sanh đã giết chết chằn tinh, sau đó chàng đốt xác đó thì nhận được cây cung vàng. Nhưng lại một lần nữa, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh, cướp công của chàng và được vua ban thưởng đồng thời phong làm Quận Công. Còn Thạch Sanh lại về sống ở gốc đa.

Công chúa bị đại bàng khổng lồ bắt, Thạch Sanh thấy được, lấy cung bắn đại bàng và chàng theo dấu máu, biết được nơi cư trú của đại bàng. Nhà vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Lý Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được công chúa, và khi công chúa lên khỏi hang, hắn sai người lấp hang để giết Thạch Sanh. Và được nhà vua gả công chúa cho. Tại hang, Thạch Sanh lại cứu được con vua Thủy Tề và được vua tặng cho cây đàn thần.

Khi công chúa trở về cung, nàng chẳng nói năng gì, nhà vua rất lo lắng. Còn Thạch Sanh bị chằn tinh và đại bàng trả thù vu oan nên bị bắt giam vào ngục. Chàng bèn lấy đàn ra gảy, thì công chúa khỏi bệnh và đem mọi chuyện kể cho vua cha nghe, Thạch Sanh được minh oan, mẹ con Lý Thông tuy được tha nhưng vì độc ác nên trên đường về bị sét đánh chết hóa thành thạch sùng.

Thạch Sanh được vua gả công chúa và trở thành phò mã. Các thái tử nước chư hầu vì không được gả công chúa nên đã đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra đánh, đẩy lùi được quân 18 nước và thết đãi họ cơm trong niêu thần ăn rồi lại đầy.

Nhà vua nhường ngôi báu cho Thạch Sanh.

9) Phân tích nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long

Truyện Lặng lẽ Sa Pa được Nguyễn Thành Long sáng tác năm 1970. Tác phẩm xây dựng từ một tình huống thật đơn giản. Với câu chuyện bàng bạc chất thơ, Tác giả đã đưa người đọc đến với Sa Pa thơ mộng để cảm nhận về những con người lặng lẽ làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Nhân vật chính trong truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Suy nghĩ và việc làm của anh thể hiện một vẻ đẹp tâm hồn, một tính cách của thế hệ thanh niên. Có thể nói chất thơ của truyện không chỉ ở những hình ảnh đẹp của thiên nhiên mà còn toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật chính trong truyện - Anh thanh niên.

Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Sức thu hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người sốngvà làm việc một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh anh thanh niên ở một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: Một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Công việc của anh thật gian khổ, thật vất vả. Anh "Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất". Anh phải dậy vào lúc 1 giờ đêm, khi bên ngoài rét đến nỗi lúc vào lại không ngủ được". Anh kể "Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: Nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung" Lời kể ấy chứng tỏ anh đã nếm trải gian khổ để mà hoàn thành công việc. Nhưng cái khó khăn, thách thức lớn nhât đối với anh chính là sự cô đơn thường trực, lúc nào cũng "thèm người".

Đặt nhân vật vào hoàn cảnh thơ mộng mà gian khổ, lãng mạn mà đầy thử thách. Vậy điều gì giúp anh thanh niên vượt qua hoàn cảnh gian khổ, thử thách ấy?

Trước hết, đó chính là sức mạnh của ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc "Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất". Công việc gian khổ ấy được anh lặng lẽ hoàn thành. Anh hiểu được nhiệm vụ của anh là "Phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Được biết từ việc báo tin về một đám mây khô của anh mà bộ đội ta bắn rơi máy bay địch trên cầu Hàm Rồng, anh " thấy thật hạnh phúc. ". Tinh thần trách nhiệm đã là động lực chính để anh một mình sống, làm việc tận tụy, để anh hiểu được hạnh phúc là làm việc, là cống hiến.

Tác giả để anh thanh niên nói lên những suy nghĩ từ tiếng lòng tha thiết. Đó là những suy nghĩ sâu sắc, nghiêm túc về nghề nghiệp và về công việc. Với công việc, anh nghĩ ". . . Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được"Đó là tình yêu nghề, sự gắn bó với nghề nghiệp. Phải chăng khi ta yêu thích công việc của mình, thì công việc đem lại cho ta niềm vui, khi đó ta không còn cảm thấy đơn độc. Anh càng hiểu "Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy nhưng cắt bỏ nó đi cháu buồn đến chết mất" Rõ ràng, với anh nghề nghiệp như là lẽ sống. Phải chăng lòng yêu nghề tha thiết ấy, sự gắn bó với nghề nghiệp bằng một tình yêu sâu sắc. Tình yêu nghề đã làm anh không thấy cô đơn dù một mình anh giữa Sa Pa quanh năm với cây cỏ và mây mù.

Không chỉ suy nghĩ sâu sắc về công việc, về nghề nghiệp, anh thanh niên còn có những suy nghĩ về cuộc sống thật sâu sắc, thật trách nhiệm. Anh đã suy nghĩ " người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì. . . mình vì ai mà làm việc?" Đó, rõ ràng, là những trăn trở của anh với cuộc sống. Anh hiểu rằng là con người ai cũng phải làm việc vì sự sống của bản thân và sự sống của cộng đồng. Thật đáng quý là anh đã tách mình ra khỏi những suy nghĩ tầm thường, cách sống tầm thường "Cháu bỗng tự hỏi: cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng". Có thể nói những suy nghĩ nghiêm túc của anh thanh niên đã bộc lộ tâm hồn trong sáng, cách sống đẹp, một thái độ trách nhiệm với cuộc sống.

Anh đã chiến thắng nỗi cô đơn, sự vắng vẻ, chiến thắng hoàn cảnh bằng một cách sống thật nghiêm túc mà cũng thật lãng mạn. ở một mình nhưng ngôi nhà của anh vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Đó là ngôi nhà ba gian với cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một bàn học một giá sách. Anh nuôi gà, trứng ăn không xuể, anh trồng hoa. Trong vườn rất nhiều hoa: Hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong. Anh tìm thấy niềm vui từ những trang sách. Tóm lại, trong ngôi nhà ngăn nắp, vườn hoa, chuồng gà, giá sách. . . Những điều đó phản ánh một tâm hồn đẹp, lãng mạn. Tất cả điều đó là do anh tạo ra để chiến thắng sự cô đơn giữa Sa Pa lạnh lẽo và mây mù.

Không chỉ vượt khó để hoàn thành công việc bằng một tình yêu nghề, một ý thức trách nhiệm, anh thanh niện còn luôn quan tâm, tận tuỵ với mọi người. Anh gửi bác lại xe một gói tam thất về cho bác gái đang ốm nặng, chuẩn bị ly trà nóng cho khách đường xa, một làn trứng cho người hoạ sĩ già, tặng hoa cho cô kĩ sư trong lần gặp cũng như khi chia tay. Những cử chỉ quan tâm đó thật tự nhiên, chân thành và chu đáo. Nó thể hiện sự trân trọng yêu thương và quan tâm đến mọi người. Khi người hoạ sĩ kí hoạ về anh, anh đã giới thiệu về một kĩ sư rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào để tạo giống su hào to hơn, ngọt hơn cho nhân dân miền Bắc; một đồng chí suốt ngày chờ sét, mười một năm không một ngày xa cơ quan. . . để lập bản đồ sét cho nước ta; anh giới thiệu về người bạn trên đỉnh Pan Xi phăng xa xôi kia. . . Anh đã quan tâm đến những con người thầm lặng đang miệt mài lao động sáng tạo để phục vụ nhân dân. Anh am hiểu, ngưởng mộ, ngợi ca từng công việc, từng con người, tôn vinh sự lao động của mọi người. Ta thấy anh hiện lên bằng một đức tính khiêm nhường, một sự quý trọng lao động sáng tạo, quên mình vì hạnh phúc của nhân dân.

Đọc truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, ta như đồng cảm với tâm trạng của người hoạ sĩ khi nghĩ về anh. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm ông khó nhọc quá. Đúng là anh đáng yêu thật. Đáng yêu ở tâm hồn, ở cách sống, ở sự tha thiết với nghệ nghiệp để cống hiến. Vẻ đẹp đáng yêu ở anh thanh niên cũng là vẻ đẹp của con người mới đang hăng hái xây dựng đất nước. Vẻ đẹp mà người hoạ sĩ ví von "Thanh niên bây giờ lạ thật ! các anh chị cứ như con bướm" phải chăng đó là vẻ đẹp hồn nhiên muôn màu, có sức hấp dẫn của vẻ đẹp đa dạng và bất ngờ của thế hệ trẻ. Phải chăng từ cách sống, từ tâm hồn của anh thanh niên trong tác phẩm làm người hoạ sĩ cũng như mọi người đọc càng thêm cảm nhận mới mẻ, thêm tin yêu, thêm hy vọng vào thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước. Nguyễn Thành Long đã xây dựng một cốt truyện giản dị nhưng gợi nhiều suy nghĩ sâu xa về cách sống. Nhân vật anh thanh niên đã gợi trong lòng ta những cảm xúc đầy tin tưởng, yêu mến, trân trọng về những con người lặng lẽ suy nghĩ, cống hiến xây dựng cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.

Nếu như truyện Lặng lẽ sa pa đã ca ngợi những con người lặng lẽ làm việc và cống hiến cho Tổ quốc, thì nhân vật anh thanh niên là tiêu biểu, là trung tâm. Anh thanh niên cũng như bao người khác với công việc lặng lẽ của mình đã làm nền tảng của cuộc sống. Chính anh cũng như bao nhiêu người lao động bên ngoài cuộc sống vượt khó khăn, say mê cống hiến là những người làm nên vẻ đẹp muôn màu của cuộc đời mới. Công việc của anh, thái độ sống của anh, suy nghĩ, tâm hồn anh góp một phần làm nên chất thơ trong trẻo của tác phẩm. Và nên chăng gọi anh là anh hùng thầm lặng với chiến công thầm lặng mà người đọc cảm nhận đầy trân trọng!

10) Cảm nhận về người lính trong bài Đồng Chí của Chính Hữu
 

Người lính nông dân đã đi vào thơ ca bằng những hình ảnh chân thật và đẹp trong “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Cá nước” của Tố Hữu... nhưng tiêu biểu hơn cả là bài “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác vào năm 1948 là năm cuộc kháng chiến hết sức gay go, quyết liệt. Trong bài thơ này, tác giả đã tập trung thể hiện mối tình keo sơn gắn bó, ngợi ca tình đồng chí giữa những người lính trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi đọc bài thơ là hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan của họ. Ngỡ như từ cuộc đời thực họ bước thẳng vào trang thơ, trong cái môi trường quen thuộc bình dị thường thấy ở làng quê ta còn đói nghèo lam lũ:

                      “Quê hương anh nước mặn đồng chua,

                        Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Quê hương xa cách nhau, mỗi người mỗi nơi. Người quê ở miền biển “nước mặn đồng chua”, người ở vùng đồi núi “đất cày lên sỏi đá”. Song dù xa cách nhau, dù khác nhau, nhưng đều là quê hương của lam lũ, vất vả, đói nghèo. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy khi cuộc sống thực đã ùa vào câu thơ đem đến những cảm nhận sâu sắc về quê hương người lính.

Tuy ở những phương trời khác nhau, “chẳng hẹn quen nhau”, nhưng cùng sống và chiến đấu với nhau trong một đội ngũ, những người lính đã tự nguyện gắn bó với nhau:

                      “Súng bên súng đầu sát bên đầu

                       Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Cái rét ở rừng Việt Bắc đã nhiều lần vào trong thơ bộ đội chống Pháp vì đó là một thực tế ai cũng nếm trải trong những năm chinh chiến ấy. Có điều lạ là câu thơ nói đến cái rét gợi cho người đọc một cảm giác ấm cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Câu thơ của Chính Hữu đã diễn tả tình đồng chí thật cụ thể và cô đọng, sự gắn bó giữa những người đồng chí cùng chung nhau chiến đấu “súng bên súng”, cùng chung một lí tưởng “đầu sát bên đầu”. Sự gắn bó mỗi lúc lại càng thêm sâu sắc: Là súng bên súng đến đầu bên đầu, rồi thân thiết hơn nữa là đắp chung chăn, thành tri kỉ.

Đoạn thơ đầu của bài thơ kết thúc bằng hai chữ “Đồng chí” làm sáng tỏ thêm nội dung, ý nghĩa của cả đoạn thơ. Nó giải thích vì sao người lính từ bốn phương trời xa lạ, không hẹn gặp nhau mà bỗng trở thành thân thiết hơn máu thịt. Đó là sự gắn bó giữa những người anh cùng chung một lí tưởng chiến đấu, là sự gắn bó kì diệu, thiêng liêng và mới mẻ của tình đồng chí.

Những người lính, những đồng chí ấy ra đi chiến đấu với tinh thần tự nguyện:

                         Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

                        Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

                        Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Họ vốn gắn bó sâu nặng với ruộng nương, với căn nhà thân thiết, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ tất cả để ra đi. Nhà thơ đã dùng những hình anh quen thuộc và tiêu biểu của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng của quê hương những người lính nông dân. Giếng nước, gốc đa không chỉ là cảnh vật mà còn là làng quê, là dân làng. Cảnh vật ở đây được nhân cách hoá, như có tâm hồn hướng theo người lính.

Tác giả tả rất thực về cuộc sống của người lính. Nhà thơ không che giấu mà như còn muốn nhấn mạnh để rồi khắc hoạ rõ nét hơn cuộc sống gian lao thiếu thốn của họ. Và phải là người trong cuộc thì mới vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về người lính với một sự đồng cảm sâu sắc như vậy:

                        Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.

                       Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

                       Áo anh rách vai

                       Quần tôi có vài mảnh vá

                       Miệng cười buốt giá

                       Chân không giày

                      Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Thơ ca kháng chiến khi nói tới gian khổ của người lính thường nói rất nhiều tới cái lạnh, cái rét. Đoạn thơ thứ hai này kết thúc bằng câu “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Một sự cảm thông, chia sẻ vừa chân thành, vừa tha thiết làm sao. Người ta bảo bàn tay biết nói là thế. Hình ảnh kết thúc đoạn thứ hai này cắt nghĩa vì sao người lính có thế vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, quần áo rách vá, chân không giày, mùa đông lạnh giá với những cơn sốt rét “run người”... Hơi ấm của tình đồng chí truyền cho nhau đã giúp người lính thắng được tất cả. Hình ảnh kết thúc bài thơ chỉ có ba dòng:

                         Đêm nay rừng hoang sương muối

                        Đứng cạnh bên nhau chở giặc tới

                       Đầu súng trăng treo

Sau những câu thơ tự do đang trải dài “Đêm nay rừng hoang sương muối”... câu kết thúc thu vào trong bốn chữ làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, chắc gọn, gây sự chú ý cho người đọc. Hình ảnh kết thúc bài thơ đầy thơ mộng, cái thơ mộng của gian khố, hiểm nguy: một cánh rừng, một màn sương, một vầng trăng với hai ngọn súng, hai con người chờ giặc. “Đầu súng trăng treo” cùng là một câu thơ dồn nén và có sức tạo hình, nó đẹp như một biểu tượng chiến đấu của những người lính giàu phẩm chất tâm hồn. Đó cũng là vẻ đẹp trữ tình mới của thơ ca kháng chiến, kết hợp được súng và trăng mà không khiên cưỡng.

Toàn bài “Đồng chí” từ chi tiết cuộc sống đến cảm giác của tác giả đều rất thật, không một chút tô vẽ đắp điểm, không bình luận, thuyết minh. Bài thơ thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm người lính, vẻ đẹp của “Đồng chí” là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người lính mà nơi phát ra vầng ánh sáng lung linh nhất là mối tình đồng đội, đồng chí hoà quyện vào tình giai cấp. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” ở cuối bài nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát trong đó có sự hài hoà giữa hiện thực và lãng mạn đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

11) Biểu cảm về mái trường
 

Đêm nay, bước chân em ngập ngừng từng bậc, từng bậc. Vẫn những thanh âm ấy, những lời nhạc trầm, buồn da diết, những lời nhạc thanh thản đến vô cùng khiến mọi nghĩ suy của em ngưng lại bên thềm ngập lút bóng tối. Em đã nghe những giai điệu ấy, ngỡ như một tiếng vọng xa xưa với rung cảm đằm sâu trong lòng. Ở đâu đó, miền cảm xúc về thầy trong em dâng đầy những kỷ niệm. Và em đã đi tìm, tìm giữa mênh mông những ca từ trong trẻo để gửi đến thầy với tâm niệm: “Cuộc đời này gặp nhau là hạnh phúc”.

Những cử chỉ chăm sóc nhỏ thôi của cô giáo nhưng cũng đủ để học trò nhớ mãi. Hai năm trôi qua, quãng thời gian ấy quá dài để dòng đời bộn bề khiến người ta quên đi gương mặt nhau. Nhưng em tin, thầy vẫn có thể nhận ra khuôn mặt em trong bao thế hệ học trò ngày đó.
 Em không giỏi giang, không đặc biệt thậm chí không hương sắc như những nữ sinh khác thầy từng dạy. Em hiền, hiền như một cây viết, im lặng và mệt mài đổ từng giọt khô hanh giữa mùa đông năm ấy. Có lẽ vì thế, em nhận được sự quan tâm từ thầy hơn bao giờ hết để đến bây giờ, bước chân em đi có vấp, có ngã, có đau, có khi chệch choạc, cương quyết, lúc yếu đuối, vội vàng thì những lời thầy dạy ngày nào còn khắc sâu trong từng rãnh nhớ.
Đón nhận cái se lạnh của thời khắc chuyển mùa - thời khắc trút bỏ cái vàng rơi rớt cuối thu để chìm vào tĩnh lặng của mùa đông, em lại chợt ngỡ ngàng khao khát ngắm nhìn châu Úc rộn ràng sắc nắng nơi thầy đang làm việc.
Thầy mãi mãi là ánh sáng, những tia nắng diệu kỳ đã đến bên và soi bước em đi. Em thầm cảm ơn thầy đã dìu dắt em, có mặt bên em để em hiểu tình người mang đầy ý nghĩa như phần mềm thầy dạy.
 Góc nhỏ nơi em ngồi với tấm bảng con trắng tinh vẫn in bóng gương mặt và bàn tay thầy. Phòng học ấy giờ không hội tụ đầy đủ những gương mặt cũ xưa đã từng hồn nhiên tươi cười mỗi lần thầy phát âm tiếng Anh, không còn dáng thầy, không còn những cái nheo mày nhẹ nhàng khi em mắc những lỗi lập trình… Thế nhưng thời gian lại đong đầy trong mắt em bóng hình, giọng nói và những ân cần thầy để lại cho tất cả mọi người.
[] Có mấy ai trong lớp quên được những bài tập làm thêm thầy luôn gửi kèm một lời động viên “Đứa nào làm tốt thầy có thưởng. Cố lên để thành Bill Gates! Đứa nào chưa hiểu… thì hỏi nhé!”. Mỗi lần mở mail ra nhận bài là một lần nhận thấy lòng thầy lo cho lớp nhiều, nhiều lắm.
Đâu chỉ có thời gian chạy, thầy cũng chạy mệt nhoài để theo từng đứa chúng em. “Thầy ơi, em hỏi”, “Thầy ơi, lỗi này là lỗi gì”, “Thầy ơi, giúp em”, “Thầy ơi, thầy ơi”… bấy nhiêu cái miệng là bấy nhiêu tiếng gọi thầy thân thương mà lớp dành cho thầy. Mỗi một cái đầu là một bộ máy đầy sáng tạo khiến thầy phải làm việc không ngừng nghỉ. Vậy mà, con người cao quí ấy vẫn cười ngay cả khi 10h đêm còn có đứa hỏi bài.

Những ngày tháng đó, với em, là những ngày hạnh phúc và vui nhất, niềm vui ấy đọng thành những giọt kỷ niệm và nuôi lớn một tình cảm trong em cho đến bây giờ. Ngày thầy nghỉ dạy, cả lớp đến trung tâm ai ai cũng hỏi vì sao? Ai ai cũng buồn! Em đã từng trách thầy “Đem con bỏ giữa chợ người” dù trong lòng em đã rơi lệ cho lần chia xa ấy. Tất cả vì tốt cho em, tốt cho thầy, cho một tổ ấm gia đình – nơi thầy là niềm ngưỡng vọng của những đứa trẻ.

Mùa đông này sẽ lạnh gấp ngàn lần mùa đông năm ấy khi em không còn nhận áo thầy mặc những khi trời đổ lạnh, hắt buốt giá xuống mặt đường, không còn dáng thầy bên cạnh hướng dẫn những thuật toán thông minh, không còn những thanh âm trầm ấm mỗi buổi thầy giảng, không còn ánh mắt và sự lo Ở nơi xa xôi ấy, em mong nắng vẫn vàng lên rực rỡ. Em lặng lẽ ao ước cho con người đang miệt mài đèn sách ấy được rộn ràng hái những mùa vui về bên gia đình.
Có lẽ, khi mọi khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc trôi đi, điều cuối cùng ám ảnh và đọng lại trong em vẫn là những cảm xúc thiêng liêng đã soi sáng cuộc đời em.

Thầy ơi, em muốn nói trong trang sách quãng đời sinh viên của em, trong mối tình đầu của em, trong tình yêu cuộc đời, trong nỗ lực con đường em đi “có ánh sáng con người thầy cao đẹp”. Cảm ơn thầy, cảm ơn anh đã đi bên em trong những bước đi đầu đời.

 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×