Câu 3. Anh (chị) hãy phân tích các yếu tố cấu thành của hình thức nhà nước?
Hình thức nhà nước bao gồm:
1. Hình thức chính thể: là cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó, gồm:
- Chính thể quân chủ là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế.
Chính thể quân chủ được chia thành chính thể quân chủ tuyệt đối và chính thể quân chủ hạn chế. Trong các nước quân chủ tuyệt đối, người đứng đầu nhà nước (vua, hoàng đế,…) có quyền lực vô hạn; còn trong các nhà nước quân chủ hạn chế người đứng đầu nhà nước chỉ nắm một phần quyền lực tối cao và bên cạnh đó còn có một cơ quan quyền lực khác nữa, như nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ.
- Chính thể cộng hòa là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan được bầu ra trong một thời gian nhất định.
Chính thể cộng hòa gồm cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc. Trong các nước cộng hòa dân chủ, quyền tham gia bầu cử để lập ra cơ quan đại diện (quyền lực) của nhà nước được quy định về mặt hình thức pháp lý đối với các tầng lớp nhân dân lao động (mặc dù trên thực tế, các giai cấp thống trị của các nhà nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định nhằm hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền này của nhân dân lao động). Trong các nước cộng hòa quý tộc, quyền đó chỉ quy định đối với tầng lớp quý tộc.
2. Hình thức cấu trúc nhà nước: là sự cấu tạo của nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập những mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương với địa phương. Gồm:
- Nhà nước đơn nhất là nhà nước có chủ quyền chung, có hệ thống cơ quan quyền lực và quản lí thống nhất từ trung ương đến địa phương và có các đơn vị hành chính bao gồm tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường). VD: Việt Nam, Pháp,. . .
- Nhà nước liên bang là nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý; một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống trong mỗi nước thành viên; có chủ quyền quốc gia chung của nhà nước liên bang và đồng thời mỗi thành viên cũng có chủ quyền riêng. Ví dụ: Mỹ, Đức, Ấn Độ, ...
3. Chế độ chính trị: là tổng thể các phương pháp, thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước. Gồm:
- Dân chủ: có nhiều loại, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như những phương pháp dân chủ thật sự và dân chủ giả hiệu, dân chủ rộng rãi và dân chủ hạn chế; …
- Phản dân chủ: thể hiện tính chất độc tài cũng có nhiều loại, đáng chú ý nhất là khi những phương pháp này khi phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành những phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.